Vụ PV Phụ nữ TP.HCM bị bảo mua quan tài: Luật sư nói gì?

10/04/2016 - 07:31

PNO - Luật sư Triệu Trung Dũng – VP Luật sư Triệu Dũng và cộng sự cho biết, cần tích cực đề nghị cơ quan điều tra vào cuộc để bảo vệ nhà báo.

 PV: Xin ông cho biết, hành vi đe dọa qua điện thoại đối với PV Báo Phụ nữ có vi phạm pháp luật? Trong trường hợp đối tượng đe dọa cũng chính là đối tượng vi phạm trong vụ việc PV Báo Phụ nữ đã phát hiện thì đây có được xem là tình tiết tăng nặng khi xử phạt?

LS Triệu Trung Dũng: Theo quy định điểm đ Khoản 1 Điều 15 Luật Báo chí về quyền của nhà báo: “đ) Được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp. Không ai được đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật”.

Như vậy, việc đối tượng gọi điện đến đe dọa, uy hiếp phóng viên là trái với quy định của pháp luật và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Hành vi của đối tượng không thể coi là tình tiết tăng nặng khi xử phạt hành vi thuộc vụ việc mà báo Phụ nữ đã đưa tin bởi cấu thành của những hành vi này là cấu thành của những vi phạm khác nhau. Hành vi đe dọa này không thuộc các trường hợp quy định về tình tiết tăng nặng tại Điều 10 Luật xử lý vi phạm hành chính.

Vu PV Phu nu TP.HCM bi bao mua quan tai: Luat su noi gi?
Luật sư Triệu Trung Dũng
PV: Theo ông, cần phải làm gì để bảo vệ nhà báo trong trường hợp này, cơ chế bảo vệ PV của chúng ta hiện nay có đủ mạnh?

LS Triệu Trung Dũng: Trong trường hợp này, báo Phụ nữ và cơ quan chủ quản cần tích cực yêu cầu chính quyền, cơ quan Cảnh sát Điều tra xác minh, điều tra hành vi đe dọa, uy hiếp tinh thần của đối tượng này đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo Điều 103 Bộ luật hình sự hay chưa hay hành vi này cần phải xử lý tại Điều 7 Nghị định 159/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản để bảo vệ nhà báo, phóng viên theo quy định tại Điều 2 và Điều 15 Luật báo chí.

Hiện nay pháp luật đã có những quy định để bảo vệ danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, tính mạng của công dân nói chung và nhà báo nói riêng tại Bộ luật Hình sự như: Điều 93-Tội giết người; Điều 103 - Tội đe dọa giết người; Điều 104 - Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, Điều 121 - Tội Làm nhục người khác… Nghị định 159/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong hoạt động báo chí, nhất là Điều 7 quy định cụ thể về hành vi Cản trở trái pháp luật hoạt động báo chí. Nhưng việc phóng viên, nhà báo bị hành hung, đe dọa vẫn xảy ra.

Vậy thiết nghĩ, cần có những quy định đặc thù, xử lý nghiêm khắc hơn để bảo vệ quyền của nhà báo, phóng viên trong hoạt động báo chí, hơn chỉ là mức phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng.

>>Thâm nhập lò gạch 'thổ phỉ': Thanh tra xây dựng đòi 250 triệu đồng 'bảo kê'

>>Thâm nhập lò gạch "thổ phỉ" HN: Ai chỉ đạo hối lộ thanh tra?

>>Thâm nhập lò gạch "thổ phỉ" HN: Vì sao chính quyền địa phương buông?

Huyền Anh (ghi)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI