Thâm nhập lò gạch "thổ phỉ" HN: Vì sao chính quyền địa phương buông?

23/03/2016 - 07:40

PNO - Họ biết cả, chẳng qua họ phải “bơ” đi coi như không thấy gì cho mình kiếm ăn. Mình càng kiếm tốt thì họ càng no ấm hơn thôi.

Chúng tôi hỏi nhiều chủ lò gạch “lậu” ở H.Sóc Sơn: “Có ai đốt gạch “lậu” ở địa phương mà chính quyền không biết?”, các ông chủ lò đều nhếch mép: “Làm gì có chuyện hoang đường như thế! Con ruồi bay qua người ta còn biết là con đực hay con cái nữa là cái lò gạch xây trên khu đất rộng mấy hecta? Họ biết cả, chẳng qua họ phải “bơ” đi coi như không thấy gì cho mình kiếm ăn. Mình càng kiếm tốt thì họ càng no ấm hơn thôi. Chủ lò nào cố tình không hiểu “luật chơi”, đều bị “gõ” đến nơi đến chốn”.

Trốn tránh trách nhiệm

Chúng tôi hỏi vợ chồng A Khang - A Dung, chủ thầu Trung Quốc, từng xây hàng chục lò vòng trái phép ở khắp Sóc Sơn, Hưng Yên: “Anh chị sống, làm việc chui lủi ở Việt Nam thế này không sợ bị công an (CA) bắt, phạt?”. A Khang hồn nhiên đáp: “Cái này chủ lò phải lo. Tao bị bắt thì ai xây lò cho? Chủ nào cũng phải lo lắng cho sự an toàn của bọn tao. Có bị phát hiện thì chủ lò cũng “làm luật” để bọn tao không bị sao hết. Sau này chuyển sang xây lò bên ấy, Thu cũng phải tính trước đi nhé! Tao nhận tiền công trước và không chịu trách nhiệm nếu bị phát hiện, đuổi về nước đâu. Lúc lò đi vào hoạt động cũng cần tao lắm đấy!”.

Theo A Khang, lò vòng xuất xứ từ Trung Quốc, không ai đem bán công nghệ bằng bản vẽ. Họ chuyển giao bằng kinh nghiệm bản thân đúc kết trong nhiều năm. A Khang kể bằng giọng lơ lớ: “Tao sang Việt Nam xây lò khoảng chín năm, cũng nhiều lần bị bắt rồi, nhưng họ lại lo lót để tao ra. Mỗi lò tao tính công xây dựng và chuyển giao công nghệ là 500 triệu đồng”.

Tham nhap lo gach
A Khang - chủ thầu người Trung Quốc từng xây hàng chục lò vòng trái phép ở khắp Sóc Sơn

Chúng tôi liên hệ với CA H.Sóc Sơn để cung cấp thông tin, đồng thời tìm hiểu lý do vì sao có một nhóm người nước ngoài sinh sống, làm việc trên địa bàn mà lực lượng an ninh “án binh bất động”. CA H.Sóc Sơn phủ nhận chuyện nhóm thợ người Trung Quốc từng có mặt ở địa bàn và xây dựng lò vòng trái phép trong một thời gian dài. CA khẳng định, nhóm thợ này vừa xuất hiện sau khi báo ra. Họ không xây dựng gì mà chỉ tham quan lò gạch...

Ngày 11/3, PV liên hệ với ông Lê Ngọc Ly - Trưởng CA H.Sóc Sơn để hỏi về trách nhiệm trong công tác nắm tình hình an ninh tại địa phương, ông Ly cá o bận. Gọi điện thoại để đặt lịch làm việc, ông Ly không nghe máy. PV đến trụ sở CA huyện, ngồi gần một ngày để chờ ông Ly họp xong nhưng đến cuối ngày ông vẫn “né”. PV nhắn tin, ông Ly không trả lời.

Được biết, sau khi báo Phụ Nữ đăng tuyến bài, những lò đang xây dựng đã dừng lại, nhóm thợ Trung Quốc di tản mỗi người một nơi. A Khang gọi điện thoại cho chúng tôi hỏi: “Chị đã san ủi xong mặt bằng chưa để tao sang làm cho?”. A Khang cho biết đang ở Hưng Yên: “Bị CA phát hiện rồi nên phải tạm lánh”.

Chiều 18/3, Thiếu tá Nguyễn Sỹ Dũng, Đội trưởng Đội an ninh H.Sóc Sơn được giao trả lời PV về những vấn đề đã nêu trước đó. Ông Dũng vanh vách như đọc báo cáo: “Qua thông tin kiểm tra, nắm tình hình cũng như căn cứ báo cáo từ cơ sở, CA H.Sóc Sơn xác định có hai người Trung Quốc là một cặp vợ chồng có mặt tại xã Bắc Phú. Thời điểm nhập cảnh vào địa bàn là ngày 12/3, theo visa du lịch có thời hạn từ tháng 2-5/2016. Chúng tôi xác định họ đến theo lời nhờ của chủ lò Đào Văn Thanh để chỉ đạo kỹ thuật, hướng dẫn việc xây dựng lò vòng.

Ngày 12/3, sau khi nhận được tin báo từ địa bàn về việc hai người này vừa đến, CA đã đến làm việc, lập biên bản yêu cầu chủ cơ sở chấm dứt ngay việc mướn người nước ngoài. Nhóm người này chưa có giấy phép lao động đối với người nước ngoài, hợp đồng lao động. Do đó, cơ quan công quyền đã yêu cầu chủ lò chấm dứt việc thuê mướn họ, đồng thời hướng dẫn nhóm người Trung Quốc này tới cơ sở có đủ điều kiện lưu trú cho người nước ngoài. Hiện toàn bộ hồ sơ sau khi được hoàn thiện đã bàn giao lại cho Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (PA72, CA TP. Hà Nội) để xử lý theo thẩm quyền”.

Khi PV chất vấn về thời gian nhóm thợ Trung Quốc làm việc tại Sóc Sơn đã lâu, có hình ảnh, clip ghi lại, ông Dũng vẫn khẳng định nhóm thợ xuất hiện ngày 12/3 để hướng dẫn kỹ thuật chứ không làm việc.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI