Nhớ người một thuở vàng son
Giai đoạn từ giữa thập niên 50 tới giữa thập niên 70, cải lương gần như chiếm ngự đời sống văn hoá giải trí miền Nam. Những "kép", những "đào", nào "lẳng", nào "thương"... mỗi đêm kéo một lượng lớn khán giả Sài thành đến với rạp hát, nhộn nhịp như các cuộc hội hè mỗi mùa xuân.
Sau lớp đi trước như Út Trà Ôn, Thành Được, Hữu Phước... cải lương miền Nam ghi dấu ấn trong giới mộ điệu với một thế hệ "giọng ca vàng" tiếp nối: Minh Vương, Lệ Thuỷ, Thanh Kim Huệ, Châu Thanh, Phượng Hằng...
Họ, mỗi giọng ca là một dấu ấn riêng biệt mà chỉ cần vừa cất lên tiếng hát đầu tiên, khán giả đã nhận ra đó là ai. Khác với tân nhạc, "đất" của cải lương rộng lớn, đủ để mỗi người vẫn là đào chánh, kép chánh và đều có "vùng" cát cứ của riêng mình.
Thuở vàng son ấy, tiếng hát họ là đời sống tinh thần của giới mộ điệu.
Bài 1: NSƯT Phương Hồng Thuỷ: Cuối đời vẫn có người trầm ngâm một góc nghe mình ca
Bài 2: Những ngả rẽ định mệnh của nghệ sĩ cải lương Châu Thanh
Bài 3: NSƯT Minh Vương - Ông hoàng đa tình
Bài 4: NSƯT Phượng Hằng: Ngoảnh lại, đến mái nhà cũng không có
Bài 5: Nghệ sĩ cải lương Thanh Hằng: 'Tôi mong được chết trên sân khấu'
Bài 6: Nghệ sĩ cải lương Thoại Miêu: ‘Tôi ám ảnh và sợ hôn nhân đổ vỡ’
Bài 7: Nghệ sĩ Kim Tử Long: ‘Tôi luôn biết mình đứng ở đâu'
|
"Không thể cứu sống cải lương chỉ bằng một tiếng vỗ tay"
- Chị từng gác lại những show diễn ở Mỹ để về Việt Nam làm giám khảo gameshow về cải lương với suy nghĩ muốn chung tay vực dậy cải lương vốn bị xem là “chết rồi” trong nhiều năm qua. Vậy ở thời điểm hiện tại, chị nhận thấy cải lương đã có dấu hiệu "hồi sinh" chưa?
Tôi đã hủy nhiều show diễn tại hải ngoại lẫn trong nước, thậm chí không còn thời gian dành cho bản thân, bởi tôi nhận thấy gameshow hiện nay rất nhiều nhưng sân chơi dành cho cải lương thì không có. Trong khi các tiết mục về cải lương trong những chương trình truyền hình đều được công chúng yêu thích nên khi nhận lời mời làm HLV một chương trình về cải lương, được làm đúng công việc của mình, tôi rất đam mê và hứng khởi.
Khi đi diễn ở trong nước lẫn hải ngoại, tôi nhận thấy khán giả vẫn còn yêu mến cải lương nhiều lắm và thực sự mà nói thì cải lương “chưa chết” như một vài người nói, chỉ là không có sân chơi cho các em thể hiện tài năng. Cải lương không có một rạp hát dành riêng cho mình, nghệ sĩ không có thời gian tập tuồng như ngày xưa, ai cũng vội vội vàng vàng chạy theo “cơm áo gạo tiền”, cũng không được sự hỗ trợ nhiều...
Bây giờ, cải lương lâu lâu mới có 1 suất diễn, mà phải “chui” vô rạp kịch hay chỗ này chỗ kia để hát nên người ta đâu có biết, cho nên cải lương bị thiệt thòi nhiều. Vì vậy để “cứu sống” cải lương thì tôi nghĩ chỉ một tiếng “vỗ tay” thì khó lắm, cần phải có sự chung tay của nhiều người.
- Được làm nghề ở thời hoàng kim của cải lương, chị có nghĩ mình may mắn? Nếu để nói về nghệ thuật cải lương ở thời điểm hiện tại, điều gì khiến chị phải chạnh lòng và suy nghĩ?
May mắn chứ, tôi vào nghề kịp thời điểm cải lương đang khá “hot”, còn bây giờ cải lương gọi là “chết” thì cũng không hẳn, mà “sống” thì cũng chưa đủ.
Tôi may mắn đến thời điểm vẫn còn sống được với nghề, được ăn cơm Tổ và có show diễn đều đặn từ trong nước lẫn hải ngoại. Tôi chỉ sợ mình không còn sức để đi thôi nên tôi mong mình có nhiều sức khỏe để tiếp tục cống hiến cho nghề, trả ơn Tổ.
Bây giờ, tôi chỉ tha thiết rằng được Nhà nước, cấp trên quan tâm thêm đến cải lương, tạo thêm nhiều sân chơi, sân khấu; các anh em nghệ sĩ thì hết lòng yêu nghề và cùng chung tay góp sức để bộ môn nghệ thuật này “hồi sinh”, nghệ sĩ được làm nghề và sống được với cải lương.
Clip Thoại Mỹ hát ca khúc Tình thắm duyên quê:
- Tâm huyết với nghề như vậy, chị làm gì để truyền lửa đam mê cho các bạn trẻ yêu nghề tiếp nối nghệ thuật cải lương?
Tôi truyền lửa cho các bạn bằng cách tực hiện những show diễn, MV hoặc album để các em tham gia và có cơ hội tiếp cận khán giả, tiến từng bước với nghề. Điển hình là những thí sinh bước ra từ cuộc thi Đường đến danh ca vọng cổ do tôi huấn luyện, hiện các em đều được công chúng đón nhận, được mời show. Khi nghe các em khoe rằng: “Chị ơi, lúc này em đi show lương em lên rồi chị, lương em cao, cuộc sống ổn định rồi chị, em mừng lắm!”... tôi nghe tôi cũng vui lây! Ngày xưa các em đi hát có 50 – 100 ngàn mà có chỗ người ta còn không cho vô hát, nhờ những chương trình truyền hình như vầy mà các em bây giờ đi làm kiếm cơm được.
Khi tôi ngồi làm giám khảo chấm thi cho thí sinh trong những gameshow truyền hình, tôi luôn thẳng thắn góp ý để các em nhận ra khuyết điểm, tôi không lo ngại áp lực từ dư luận để nói những lời hoa mỹ giả tạo trên sóng truyền hình. Tôi không thể dối lòng mình nên cũng không sợ bị khán giả chửi bới khi thẳng thừng chê thí sinh, bởi tôi thực sự muốn tốt cho các em.
- Tự tin khi ngồi ghế nóng chương trình về cải lương nhưng nếu có lời mời chị làm giám khảo một gameshow thuộc lĩnh vực khác, chị có ngại khán giả sẽ cho rằng chị không đủ chuyên môn để nhận xét?
Cũng hơi ngại chứ! Khán giả mình hay nghĩ nghệ sĩ lấn sân này nọ nhưng họ quên rằng chúng tôi cũng có kiến thức chung. Dù tôi là nghệ sĩ cải lương nhưng về thanh nhạc, tôi cũng được học, chẳng qua là chúng tôi có năng khiếu về cải lương nên theo đuổi bộ môn này chứ nghệ sĩ nào cũng có kiến thức nhất định về nghệ thuật. Ngại nhưng nếu được mời, tôi vẫn sẽ nhận lời làm giám khảo một chương trình nào đó không thuộc chuyên môn bởi theo tôi, tất cả đều là nghệ thuật.
- Ngày xưa khi bén duyên với cải lương, có bao giờ chị nghĩ mình sẽ “sống chết” với bộ môn nghệ thuật này cho đến hiện tại?
Thực sự là không, ngày đó dù đã đứng trên sân khấu hát rồi nhưng tôi vẫn không biết gì hết, cơ duyên đến với tôi rất bất ngờ, khi đoàn hát thiếu người, chị Thoại Miêu hỏi tôi có dám hát hay không và tôi liều mình gật đầu. Sau này tôi mới bắt đầu đi học và thi vô trường Trần Hữu Trang rồi theo nghề đến bây giờ. Gia đình tôi lúc đó cũng ủng hộ, bên cạnh đó tôi được đi theo chị Thoại Miêu học nghề nên càng thấy thích.
Tôi may mắn là từ lúc vào nghề đến giờ chưa bị ai ức hiếp hay trải qua khó khăn gì lớn. Đến khi về nhà hát Trần Hữu Trang cùng chị Thanh Hằng, hai chị em tôi chịu áp lực dữ lắm từ khán giả bởi họ đã quen với bộ đôi nghệ sĩ Vũ Linh – Thanh Thanh Tâm, nhưng rồi chúng tôi cũng vượt qua. Tôi quan niệm làm trong nghề này, mình nên biết vị trí của mình ở đâu thì tốt hơn, của mình là của mình, tới đó là tới đó, có muốn vượt hơn hay tranh giành cũng không được.
- Đóng cặp và diễn xuất mùi mẫn trên sân khấu với nhiều đồng nghiệp nam là vậy, nhưng đã bao giờ chị rung động trước một ai đó...
Cái này thì chưa (cười). Lúc còn học trong trường mới mười mấy tuổi thì tôi và anh Kim Tử Long có tình cảm với nhau nhưng đến khi ra trường thì hết rồi, chúng tôi xem nhau như anh em, bạn bè đồng nghiệp. Và từ đó đến giờ, tôi cũng chưa rung động với một người nghệ sĩ nào mà bây giờ già rồi thì chắc là không luôn (cười). Tôi phải cầu xin Tổ nghiệp dữ lắm, cầu xin cho con được làm nghề thôi chứ đừng vướng chuyện tình cảm.
Clip Thoại Mỹ song ca cùng Kim Tử Long:
Mất hết tất cả chỉ sau một đêm thức dậy
- Từng có một tuổi thơ vất vả và quá khứ nhiều nước mắt, nhìn lại, chị thấy mình thay đổi ra sao sau chuỗi ngày khốn khó đã qua?
Khổ cũng quá nhiều, gian truân cũng quá nhiều, thấm thía dữ lắm rồi... cái gì tôi cũng đã trải qua, đã chịu đựng được cho nên tôi nghĩ, cuộc sống cần có gay go, gian nan thì mới có thành công. Khi vấp ngã, tôi cũng buồn và đau lắm chứ, tôi có thể nằm khóc nhiều ngày nhưng rồi tôi hiểu đó là điều tất nhiên, cuộc sống phải như vậy nên không thể vì khó khăn đó mà mình gục ngã.
Tôi tin vào giáo lý nhà Phật, nghiệp ai nấy trả nên vui vẻ vượt qua. Cho nên, thời trẻ khi giận, tôi thường bộc trực, ào ào thể hiện cá tính của mình nhưng thời gian sau này, tính tôi đằm thắm lại, tôi không nói gì mỗi khi nóng giận vì rủi mình lỡ lời thì không hay. Tôi kiềm chế lại lời ăn tiếng nói của mình để biết chấp nhận và bỏ qua những gì có thể cho cuộc sống dễ chịu, nhẹ nhàng. Việc giận dỗi, buồn bực một ai đó với tôi bây giờ chỉ khiến bản thân tôi thấy mệt thêm, thành ra thôi! (cười).
- Trong những thời đoạn gian khó đã qua, đâu là thời điểm chị thấy cuộc đời mình tối đen nhất, khiến chị mất niềm tin vào cuộc sống?
Cuộc đời tôi nhiều thời đoạn không tìm thấy “ánh sáng” lắm nhưng lúc tôi thấy mọi thứ như đóng sập lại trước mắt mình là khi tôi đang có tất cả, từ danh tiếng, nhà cửa đến tiền bạc, rồi chỉ sau 1 đêm, tôi mất hết mọi thứ. Tôi mất chồng, mất gia đình nhỏ và mất hết những gì mình đã gầy dựng, chỉ còn cái nghề ở lại.
Lúc đó, tôi mới hai mươi mấy tuổi và sự đổ vỡ trong cuộc hôn nhân đầu là thất bại lớn nhất của đời tôi. Bởi, tôi đã vươn lên từ một quá khứ rất là khổ, để rồi tạo dựng và ôm ấp được chút thành quả nhưng chỉ sau 1 đêm đến sáng thì lại mất... nó quá nhanh! Tôi ra đi với hai bàn tay trắng, chỉ còn mỗi bộ đồ và cái giỏ đi làm, không còn gì cả...
Sau đó, tôi lại bị tai nạn nghề nghiệp những tưởng đâu phải bỏ nghề chỉ vì không có tiền để bó chân bị gãy. Lúc đó, tôi ráng lướt qua cơn đau để đi diễn, chân bó được ngày nào thì hay ngày đó, vì vậy mà chân tôi ngày càng yếu, teo tóp và không đứng nổi. Bác sĩ bảo chân tôi phải mổ mới cứu được nhưng mổ xong không biết có thể tiếp tục nhảy múa, theo nghề được không... Rồi sau đó, sức khỏe yếu nên tôi đi diễn hay bị ngất xỉu phải hủy show, thu nhập không ổn định.
Đến khi chân dần mạnh lại, có chút sức khỏe đi hát thì ba tôi lại qua đời, thêm một nỗi đau dồn dập, bao vây lấy tôi! Vài tháng sau đó, chân lại đau, lại phải mổ tiếp một đợt nữa, rồi bị thêm bệnh viêm họng, bác sĩ cảnh báo tôi có nguy cơ không thể hát được...v..v... Khi đang ở đỉnh cao của sự nghiệp mà tai ương cứ ập vào tôi như thế...
- Như chị vừa chia sẻ, chị mất hết tất cả chỉ sau 1 đêm thức dậy, mất chồng, mất gia đình nhỏ và ra đi với hai bàn tay trắng... vì đâu nên nông nổi đó thưa chị?
Thực sự tôi chưa từng nghĩ rằng mình sẽ ly dị chồng. Khi vợ chồng tôi lục đục, tôi trình bày với ba mẹ chồng rằng tôi muốn về nhà bố mẹ ruột ở một thời gian để chồng tôi cảm nhận được sự thiếu vắng vợ mà thay đổi và tự thức tỉnh lại bản thân. Tôi không ngờ rằng khi tôi đi thì chồng lại chấp nhận cho đi và không cho tôi trở về nhà nữa.
Lúc đó tôi cũng tự ái, đến việc quay về nhà lấy quần áo tôi cũng không về. Thậm chí những hình ảnh, huy chương của tôi, thay vì đưa trả cho tôi thì anh ấy lại đem bỏ, rồi người ta nhặt lại mang về đưa tôi. Tôi đã ra đi với hai bàn tay trắng như thế!
Trước đó, vợ chồng tôi cũng đã có mâu thuẫn kéo dài hơn 1 năm, chúng tôi cũng đã ra tòa ly dị nhưng anh ấy xin lỗi và tôi lại cho cơ hội. Nhưng rồi, tôi không thấy chồng thay đổi mà cứ tiếp tục phạm lỗi, tôi nói mà anh không nghe, cứ làm cho tôi đau khổ đến mức đã có lúc tôi phải uống thuốc tự vẫn. Lúc đó, tôi nghĩ chỉ có 1 con đường duy nhất là chia tay và tự thân tôi vực dậy tinh thần của mình.
|
Nghệ sĩ Thoại Mỹ và nghệ sĩ Vũ Linh |
- Phải nói đám cưới của chị ngày trước từng là mơ ước của nhiều nghệ sĩ lẫn khán giả bởi độ hoành tráng và rình rang, vậy thì sau khi hôn nhân tan vỡ, chị có cảm thấy chạnh lòng khi đối diện với đồng nghiệp từng ngưỡng mộ hạnh phúc của chị?
Có chứ... cho nên tôi ít khi trả lời về chồng cũ, ai hỏi lý do vì sao chia tay, tôi chỉ nói là không hợp thôi. Nhưng mà, dẫu tôi có chết lên chết xuống, điêu tàn thế nào thì khi bước ra ngoài, tôi cũng không để cho ai thấy điều đó.
Thậm chí, tôi từng đi vô chùa nhờ thầy xuống tóc nhưng sư thầy từ chối và bảo rằng: “Thôi, thầy xuống tóc cho con rồi con nhìn vào gương, con còn buồn nữa. Con sẽ không đi làm được nên thôi gá kéo cho con”, tức là cắt 1 ít tóc của tôi thôi. Rồi tôi bắt đầu tìm đến Phật pháp để được tĩnh tâm.
- Mất bao lâu thì tâm hồn chị mới thực sự bình yên và có thể mở lòng đón nhận một người khác?
Vài năm sau đó thì tôi cũng có quen người khác nhưng tôi thấy số mình sao sao đó, sau 1 thời gian tìm hiểu lại thấy không an toàn nên tôi ngưng ngay. Do tôi bị mất niềm tin vào tình cảm, tin người rồi lại bị người lừa dối, nói chung tôi thấy mình không may mắn trên đường tình.
Sau tất cả, tôi nhận ra điều giúp tôi vực dậy tinh thần chính là nhờ cái nghề của mình, nghề diễn đã cho tôi có lại cuộc sống. Sau mỗi lần đổ vỡ tôi thấy mình kiệt sức, buồn quá khóc miết nên hát không nổi, thân hình thì xơ xác, học bài không thuộc... mà tâm lý đang buồn, khi lên sân khấu diễn, tôi không khóc được những cảnh buồn, giống như bản thân mình đã quá buồn nên nước mắt không rơi được nữa, tâm trí cũng không tập trung được! Lúc đó tôi tự hỏi tại sao mình lại phải kiệt sức như vậy? Mình không thể để sự nghiệp bị ảnh hưởng hay vứt bỏ nghề của mình.
|
Nghệ sĩ Thoại Miêu là người dẫn dắt Thoại Mỹ vào nghiệp ca diễn
|
Cái nghề này tôi có được là do cha mẹ, thầy cô, chị tôi cho tôi có công việc để tự nuôi sống bản thân và lo cho gia đình mà tại sao bây giờ mình lại để bản thân như vậy, trong khi nghề đâu có bạc đãi mình?
Trong tình cảm, tôi là một người phụ nữ nhưng đôi lúc tôi cũng đóng vai người đàn ông. Tôi rất cứng đầu và hơi lỳ nên dù thế nào tôi cũng không đổ lụy ra để người ta phải lo cho mình. Tôi không đòi hỏi người đàn ông quá cao và phải lo cho tôi, chỉ cần 2 người cùng chung tay làm để vun đắp hạnh phúc là đủ.
- Phụ nữ cứng đầu và lỳ lợm thì phần thiệt thường thuộc về mình, chị có nghĩ vậy không?
Nói chung, phụ nữ ai cũng muốn có một bờ vai để che chở cho mình, hay đôi lúc mình cũng muốn được làm con mèo để được ôm ấp, ve vuốt nhưng không vì như vậy mà mỗi khi vấp ngã, mình không đứng dậy được để người ta phải thương hại, tôi không phải như vậy.
- Trở về nhà và đối diện với 4 bức tường mỗi ngày, có khi nào trong sự cô độc đó, chị nghĩ mình sẽ một lần nữa tìm kiếm bờ vai hay thậm chí là một đứa con cho riêng mình?
Tôi tin vào Phật pháp và để mọi thứ tùy duyên, cái gì nó đến thì đến, không tìm kiếm mặc dù là nhiều người thương mình. Thật sự mà nói tôi cũng khó có con lắm, do cơ địa tôi hiếm muộn. Tôi đã đi khám bác sĩ rồi nhưng chính bác sĩ cũng nói, tôi có bệnh gì đâu mà chữa, mọi thứ đều bình thường.
Tôi đi chùa được quý sư thầy khuyên nhủ đừng buồn. Thi thoảng tôi cũng thèm đứa con lắm, nhưng mà mình không có được hay là kiếm chưa được... Bây giờ tôi cũng lớn tuổi rồi, thích thì thích đó nhưng để đi kiếm đi tìm thì liệu mình có còn sức lo cho con mình không?
Tôi chỉ cầu mong khi lớn tuổi, đừng có bệnh hoạn để khổ cho mình và khổ cho gia đình. Nếu có đi thì ra đi nhẹ nhàng... khi niệm Phật tôi thường cầu nguyện như vậy.
- Nếu được quay lại quá khứ và thay đổi một sự việc nào đó thì chị sẽ chọn thay đổi chuyện gì?
Đó là sự tan vỡ cuộc hôn nhân... Mặc dù lúc đó cứng rắn thiệt nhưng giá như ngày ấy tôi đừng vội vàng, đừng quá cứng nhắc và biết suy nghĩ 1 chút thì sẽ tốt hơn. Ngày đó, tôi khó tính lắm, khi đã quyết điều gì thì thường không thay đổi, dù tôi có cho chồng cơ hội nhưng đã nói thì tôi sẽ làm. Cho nên giá như tôi có thể mềm mỏng một chút, biết cân nhắc một chút nữa thì tôi nghĩ sẽ không đến nông nổi này.
- Được biết, nghệ sĩ cải lương ngày trước được khán giả mến mộ đến nổi được tặng nhà, tặng xe, bản thân chị thì sao?
Việc khán giả tặng nhà, tặng xe cho nghệ sĩ là chuyện bình thường, tôi cũng được tặng chút chút (cười). Có nhiều người cô, người chú thương mến tài năng nghệ sĩ thật sự nên tặng chứ không phải vì tình cảm sai lệch. Nhưng với tôi thì không phải là được khán giả mang nguyên căn nhà đến cho, mà họ sẽ cho mình công việc gì đó để mình có thể kiếm tiền mua nhà hoặc tạo điều kiện cho mình mua được căn nhà với giá rẻ chẳng hạn...
- Thời đỉnh cao, cát-sê chị nhận được như thế nào?
Một đêm tôi có thể kiếm được hơn cây mấy vàng, thời mà giá vàng chỉ khoảng 3 triệu mấy – 4 triệu. Tôi kiếm được tiền nhiều lắm nhưng “thuyền to thì sóng lớn”, mình làm ra bao nhiêu rồi cũng đầu tư cho sự nghiệp lại bấy nhiêu.
- Mơ ước lớn nhất hiện tại với chị là gì sau nhiều biến cố trong cuộc sống?
Tôi chỉ cầu mong sức khỏe được bình an, không bệnh tật gì, cầu mong Tổ nghiệp còn thương, chiếu hào quang cho tôi tiếp tục nghiệp diễn để được làm nghề chân chính, được khán giả yêu mến và sẽ hát đến khi nào không còn có thể. Và nếu có kiếp sau thì xin cho con vẫn được làm nghệ sĩ!
Thanh Hương thực hiện