NSƯT Phượng Hằng: Ngoảnh lại, đến mái nhà cũng không có

08/08/2017 - 06:00

PNO - "Những ngày tháng sống cùng anh chị em trong đoàn, chung một mái ấm, tôi luôn nghĩ đó là nhà của mình. Vì vậy khi rời đoàn, tôi chông chênh không có điểm tựa, không nơi ở..." - NSƯT Phượng Hằng nhớ lại.

Nhớ người một thuở vàng son

Giai đoạn từ giữa thập niên 50 tới giữa thập niên 70, cải lương gần như chiếm ngự đời sống văn hoá giải trí miền Nam. Những "kép", những "đào", nào "lẳng", nào "thương"... mỗi đêm kéo một lượng lớn khán giả Sài thành đến với rạp hát, nhộn nhịp như các cuộc hội hè mỗi mùa xuân.

Sau lớp đi trước như Út Trà Ôn, Thành Được, Hữu Phước... cải lương miền Nam ghi dấu ấn trong giới mộ điệu với một thế hệ "giọng ca vàng" tiếp nối: Minh Vương, Lệ Thuỷ, Thanh Kim Huệ, Châu Thanh, Phượng Hằng... 

Họ, mỗi giọng ca là một dấu ấn riêng biệt mà chỉ cần vừa cất lên tiếng hát đầu tiên, khán giả đã nhận ra đó là ai. Khác với tân nhạc, "đất" của cải lương rộng lớn, đủ để mỗi người vẫn là đào chánh, kép chánh và đều có "vùng" cát cứ của riêng mình. 

Thuở vàng son ấy, tiếng hát họ là đời sống tinh thần của giới mộ điệu. 

Bài 1: NSƯT Phương Hồng Thuỷ: Cuối đời vẫn có người trầm ngâm một góc nghe mình ca

Bài 2: Những ngả rẽ định mệnh của nghệ sĩ cải lương Châu Thanh

Bài 3: NSƯT Minh Vương - Ông hoàng đa tình

Ở tuổi 50, NSƯT Phượng Hằng không còn nhiều cơ hội gắn bó với sân khấu cải lương thường xuyên như trước vì nhiều lý do. Không thể đi cùng nghệ thuật mà chị đã dành cả cuộc đời theo đuổi là một nỗi đau mà nhắc đến, chị chưa bao giờ nguôi được. 

NSUT Phuong Hang: Ngoanh lai, den mai nha cung khong co
Nghệ sĩ Phượng Hằng tái ngộ NSƯT Minh Vương trong Festival Đờn ca tài tử được tổ chức cách đây chưa lâu

Từng xem đoàn hát là nhà, rồi chơ vơ khi đoàn tan rã

- Chị từng xem cải lương là tất cả đời mình nhưng rồi cuối cùng đoàn cải lương Trung Hiếu cũng giải thể.  Chới với lắm, phải không chị?

Tôi có mười mấy năm ở đoàn Trung Hiếu, đây cũng là đoàn cải lương tôi hoạt động lâu nhất, khi đoàn giải thể, mất khoảng thời gian khá lâu tôi mới nguôi ngoai nỗi nhớ đoàn, nhớ nơi mà tôi luôn xem là mái nhà của mình.

Trước kia tôi không bao giờ nghĩ mình sẽ mua nhà, bởi những ngày tháng sống cùng anh chị em trong đoàn, chung một mái ấm, tôi luôn nghĩ đó là nhà của mình. Vì vậy khi rời đoàn, tôi chông chênh không có điểm tựa, không nơi ở, tôi phải đi mướn nhà.

Tôi cảm thấy hụt hẫng rất nhiều, tôi cứ đi hoài, bôn ba hoài để rồi mình phải ở nhà mướn... Tôi thấy buồn cho cái nghề của mình nên bắt đầu tôi bươn chải ở những đoàn hát bên ngoài để kiếm sống và lo cho gia đình. Đó là thời điểm khó khăn nhất với tôi, một tay tôi chăm lo cho gia đình, khi bệnh hoạn ốm đau cũng một mình tôi xoay sở... Cũng may, nhờ tình cảm yêu mến của khán giả, tôi đã gom góp tiền mua được ngôi nhà, chăm lo cho gia đình và tương lai của bản thân. 

Giờ đây mỗi khi nhìn những cô chú nghệ sĩ trong viện dưỡng lão, tôi thương và đồng cảm cho họ nhiều lắm, bởi tôi biết ngày xưa cô chú cũng như mình, từng xem sân khấu, đoàn hát là nhà!

NSUT Phuong Hang: Ngoanh lai, den mai nha cung khong co
NSƯT Phượng Hằng

- Chị có một cuộc đời nhiều biến động từ thuở ấu thơ cho đến khi thành danh nhưng chưa hề tai tiếng. Làm sao để giữ mình được như thế, thưa chị?

Lúc nhỏ khi theo bố mẹ đi diễn nhiều nơi, tôi nhìn thấy chuyện tình cảm của các cặp nghệ sĩ thường không bền chặt, dễ tan vỡ hoặc khó tồn tại bởi họ dễ nảy sinh tình cảm khi hát đôi với nhiều đồng nghiệp khác nhau.

Dù lúc ấy còn nhỏ tuổi nhưng tôi đã cảm thấy thắc mắc và tự hỏi bản thân vì sao khi hát với người này thì yêu người này, hát chung cùng người kia thì quen người kia... Vì vậy mà tôi thầm nguyện với Tổ nghiệp rằng: “Cho con theo nghề bằng niềm đam mê và tiến thân theo bước của các cô chú đi trước nhưng tâm hồn cùng tình cảm của con đừng như nghệ sĩ”.

Cho nên, dù tôi là nghệ sĩ nhưng cảm xúc của tôi cũng như người bình thường, dù trên sân khấu diễn mùi mẫn ra sao. Với tôi, khi đã nghĩ người nào là người bạn đời của mình rồi thì cứ một đường mà đi, không xao động vu vơ.

Tân cổ Bến quê - Phượng Hằng:

 

- Chị xa sân khấu lâu quá. Bao nhiêu khán giả tự hỏi cô đào thương sáng giá và là nghệ sĩ có giọng ca hơi dài hay nhất nhì làng cải lương ngày ấy, giờ hát ra sao? 

Tôi vẫn tự tin về giọng hát của mình, mỗi khi lên sân khấu, tôi hạnh phúc khi nghe mọi người nhắc rằng: “Phượng Hằng ơi, hơi dài nha”. Đó là điểm đặc trưng trong cách hát của tôi được đồng nghiệp và khán giả nhớ đến. Mặc dù sức lực hiện tại của tôi không thể bằng lớp trẻ nhưng tôi có “độ chín” trong giọng hát và kỹ năng trình diễn điêu luyện hơn các em.

Và làm gì thì làm, tôi đều dành thời gian nghỉ ngơi, cữ ăn đồ cay nóng... để bảo vệ giọng cũng như thể lực trình diễn.

Clip khoe làn hơi dài của Phượng Hằng:

 

 - Nhiều người đã gọi chị là “giai nhân đặc biệt” của nghệ sĩ Châu Thanh bởi sự tình cảm, mùi mẫn đến chân thật của cả hai khi biểu diễn. Người ta cũng nói điều ấy được bắt nguồn từ chính cảm xúc thật giữa chị và anh...

Nói về cảm mến, thích anh Châu Thanh thì tôi có, nhưng đó là sự yêu mến tài năng. Tôi thích giọng ca điêu luyện của anh Châu Thanh, hồi xưa chúng tôi hát chung với nhau rất "ăn rơ". 

Lúc biểu diễn, cả tôi và Châu Thanh đều quan sát phản ứng khán giả, nếu người xem vừa tán thưởng cho tôi hoặc anh Thanh một câu hát hay thì người còn lại cũng sẽ cố gắng thể hiện mình ở những câu hát sau để được khán giả tán thưởng lại như vậy. Chính vì thế mà tiết mục của chúng tôi mới hay và được công chúng đón nhận nhiệt tình. Có thể nói, anh Châu Thanh là “người tình sân khấu” hiểu và diễn ăn ý nhất với tôi.

Sau khi đoàn Trung Hiếu giải thể, chúng tôi có những công việc riêng nên cũng ít gặp lại nhau. Đến hiện tại, tôi và anh Châu Thanh vẫn là hai người bạn, người đồng nghiệp tốt.

NSUT Phuong Hang: Ngoanh lai, den mai nha cung khong co
Phượng Hằng và Châu Thanh từng có nhiều nhạc phẩm song ca được nhiều khán giả mến mộ

"Tôi buồn khi cải lương bị xem là giải trí hạ cấp!"

- Là một trong những nghệ sĩ gạo cội của làng cải lương, cảm xúc của chị ra sao khi chứng kiến thực tế cải lương sau quãng thời gian thoái trào, vẫn chưa thể khôi phục và được khán giả háo hức đón chờ như trước kia?

Nếu nói cải lương đang thoái trào thì theo tôi không đúng lắm vì khi đi diễn ở các tỉnh thành, tôi nhìn thấy có khá nhiều em nhỏ khoảng tầm mười mấy tuổi đã tham gia biểu diễn đờn ca tài tử. Tôi cảm nhận được khán giả vẫn còn rất yêu mến bộ môn nghệ thuật này chứ không “quay lưng” với cải lương - đờn ca tài tử.

NSUT Phuong Hang: Ngoanh lai, den mai nha cung khong co

- Nhưng lượng sân khấu cải lương ngày càng bị thu hẹp...

Vài năm gần đây, nghệ thuật cải lương gặp nhiều khó khăn, vì vậy người nghệ sĩ ngoài việc “giữ lửa” đam mê cho mình, họ còn tham gia nhiều công việc khác để đảm bảo cuộc sống cá nhân. 

Tôi nhớ ngày còn bé, bản thân tôi và các anh chị nghệ sĩ trong đoàn đều xem đoàn hát như một gia đình, một ngôi nhà. Điều này giúp chúng tôi quên đi nỗi nhớ nhà khi phải bôn ba đi diễn khắp nơi. Và đa phần nghệ sĩ thời điểm đó, họ chẳng mua nhà bởi vì họ đã xem đoàn hát là một ngôi nhà thực thụ để nương náu. Giờ thì khác.

NSUT Phuong Hang: Ngoanh lai, den mai nha cung khong co
NSƯT Phượng Hằng và chồng

- Nhiều ý kiến cho rằng một trong những nguyên do khiến khán giả “lãng quên” cải lương bắt nguồn từ việc cải lương hiện tại chỉ làm theo dạng “ăn xổi” và hầu hết các chương trình đều trông cậy vào ngôi sao sân khấu để bán vé. Thậm chí có người còn thẳng thắn nhận xét cải lương ngày nay chỉ là loại hình giải trí hạ cấp...

Nói cải lương ngày nay không còn được đầu tư là không chính xác bởi có nhiều vở diễn được nhà nước đầu tư rất chu đáo và công phu. Tuy nhiên, có một thực tế không thể phủ nhận, đó là việc tập tuồng cho một tiết mục biểu diễn hiện nay khá nhanh, giống như “mì ăn liền”, thậm chí có một số tài tử trẻ còn chưa thuộc lời nhưng đã đưa lên sân khấu hát và được nhắc tuồng như con vẹt, nói sao làm vậy.

Ngày trước, để tập một vở tuồng mọi người phải mất khá nhiều thời gian mới tự tin công diễn. Và, nếu một vở tuồng ngày xưa khoảng 3 tiếng thì hiện tại một vở diễn được rút ngắn xuống còn 1 tiếng rưỡi hay thậm chí chưa đến 1 tiếng. Có lẽ do thời buổi kinh tế khó khăn nên việc gì cũng diễn ra gấp gáp hơn? 

NSUT Phuong Hang: Ngoanh lai, den mai nha cung khong co
NSƯT Phượng Hằng và NSƯT Minh Vương cùng NSND Bạch Tuyết

Khác với thế hệ của tôi ngày xưa, chúng tôi đi từ cực khổ, từ đắng cay, từ diễn một vai nhỏ xíu đến khi được đóng vai chánh phải mất thời gian rất dài. Bây giờ thì lớp trẻ kế thừa chúng tôi chỉ cần thi qua vài cuộc thi và giành giải thưởng thì các bạn đã trở thành nhân vật được công chúng biết đến, có cơ hội đảm nhận vai chánh trong những vở tuồng nổi tiếng.

Thành công đến nhanh và không trải qua gian khổ nên trong suy nghĩ của một số bạn trẻ, họ dễ phát sinh sự tự mãn và không nhận ra khiếm khuyết ở bản thân. 

Tôi rất buồn khi nghe nhận xét cải lương là loại hình giải trí hạ cấp. Với tôi, sân khấu là niềm tự hào trong văn hóa giải trí của người Việt. Ngày xưa, hôm nào không được biểu diễn, không được hát là tôi sẽ khóc vì buồn, vì nhớ sân khấu, nhớ khán giả... 

Bây giờ thì tôi chỉ ao ước sẽ có một vở tuồng nào đó để có thể đem lửa nghệ thuật ngày xưa, để hát và cống hiến hết mình cho khán giả, nhưng mà không có! Chỉ lâu lâu nhận lời mời tham gia diễn tuồng bên đài truyền hình thì tôi mới có “đất” diễn trọn vẹn một vở tuồng, chứ sân khấu thì bây giờ không còn nữa.

NSUT Phuong Hang: Ngoanh lai, den mai nha cung khong co
 

- Nhưng, 20 năm qua, kiếm ra một tuồng cải lương hay quá khó. Các đoàn hát vẫn hát lại những tuồng cũ, mà cái gì cũ lại không nhàm...

Ngày xưa để có một vở tuồng hay công diễn cho khán giả, đoàn hát phải đầu tư khá nhiều phục trang, cảnh trí... 

Ngày nay không còn nhiều người dám mạo hiểm đầu tư nữa, bởi đa phần họ sợ không thu hồi được chi phí đầu tư chứ chưa nghĩ đến chuyện có lời. Dù trong số đó có không ít người cũng mong muốn đóng góp công sức của mình cho cải lương chỉ với hy vọng đổi lại niềm tin, sự yêu mến từ khán giả. Bởi nghệ thuật là đam mê, là cống hiến chứ không phải là mua bán. 

- Và việc sân khấu không thể sáng đèn đã khiến đời sống nhiều nghệ sĩ cải lương trẻ lao đao, không ít người vì thế mà bỏ nghề. Đó là một vòng quay buồn, nhưng, phải làm sao đây? 

Nhìn thấy rạp hát cải lương ở thành phố mình ngày càng thưa dần, không có sân khấu để nghệ sĩ được cống hiến là điều khiến tôi trăn trở nhất! Bởi với những nghệ sĩ có tuổi như tôi, thời gian phục vụ khán giả không còn nhiều nữa. Tôi mong có một cái rạp mà chờ hoài không thấy, sợ khi có rạp rồi thì mình không còn đứng trên sân khấu này diễn được nữa...

- Cám ơn chị đã chia sẻ.

Thanh Hương thực hiện

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI