Nhớ người một thuở vàng son
Giai đoạn từ giữa thập niên 50 tới giữa thập niên 70, cải lương gần như chiếm ngự đời sống văn hoá giải trí miền Nam. Những "kép", những "đào", nào "lẳng", nào "thương"... mỗi đêm kéo một lượng lớn khán giả Sài thành đến với rạp hát, nhộn nhịp như các cuộc hội hè mỗi mùa xuân.
Sau lớp đi trước như Út Trà Ôn, Thành Được, Hữu Phước... cải lương miền Nam ghi dấu ấn trong giới mộ điệu với một thế hệ "giọng ca vàng" tiếp nối: Minh Vương, Lệ Thuỷ, Thanh Kim Huệ, Châu Thanh, Phượng Hằng...
Họ, mỗi giọng ca là một dấu ấn riêng biệt mà chỉ cần vừa cất lên tiếng hát đầu tiên, khán giả đã nhận ra đó là ai. Khác với tân nhạc, "đất" của cải lương rộng lớn, đủ để mỗi người vẫn là đào chánh, kép chánh và đều có "vùng" cát cứ của riêng mình.
Thuở vàng son ấy, tiếng hát họ là đời sống tinh thần của giới mộ điệu.
Bài 1: NSƯT Phương Hồng Thuỷ: Cuối đời vẫn có người trầm ngâm một góc nghe mình ca
Bài 2: Những ngả rẽ định mệnh của nghệ sĩ cải lương Châu Thanh
Bài 3: NSƯT Minh Vương - Ông hoàng đa tình
Bài 4: NSƯT Phượng Hằng: Ngoảnh lại, đến mái nhà cũng không có
Bài 5: Nghệ sĩ cải lương Thanh Hằng: 'Tôi mong được chết trên sân khấu'
Bài 6: Nghệ sĩ cải lương Thoại Miêu: ‘Tôi ám ảnh và sợ hôn nhân đổ vỡ’
|
|
Bước sang tuổi 51, nếu tính luôn cả những ngày mới bén duyên với cải lương, thế là cũng hơn 40 năm Kim Tử Long gắn bó với “người bạn đời" này. Đi qua thời hoàng kim và cả những thăng trầm khi cải lương xuống dốc, Kim Tử Long nếm trải quá nhiều mùi vị của cái nghiệp mà anh đang mang.
|
Kim Tử Long một thời "tung hoành" với những vai kép chính |
Kim Tử Long bảo anh may mắn khi sinh ra trong một gia đình hạnh phúc, được học hành đến nơi đến chốn để theo nghề. Nhưng dường như cuộc đời của bất kì nghệ sĩ nào cũng nhiều trắc trở. Qua 3 lần đò, ai cũng bảo Kim Tử Long đào hoa, nhưng anh lại cho rằng đó là sự không may mắn. Đường đời, nam nghệ sĩ cũng từng vướng vào scandal đánh bạc, một thời từng khiến dư luận xôn xao.
Vượt qua tất cả những biến cố, khổ đau trong đời, Kim Tử Long của hiện tại trầm tĩnh, thấu đáo trước mọi việc. Anh nhìn đời, nhìn nghề bằng tấm lòng rộng mở và cả những kinh nghiệm đã trải qua trong quá khứ. Hiện tại, Kim Tử Long đang có cuộc sống gia đình hạnh phúc với nghệ sĩ cải lương Trinh Trinh.
|
Kim Tử Long và người vợ hiện tại - nghệ sĩ cải lương Trinh Trinh |
Nhìn người trẻ đi hát đám tiệc, tôi xót xa vô cùng!
- Ngày nay, sân khấu cải lương ít nhiều đã thay đổi. Anh cảm nhận sao về diện mạo mới khi mỗi lần đứng diễn?
- Ngày xưa, sân khấu không có màn hình led, không có âm thanh hiện đại, mọi thứ đều thực hiện bằng phương pháp thủ công. Một tiết mục có thành công hay không, phụ thuộc khá nhiều vào thực lực của người nghệ sĩ. Ở hiện tại, mọi thứ đã hiện đại rất nhiều, nếu chúng ta không chịu thay đổi bắt kịp thời đại thì khác nào không tôn trọng khán giả, không tôn trọng sức sáng tạo của mọi người. Bây giờ, sự cộng hưởng của âm thanh, cảnh trí giúp người nghệ sĩ có cảm giác thực và “đã” hơn khi hát.
- Có người bảo ngày xưa tuy thiếu thốn nhưng thăng hoa hơn rất nhiều. Dường như quan điểm của anh đang đi ngược...
- Nếu bây giờ, có sự đầu tư đúng mức, tôi tin cả nghệ sĩ và khán giả vẫn có thể quay về thuở huy hoàng đó. Hiện tại, cải lương vẫn có thể sử dụng cảnh trí mang tính ước lệ nhưng đừng nghèo nàn, tạm bợ. Thực lòng, nghệ sĩ chúng tôi cũng chẳng dám trách móc ai vì đồng tiền bỏ ra đâu hề tương xứng với công sức của họ. Với 2 vở Kim Vân Kiều và Chiếc áo thiên nga, sự kết hợp giữa cảnh trí ngày xưa và hiệu ứng màn hình led mang đến cảm giác hoành tráng vô cùng. Tôi nghĩ sự giao thoa, kết hợp giữa 2 thời vẫn mang đến một giá trị tích cực. Một tiết mục hay, có đầu tư cũng chính là sự tôn trọng dành cho khán giả.
Cuộc sống ngày càng đi lên nên đừng nên nhìn lại phía sau quá nhiều dẫu quá khứ cũng không ít niềm vui và những điều tốt đẹp. Sân khấu ngày xưa có lý tưởng thật nhưng nếu để so sánh với bây giờ thì làm sao sánh nổi. Cái gốc chúng ta cần giữ nhưng vẫn cần chăm bón, tiếp thu cái mới thì mới có thể sinh sôi, phát triển được. Ngày xưa có huy hoàng thật nhưng cũng đừng lấy đó làm bước cản cho những tiến bộ hiện đại bây giờ, như vậy là lạc hậu.
|
Kim Tử Long, Ngọc Huyền từng là cặp đào - kép vang danh, được khán giả yêu mến |
- Nhưng thực tế có những vở diễn kinh phí đến hàng tỉ đồng nhưng vẫn lỗ nặng, sân khấu vắng khách...
- Tôi nghĩ chuyện tiền tỉ hay không tiền tỉ không quan trọng bằng sự hợp lý. Ví như vở Chiếc áo thiên nga được nhà hát Trần Hữu Trang và nhà nước kết hợp đầu tư khoảng 4 tỷ. Khi đầu tư ban đầu như thế, phải làm sao để diễn được nhiều suất chứ không thể mang ra diễn đôi ba lần và bỏ luôn. Trách nhiệm lại thuộc về nhà hát và những cơ quan quản lý, làm sao phải đưa được khách vào nhà hát. Khi có nhiều đêm diễn, mức đầu tư ban đầu sẽ được chia nhỏ ra, nhẹ gánh hơn rất nhiều cho người đứng làm công tác tổ chức.
Với những chương trình mang tính nghệ thuật thuần nhất như thế, tôi chắc chắn nghệ sĩ không bao giờ đòi hỏi lương. Bản thân tôi cũng như vậy. Vở Chiếc áo thiên nga, tôi không được trả lương hậu hĩnh như đi diễn bên ngoài nhưng vẫn hết lòng hết dạ. Tôi tin anh, chị, em nào cũng như vậy.
Video clip Kim Tử Long hoà giọng cùng Ngọc Huyền, Thoại Mỹ tại Đường đến danh ca vọng cổ:
- Sự hy sinh của bản thân, anh nghĩ đã đủ lớn chưa?
- Về kinh tế, tôi hy sinh nhưng phải vừa sức chứ không thể dồn hết cho sân khấu được. Tôi thường nói vui là lấy tay trái nuôi tay phải. Vừa rồi, diễn vở Tô Ánh Nguyệt, tôi lỗ vốn và chẳng có lương nhưng rất vui và hạnh phúc. Khán giả chưa hề quay lưng với sân khấu, họ đều muốn xem người thật, việc thật chứ chẳng thích xem qua truyền hình.
- Duyên nợ với sân khấu, anh nghĩ bao giờ sẽ dứt?
- Ngày nào còn sức lực, tôi vẫn sẽ cống hiến. Tôi có nhiều cơ hội để định cư ở nước ngoài và tìm một cuộc sống an nhàn hơn nhưng tôi từ chối tất cả bởi tôi hiểu chỉ ở Việt Nam, Kim Tử Long mới là một người nghệ sĩ thực thụ.
Hơn hết, tôi nghĩ những người trẻ đang rất cần để gìn giữ một nét đẹp văn hoá truyền thống của dân tộc. Dù như thế, nhưng tôi chưa bao giờ dám nhận mình là thầy. Tôi cũng chưa bao giờ cho phép các bạn gọi tôi là thầy. Tôi mong mọi người chỉ xem tôi như một người anh đi trước, truyền kinh nghiệm để các bạn tiến bộ và bước đi vững chắc hơn mà thôi.
|
Kim Tử Long cho biết anh sẽ bám trụ sân khấu đến cùng, khi nào không còn sức mới dừng lại |
Xin đừng gọi tôi là thầy
- Đã có ý kiến của chính người trong nghề rằng những chương trình truyền hình, gameshow cũng là nơi đang “giết chết” sân khấu...
- Đây là một nhận định vô cùng sai. Chỉ khi nào chúng ta không có tác phẩm tốt, sân khấu không được đầu tư thì khán giả mới đổ xô sang chương trình truyền hình. Thực tế, khán giả vẫn thích xem thực tế trên sân khấu hơn là qua màn ảnh. Truyền hình có thể xem lại được nhờ những công nghệ hiện đại nhưng với sân khấu là điều không bao giờ. Chính vì thế, cảm xúc ở sân khấu ở sân khấu trực tiếp là điều không bao giờ mua được.
|
Kim Tử Long trên ghế huấn luyện viên chương trình Đường đến danh ca vọng cổ |
- Nói về thế hệ đi sau, anh nghĩ gì về con đường đến sân khấu của họ. Nhiều người cho rằng khá bằng phẳng và dễ đi...
- Khi đã là một người nghệ sĩ, chắc chắn phải có tài năng thiên phú, nhưng hơn thua nhau ở chỗ có sự khổ luyện hay không mà thôi. Ngày xưa, tập ít nhất 4 tháng mới cho vở diễn, diễn 3 đến 4 năm, ngày nay các bạn chỉ cần 10 ngày. Bấy nhiêu thời gian vẫn chưa bao giờ đủ để tích hợp các yếu tố, thậm chí chỉ việc thuộc tuồng. Chính vì thế, các bạn trẻ rất khó để có được vai diễn đi vào lòng khán giả, họ ra sân khấu và như một con vẹt.
Được công nghệ hỗ trợ, sân khấu hoành tráng... nhưng các bạn chỉ toả sáng ở một thời điểm chứ không thể đi một đoạn đường dài. Để tìm được một ngôi sao sáng giá, kế thừa thế hệ cha, anh đi trước trong nghệ thuật cải lương là chưa hề có. Thời của chúng tôi, sống trong lòng khán giả là bằng những vai diễn, còn các bạn trẻ bây giờ chỉ có giọng hát mà thôi. Mà giọng hát thì người này hay lại có người kia hay hơn.
Video clip Kim Tử Long hát tân cổ Lòng mẹ:
Đừng đưa tiền và bắt tôi làm những điều vô nghĩa
- Anh đổi sự nổi tiếng của mình hiện tại bằng những gì?
- Niềm đam mê và tình yêu sân khấu đến cuồng nhiệt. Có những chương trình, trả lương tôi rất cao nhưng tôi không làm. Lòng tự trọng của một nghệ sĩ không cho phép tôi làm như vậy. Tôi không làm những điều vô nghĩa. Các chương trình hài mời tôi rất nhiều, bày sẵn kịch bản và tôi chỉ việc làm theo. Tôi từ chối thẳng vì tôi không thể nào làm hài bát nháo như vậy được. Có những chương trình, những nơi trả cát-sê rất thấp nhưng tôi vẫn nhận vì thấy được cái tâm và tầm của người làm. Đừng vì đồng tiền mà vơ, mà nhận tất cả.
- Là nghệ sĩ cải lương, khá bất ngờ khi anh đi chấm thi ở các chương trình về hài. Có ý kiến cho rằng Kim Tử Long đang “đi lạc”, “ngồi nhầm” trên sóng truyền hình...
- Ngoài việc đóng kép chính cải lương, ai cũng biết tôi là một nghệ sĩ hài hước, cũng có nhiều vai diễn hài nên một số chương trình có nhã ý mời. Tuy nhiên, tôi không ngồi đó với tư cách chấm chuyên môn về hài mà chỉ là một khán giả thưởng thức và nêu lên quan điểm cá nhân của mình dựa trên những quy chuẩn nhất định của nghệ thuật và tiêu chí chương trình đặt ra. Khác biệt ở chỗ, tiếng nói của tôi có sức ảnh hưởng hơn mà thôi. Vì thế, tôi nghĩ chúng ta cũng đừng nên quá nặng nề.
|
Dù là nghệ sĩ cải lương nhưng Kim Tử Long vẫn tham gia làm giám khảo các chương trình về hài kịch |
Video clip Kim Tử Long chia sẻ cảm xúc khi tham gia chấm Làng hài mở hội, chủ đề tác phẩm kinh dị:
- Thế ra, anh cũng có tiêu chuẩn khá rõ ràng khi lên sóng truyền hình?
- Những chương trình tôi ngồi ghế giám khảo, đều đề cao tính chuyên môn, nghệ thuật đầu tiên, sau đó mới tính đến yếu tố giải trí bởi bất kì gameshow, chương trình truyền hình nào cũng cần điều này để hút khán giả. Nhưng giải trí nên ở mức độ nào cho phù hợp, không được rẻ tiền, dung tục và không mang tính giáo dục. Tôi tin với những tiết mục như thế, khán giả cũng chẳng đánh giá cao người nghệ sĩ.
- Anh nói nhiều về yếu tố chuyên môn, điều này có đồng nghĩa việc anh không đủ tự tin để nghĩ mình là yếu tố đủ tạo sứ hút cho các chương trình?
- Tôi chưa bao giờ nghĩ mình có thể câu rating cho chương trình. Bất kì lời mời nào, tôi luôn nghĩ họ dựa vào thực lực và kinh nghiệm của tôi nhiều hơn. Tôi làm giám khảo, chấm về nghệ thuật, chuyên môn chứ không dựa vào quan điểm của nhà tổ chức để đánh mất chuyên môn nghệ thuật.
|
Kim Tử Long khẳng định anh không phải là cái tên câu khách cho các chương trình, gameshow |
- Nhiều nghệ sĩ sử dụng truyền hình thực tế để cứu vãn danh tiếng, anh nghĩ như thế nào?
- Khán giả biết và yêu mến tôi là bởi chặng hành trình tôi đi và sống với nghề chứ chẳng phải thông qua đôi ba chương trình mà tôi tham gia hiện tại. Tôi luôn biết mình đang đứng ở đâu và nên làm gì. Vì thế, khi tham gia bất kì gameshow nào ở hiện tại, tôi đều đắn đo, suy nghĩ khá nhiều, nghĩ cho mình và cho cả khán giả của mình. Đây là điều mà tôi tự xem lại bản thân mình hằng ngày. Tôi muốn khán giả khi xem xong đều phải ủng hộ mình chứ chẳng phải xem xong họ lại trách móc vì sao tôi lại làm như vậy.
- Xin cảm ơn anh!
Thuỵ Khuê