Ở tuổi 23, sớm trở thành người đàn ông của gia đình với vợ và một cô con gái vừa dứt tuổi thôi nôi, Lâm Vinh Hải vẫn hay được các trang mạng ưu ái gọi là “hot boy”. Tuy nhiên, khác với nhiều ngôi sao trẻ hoặc không còn trẻ thích nổi tiếng bằng những câu chuyện ngoài chuyên môn, Hải lại hiếm khi nói về gia đình hoặc dùng đó như một bàn đạp để gây chú ý. Lần duy nhất nhắc về vợ với người viết, Lâm Vinh Hải dành nhiều sự cảm mến cho người phụ nữ đã sát cánh bên mình nhiều năm nay, không chỉ chăm sóc chu đáo gia đình mà còn tỉ mẩn lên lịch, nhắc nhở, điều phối công việc thay chồng, để anh chỉ chuyên tâm vào việc luyện tập mà thôi.
Anh sớm dập tắt các ý đồ khai thác thông tin riêng tư bằng việc nhấn mạnh đến tư cách vũ công. Hoặc chí ít, trong các sự kiện mang tính quảng bá thương hiệu, Hải luôn tham dự như một người bước ra từ chương trình So you think you can dance (SYTYCD), chứ không phải một hot-boy-dự-tiệc. Lâm Vinh Hải cho rằng, một cách gián tiếp, thông qua việc xuất hiện trong các sự kiện quảng bá thương hiệu, anh đã gieo được trong lòng công chúng ấn tượng về nhảy múa, “chí ít là buộc họ phải tìm hiểu xem SYTYCD là gì”. “Để khi nhắc đến Hải, người ta sẽ nghĩ ngay đến nhảy múa. Ngược lại, mình cũng phải gìn giữ hình ảnh đàng hoàng ấy để công chúng luôn dành sự trân trọng khi nói về nghề-vũ-công”.
So với những tên tuổi khác thành danh từ các cuộc thi ca hát, đường đi đến vinh quang của Lâm Vinh Hải gập ghềnh hơn, không chỉ vì định kiến chưa cởi mở của xã hội về nghề múa mà còn bởi Hải luôn muốn tự làm những gì mình thích, thay vì phụ thuộc vào người quản lý.
Vừa rồi khi Hoa Đức Công (thành viên nhóm nhảy Milky Way phía Bắc) lâm trọng bệnh, Hải đã cùng các bạn nhảy trong top 20 SYTYCD và một số người bạn thân thiết đến các trường ĐH Bách khoa, Nông lâm, HUFLIT xin diễn… ké trong các chương trình văn nghệ sinh viên để gây quỹ giúp Công ghép thận.
“Tuy rất muốn làm một chương trình riêng biệt để vận động tài chính có hiệu quả hơn, nhưng nhảy múa có cái khó riêng của nó, thời gian chung của cả nhóm lại eo hẹp vì ai cũng phải đi học, đi làm, nên chúng tôi chỉ có thể làm tự phát, nhảy những bài có sẵn” - Hải nói. Ấy vậy mà sau ba đợt diễn, cả nhóm đã quyên được hơn 17 triệu đồng. Hiện Lâm Vinh Hải vẫn kiên trì đến gõ cửa các trường cao đẳng, đại học để xin tổ chức thêm những buổi diễn như thế để “quyên được nhiều tiền hơn giúp Công phẫu thuật”.
Chật vật xoay sở như vậy nhưng Hải vẫn kiên quyết không cậy nhờ đến ca sĩ Mỹ Tâm - người chị thân thiết nhất của mình. “Thực sự tôi vẫn muốn tự lực là chính, đi lên bằng chính sức của mình chứ không phải bằng tên tuổi của chị ấy”.
Ngày 9/5 vừa qua, Lâm Vinh Hải và các cộng sự đã có buổi ra mắt video clip Cha mẹ không cho tại TP.HCM. Thật khó định danh thể loại cho hình thức trình diễn này, gọi là MV cũng không sai, bảo là tác phẩm múa vẫn đúng, bởi sự đan xen hài hòa giữa múa đương đại và âm nhạc.
Chính ra, có thể gọi Cha mẹ không cho là video clip về múa đương đại đầu tiên hoàn chỉnh về chủ đề, nội dung, biên đạo, quay phim, mặc dù ý tưởng được hình thành từ một ca khúc đã thu âm cách đây nửa năm (Sáng tác: Cao Long) và chỉ nhằm minh họa cho lời bài hát mang nhiều ý nghĩa với Hải. Đến khi sản phẩm hoàn chỉnh, người xem mới thấy sự nổi trội về phần hình ảnh, vũ đạo so với âm nhạc trong MV. Góc quay và cách xử lý ánh sáng trong clip đa dạng và đẹp mắt. Nhiều cú lia máy từ trên cao, xoay vòng, sát mặt sàn, cận cảnh, cộng nhiều góc hắt sáng ngược để thu chuyển động của bóng… tất cả đều được chăm chút tỉ mẩn và gây hiệu ứng thị giác sâu sắc.
Với đôi mắt nhắm nghiền suốt nửa chiều dài video clip, Vinh Hải và Hồng Nhung muốn chuyển tải hình ảnh của những sinh linh bé nhỏ, chưa kịp háo hức đón chào những tia sáng đầu đời đã phải dứt lìa sự sống, bởi sự vô tâm và thiếu hiểu biết của những bậc sắp làm cha mẹ. Lời bài hát (do Thanh Ngọc và Cường DC thể hiện) giàu cảm xúc, giai điệu da diết khôn nguôi, khiến những ai nghe qua đều không khỏi xót xa trước thực trạng nạo phá thai ngày một tăng của giới trẻ (Việt Nam “dẫn đầu” khu vực và đứng thứ năm thế giới về số ca nạo phá thai hằng năm: 5.000).
Ngôn ngữ mà hai đứa trẻ có thể giao tiếp được biểu đạt thành những động tác múa điêu luyện (John Huy Trần biên đạo), gần như bám sát theo lời ca khúc, mang đến sự gần gũi, dễ tiếp nhận cho người xem.
Hỏi Hải vì sao lại chọn một đề tài xã hội có vẻ như khó diễn tả đủ đầy bằng ngôn ngữ múa, anh nói “đơn giản vì mình thích, không tính toán gì nhiều”. Hải bảo lời bài hát gây cho anh sự xúc động sâu sắc ngay khi mới nghe lần đầu tiên, và anh nghĩ mình cần phải bắt tay vào làm ngay. “Từ lúc đưa ý tưởng cho thầy John Huy để dựng bài, đến khi hai đứa lên sàn tập, quay hình, hậu kỳ, tất cả chỉ gói ghém trong vòng một tháng (4/2013)”.
Đây là món quà tri ân tình cảm của người hâm mộ, đồng thời cũng là kỷ vật tạm biệt của Lâm Vinh Hải dành cho Võ Hồng Nhung - bạn nhảy ăn ý nhất của Hải từ cuộc thi SYTYCD - trước khi cô lên đường sang Canada du học ngành biên đạo múa. Cha mẹ không cho nằm trong dự án xã hội The soul của Lâm Vinh Hải, mà bước đi kế tiếp sẽ là chuyến đến thăm, dạy múa, cắt tóc và nấu cơm cho các bé ở trại trẻ mồ côi.
HOÀNG YẾN (thực hiện)