Đoạn kết

14/07/2013 - 14:20

PNO - PNCN - Gặp gỡ tại một buổi tiệc, cả hai nhanh chóng lao vào nhau, chưa đầy một năm quen nhau là họ cưới. Cuộc tình chóng vánh ấy sau bốn năm đã vào hồi kết đầy gay cấn…

Yêu vội

Khi gặp anh Đ.N.V., L.V.T.L. vừa tròn 20 tuổi. Dù nhà ở Q.Tân Bình, nhưng V. gần như “thường trú” ở nhà L. tại P.8, Q.5. Kết quả: quen nhau chưa đầy một năm họ phải cưới gấp vì cái thai trong bụng L. đã hơn sáu tháng.

Đang làm nhân viên của một công ty, L. phải nghỉ việc chờ sinh con. Cô tâm sự: “Từ nhỏ, do được ba mẹ cưng chiều, đi học, đi làm có tiền, tôi cũng chỉ biết… lo cho bản thân, nên khi làm vợ, làm mẹ không tránh khỏi những sơ suất”. Vợ chồng lại sớm có con nên không thể không có những giận hờn, xích mích. Nhưng điều khó khăn nhất với L. là sau khi cưới, cô phải chung sống ở nhà chồng. Mọi sinh hoạt, đi lại của cô đều nằm trong tầm theo dõi của cả gia đình chồng.

Ở nhà chồng, lại có người giúp việc lo mọi thứ trong ngoài, L. cảm thấy buồn chán. Cô xin chồng cho đi làm, V. đồng ý, nhưng mâu thuẫn cũng bắt đầu từ đó. Do công việc và những mối quan hệ đồng nghiệp, L. thường dự sinh nhật, tiệc tùng, nên có khi đi sớm, về trễ, lơ là việc chăm sóc gia đình. Họ bắt đầu có xung đột, L. nhiều lần giận dỗi rời khỏi nhà chồng. Có lần cô ôm theo con, bỏ nhà, bỏ việc đi chơi. Dù được ba mẹ hai bên tích cực hàn gắn, nhưng mâu thuẫn giữa họ ngày càng trầm trọng. Tháng 10/2012, L. đưa bé B.C. về nhà mẹ ruột sinh sống. Suốt khoảng thời gian vợ ra khỏi nhà chồng, anh V. và gia đình không hề chu cấp cho L. cùng con gái. Năm tháng sau, L. sinh cháu bé thứ hai, dù cô nhắn tin, điện thoại, anh V. vẫn không đến thăm vợ con.

Ngày 4/5/2013, L. chở cháu C. về thăm ông bà nội thì bị gia đình chồng làm áp lực không cho cô gặp và đưa đón con gái nữa. Cô phải làm đơn đề nghị chính quyền địa phương can thiệp, nhưng chính quyền địa phương hòa giải không thành và đề nghị hai người nộp đơn ra tòa.

L. cho biết: “Tôi rất bức xúc và mỏi mệt. Mấy tháng trời tôi một mình nuôi con, vừa phải dưỡng thai nhưng không nhận được đồng trợ cấp nào từ chồng. Nhiều lúc tôi muốn đoạn tình, cắt đứt luôn với nhà nội của B.C. để tự lo cho con. Nhưng nghĩ con cần có cha, mẹ, có ông bà nên tôi hay chở cháu cho đi gặp ba và về thăm nội. Vậy mà họ tính toán để bắt mất con tôi!”.

Doan ket

Bé B.C. bên em trai

Những nạn nhân bé bỏng

L. kể, từ ngày bị bố mẹ chồng giữ con, không cho chở con về nhà chơi, cô không thể tập trung làm việc được. Nhớ con, L. chạy đi thăm nhiều lần nhưng chỉ được ngồi chơi với con trước hiên nhà chồng chừng nửa tiếng là phải về. Chưa kể nhiều lần cô thăm con còn bị gia đình chồng la rầy: “Đã quy ước chỉ cho thăm ngày cuối tuần, sao giờ giữa tuần đã đến?”. L. khóc: “Từ đầu tháng Sáu đến nay, tôi chỉ gặp con có 15 phút, tuần thì họ bảo con tôi đi chơi, tuần thì con tôi đang ngủ. Ngày 23/6, tôi đến thì nhà đóng cửa, gọi điện chẳng ai bắt máy. Tôi và đứa con nhỏ phải ngồi thu lu ngoài hiên nhà anh V. khi trời chuyển mưa”.

Tiếp xúc với phóng viên, bà Vũ Thị Ngọc Kim, mẹ chồng chị L. cho biết: “L. bỏ nhà đi không biết bao nhiêu lần, tôi đã tha thứ cho quay về nhưng vẫn chứng nào tật nấy. Vì vậy L. không đủ tư cách làm mẹ, không đủ tư cách chăm sóc bé B.C.”. Bà Kim cho biết, bà lưu giữ rất nhiều tin nhắn xin lỗi từ mẹ của L. về hành vi dại dột, nông nổi của con gái. Phần bà Vũ Thục Anh, mẹ của L. lại nói: “Chuyện tôi nhắn tin xin lỗi bà Kim khi con gái, con rể có việc xích mích, gây gổ, bỏ nhà chồng là phép lịch sự, không thể lấy đó để quy lỗi cho L. Biết bao lần L. bỏ về bên tôi, V. đã lén mẹ sang đây sống cùng vợ con…”.

Cũng như phía gia đình chồng, L. lưu giữ rất nhiều tin nhắn, hình ảnh, “file” ghi âm xác nhận anh V. không chăm sóc con mà phó mặc mọi việc cho bà nội và cô của cháu. Anh V. “tố” vợ suốt ngày bỏ việc nhà đi chơi, thậm chí mới sinh con 10 ngày, L. đã lên Facebook mời bạn bè đi vũ trường. Ngược lại, L. cũng cung cấp cho phóng viên hình ảnh anh V. đang tình tứ với một cô gái tên H. Trong một đoạn ghi âm, H. đã khiêu khích L. hãy ly hôn để V. tìm hạnh phúc mới.

Bà Bùi Thị Ngọc Oanh - Chủ tịch Hội LHPN P.2, Q.Tân Bình cho biết: “Ngay trong các cuộc hòa giải ở phường, phía gia đình chồng chị L. đã đưa ra rất nhiều chứng cứ về sự vô trách nhiệm của L. khi làm mẹ, làm dâu nhằm chứng minh chị L. không đủ tư cách để nuôi dưỡng, chăm sóc cháu B.C. Tuy nhiên, chúng tôi khẳng định, vì B.C. là con của chị L., nên chị và anh V. đều có quyền và nghĩa vụ ngang nhau về việc nuôi dưỡng, chăm sóc cháu. Hòa giải không thành nên chúng tôi đề nghị họ gửi đơn ra tòa. Sự việc không dừng ở đó, ngày 4/5, chị L. đến thăm con nhưng bị gia đình ngăn cản nên đã xảy ra xô xát, phải nhờ công an phường can thiệp. Sau đó cả hai đã viết cam kết tạm thời cho anh V. giữ con, chị L mỗi tuần thứ Bảy, Chủ nhật được đến thăm nom, chăm sóc con. Nhưng phía anh V. đã không tuân thủ cam kết này”.

Khi được hỏi vì sao bà Kim và anh V. không đả động gì đến đứa bé sinh ngày 20/3/2013 mà L. đang một mình chăm sóc, anh V. thản nhiên: “Tôi chờ tòa công bố đó là con tôi, tôi sẽ có trách nhiệm”.

L. mệt mỏi nói: “Nếu không tin đó là con anh ấy, hãy đưa đứa bé đi giám định ADN. Chính vì sự vô trách nhiệm của V. mà tới nay con trai tôi vẫn chưa có nhân thân, thật tội!”.

NGHI ANH

Không thể ngăn cản quyền làm mẹ của chị L.

Theo khoản 1 điều 34 và khoản 1 điều 36 Luật Hôn nhân và gia đình (HN&GĐ) quy định cha mẹ có nghĩa vụ và quyền cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng thương yêu, trông nom, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con. Do đó, anh V. và chị L. cùng có quyền được nuôi dưỡng bé B.C.

Từ khi sinh ra đến nay, bé vẫn được ở cùng mẹ, nay gia đình bên nội bắt giữ để nuôi dưỡng, không cho chị L. đón bé về cuối tuần để chăm sóc là vi phạm luật HN&GĐ. Trong khi chờ tòa án xét xử việc ly hôn, chị L. cần báo cho chính quyền địa phương và Hội LHPN phường biết để hỗ trợ và can thiệp.

Đối với con thứ hai mà chị L. vừa sinh ngày 20/3/2013 nhưng chưa được anh V. nhìn nhận lẫn từ chối trách nhiệm nuôi con, vì do hai người đăng ký kết hôn đúng theo pháp luật, căn cứ khoản 1 điều 63 quy định con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ đó là con chung của vợ chồng. Vì thế, con thứ hai đương nhiên là con của anh V. và giấy khai sinh đứa trẻ sẽ ghi phần khai người cha. Trường hợp anh V. không nhìn nhận con thì phải có chứng cứ và được tòa án xác định theo khoản 2 điều 63. Anh V. phải gửi đơn yêu cầu tòa án xác định đứa trẻ không phải là con mình và việc giám định ADN (nếu có) phải do anh V. thực hiện.

Việc gia đình anh V. nhờ hàng xóm xác nhận chị L. thiếu trách nhiệm với gia đình chồng con và thông tin của chị L. về việc anh V. giành con nhưng phó mặc con cho bà nội nuôi, bỏ con đi chơi… đều được xem là thông tin chính quyền địa phương hoặc tòa án phải xác minh làm rõ.

Luật sư TRỊNH THỊ BÍCH (Đoàn luật sư TP.HCM)

Từ khóa Đoạn kết
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI