Như đại bộ phận giới trẻ, anh tiếp xúc và thần tượng Linkin Park (thành viên Chester Bennington vừa tự tử), tới độ để kéo cậu nhỏ ra khỏi giường đi học chỉ cần mở Linkin Park thật to.
CÓ MỘT THẾ GIỚI NGẦM NHẠC VIỆT
Chester Bennington của Linkin Park treo cổ tự tử ở tuổi 41, ngày 20/7, ngày người Mỹ đặt chân lên mặt trăng bằng Apollo 11, ngày sinh của Chris Cornell nhóm Soundgarden cũng vừa treo cổ tự tử cách đây ít lâu.
Chris Cornell của Soundgarden, Audioslave, một công trình sư cùng thời với những Nirvana, Pearl Jam, Stone Temple Pilots có thể tương đối quen thuộc với một nhóm nghe nhạc lứa đầu 8x tại Việt Nam, dù ở Mỹ anh là một tượng đài chẳng thua kém về vai trò và vị trí so với Chester, nhưng với lứa đầu và giữa 9x đổ về trước, Chester là một tượng đài, đã thét thẳng vào cái cuộc sống tuổi teen ngày trước một sức sống gần như trường tồn, trớ trêu thay, từ ca từ bi quan và giọng hát chẳng mấy nội lực (nếu đem so với các giọng ca metal).
Kẹp giữa 10 năm, những ai sinh ra và lớn lên giữa 2 độ tuổi trên đang tạo ra những thay đổi căn bản nhất cho bối cảnh âm nhạc ngầm tại Việt Nam hiện tại, dù không thể phủ nhận những vai trò nhất định của những người tiên phong hay những "cảm tình viên" từ ngoài nước đến và chọn gọi Việt Nam là nhà.
Bài 1: Indie Việt: Sóng ngầm đã dậy
Bài 2: Cam: Xa nhãn mác để về bản chất
Bài 3: Cao Vinh: Thông điệp đoàn kết giữa chia rẽ
Bài 4: Hồng Nhung: Tìm âm thanh cho ký ức
|
Ivy Phi không tự nhận mình là một DJ, giữa lúc đâu đó ở đầu những con hẻm, người ta còn thỉnh thoảng bắt gặp quảng cáo dạy kèm DJ tại gia như một nghề có thể sinh nhai.
Anh đang là một, theo cách tự gọi, Selecta (người lựa chọn) đều đặn xuất hiện ở những “thánh địa” underground mới của âm nhạc tại Saigon như Piu Piu, Indika và La Canalla, nhưng ở những set nhạc khác nhau thuộc nhiều thể loại, phong cách, và xuất hiện ở những festival ngoài trời ở Hà Nội, Mũi Né.
Ban ngày, Phi tầm xuân – Ivy, nghệ danh ẩn ý về sự hữu hạn, tạm bợ của cuộc sống - đâu đó tại Saigon, nhìn nhiều hơn và lắng nghe nhiều hơn, tự cho nhờ vào đôi tai đã nong dài nhiều năm, và nói ít hơn. Khi không đứng sau bàn mix và chiếc headphone (hoặc cặp loa), Phi lầm lì, khó chịu, và hơi nồng vape thay cho thuốc lá, trong những bộ trang phục thùng thình, nhất quán màu đen.
Đứng sau bàn mix, anh cũng hầu như không thay đổi, mà anh tự nhận chỉ chú trọng tối đa làm sao chuyển đoạn thật êm giữa các track nhạc và giữa các set nhạc dài hơi, nếu phải như vậy, trong cùng một đêm.
Như đại bộ phận giới trẻ, anh tiếp xúc và thần tượng Linkin Park (thành viên Chester Bennington vừa tự tử), tới độ để kéo cậu nhỏ ra khỏi giường đi học chỉ cần mở Linkin Park thật to. Hỏi về bản thân, từ khóa đầu tiên anh nhắc là drama, và từ thứ hai là phiền lo.
Giới trẻ độ tuổi của anh và trẻ hơn, theo Phi, vướng vào hai trào lưu thịnh hành trong 2 hoặc 3 năm trở lại đây. Thứ nhất là sad Asian, một giới trẻ Châu Á hoang mang lạc lối, nói về những chủ đề tự tử, bất mãn trước cuộc sống và sức khỏe tâm thần. Thứ hai là trào lưu nghệ sĩ rong ruổi, độ xe và lên đường khoe chiến tích, khoe cả những suy tư chưa nấu chín của mình lên mạng xã hội và nhận like.
Ivy Phi and crew, Hip Hop Dancers:
Thoát ra khỏi nó, anh không khỏi cảm thấy phiền lo, khi sự bi quan nó chồm lấy cuộc sống xung quanh, những người chơi nhạc thân quen, và ám cả vào cái thế giới nội tâm vốn đã u ám, bi quan qua những trải nghiệm từ cuộc sống, chẳng hạn những ca trực đêm của dân phòng.
Cũng như anh đã ngụp lặn trong thế giới u tối, hằn học của Rap Saigon ngày trước (Phi thần tượng VD đã chết vì tai nạn) trên các forum chia sẻ hay ngoài đường phố - Phi là một Dancer - và thoát ra.
Tuy nhiên, những vết sẹo vẫn còn đó, trong suy nghĩ của một thanh niên trẻ đang trưởng thành, và tìm kiếm danh tính của mình. Phi chọn nhạc điện tử, thay cho Rap đầy những ca từ, vì anh nghĩ những cảm xúc hỗn độn trong đầu mình có thể diễn tả thỏa đáng hơn bằng âm thanh.
Theo cá nhân anh nghĩ, Saigon hiện tại không thiếu những địa điểm tổ chức âm nhạc, nhưng lại thiếu nghệ sĩ và những người có thẩm mỹ, và tài chính để duy trì những địa điểm đủ lâu trước khi thỏa hiệp trước thị hiếu của đám đông.
Quả vậy, Ivy Phi là một cái tên Việt hiếm hoi xuất hiện tại những không gian trình diễn quy củ, chỉn chu, vì có yếu tố nước ngoài, trước đây ở Cargo (ở Nguyễn Tất Thành, nay đã kết thúc) và hiện tại là Piu Piu – những không gian không ưu tiên đất cho những nhóm nhạc đánh cover thịnh hành, vốn dễ trở thành chốn dừng chân của những vespa tour cho khách du lịch ngắn ngày.
Phi, như nhiều nhân vật underground khác, từng lăn lộn với nhiều nhóm tổ chức, như Saigon Dubstation và District X, nhưng trong những vai trò thầm lặng, không tên của những người đồng sáng lập, như giữ cửa bán vé, bưng bê thiết bị. Nhưng khác biệt lớn nhất khiến anh gắn bó hơn với những nhóm tổ chức nước ngoài có lẽ nằm ở sự ghi nhận và đồng cảm, hơn là sự áp đặt của những đàn anh đi trước người Việt, dù sử dụng chung ngôn ngữ âm nhạc.
Lớn lên ở khu vực đông đúc giao giữa quận 6 và quận 5, Phi có một tuổi trẻ bình thường như bất cứ ai, ngoại trừ nhiều lần đụng xe hơn bình thường khi băng qua đường, có luôn nhập viện.
Âm nhạc có thể giải tỏa được một phần nào nhưng không bao giờ triệt để được nội tâm người sáng tác. Nghệ sĩ trước hết cần phải là một con người, có nội tâm để giải tỏa và qua một hình thái nào đó mà ai cũng có thể học và làm được. Sáng tác đầu tiên Phi thực hiện đến từ thôi thúc phải giữ lại một cảm xúc buồn khi người bạn gái cũ gọi điện giữa lúc mưa. Khi không có người thưởng thức hay đồng cảm, dù thành thật đến đâu đi chăng nữa, nghệ sĩ là khán giả đầu tiên và sau cuối của chính mình.
Và thực tế cho thấy, người ta sẽ lựa chọn tốt hơn trong cuộc sống khi có nhiều hơn những lựa chọn, và biết thực chất nó là gì. Hoặc điều này chỉ đúng trong nghệ thuật và thưởng thức, khi người nghe một khi đã quá một chặng đường sẽ lục đục ướm mình vào một vai trò khác, như tổ chức show diễn, viết lách và liên hệ, hay trở thành một DJ và sau đó (hoặc song song) sáng tác. Một chặng đường gian nan và chẳng có mấy tài chính để duy trì, ngoại trừ khái niệm “đam mê” sáo mòn.
Một Selecta chỉ có thể chọn lựa được những track nhạc tốt hơn khi và chỉ khi lắng nghe nhiều hơn, từ âm nhạc và từ cuộc sống để lựa chọn. Và lựa chọn duy nhất của Ivy Phi lúc này là âm nhạc, nguồn thu nhập chính và duy nhất, kiếm tiền từ chính điều mình yêu thích.
Du Lê