Hồng Nhung: Tìm âm thanh cho ký ức

03/11/2017 - 06:26

PNO - Như người nghe thông thường, cảm xúc mạnh mẽ nhất của Nhung là lúc cô nghe và duyệt tác phẩm của chính cô, chứ không nằm ở quá trình sáng tác.

CÓ MỘT THẾ GIỚI NGẦM NHẠC VIỆT 

Chester Bennington của Linkin Park treo cổ tự tử ở tuổi 41, ngày 20/7, ngày người Mỹ đặt chân lên mặt trăng bằng Apollo 11, ngày sinh của Chris Cornell nhóm Soundgarden cũng vừa treo cổ tự tử cách đây ít lâu.

Chris Cornell của Soundgarden, Audioslave, một công trình sư cùng thời với những Nirvana, Pearl Jam, Stone Temple Pilots có thể tương đối quen thuộc với một nhóm nghe nhạc lứa đầu 8x tại Việt Nam, dù ở Mỹ anh là một tượng đài chẳng thua kém về vai trò và vị trí so với Chester, nhưng với lứa đầu và giữa 9x đổ về trước, Chester là một tượng đài, đã thét thẳng vào cái cuộc sống tuổi teen ngày trước một sức sống gần như trường tồn, trớ trêu thay, từ ca từ bi quan và giọng hát chẳng mấy nội lực (nếu đem so với các giọng ca metal). 

Kẹp giữa 10 năm, những ai sinh ra và lớn lên giữa 2 độ tuổi trên đang tạo ra những thay đổi căn bản nhất cho bối cảnh âm nhạc ngầm tại Việt Nam hiện tại, dù không thể phủ nhận những vai trò nhất định của những người tiên phong hay những "cảm tình viên" từ ngoài nước đến và chọn gọi Việt Nam là nhà. 

Bài 1: Indie Việt: Sóng ngầm đã dậy

Bài 2: Cam: Xa nhãn mác để về bản chất

Bài 3: Cao Vinh: Thông điệp đoàn kết giữa chia rẽ

Nguyễn Hồng Nhung đang ráo riết soạn đề xuất cho một dự án sắp đặt, kết hợp âm thanh với yếu tố thị giác và sự hoài niệm, cho một trình bày khả dĩ vào cuối năm 2017. 

Cô cũng là người đứng sau chuỗi sự kiện giới thiệu nghệ sĩ trẻ tại Cà phê thứ Bảy, địa điểm Hà Nội, cho NS Dương Thụ, kéo dài đã hơn một năm nay – bắt nguồn từ sự quan tâm, kể cả học hỏi của cô dành cho những nghệ sĩ độc lập trong nước, kể cả những cơ hội hợp tác tiềm năng về âm nhạc, ý tưởng.

Hong Nhung: Tim am thanh cho ky uc
Nguyễn Hồng Nhung (ảnh: Hoàng Long)

Ở tuổi chớm 20, là một nghệ sĩ tự học, một phần cuộc sống ngoài âm nhạc của Nhung là những thư điện tử, thường là những trao đổi với những nhóm làm phim, đạo diễn, nghệ sĩ, nhà tổ chức nghệ thuật, về những phân đoạn phim, những đề xuất dự án, kinh phí thực hiện và điều kiện kỹ thuật của nhà cung cấp so với yêu cầu thực hiện.  Và quản lý 2 tài khoản Bandcamp cho 2 dự án âm nhạc do cô tự thực hiện từ A tới Z, Sound Awakener và Nhung Nguyen.

Với Sound Awakener, dự án nhạc dành trọn cho nhạc thể nghiệm, hướng đi là tạo ra một thế giới âm thanh tối và trừu tượng, pha trộn nhiều thể loại khác nhau như electroacoustic, noise, drone, ambient/soundscape. Với Nhung Nguyen, có nhiều chất thơ, dễ cảm nhận và giàu giai điệu hơn, nhưng không thiếu tính thể nghiệm.

Khan hiếm của một dòng nhạc, đeo đuổi đơn độc của một hình thái nghệ thuật là chuyện luôn lặp lại trong lịch sử, như nhạc mục của Gustav Mahler chỉ giữa thế kỷ 20 mới được Leonard Bernstein soi rọi cho công chúng. Những yếu tố nền tảng vốn có của một bối cảnh văn hóa như hãng đĩa, hiểu biết và chu cấp của giới truyền thông, những địa điểm tổ chức quy mô chuyên nghiệp, thực chất là những áp đặt và quy đồng, phớt lờ đi thực tế, nếu chưa muốn nói còn gây ra sức ép.

Chẳng hạn, ở một môi trường có sự chuộng thích thái quá với những âm điệu đẹp, trữ tình, sự xuất hiện và tồn tại của những âm thanh chát chúa, hoặc trừu tượng, không tự nó làm đe dọa, mà trái lại mang thêm vào và tạo sự đa dạng lựa chọn cho người nghe. Sự thưởng thức, tự thân, phải là một quá trình tự nguyện; khi sự tò mò vượt được thói quen và trở thành chính thói quen, có lẽ đó là lúc sự thưởng thức mới thật sự bắt đầu.

Hong Nhung: Tim am thanh cho ky uc
 

Điều gì được tri nhận là gánh nặng cũng có thể trở qua thành cơ hội dễ dàng: với Nhung, khi nó tạo ra động lực, động lực để người nghệ sĩ gồng gánh để bù đắp thiếu hụt nguồn lực, trau dồi kỹ năng tổ chức và kết nối, và quan trọng là làm tốt nhất với những gì đang có thay vì chờ đợi những sự ưu ái bên ngoài.

Vấn đề lớn nhất của nghệ sĩ thể nghiệm Việt, có lẽ, không nằm ở khán giả, mà ở sự tự cô lập hoặc hạn chế giao tiếp với khán giả thưởng thức. Nhưng điều này không chỉ diễn ra ở nhạc thể nghiệm, khi cái khoảng cách tương đối mới là cái tạo xung đột xúc tác cho sáng tạo – nghệ thuật thỏa hiệp thị hiếu của khán giả là giải trí thuần. Sự cô lập hình thành những nhận định chủ quan, thậm chí ảo tưởng, về khả năng lẫn tầm vóc của bản thân người nghệ sĩ, dường như luôn tránh những đối thoại trực diện, hoặc đơn thuần lắng nghe về thắc mắc và cảm nghĩ đối với tác phẩm.

Bức tường này không thuộc về đơn lẻ người nghệ sĩ hay khán giả, mà nó đi ra từ nền văn hóa. Ở Việt Nam, sau phổ thông như rock và hip hop, sau nhạc hàn lâm, nhạc thể nghiệm là một mảnh đất có nhiều sự ưu ái thiên vị cho một số ít ỏi nghệ sĩ do nhu cầu phổ biến và trao đổi văn hóa, với những cái tên gần như bất biến. Nhưng hầu như khoảng cách giữa cơ hội tự thân và cơ hội do sự ưu ái rất hẹp, và người nghệ sĩ hầu như ít khi phải tự thân thật nhiều. Và khi tự thân, họ dường như bị cuốn vào những yếu tố khác bên ngoài âm nhạc, quay trở về vấn đề thiếu nhân lực và khán giả thưởng thức.

Quan điểm – tiệm cận định kiến – cho rằng người diễn cần khán giả, và bằng những ưu thế cá nhân đặc thù người tổ chức có thể mang nghệ sĩ đến đông đảo khán giả, kể cả do sự ưu ái thành thật, hoàn toàn có thể là một killer cho cả hai bên. Sự đa dạng của internet không thể thay thế trải nghiệm nghe nhạc sống, nhưng đồng thời nghe nhạc sống không thể đánh đồng với mọi loại hình sáng tác, và thưởng thức, đều cần một khán phòng sạch sẽ và người nghe giàu tri thức.

Clip biểu diễn của Nguyễn Hồng Nhung:

 

Người nghe nhạc của Nhung, ngoài khán giả, là những nghệ sĩ, nhà tổ chức, chủ hãng phát hành (quy mô nhỏ), và giám tuyển đến từ khắp nơi trên thế giới – Mỹ, Châu Âu, và những nhà tổ chức không gói chỉ trong âm nhạc, chẳng hạn Beautiful Mind VN, một cộng đồng tư vấn sức khỏe tâm lý có quan tâm đến nhạc của Nhung vì tính trị liệu, hay tác phẩm soundwalk The noises within cho dự án nghệ thuật công cộng Into thin air.

Với Nhung, thế giới của cô nằm ở phòng thu và những khả năng sản xuất âm thanh mong muốn, hơn là những sân khấu, và điều quan trọng là sự thành thật với bản thân và chân thực với khán giả, đi vào bản chất hơn những khái niệm bề ngoài.

Cô nhận cảm hứng trực tiếp từ sự tiếp xúc nhạy cảm với cuộc sống và phiên bản “nghệ thuật” của nó, tự nhận có một đam mê từ sớm dành cho các loại hình nghệ thuật từ văn chương, điện ảnh, sân khấu; và ở độ tuổi của mình, giới hạn duy nhất trước thưởng thức chỉ là mức độ của sự tò mò.

Khán giả của cô, đến từ nhiều nơi, bình luận về cách tác phẩm gợi lại những trải nghiệm, ký ức – dù trong hay ngoài nước, trong khi khán giả nước ngoài lại bình luận nhiều hơn về kỹ thuật, những khán giả trung thành trong nước cũng góp ý về cách cô trình diễn trên sân khấu, qua những lần ít ỏi xuất hiện (so với các gương mặt thể nghiệm cựu trào khác).

Như người nghe thông thường, cảm xúc mạnh mẽ nhất của Nhung là lúc cô nghe và duyệt tác phẩm của chính cô, chứ không nằm ở quá trình sáng tác. Một số nghệ sĩ nước ngoài truyền cảm hứng trong khuôn khổ của nhạc thể nghiệm/nghệ thuật âm thanh bao gồm Pauline Oliveros, Maria Papamanolaki, Kate Carr, Simon Whetham (từng trình diễn chung với Nhung tại Việt Nam), Taylor Deupree, Porya Hatami.

Hong Nhung: Tim am thanh cho ky uc
 

Với nghệ thuật, Nhung chia sẻ, điều tối quan trọng là nó phải là cái biểu hiện rõ ràng của tư tưởng, tinh thần và những phần sâu kín nhất thuộc về thế giới nội tâm của người nghệ sĩ, cũng là khác biệt cơ bản giữa họ và những người không chọn khuynh hướng này. Nhạc không (dùng) lời biểu đạt phó thác tất cả cho những âm thanh, và tự nó là một chân trời bất tận cho sáng tạo, xúc tác từ thế giới nội tâm và sự quan sát của cô dành cho đời sống quanh mình theo không gian và thời gian, tái hiện hoặc mô phỏng đời sống phong phú bên trong.

Và nghệ sĩ cũng thường là những người bị ký ức ám ảnh, để rồi chuyển hóa nó vào sáng tác một cách vừa công khai vừa che đậy. Ở Nhung, cô có khao khát muốn khám phá những yếu tố âm thanh (và sắc thái) mà cô cũng chưa từng biết tới, cũng như các khả năng tạo ra chúng, ví như ham thích của một đứa trẻ với thế giới quanh mình, đồng thời gợi cho người nghe về những ký ức riêng tư nhưng ai cũng có thể khi nào đó trải qua.

Yếu tố công nghệ, theo mong muốn của cô, nên là kết nối ý tưởng và trải nghiệm giữa nghệ sĩ và khán giả gần với nhau hơn, thông qua các đối thoại, tương tác về văn hóa âm nhạc vốn cần mở rộng và nhiều tính nhân văn hơn là dừng lại ở thuần túy thưởng thức (và chỉ trên màn hình).

Trên đời chỉ có 2 loại nhạc: nhạc ta nghe và nhạc ta chưa nghe. Với người nghệ sĩ, là nhạc họ làm ra và nhạc họ muốn làm ra. Lạ hay quen, quái hay dễ nghe, thiết nghĩ là gì của thuộc tính chủ quan hơn là yếu tính. Thực hành nghệ thuật chỉ là công cụ hóa người sáng tạo theo mục đích nghệ thuật.

Du Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI