Nhớ người một thuở vàng son
Giai đoạn từ giữa thập niên 50 tới giữa thập niên 70, cải lương gần như chiếm ngự đời sống văn hoá giải trí miền Nam. Những "kép", những "đào", nào "lẳng", nào "thương"... mỗi đêm kéo một lượng lớn khán giả Sài thành đến với rạp hát, nhộn nhịp như các cuộc hội hè mỗi mùa xuân.
Sau lớp đi trước như Út Trà Ôn, Thành Được, Hữu Phước... cải lương miền Nam ghi dấu ấn trong giới mộ điệu với một thế hệ "giọng ca vàng" tiếp nối: Minh Vương, Lệ Thuỷ, Thanh Kim Huệ, Châu Thanh, Phượng Hằng...
Họ, mỗi giọng ca là một dấu ấn riêng biệt mà chỉ cần vừa cất lên tiếng hát đầu tiên, khán giả đã nhận ra đó là ai. Khác với tân nhạc, "đất" của cải lương rộng lớn, đủ để mỗi người vẫn là đào chánh, kép chánh và đều có "vùng" cát cứ của riêng mình.
Thuở vàng son ấy, tiếng hát họ là đời sống tinh thần của giới mộ điệu.
Bài 1: NSƯT Phương Hồng Thuỷ: Cuối đời vẫn có người trầm ngâm một góc nghe mình ca
Bài 2: Những ngả rẽ định mệnh của nghệ sĩ cải lương Châu Thanh
Bài 3: NSƯT Minh Vương - Ông hoàng đa tình
Bài 4: NSƯT Phượng Hằng: Ngoảnh lại, đến mái nhà cũng không có
Bài 5: Nghệ sĩ cải lương Thanh Hằng: 'Tôi mong được chết trên sân khấu'
|
Những năm 80, 90, nói đến Thoại Miêu gần như không ai không biết. Những vai diễn từ màn ảnh, sân khấu của chị đi theo ra cả đời thật. Người ta quên mất chị tên thật là Ngọc Hoa, cũng đôi lúc quên đi nghệ danh Thoại Miêu mà chỉ nhớ một cô Ngọc Hà hay Tuyết Mai trong các vở diễn. Cái hay ở Thoại Miêu là chị thừa hưởng được cái hay từ những bậc tiền nhân như Thanh Nga, Mỹ Châu và tạo nên cái riêng cho mình- một con “mèo thơm” sắc sảo nhưng vẫn nhẹ nhàng, dễ đi vào lòng người.
|
Nghệ sĩ ưu tú Thoại Miêu |
Cải lương xuống dốc, cuộc đời người nghệ sĩ cũng chứa đựng không ít giọt nước mắt và cả những nụ cười chua chát. Thoại Miêu cũng từng đi qua những chặng đường chông chênh nhưng để vẽ ra bức hoạ cho cuộc đời chị, thật khác nhiều so với những tên tuổi cùng thời. Thoại Miêu tự nhận, từ lúc vào nghề đến hiện tại, đã lui về nghỉ hưu, sự nghiệp và cuộc sống của chị rất êm đềm, nhiều lúc cứ như mặt hồ chưa bao giờ gợn sóng.
Phận tằm nhả tơ, khi nào Tổ nghiệp bắt dừng thì dừng
* Cuộc sống của một người vừa về hưu như thế nào, chị nhỉ?
- Bây giờ, tôi nghỉ hưu hẳn rồi. Mấy năm trước đến tuổi hưu thì nhà hát Trần Hữu Trang đề nghị tái ký hợp đồng để giữ vai trò cố vấn cho đoàn, giúp cho các thế hệ đàn em. Đến khi ông xã bệnh, tôi buộc phải quay về để chăm sóc. Tuy vậy, anh em trong đoàn cũng còn mến và thương nhiều lắm, không kí hợp đồng nhưng có show diễn thì đều nhớ và gọi mình đầu tiên.
Tôi đi hát, gắn bó với anh em mấy mươi năm rồi, ăn chung một mâm, ngủ chung một chỗ thì lẽ nào cố gắng thêm vài năm nữa mà mình không làm được sao. Còn nghỉ luôn chắc tôi buồn chết mất. Tôi vẫn có những show diễn riêng bên ngoài nhưng làm sao có thể bằng đi hát với tập thể. Bây giờ tôi cứ đi hát, đến khi nào không còn được nữa thì thôi.
* Nhiều người cũng như chị vậy, họ bảo cứ tuổi này nằm ở nhà lại nhớ sân khấu da diết, nhớ đến phát bệnh. Dường như đây là bệnh chung của mọi người rồi!
- Giờ đây, tôi đi hát cũng vì cái tình, cái nghĩa chứ đâu phải vì tiền nữa. Đi hát phục vụ cho bà con, cho nhà nước, lương đâu có cao nhưng vẫn đi. Nhiều khi ông xã khuyên tôi ở tuổi này nên ở nhà nghỉ dưỡng. Có lúc, tôi cũng từng nghĩ như vậy, ở nhà lại có cháu nội thủ thỉ đỡ buồn, nhưng lại không được. Vài ngày mà không gặp anh em, không tập dợt, tôi nằm la liệt, dậy không nổi, buồn đến phát bệnh. Một khi nói đi hát là bao nhiêu bệnh cũng hết.
* Kể ra chị vẫn còn khoẻ, vẫn còn sức để chạy show đấy chứ?
- Khoảng 3 năm về trước, tôi vẫn đi xe khách từ TP.HCM ra tận Đà Nẵng, 7 giờ tối đi, 11 giờ sáng đến, nhận khách sạn xong 3 giờ chiều chạy chương trình, hơn 7 giờ tối là lên sóng trực tiếp. Diễn xong, anh em trong đoàn ăn tối, 10 giờ rưỡi lên xe về lại Sài Gòn, vậy mà trong người tôi khoẻ lắm. Lên xe, tôi ít khi ngủ mà dành thời gian vui chơi, trò chuyện với anh em trong đoàn. Tôi trân trọng từng khoản thời gian quý giá còn lại.
Nhiều khi Tổ nghiệp còn chưa muốn chúng tôi bỏ sân khấu. Mình còn được khán giả ủng hộ, vỗ tay khi thì còn hạnh phúc. Cả đời người nghệ sĩ cũng chỉ mong vậy thôi. Như anh Thanh Sang, lúc còn sinh thời, anh nhớ sân khấu lắm chứ nhưng lực bất tòng tâm. Nghiệp con tằm nhả tơ thì phải tiếp tục làm, khi nào Tổ nghiệp không cho nữa thì thôi.
|
NSƯT Thoại Miêu vẫn còn nặng tình với sân khấu dù đã bước sang tuổi 65 |
* Điều khổ cực như vậy mà cũng dễ dàng trở thành niềm vui với chị, quả thật hơi bất ngờ...
- Tôi thường nghe bảo, nếu kiếp này chúng tôi đã là nghệ sĩ cải lương thì kiếp trước chúng tôi là tiên đấy (cười). Kiếp này chúng tôi phải xuống trần thế để đẹp, ca hay, múa giỏi, diễn tốt và toả sáng trên sân khấu. Mấy mươi năm đi qua, chiêm nghiệm cũng đủ nhiều, tôi thấy điều này đúng đấy chứ.
Thời của chúng tôi, con đường đi đến đỉnh trong sự nghiệp, sống được trong lòng khán giả gian nan, vất vả lắm, không bằng phẳng như bây giờ đâu. Thời trước chúng tôi nữa, các cô chú, anh chị đều gian nan lắm, không phải ca hay là được lên sân khấu liền mà phải đi từ học việc, làm tì nữ, múa, thậm chí bưng cơm rót nước cho đào, kép chính. Thời may có cơ hội thì mới thành công được. Bên cạnh đó, bản thân người nghệ sĩ phải cố gắng học hỏi rất nhiều, thậm chí đến tôi bây giờ vẫn phải học. Nghề này dễ mai một lắm, nếu không có tâm, có đạo đức thì mau tàn lụi lắm.
* Chị đã tốn bao nhiêu năm để đi qua những gian khổ đó và đến được đỉnh cao trong sự nghiệp?
- Tôi may mắn hơn vì không qua quá trình cực khổ như các anh, chị đi trước. Tôi học trường Quốc gia Âm nhạc, tốt nghiệp sau 4 năm thì có ngay đoàn mời đi hát nhưng lúc này gia đình lại không cho. Khi đó, tôi khổ sở lắm. Sau đó, tôi hát trên đài phát thanh và những chương trình trên đài truyền hình, đi phụ giảng tại trường Quốc gia Âm nhạc. 2 năm đi làm thì giải phóng, sau đó nhà nước thông báo để đăng kí và phân công nghệ sĩ về các đoàn. Tôi được phân công về đoàn Sài Gòn 2, gồm nhiều anh chị nữa như Lệ Thuỷ, Thanh Tuấn, Diệp Lang...
Đoàn nhiều nghệ sĩ nên khi đó lại không có tuồng để hát, tôi nằm suốt mấy tháng trời. Hằng đêm, tôi cứ cầu khấn Tổ nghiệp cho tôi một vai diễn nhỏ nhưng vẫn không được. Sau đó, đoàn Văn công được thành lập với 3 lớp nghệ sĩ: tại chỗ, kháng chiến và từ Hà Nội vào. Tôi được kêu về đoàn nhưng lúc đầu cũng băn khoăn vì mới thành lập. Cuối cùng, tôi cũng đánh liều với hy vọng là sẽ có vai diễn. Đúng như nguyện cầu, vở đầu tiên của đoàn mang tên Ngày tàn của bạo chúa, tôi có ngay vai diễn. Dù chỉ là vai đào 3 nhưng tôi mừng rớt nước mắt, thở phào nhẹ nhõm.
Video clip Thoại Miêu trong trích đoạn Về với mẹ, hát chung với nghệ sĩ Út Bạch Lan:
* Nói về gia đình, người bà nội nuôi của chị một chút, đây dường như là người khỏi xướng cho chị tập tành ca hát nhưng cũng là người phản đối chị theo nghề. Vì sao lại như vậy?
- Năm 9 tuổi, tôi đã ra đời rồi, đi làm thuê để có tiền đi học. Một nguyên nhân lớn nữa khiến tôi chọn sang ở nhà bà nội nuôi làm việc là để được đi xem hát mỗi cuối tuần. Bà nội nuôi tôi quen với bầu đoàn hát nên đoàn nào, show diễn nào bà cũng có suất đi coi hết. Tôi mê lắm, nôn nao trông đến ngày thứ bảy hơn bao giờ hết. Bà phát hiện ra năng khiếu của tôi, cho tôi đi hát nhưng cũng bà là người không cho tôi đi theo đoàn sau 4 năm học tại trường Quốc gia âm nhạc. Bà cho rằng đi hát là hư, là xướng ca vô loài. Sau giải phóng tôi mới như chim sổ lồng.
* Với nghệ sĩ cải lương, sự nghiệp của ai cũng biến động nhiều, việc chuyển đoàn cũng như vậy. Còn chị như thế nào?
- Mấy mươi năm đi hát, tôi ít khi nào bay nhảy lắm, chung thủy son sắt một lòng. Tôi ở đoàn Văn công đến năm 1984. Sau đó, khi chị Bạch Tuyết, Lệ Thuỷ về nước thì thành lập đoàn 284. Đoàn thiếu người nên xin tôi qua. Được một năm hơn thì tôi xin trở về đoàn Văn công, nơi đây ông xã tôi cũng là trưởng đoàn. Đi đoàn 284 cũng vui vì có nhiều anh, chị nhưng ở Văn công thì được gần gia đình. Năm 1997, đoàn Văn công sáp nhập vào nhà hát Trần Hữu Trang và ở luôn cho đến ngày nghỉ hưu. Tính ra, từ lúc đi hát đến hiện tại tôi chỉ là người của 2 đoàn. Phía Sở cũng điều động tôi đi sang một số đơn vị, nhưng họ tôn trọng ý kiến nên cho tôi ở lại.
* Con đường sự nghiệp của chị tính ra khác biệt nhiều so với những đồng nghiệp cùng trang lứa đấy chứ, êm đềm và không quá nhiều biến cố.
- Tôi đi đoàn Văn công từ thời còn lãnh lương nhu yếu phẩm. Lương cứng là 26 đồng, mỗi đêm hát được thêm 2,2 đồng, phần của tôi cũng cao nhất nhì đoàn nên sống thoải mái lắm. Bản thân lại tự lập một mình nên cũng không lo lắng nhiều, chỉ phụ giúp thêm gia đình. Vì thế, tôi không có nhu cầu chuyển đoàn, sống rất khép kín.
|
Thoại Miêu cho rằng ca hát đã trở thành nghiệp nên bao giờ Tổ không cho nữa sẽ dừng lại |
Trở lại những ngày vàng son, làm sao được nữa
* Ý niệm về sự ổn định chi phối khá nhiều điều trong cuộc sống của chị thì phải?
- Tôi có gia đình trễ so với nhiều anh chị, đồng nghiệp cùng thời. Năm 37 tuổi tôi mới lập gia đình vì có nhiều người nói tuổi tôi nếu lấy chồng sớm sẽ phải truân chuyên 2-3 lần. Bởi vậy, suốt thời trẻ tôi đâu dám yêu hay nghĩ đến chuyện tình cảm vì sợ dở dang, đau khổ. Một vợ một chồng, đó là tâm nguyện đến cuối đời của tôi. Cuộc sống hôn nhân dĩ nhiên không thể tránh khỏi những va chạm, mâu thuẫn nhưng khi nghĩ đến chuyện đổ vỡ, tôi ám ảnh và sợ. Vì thế, tôi hay ông xã lúc nào cũng bớt cái tôi mình lại một chút.
Cuộc sống của tôi bình lặng, bình dân lắm, như mặt hồ không gợn sóng vậy. Tôi không quen đi đâu một mình, la cà quán xá hay đến những nơi ồn ào, náo nhiệt. Tôi sợ khổ lắm. Tôi vun vén cho gia đình chứ không phải để dành cho tự thân mình. Đời đi hát khó nói trước được điều gì lắm nên khi còn ở đỉnh vinh quang thì cũng nên tự lo liệu cho con đường về sau. Đừng để đến lúc rơi vào những lúc cùng cực, khán giả người ta nhìn mình xót xa.
Ngoài gia đình, mình còn người thân nữa, tôi sống tự lập từ nhỏ nên đến hiện tại, tôi luôn tự tin mình chưa bao giờ làm phiền những người xung quanh. Tôi vẫn thường dạy con mình như vậy nhưng không biết sau này nó có làm được như tôi mong muốn hay không.
|
Thoại Miêu và các đàn em trong hậu trường một buổi diễn: nghệ sĩ Lê Trung Thảo, Lê Thanh Thảo, Diễm Thanh (từ trái sang) |
* Nhìn lại quãng đường mấy mươi năm đi qua, chị có nuối tiếc điều gì không?
- Tôi đi hát, may mắn được những vai diễn phù hợp nên chỉ sau 3 vở, khán giả đã nhớ mặt. Đến năm 1993, được trao danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú. Tôi hãnh diện và hạnh phúc với cuộc đời đi hát. Thời điểm đó, việc phong danh hiệu không phải qua nhiều thủ tục, giấy tờ như bây giờ, cũng chẳng cần bao nhiêu huy chương mà theo đúng câu “hữu xạ tự nhiên hương”, người ta tự biết đến mình, những gì mình đóng góp và ghi nhận.
Cuộc đời nghệ sĩ mà, nhiều lúc cũng hay tự bảo nhau giải thưởng có hay không có cũng không sao nhưng có vẫn vui hơn để sau này có dịp để nhìn lại. Vừa qua, tôi cũng được huy chương vàng trong Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc, đã đủ điều kiện để xét danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân nhưng không hiểu vì sao vẫn chưa được. Mới đầu cũng buồn lắm nhưng phần số, sự may mắn của mỗi người đều có lý do để đến hay không đến. Danh dự và thành tựu trong nghề nghiệp của tôi hiện tại vẫn đủ rồi. Nhìn lên có thể không bằng ai nhưng nhìn xuống tôi đã cao hơn rất nhiều.
* Ngoài giải thưởng, chị còn vương vấn những ngày xưa cũ không, những ngày khi đêm nào đèn sân khấu cũng sáng, bếp cơm hội lúc nào cũng đỏ lửa.
- Vương vấn nhiều lắm chứ, ngày xưa một tuần là hát hết một tuần, chưa kể một ngày 2 suất. Bây giờ mơ ước lại những ngày vàng son như thế, làm sao được nữa. Dù có dựng được một vở diễn hoành tráng đến cỡ nào thì khán giả cũng không đến rạp đông như ngày xưa. Thời ông xã tôi còn làm Giám đốc nhà hát Trần Hữu Trang, từng dựng 2 vở để hát ở Quân khu 7 với mong muốn vực dậy sân khấu cải lương nhưng cũng bất thành, chỉ ở mức huề vốn. Tổng số tiền đầu tư 2 vở lên đến hơn 5 tỷ đồng, một con số không hề nhỏ.
Video clip Thoại Miêu hát tân cổ Cánh thiệp đầu xuân cùng với Lệ Thuỷ, Thanh Kim Huệ:
* “Đệ nhất đào nhì”, cụm từ quen thuộc khi nhắc đến Thoại Miêu. Thật lòng, có bao giờ chị mơ ước sẽ thành công và được nhớ đến với một vai đào chính hay không?
- Tôi không bao giờ mơ ước điều này. Tự thân mình phải biết rõ mình đang ở đâu. Có thể khi giao tôi vai đào chính, tôi đóng không đạt. Nhưng khi giao tôi vai đào nhì, tôi chắc chắn sẽ diễn ngang vai đào chính. Nhiều năm làm nghề, tôi may mắn khi hầu như những kịch bản tôi nhận đều có vai đào nhì so kè với vai đào chính.
Chuyện biết mình biết ta chưa bao giờ là thừa. Tôi không cần những vai đào chính kéo xuyên suốt, vai nào cũng được, diễn một lớp cũng được, miễn làm sao khán giả phải vỗ tay rần rần là mình thành công rồi. Tôi ra đường, khán giả nhớ nhiều về những vai đào nhì của tôi, nhiều lúc cũng gọi tên nhân vật thay tên mình.
* Nếu cho chị một điều ước để quay về khoảng thời gian vàng son đó, chị muốn diễn vở nào nhất?
- Chắc chắn là vở nào cũng muốn diễn. Bây giờ, chúng tôi làm chương trình tổng hợp nhiều nhưng thực sự không thích. Tôi thích hát liền một vở diễn dài. Nhưng biết làm sao hơn, nếu cho một vở diễn diễn trong 2 tháng, khán giả đầy thì tôi cũng chấp nhận, mà đằng này cố mấy cũng không được. Làm nghệ sĩ cải lương, ai cũng mong đời mình có một vở diễn để cháy hết mình dù có thể hiện tại, chúng tôi không còn sức như ngày xưa.
Giờ đây, tôi không dám nghĩ về viễn cảnh đó. Mơ ước nhiều nếu không được thì lại càng xót xa. Duyên đến sẽ tự khắc đến, mình đừng trông chờ nữa. Nhiệm vụ của tôi là giữ sức khoẻ, duyên đến thì diễn hết mình.
* Bây giờ, các chương trình giải trí để khôi phục nghệ thuật cải lương cũng nhiều, chị có ý định góp sức không?
- Thoại Mỹ lúc làm giám khảo chương trình Đường đến danh ca vọng cổ, ban tổ chức có mời tôi nhưng tôi không tham gia. Tôi sợ người ta lời ra tiếng vào rằng do Mỹ làm giám khảo mà tôi được chen chân vào. Đi làm thì có tiền đấy nhưng tôi không thích bon chen. Thời gian cũng không cho phép khi những năm gần đây ông xã bệnh, tôi gần như phải luôn bênh cạnh, có show diễn ở tỉnh cũng không dám nhận...
|
Thoại Miêu và Thoại Mỹ thời còn trẻ |
* Nhưng thực tế ở tỉnh khán giả mới còn nhiều, thương nghệ sĩ cải lương nhiều...
- Đúng vậy, ở các tỉnh miền Tây, họ thương nghệ sĩ cải lương chúng tôi lắm. Họ còn mê và yêu cải lương nhiều lắm. Có nơi tôi đi diễn, khán giả xin chụp hình nửa tiếng vẫn chưa xong. Như tôi thế này, đi diễn chuyện ở khách sạn là không khó nhưng chẳng bao giờ tôi ở vì không vui. Tôi luôn muốn ở chung với anh em. Hát chỗ uỷ ban thì "đâu" bàn lại mà ngủ, còn không thì trải chiếu dưới đất mà nằm, ăn cơm hội nữa. Nhà tắm thì chỉ một cái, cứ chiều xuống là xếp hàng rồng rắn đi tắm rồi chuẩn bị lên diễn, vậy mà vui. Giờ cho tôi ước, tôi chỉ mong được trở lại những ngày như vậy. Mà giờ làm sao đi được nữa.
Tôi nhớ như in, có lần đi hát ở Đồng Tháp, hát xong cả đoàn ăn tối rồi kéo nhau xuống chiếc ghe bầu ngồi, chờ người chất đồ xuống xong cũng 2, 3 giờ sáng, đến điểm diễn tiếp theo là tờ mờ sáng, người ta họp chợ luôn rồi. Mỗi lần đi hát, tôi có thói quen là mang rất nhiều thứ, mì gói, đồ ăn khô... anh em nào đói là cứ tìm đến chỗ tôi. Ai trong đoàn cũng bảo tôi là cái siêu thị mini vậy. Có đêm hát xong nằm trên sân khấu giữa trời, trải ghế bố ra nằm ngắm trăng sao mây nước, đúng kiểu lãng mạn. Giờ chỉ ước có ai bỏ tiền ra, thuê đoàn đi hát chừng 10 ngày vẫn được. Tôi muốn sống lại những ngày như vậy lắm rồi.
Có nơi tôi đi diễn, vợ chồng nhà người ta cứ nhường cả cái giường ngủ cho mình rồi họ ra sau chái bếp mà nằm. Tôi không chịu thì họ giận nên đành nhận cái tình vậy mà trong lòng mình cũng khó chịu lắm. Dần dà lại thành thói quen, cứ hở chúng tôi xuống là nhà anh chị đó lại đón tiếp niềm nở như người thân trong gia đình.
Có năm ngay mùng Một tết, sợ người ta kiêng kị đoàn hát nhưng không, họ đón và nuôi chúng tôi suốt ba ngày xuân. Đời đi hát, chuyện ở nhà dân, ăn cơm nhà dân gần như một nếp văn hoá của nghệ sĩ cải lương chúng tôi. Cũng chính vì thế mà cái tình sâu đậm hơn bao giờ hết. Có lần tôi trở lại Đồng Tháp, ghé lại căn nhà xưa, nay đã khang trang 2 tầng, họ trách mà tràn đầy tình thương: “Ngày xưa tụi em nghèo, anh chị ghé đều đặn. Giờ tụi em khá giả hơn, có chỗ che nắng che mưa cho cả đoàn mà mọi người biệt tăm”. Nghe đến đây, lòng mình cứ như thắt lại, nước mắt cứ muốn chực trào.
* Xin cảm ơn chị đã chia sẻ.
Thuỵ Khuê thực hiện