Nhớ người một thuở vàng son
Giai đoạn từ giữa thập niên 50 tới giữa thập niên 70, cải lương gần như chiếm ngự đời sống văn hoá giải trí miền Nam. Những "kép", những "đào", nào "lẳng", nào "thương"... mỗi đêm kéo một lượng lớn khán giả Sài thành đến với rạp hát, nhộn nhịp như các cuộc hội hè mỗi mùa xuân.
Sau lớp đi trước như Út Trà Ôn, Thành Được, Hữu Phước... cải lương miền Nam ghi dấu ấn trong giới mộ điệu với một thế hệ "giọng ca vàng" tiếp nối: Minh Vương, Lệ Thuỷ, Thanh Kim Huệ, Châu Thanh, Phượng Hằng...
Họ, mỗi giọng ca là một dấu ấn riêng biệt mà chỉ cần vừa cất lên tiếng hát đầu tiên, khán giả đã nhận ra đó là ai. Khác với tân nhạc, "đất" của cải lương rộng lớn, đủ để mỗi người vẫn là đào chánh, kép chánh và đều có "vùng" cát cứ của riêng mình.
Thuở vàng son ấy, tiếng hát họ là đời sống tinh thần của giới mộ điệu.
Bài 1: NSƯT Phương Hồng Thuỷ: Cuối đời vẫn có có người trầm ngâm một góc nghe mình ca
Bài 2: Những ngả rẽ định mệnh của nghệ sĩ cải lương Châu Thanh
Bài 3: NSƯT Minh Vương - Ông hoàng đa tình
Bài 4: NSƯT Phượng Hằng: Ngoảnh lại, đến mái nhà cũng không có
|
Những ngày trở lại Việt Nam, nghệ sĩ Thanh Hằng luôn tất bật với lịch ghi hình cho các gameshow, chương trình truyền hình và nhận các show đi diễn. So với thuở vàng son hơn 20 năm trước, dường như tên tuổi Thanh Hằng chưa bao giờ hết “nóng”. Cái chất sang sảng đặc trưng trong giọng nói, hơi "chua chát" nhưng đầy xúc cảm khiến người nghe khó thể rời mắt khỏi Thanh Hằng trong những câu chuyện chị kể. Nói chuyện vui, Thanh Hằng vang vọng từng tiếng, đến chuyện buồn, người đối diện cũng không khỏi ngậm ngùi, sụt sùi theo.
|
Từ ngày về nước, Thanh Hằng đắt show làm giám khảo các chương trình truyền hình |
15 năm xa quê hương, xứ sở, nghệ sĩ cải lương Thanh Hằng tưởng chừng như có lúc đã kết thúc cả con đường nghệ thuật. Nhưng không, tình yêu cải lương đã dẫn lối chị trở về với khán giả Việt Nam, tiếp tục kiếp con tằm nhả tơ. 15 năm, một phần tư đời người, rời xa sân khấu nhưng tình yêu vẫn luôn cháy âm ỉ trong tâm của Thanh Hằng. Để rồi khi nghĩ đến lúc trở về cát bụi, chị vẫn mong được chết nơi thánh đường của những con người mang kiếp cầm ca.
“Cải lương không chết, chỉ là nhịp cầu đã gãy”
Cuộc trò chuyện với Thanh Hằng không bắt đầu bằng những câu hỏi mà từ chính từ sự trải lòng của đôi bên: một muốn tìm về những ngày xưa hoa mộng, một muốn trút cạn bao tâm tư nỗi niềm. Thanh Hằng nói về cải lương như kể chuyện về máu mủ của chị trong suốt mấy mươi năm mang nặng kiếp cầm ca.
Với Thanh Hằng, cải lương như hôm nay thì trách nhiệm thuộc về thế hệ của mình, đặc biệt là 6 người đoạt huy chương vàng Trần Hữu Trang đầu tiên, năm 1991: Thanh Hằng, Vũ Linh, Ngọc Huyền, Phương Hồng Thuỷ, Tài Linh và Thanh Thanh Tâm. Trong lòng chị, cải lương chưa bao giờ chết, chỉ là “một nhịp cầu đã gãy”, ở ngay thế hệ của chị.
Đã bao đổi thay về thời cuộc, con người nhưng cải lương đã thấm nhuần vào trong tâm hồn của người Việt Nam, Thanh Hằng tin chắc nịch là vậy. Để rồi đi đâu khi nghe tiếng đàn vọng cổ vang lên là “đủ để nước mắt rơi, hồn trở về với quê hương, đất mẹ”.
Mới đây nhất Thanh Hằng biểu diễn ở Mỹ, với Phi Nhung, trong trích đoạn cải lương Duyên kiếp. Cảm xúc của người nghệ sĩ đã dâng lên khi một cô bé, chỉ trạc mười mấy tuổi, kéo tay chị và nói bằng tiếng Việt "lơ lớ": “Khi chương trình giới thiệu đến cải lương thì con không muốn xem nhưng vì họ không cho ra ngoài giữa chừng nên phải nán lại. Con không biết gì về cải lương cả nhưng khi ngồi lại xem xong, con muốn cám ơn cô, chị Phi Nhung, chú Kim Tiểu Long và cô Hương Thuỷ. Con xem xong con thấy cải lương hay lắm, con thích và muốn xem cải lương nhiều hơn”.
Chỉ bấy nhiêu đủ để chị quên đi những mệt nhọc trong suốt 10 ngày trời chuẩn bị cho vở diễn và cả những lo sợ, hoài nghi vì không biết khán giả có chấp nhận cải lương không.
Thanh Hằng, Thanh Ngân hát trích đoạn Điệu buồn phương Nam:
“15 năm xa xứ, nghe tiếng đờn vọng cổ là nước mắt lưng tròng”
Ngày nghệ sĩ cải lương Thanh Hằng trở lại Việt Nam, ai cũng tò mò về sự “mất tích” 15 năm qua. Thanh Hằng thú thật, 15 năm trên đất khách phải “sống giả” để chạy trốn những hoài niệm về một thời đã qua.
Nhà Thanh Hằng 3 đời nghệ sĩ, từ ngày còn trong bụng mẹ chị đã được lên sân khấu, thậm chí, năm 10 tuổi chị còn “đánh liều” để đi học hát dù ngoại đã răn đe: “Nghệ sĩ khi lớn tuổi bước ra người ta chê con già, tủi thân lắm”. Nhưng, cải lương ăn vào trong máu của Thanh Hằng rồi, khi chỉ nghe tiếng đờn là nước mắt chị đã lưng tròng.
Chị nói mà như nấc nghẹn, mắt đỏ hoe nhớ lại quãng thời gian nơi xứ người ấy: “Mười mấy năm sống giả với chính mình, tôi nhớ cải lương da diết nhưng rất ít nghe vì nghe xong là không làm được gì. Mỗi lần đi ra cửa hàng, nghe những chỗ bán băng đĩa phát cải lương là tôi bỏ đi ngay. Vậy đó, chứ lâu lâu vẫn lén mở xem, thấy kịch bản nào hay khi kết thúc thì nước mắt lại tuôn. Nhiều lúc, tôi muốn bỏ hết tất cả để trở về, về với anh em, với sân khấu”. Nhưng nghĩ đến con, mọi giấc mộng của Thanh Hằng đều tan biến. Mỗi lần như thế chị mất đến mấy ngày chỉ để hết cơn buồn...
Thanh Hằng bảo chị tin nhiều vào duy tâm. Với chị, nếu như con người có tình mẫu tử, phụ tử thì cải lương như tiếng lòng, là tiếng gọi của quê hương, cứ nghe là muốn trở về, đặc biệt với những người con xa xứ. Bây giờ, các con của Thanh Hằng đã lớn, lại hiểu nỗi lòng của mẹ nên chị cũng nhẹ lòng mà quay về quê hương để tiếp tục phận tằm nhả tơ, khi nào hết thì thôi. Nhớ con chị lại về Úc, còn không, con gái sẽ về Việt Nam thăm mẹ.
Những ngày xưa hoa mộng, ai cho Thanh Hằng được trở về?
Về Việt Nam, Thanh Hằng như cá gặp nước. Chị được trở về với sân khấu, với ánh đèn, nơi đã làm nên hình hài Thanh Hằng trong lòng khán giả. Thanh Hằng nhớ nhiều về quãng thời gian một cô bé 10 tuổi bắt đầu nghiệp cầm ca, chỉ được múa phụ hoạ cho đoàn Thanh Minh - Thanh Nga mà hạnh phúc đến khôn xiết. Giọng Thanh Hằng bỗng trong trẻo hơn như một dũng sĩ lập được chiến công: “Hồi đó, tôi khôn lắm, biết ghi hình thế nào cũng lấy mặt cô Thanh Nga nhiều nên tôi cứ tìm chỗ đứng sau lưng cô. Giờ xem lại, thấy sau lưng cô Thanh Nga là tôi đó”.
|
Với Thanh Hằng, từng giây, từng phút được sống trên sân khấu đều đáng trân trọng |
Rời đoàn Thanh Minh - Thanh Nga, bến đỗ tiếp theo của Thanh Hằng là đoàn Sang Hồng Phương. Ở đây, chị được giao vai “cao cấp” hơn: làm tì nữ. Bởi, theo cách tính thời bấy giờ, bậc đầu tiên là múa phụ hoạ, tiếp theo làm tì nữ rồi đến đào ba, đào nhì rồi đào chánh. Niềm vui của Thanh Hằng khi đó cũng nhỏ như tuổi của chị, ai làm gì làm, mỗi tối cho Thanh Hằng lên hát là được. Mà cũng có phải hát đâu, tì nữ thì nhiều lắm chỉ được cất lên mấy câu cho thoả nỗi lòng. Vậy mà hạnh phúc không diễn tả thành lời.
Năm 1976, Thanh Hằng bắt đầu theo đoàn đi hát, đến mãi năm 1989 mới trở lại thành phố. Suốt 13 năm, chị xuôi ngược 3 miền, mưa gió, bão bùng, lũ lụt... lúc nào cũng hát cả. Hồi đó, đi hát, toàn phải canh thời tiết, miền Nam mưa (tháng 6, 7) thì chạy ra miền Trung, miền Bắc. Tháng 7, 8, 9 trở về miền Nam khi ngoài kia đã bắt đầu lũ lụt. 3 năm sau, Thanh Hằng lên được đào chánh, đảm nhận vai Trưng Trắc trong vở Tiếng trống Mê Linh.
Đi lên từ khó khăn, cơ cực nên Thanh Hằng luôn nhớ những ngày khốn khó của mình. Ngày chập chững vào nghề và lúc ở vị trí đào chánh, chị vẫn một lòng một dạ với anh, chị em. Những thành công ban đầu đó, với chị, đã là phước phần lớn lắm, nên luôn dặn mình phải biết kính trên nhường dưới, như một sự tri ơn Tổ nghiệp.
Có những đêm hát xong, đốt đèn dầu ngồi ăn cơm hội, có tiền thì mua gà, vịt vào ăn chung, kể chuyện, nói đùa vui vẻ. Gánh hát thế mà vui. Rồi, những đêm mưa rả rích, giữa chốn đồng không mông quạnh, cả đám lại bày trò "hù" nhau bằng những câu chuyện ma. Có hôm quay ở chỗ người ta đào đường phá núi, thế là trải chiếu nằm ngủ luôn giữa đường, dưới trời nắng chang chang, vậy mà vui không kể xiết. Cho đến bây giờ, những kỳ niệm ấy như chỉ mới hôm qua.
Trở thành đào chánh, vậy mà Thanh Hằng không nghĩ nhiều đến chuyện làm giàu với nghề. Chị cậy mình trẻ, cứ liều mà đi, mà hát. Thậm chí có ngày hát nhưng không có tiền lương bởi phải góp vào để đoàn đi chợ, nấu cơm. Không sao cả, miễn đến đêm, buông rèm cho Thanh Hằng hát là được.
Nhớ lại khoảng trời hoa mộng đó, Thanh Hằng không khỏi tự hào. Ngày đó, từ trang điểm đến làm tóc, trang phục... chị và các đồng nghiệp đều tự tay làm. Chị nói, mồ hôi phải rơi, nước mắt phải chảy thì người nghệ sĩ mới hiểu rõ chính công sức mình đổ ra như thế nào và biết trân trọng tất cả.
Hạnh nguyện cuối đời: Mong được chết trên sân khấu
Trong những chương trình Thanh Hằng tham gia gần đây, chị khóc rất nhiều. Chị bảo, những giọt nước mắt ấy nhiều ý nghĩa lắm: khóc vì mừng bởi thế hệ trẻ vẫn còn nhớ cải lương, khóc vì ao ước một lần được đứng trên sân khấu cùng với các em để hát và truyền lửa cho họ, nối lại nhịp cầu đã gãy bấy lâu. Ngồi ghế giảm khảo, nhận xét, phê bình với Thanh Hằng không khó nhưng để nối liền hai thế hệ là chuyện không dễ dàng.
“Tôi khóc vì nhớ lại nhiều chuyện xưa nữa. Người ta thường bảo khi sống đừng nên nhìn về quá khứ nhưng quá khứ này đẹp, là một thời hoàng kim của chúng tôi mà chứ đâu phải đau thương. Tôi hy vọng trong một thoáng nào đó có thể quay lại khoảng thời gian đó nhưng chắc chắn không được nữa rồi”, chị sụt sùi.
Hơn nửa đời chị dành cho cải lương, nay đã đến lúc cần sự góp sức của người đi sau để mai đây khi thế hệ của Thanh Hằng nằm xuống, vẫn còn người nhớ và biết đến chúng như một niềm tự hào. Một người nghệ sĩ hát được cải lương phải có 3 yếu tố: ca, diễn và sắc. Thế hệ Thanh Hằng, ca và sắc nay làm sao so bì được lớp đi sau, chị tự nhận vậy. Còn diễn, Thanh Hằng tự tin đó là điều mà thế hệ trẻ cần học ở chị và thế hệ cùng thời bởi họ đều là con nhà nòi, mọi thứ đã ăn sâu vào máu.
Cô đào Thanh Hằng giờ đã 50 tuổi, một quãng thời gian đẹp đã qua như cái chớp mắt. Giờ chị vẫn còn ngồi hàng đêm trên sóng truyền hình nhưng chị nói, không biết 1-2 năm nữa sẽ như thế nào vì nhiều căn bệnh đang tồn tại trong người chị. Chị không sợ bệnh tật, chỉ là, cái viễn cảnh không còn được gặp khán giả nữa khiến chị chùng mình. "Đời nghệ sĩ mà, còn nỗi buồn nào hơn khi phải xa lìa sân khấu, khán giả. Cảm giác ấy gấp trăm ngàn lần nỗi đau da thịt", chị nói.
Cũng bởi vì thế mà với chị, cuộc đời của cô đào Thanh Hằng đến đây, buồn, vui, đau khổ đã đi qua hết rồi, giờ chỉ còn hạnh nguyện duy nhất là được chết trên sân khấu. “Tôi chỉ xin rằng, nếu đêm đó hát trên sân khấu mà lăn ra chết luôn là được, rồi khán giả đưa tiễn tôi. Tôi không thích vào bệnh viện rồi nằm trong đó để chờ người đưa tiễn”, chị bật khóc thành tiếng còn người nghe thấy rõ từng vết cắt trong tận đáy lòng.
Nếu thành tro bụi rồi thì ở đâu cũng được, chị an nhiên nghĩ về cái chết như vậy. Thanh Hằng chỉ xin được chết trên sân khấu ở Việt Nam như trả hết món nợ mà Tổ nghiệp, ông bà, cha mẹ đã cho. Còn thân xác, chị xin được trả về với các con bởi đâu có gì quý hơn tình mẫu tử. Còn nếu ngày nào đó nghệ sĩ cải lương Thanh Hằng chết trên sân khấu hải ngoại thì chắc chắn linh hồn sẽ trở về với Việt Nam, với khán giả ở quê hương mình, chị chắc chắn như thế.
Thanh Hằng và lời cảm ơn Phi Nhung
"Nói về cải lương ở nước ngoài, tôi phải cảm ơn Phi Nhung rất nhiều. Dù không phải là người chuyên hát cải lương nhưng một tay Phi Nhung mang loại hình nghệ thuật này ra các trung tâm âm nhạc ở hải ngoại. Đặc biệt, ở Phi Nhung có cái “máu” và tình rất lớn dành cho cải lương. Sắp tới đây, tôi và Phi Nhung cùng một số anh chị em nghệ sĩ nữa sẽ thực hiện một kịch bản rất hay, chân chính. Tuy nhiên, chúng tôi không dám ôm ấp giấc mộng làm cho cải lương trở lại những ngày hoàng kim.
Vở cải lương này hiện tại vẫn chưa xin phép tác giả vì chưa gặp được. Nhưng từ khi xem kịch bản ở bên Úc, tôi đã ôm ấp và dồn tâm huyết rất nhiều. Tôi luôn trông mong một ngày nào đó Tổ nghiệp sẽ cho tôi thực hiện được. Hiện tại, Hoài Linh cũng đã đồng ý tham gia. Với cái tên Trả thù đời, vở cải lương này sẽ đề cập đến rất nhiều những vấn nạn của xã hội, mang tính giáo dục cao".
|
Thành Lâm