Xin thầy cô đừng dạy nét chữ ‘nghiêng’

19/11/2014 - 08:28

PNO - PNO - Học trò nghèo thì không thích ngày 20/11. Câu này không áp dụng cho tất cả mọi người, chỉ là từ trường hợp cùa tôi.

edf40wrjww2tblPage:Content

Xin thay co dung day net chu ‘nghieng’

Câu chuyện thứ nhất: quê vì thầy

Cha tôi lúc xưa làm nghề lái xe. Thời đó (những năm 1990), ai cũng tưởng nghề lái xe thì giàu có. Nhưng nhà tôi không được như vậy.

Năm đó 20/11, tôi học lớp 2. Tôi nhớ cô giáo dạy lớp 2 của tôi là một cô giáo già, và con cái cô đều là nhà giáo. Nhà cô rất giàu. Sáng hôm đó, mẹ tôi chở tôi đến nhà cô để biếu quà 20/11 cho cô. Quà tặng mà mẹ tôi gửi là mấy ký đậu phộng sống (là do cha tôi chạy xe chở khách mua bán, rồi người ta biếu cha tôi, mẹ tôi quý lắm). Thời đó cha mẹ tôi là dân lao động, làm gì biết tặng những cái “sang trọng”.

Buổi chiều đó đi học, cô giáo liệt kê một số món quà mà theo cô là “tặng cho cô dùng được” (đây là nguyên văn câu nói của cô giáo tôi, tôi nhớ từ ngày đó đến giờ). Trong số đó, không hề có món đậu phộng của nhà tôi.

Tôi nhớ rất rõ cái cảm giác rất háo hức khi cô bắt đầu danh sách và sự hụt hẫng của một đứa trẻ học lớp 2 khi cô kết thúc mà không nhắc đến mình… Kể từ đó, tôi để ý đến gia đình các bạn, và thật sự rất ác cảm với ngày này.

Câu chuyện thứ hai: nhục vì thầy

Đến năm học cấp 3, năm đó tôi học trường chuyên của tỉnh. Chuyên Anh đàng hoàng nhé. Nhưng chuyên Anh thì làm sao giỏi toán. Nghe đâu có ông thầy Đ. dạy toán giỏi, cả trường đều học thầy. Thế là mẹ tôi một hai kêu tôi chở xe đạp đến nhà thầy.

*Xem bài trong diễn đàn "Giáo dục trong mắt tôi" tại đây.

Lúc đó hình như là 2 giờ trưa (không thể đi trễ hơn vì cha tôi chạy xe đến nhà là 4 giờ chiều, mẹ tôi phải làm cơm chiều rất sớm). Hai mẹ con vừa đến nơi thì nhà thầy đang ngủ trưa, tôi thấy thầy đi qua đi lại trong nhà nhưng không tiếp. Trời mưa to, hai mẹ con đứng ngoài hàng hiên chờ thầy. Tôi nhớ tôi lạnh, tôi càu nhàu mà mẹ tôi cứ nói ráng đi con…Ráng đến khi hơn 1 tiếng đồng hồ sau. Thầy đi ra, mặc cái quần xà lỏn, rồi nói một câu trớt quớt là không nhận người học nữa. các bạn thấy có dễ nhụt chí anh hùng không?…

Sau này, thầy còn một lần làm tôi “nhục” là khi thầy đứng trước lớp tuyên bố tôi đã chép bài của bạn H kế bên. Nguyên nhân là vì cả hai đều sai lỗi giống nhau, trong khi bạn H. học toán giỏi hơn tôi… Ngẫm lại đến giờ vẫn còn tức. Nhưng cũng hay là, chắc nhờ thầy làm tôi “nhục” quá, nên trong năm cuối cấp, tôi học toán giỏi nhất lớp và thi đại học cũng đỗ thủ khoa.

Câu chuyện thứ ba: ân tình không biết sao đền đáp

Cuộc đời tôi sẽ không tốt như hôm nay nếu không nhờ phúc ông bà để lại và gặp được Thầy. Thầy là giảng viên đại học. Trong khi nhiều người đấu đá nhau để giành chức vị thì thầy tôi vẫn giản dị, miệt mài nghiên cứu và giảng dạy.

Đối với tôi, thầy giống như một người cha thứ hai. Thầy lo lắng cho tôi khi thấy tôi lơ là học tập. Thầy vỗ về như cha con mỗi khi tôi “cà nanh” thầy quan tâm học trò khác hơn tôi. Thầy động viên khi tôi gặp thất bại, giúp đỡ và hướng nghiệp cho tôi khi tôi bế tắc. Các bạn biết không, thầy còn cho tôi vay tiền để xài khi gia đình đang kẹt. Thầy kiếm việc viết lách cho tôi làm thêm để kiếm tiền khi gia đình tôi túng thiếu. Nhiều ân tình lắm. Tôi không sao kể hết được.

Tình cảm tôn trọng và ngưỡng mộ mà tôi dành cho thầy có lẽ là một trong những tình cảm ấm áp, trong sáng nhất trong suốt những năm chập chững bước vào đời.

Đặc biệt, thầy tôi không thích quà của ngày 20/11. Thầy tôi chỉ thích đếm năm nay có bao nhiêu đứa học trò về thăm thầy. Có năm, một lúc đến ba bốn chục người, thầy vừa chuẩn bị đồ ăn vừa nhắn tin báo cho tôi biết: “Năm nay nhiều đứa về thăm thầy lắm”.

Học trò như trang giấy trắng. Xin thầy cô đừng dạy các em những nét chữ “nghiêng”.

Chúc các thầy cô luôn vui khỏe, luôn giữ được ánh mắt tự hào khi đứng trên giảng đường.

HÒA NGUYỄN (phường Đa Kao, quận 1, TP.HCM)

Thông qua những trải nghiệm, chứng kiến, suy tư của mình về trường lớp, mối quan hệ thầy - trò, quan hệ giữa các nhà giáo, chương trình dạy - học, chính sách giáo dục, công tác quản lý, sách giáo khoa, dịch vụ giáo dục, sản phẩm giáo dục… hãy viết và gửi bài cho diễn đàn “Giáo dục trong mắt tôi” của phunuonline.com.vn.

Kính mời các bạn gửi bài, ý kiến qua các địa chỉ:

- Mở trang chủ phunuonline.com.vn, vào mục Gửi bài ở cuối trang
- Hoặc theo địa chỉ email: xahoi.phunuonline@gmail.com
- Hoặc viết vào phần bình luận phía dưới mỗi bài viết của diễn đàn.

Cuối bài ghi rõ họ tên, địa chỉ, số điện thoại, số tài khoản (nếu ở ngoài TP.HCM - để tiện gửi nhuận bút).

Phụ Nữ Online trân trọng cảm ơn sự cộng tác của bạn đọc.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI