Xà bông, khăn mặt và phong bì ngày Nhà giáo Việt Nam

14/11/2014 - 12:07

PNO - PNO – Tôi vẫn nhớ ngày tôi học lớp Bốn, bỗng nhiên chiều 20/11 hôm đó mẹ tôi đi làm về rất sớm, bà bảo tôi rửa mặt, ăn mặc đẹp để đến nhà thăm cô giáo.

edf40wrjww2tblPage:Content

Thường thì các năm học dưới, một số ít các bạn trong lớp tôi mang hoa và quà đến lớp để tặng cô đúng ngày Nhà giáo Việt Nam. Chúng tôi cũng không để ý gì nhiều đến chuyện này, chỉ nhớ là cả tuần trước ngày 20/11, chúng tôi được phân công bàn nào trực nhật sẽ chuẩn bị khăn trải bàn đẹp và một lọ hoa tươi trên bàn giáo viên.

Ngày đó, lớp học còn thiếu thốn, bảng thì bằng xi măng, phấn bụi mù mịt, bàn ghế cho cả cô và trò đều mộc mạc, có lọ hoa và chiếc khăn trải bàn đúng là làm lớp học sáng bừng.

Mẹ con tôi vừa đi vừa bàn bạc không biết nên tặng cô giáo gì bây giờ. Hoa thì không hữu ích, vải may quần áo biết đâu cô lại không thích loại đó, sau một hồi, cả hai mẹ con đều nhất trí sẽ mua khăn tắm tặng cô.

Chiếc khăn dài, màu vàng mỡ gà, bông mềm mại được chúng tôi đóng gói vào một chiếc hộp giấy bóng kính, tôi nắn nót ghi một cái thiếp tặng cô, tay run bắn vì lần đầu tiên được làm một việc hết sức trọng đại.

Cô giáo rất vui và bất ngờ khi thấy hai mẹ con tôi đến. Tôi còn nhớ hôm đó mẹ tôi đọc thơ tự làm cho cô nghe, rồi hai người phụ nữ cứ ôm nhau khóc nức nở. Đó là ngày Nhà giáo Việt Nam đáng nhớ nhất của tôi, từ ngày tôi đi học.

Xa bong, khan mat va phong bi ngay Nha giao Viet Nam

"Em tặng hoa cho cô giáo" - tranh thiếu nhi dự thi trên mạng socnhi.com.

Bây giờ thì ngày 20/11 khác rồi. Tôi thấy thật buồn khi một ngày tôi hỏi đứa cháu tôi đang học mầm non 4 tuổi “con không đi thăm cô giáo 20/11 à” thì mẹ cháu trả lời thay: “Chị đi rồi. Đi từ mấy hôm trước cho nhà cô vắng khách. Một giỏ hoa quả, một phong bì 200.000 đồng nữa, mất gần 500.000 đồng đấy dì ạ”.

Tôi sững sờ, trẻ con mầm non mà đã đi phong bì rồi quà cáp cô giáo là sao? Chị tôi bảo, để cô chăm con chu đáo hơn, dỗ dành ngọt ngào hơn, nhà nào cũng làm thế, mình không đi thì “muối mặt”.

Đó là cháu mầm non. Còn mấy đứa em họ đang học phổ thông thản nhiên bảo tôi: “Bọn em trích quỹ lớp hết rồi. Cứ bình quân giáo viên chủ nhiệm thì 500.000 đồng, giáo viên bộ môn 200.000 đồng, đỡ phải quà cáp, hoa hoét gì nhiều, chỉ tổ chật nhà”.

Đầu ngõ nhà tôi là nhà một cô giáo cấp 1. Cứ chuẩn bị 20/11, nhà cô đông khách từ một tuần trước đó. Phải chờ buổi tối không ai để ý, cô mới bảo con trai mang hết số hoa mọi người tặng mang ra xe để rác.

Tôi nhớ lại những năm mình học trung học, ngày 20/ 11, sau buổi mít tinh buổi sáng, cả lớp chia thành các nhóm, đạp xe đến nhà từng cô giáo để tặng những món quà mà trước đó cả lớp cãi nhau ỏm tỏi mới thống nhất được là khăn mùi xoa hay khăn mặt, xà bông hay dầu gội đầu.

Nắng chang chang hay mưa lượt thượt cũng lũ lượt đạp xe đến nhà cô giáo, để được cô giáo đãi chè đậu đen, bánh chuối chiên hay cùi dừa khô, có khi chén hết sạch cả quả dưa hấu vừa mang vào tặng cô. Cô cười, trò cũng cười, chúng tôi vẫn lớn lên thành những đứa con ngoan, những thầy cô bây giờ gặp lại vẫn kể tên vanh vách đứa này có tật xấu gì, trò kia chữ đẹp ra sao.

Văn hóa phong bì không biết đã len lỏi vào học đường từ bao giờ. Có lẽ do hệ lụy từ một xã hội đang phải “phong bì đi trước là phong bì khôn”. Một phụ huynh làm, nhiều phụ huynh khác cũng làm theo. Người giàu làm được thì người nghèo cũng cố làm bằng được, “để con khỏi chạnh lòng, cô không so sánh”. Có phải phụ huynh đang làm khổ lẫn nhau và khổ cả sang thầy cô giáo?

Tôi biết nhiều giáo viên rất khổ tâm khi chỉ muốn trốn khỏi nhà những ngày như 20/11, 8/3, 20/10, để không phải tiếp khách, nhận hoa, quà (mà thể nào trong số đó cũng kèm theo phong bì tiền). Nhiều giáo viên nhất quyết trả lại phong bì cho phụ huynh, mắt rơm rớm nước khi nghĩ về nghề sao bạc bẽo.

Chắc bây giờ chẳng còn ai như chúng tôi những ngày xưa, ríu rít đến tặng cô bánh xà bông. Hương xà bông vẫn thơm ngát đến tận bây giờ…

NGUYỄN THÚY HẰNG (Hà Nội)

Thông qua những trải nghiệm, chứng kiến, suy tư của mình về trường lớp, mối quan hệ thầy - trò, quan hệ giữa các nhà giáo, chương trình dạy - học, chính sách giáo dục, công tác quản lý, sách giáo khoa, dịch vụ giáo dục, sản phẩm giáo dục… hãy viết và gửi bài cho diễn đàn “Giáo dục trong mắt tôi” của phunuonline.com.vn.

Kính mời các bạn gửi bài, ý kiến qua các địa chỉ:

- Mở trang chủ phunuonline.com.vn, vào mục Gửi bài ở cuối trang
- Hoặc theo địa chỉ email: xahoi.phunuonline@gmail.com
- Hoặc viết vào phần bình luận phía dưới mỗi bài viết của diễn đàn.

Cuối bài ghi rõ họ tên, địa chỉ, số điện thoại, số tài khoản (nếu ở ngoài TP.HCM - để tiện gửi nhuận bút).

Phụ Nữ Online trân trọng cảm ơn sự cộng tác của bạn đọc.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI