Bức xúc cách trả lời của ngân hàng
Liên quan đến phản ánh của một số ngư dân tại xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh về việc bị ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chi nhánh Hồng Lĩnh từ chối cho vay vốn đóng tàu lớn theo nghị định 67 của chính phủ sau sự cố Formosa xả thải, ngày 5/9, phóng viên báo Phụ nữ TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Tiến Hưng, phó chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân.
Ông Hưng cho biết, ông là người trực tiếp đồng hành cùng 3 ngư dân Nguyễn Văn Hồng, Lê Văn Thắm, Trần Quốc Tuấn tham dự cuộc họp do Ngân hàng Nhà nước chủ trì chiều 1/9 để nhằm tháo gỡ các khó khăn.
“Ngân hàng Nhà nước chủ trì cuộc họp và họ cũng đứng về phía Vietcombank Hà Tĩnh. Họ yêu cầu bà con ngư dân phải có phương án sản xuất có hiệu quả rồi mới thẩm định lại và cho vay.
Ngân hàng Vietcombank thì đã trả lại hồ sơ cho ngư dân rồi. Không biết còn ngân hàng nào đồng ý không để cho ngư dân làm phương án.
Hôm trước tại cuộc họp tôi cũng rất bức xúc. Tôi có đề nghị nếu phương án tính toán chưa được, chưa thể thu hồi vốn trong vòng 10 năm thì có thể xây dựng 15 năm, 20 năm. Hoàn toàn có thể tính về phương án, nhưng phía ngân hàng không đồng ý. Bà con vẫn còn mù mịt tương lai để vay vốn đóng tàu”, ông Hưng nhấn mạnh.
|
Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân bức xúc trước cách giải thích của ngân hàng Vietcombank. Ảnh minh họa. |
Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân cho rằng lý do phía ngân hàng đưa ra như đầu tư không hiệu quả vì giá cả thấp, mục tiêu thu hồi vốn không hề thuyết phục và có cơ sở. Đó chỉ là nguyên nhân được ngân hàng Vietcombank đưa ra để từ chối không cho các hộ ngư dân vay tiền.
“Ở Diễn Châu, Nghệ An, ngân hàng cũng cho vay tiền, ngư dân đóng mấy chục tàu rồi. Ở ngay xã Xuân Hội, một ngân hàng khác cũng chấp nhận cho ngư dân vay vốn, đóng 7-8 chiếc tàu cỡ lớn để ra biển đánh bắt cá rồi. Tại sao nhiều ngân hàng khác trên địa bàn họ vẫn chia sẻ với bà con khó khăn và làm thủ tục rất ngắn thì Vietcombank lại từ chối như vậy. Vietcombank thẩm định từ tháng 2 cho đến tháng 7 lại trả lời rằng phương án không phù hợp nên không cho ngư dân vay được.
Khi phát biểu hôm 1/9, tôi cũng đã nói, ngân hàng phải đồng hành và chia sẻ với bà con. Nếu mời ngư dân và huyện chỉ đến đây nghe các anh nói và cuối cùng tiền vẫn của các anh, không cho dân vay thì không cần thiết”, ông Hưng khẳng định.
Theo ông Hưng, chủ trương của Đảng và Nhà nước cho ngư dân vay vốn đóng tàu cỡ lớn theo nghị định 67 là đúng đắn, mang tính nhân văn cao. Tuy nhiên đó là chủ trương, còn để thực hiện được thì ngân hàng phải rót vốn. Quyết định của Vietcombank, ông Hưng cho rằng sẽ khiến các ngân hàng khác trên địa bàn cảm thấy chần chừ, lo lắng, thận trọng hơn trong việc giúp đỡ các ngư dân.
“UBND huyện sau khi ngư dân phản ánh và có các thông tin của ngân hàng như vậy, chúng tôi đã có văn bản báo cáo lãnh đạo tỉnh đồng thời tìm mọi cách giải quyết. Tuy nhiên, đến nay vẫn hết sức bế tắc.
Vì vậy tôi cho rằng Chính phủ, Nhà nước phải vào cuộc để ngân hàng mạnh dạn cho ngư dân vay tiền, đánh bắt xa bờ và giúp đỡ họ bớt khó khăn hơn. Không chỉ có 3 hộ dân tại xã Xuân Hội mà chúng tôi còn có nhiều hộ nữa. Trong sự cố môi trường biển Formosa thì tỉnh Hà Tĩnh có một chính sách là chuyển đổi nghề cho bà con ngư dân, từ đánh bắt bằng lồng sang đánh bắt xa bờ, đóng tàu theo nghị định 67. Nếu ngân hàng không cho vay thì chủ trương của tỉnh chỉ là chủ trương trên giấy thôi.
Một số ngân hàng làm có trách nhiệm khi nhìn lại vẫn thấy có ngân hàng như Vietcombank không đồng hành cùng người dân nên sẽ chần chừ, do dự”, ông Hưng nêu quan điểm.
Ngư dân thêm bế tắc
Cùng ngày trao đổi với Phụ nữ TP.HCM, ngư dân Trần Quốc Tuấn cho biết, trong cuộc gặp mới đây, đại diện ngân hàng nhà nước vẫn giữ nguyên quan điểm chưa cho vay vốn và yêu cầu ngư dân có phương án sản xuất hiệu quả mới lên phương án cấp tiền.
“Nói thật là tôi rất nản khi nghĩ đến chuyện này. Nhiều gia đình hoàn cảnh khó khăn hơn chúng tôi, nhà cửa không có gì vẫn được ngân hàng khác tạo điều kiện cho vay vốn trong khi chúng tôi lại không được như thế. Vietcombank nói sản lượng khai thác và tiêu thụ thấp hơn từ 50-70% tùy theo từng loại hải sản; giá cả các mặt hàng hải sản như cá thu, cá măng, mực … giá bán ra thấp hơn từ 35-40%, có mặt hàng thấp hơn đến 50% là không đúng.
|
Quyết định từ chối cho ngư dân Vietcombank vay tiền. Ảnh: NDCC. |
Tàu chúng tôi ra ngư trường đánh bắn, sản lượng vẫn rất nhiều, nguồn thị trường bán cá không chỉ giới hạn trong tỉnh Hà Tĩnh mà ở khắp nơi. Tại sao khảo sát mấy chợ quanh huyện rồi từ chối cho chúng tôi vay vốn”, anh Tuấn đặt câu hỏi.
Anh Tuấn cho biết, vẫn sẽ chờ đợi thêm 1 thời gian nữa để ngân hàng kiểm tra, đánh giá lại hiệu quả của đề án này. Nếu người dân vẫn tiếp tục bị từ chối sẽ có những kiến nghị ở cấp cao hơn.
“Chúng tôi vay vốn theo chủ trương của Nhà nước, của tỉnh. Bây giờ ngân hàng không giải quyết dù ngư dân và huyện đã có những văn bản đầy đủ trình bày sự việc rồi. Nếu Vietcombank vẫn giữ nguyên quyết định, buộc lòng chúng tôi phải gửi đơn lên Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội để được xem xét giải quyết. Ngư dân chúng tôi đã quá khổ rồi”, anh Tuấn thở dài.
Lê Hoàng