Gần đây, tôi có đọc được bài 'Ăn xin từng đồng' tiền cấp dưỡng nuôi con từ người chồng vô trách nhiệm viết về nỗi khổ trong việc đấu tranh đòi quyền lợi cho con sau khi ly hôn. Từ những trường hợp như thế, chị em phụ nữ thường “mặc định” rằng các ông chồng rất vô trách nhiệm trong vấn đề này, không đáng mặt nam nhi.
Tuy nhiên, tôi khẳng định không phải người đàn ông nào sau ly hôn cũng tìm cách trốn tránh trách nhiệm với con. Những ông chồng cũ cư xử tồi tệ như vậy là do bản thân họ còn chưa trưởng thành trong tính cách hoặc quá lệch lạc trong suy nghĩ, hoặc cũng có thể họ có khó khăn về tài chính. Bản thân tôi cũng từng trải qua một lần đổ vỡ nhưng cho đến giờ, tôi vẫn luôn cố gắng làm tốt nhất trong khả năng có thể để cùng vợ cũ lo lắng cho con.
Chúng tôi cưới được ba năm thì ly hôn, khi ấy con trai duy nhất của vợ chồng tôi mới được gần hai tuổi. Khi yêu, chúng tôi không gặp mâu thuẫn gì đáng kể nhưng khi sống cùng nhau, cả hai lộ ra nhiều khác biệt. Gia đình bên vợ tôi sống ở nội thành, là trí thức, bố làm trong quân đội, mẹ là giảng viên trường cao đẳng, anh chị em đều làm công việc nhà nước. Bố mẹ tôi sống ở ngoại thành (xưa là Hà Tây, nay sát nhập vào Hà Nội), làm công việc chân tay. Mẹ tôi bán trái cây ở chợ, bố là thợ đóng giày thủ công.
|
Tôi từng đau đầu với thái độ cư xử thiên lệch, coi nhẹ nhà chồng của vợ mình (ảnh minh họa). |
Nói chung, về kinh tế nhà tôi không thua kém nhà em, anh em tôi cũng được bố mẹ nuôi ăn học tử tế và cũng có công việc ổn định. Nhưng trong tư tưởng vợ tôi vẫn “ngầm” có sự so sánh và khi sống cùng nhau lâu, tôi cảm nhận rõ vợ có ý coi nhẹ nhà chồng. Chẳng hạn, vào những dịp lễ Tết cần mua quà cho bố mẹ hai bên, em luôn mua vải may áo dài cho mẹ mình nhưng “mặc định” là mẹ tôi dân buôn bán chẳng bao giờ diện quần áo cầu kỳ, chỉ mua miếng vải thường thường để may đồ bộ. Khi mua rượu biếu hai nhà cũng vậy, em chọn loại đắt tiền cho bố mình nhưng mua cho bố tôi chai vang nội giá chừng hai trăm ngàn.
Khi bố mẹ hai bên đến thăm chúng tôi, em cũng tỏ ý “bên trọng, bên khinh”. Bố mẹ em đến, em tất bật đi siêu thị sắm sửa đồ ngon vật lạ, thậm chí đặt hàng nhập trên mạng từ cả tuần trước đó. Còn khi bố mẹ tôi tới, em nấu ăn qua quýt, lấy lệ. Tôi cũng vài lần nhắc em nhẹ nhàng nhưng em tỏ ra không để tâm.
Từ khi sinh con, em càng tỏ rõ sự coi thường nhà chồng. Em khó chịu khi bà nội bế cháu, bà dặn gì thì em nhấm nhẳng tỏ vẻ không vui. Vài lần em bảo tôi sau này nhất định phải bắt con học hành để thoát cái cảnh è ra bán sức lao động, dù có tiền nhưng trông vẫn "hèn hèn". Lâu dần, giữa chúng tôi xuất hiện những khoảng cách và mâu thuẫn khó hàn gắn.
|
Chúng tôi quyết định ly hôn khi không còn cảm thấy sự yêu thương, tôn trọng từ nhau (ảnh minh họa). |
Rồi tôi bắt được tin nhắn em chê bai nhà chồng với người yêu cũ, đáng nói là giữa họ có cả những đưa đẩy qua lại khiến tôi thấy thất vọng về vợ mình. Khi biết người yêu cũ vừa lên chức phó giám đốc, em tỏ rõ ý tiếc nuối và chê chồng “kém tài”, không kiếm ra được tiền muôn bạc vạn như anh ta. Sau lần đó, chúng tôi ly thân. Tôi để em và con ở lại ngôi nhà chung, còn mình dọn ra ngoài ở trọ. Sau thời gian nửa năm, thấy em không tỏ ý muốn hàn gắn, tôi quyết định ly hôn, em đồng ý.
Khi ra tòa, em đề nghị chia mọi tài sản dựa trên mức đóng góp thực tế trong quá trình chung sống, em nuôi con, tôi đóng góp theo mức phán quyết của tòa án. Nếu tính như em thì tôi sẽ được hai phần ba ngôi nhà, bởi lẽ tôi góp vào đó nhiều hơn em nhờ tiền dành dụm từ lúc độc thân và tiền bố mẹ tôi cho thêm. Giá trị ngôi nhà ở thời điểm chúng tôi ly hôn là 2,5 tỷ, số tiền không nhỏ với tôi. Nhưng tôi quyết định để lại ngôi nhà ấy cho em và con, vì tôi muốn con mình được sống trong điều kiện quen thuộc, thoải mái nhất.
Không phải tôi không muốn giành quyền nuôi con nhưng tôi hiểu rằng, người mẹ chăm sóc con sẽ chu đáo hơn. Điều kiện duy nhất tôi muốn em đáp ứng là cho tôi được thăm con mỗi tuần hai hoặc ba lần, và mỗi tháng tôi sẽ đưa con về chơi với ông bà nội vào những ngày cố định. Em đồng ý. Tòa yêu cầu tôi đóng góp 3 triệu mỗi tháng để nuôi con, nhưng tôi tự đưa ra mức đóng góp 7 triệu và đề nghị tòa ghi vào phán quyết. Đó cũng là cách tôi nhắc nhở mình cố gắng làm tròn trách nhiệm phụ giúp vợ nuôi con.
|
Không chỉ chủ động gửi tiền phụ vợ nuôi con mỗi tháng, tôi cũng luôn tranh thủ khi rảnh rỗi để đưa con đi chơi, dạy con học... |
Nhiều người nghĩ tôi giàu có nhưng thực tế hoàn toàn không phải. Lương của tôi khoảng 15 triệu mỗi tháng, cộng thêm một khoản lợi nhuận nhỏ từ quán hàng tôi hùn chung cùng người bạn, tổng thu nhập khoảng 25 triệu. Tôi nghĩ đơn giản, thu nhập của mình cao hơn vợ vài lần, vợ đã phải vất vả chăm sóc con hàng ngày thì mình đóng góp thoải mái một chút cũng không có gì thiệt thòi. Hơn nữa, bản thân tôi không có nhu cầu gì nhiều nhặn, nên với số tiền còn lại tôi vẫn có thể mua trả góp một căn hộ khác cho mình.
Mỗi tháng, tôi tự nguyện chuyển số tiền 7 triệu vào tài khoản của vợ vào một ngày cố định. Mỗi lần đến thăm con, tôi cũng mua thêm đồ chơi, sữa, trái cây hay những gì con đang cần mà chưa có. Đến nay, sau hai năm ly hôn, tôi cảm nhận rõ thái độ của vợ khác xưa nhiều. Có lần, cô ấy chủ động đề nghị tôi đưa con về thăm ông bà nội khi biết bố tôi đang ốm. Lần khác, em gái của cô ấy kể với tôi rằng, chị H. bảo ngày trước chị đã cư xử không phải nên để mất người chồng có trách nhiệm, thương vợ thương con.
Dù chưa biết liệu tương lai có thể tái hợp hay không, tôi vẫn tự nhủ sẽ luôn làm tròn trách nhiệm người cha bởi xét cho cùng, con cái là thứ tài sản quý giá nhất của chúng ta trên cõi đời này.
H.T (Hà Nội)