'Ăn xin từng đồng' tiền cấp dưỡng nuôi con từ người chồng vô trách nhiệm

06/08/2018 - 09:41

PNO - Khi ra tòa, D. tuyên bố chỉ chu cấp cho con nếu được nuôi dưỡng. Nếu không, ai nuôi con người ấy phải tự lo toàn bộ. Ra khỏi phòng xử, mẹ D. chỉ tay vào mặt T. nói đừng mong lấy được một xu của nhà bà.

Khi vợ chồng chia tay, con cái ở với một trong hai người, lẽ đương nhiên người còn lại phải có trách nhiệm cùng đóng góp để nuôi dưỡng. Việc đóng góp cụ thể sẽ dựa trên sự trao đổi giữa hai bên và thực hiện theo phán quyết của tòa án. Về lý là vậy, nhưng trên thực tế, việc đòi tiền cấp dưỡng cho con sau ly hôn từ người cha nhiều khi cực kỳ khó khăn. Câu chuyện của M.H.T. ở Vĩnh Cửu (Đồng Nai) là một ví dụ. 

H.T. và Đ.D. là bạn học ở trường Cao đẳng Sư phạm Đồng Nai. Yêu nhau từ khi còn đi học, ra trường một năm thì cưới, những tưởng cuộc sống hôn nhân của họ sẽ dễ dàng vì đã hiểu nhiều về nhau, nhưng thực tế lại không suôn sẻ như mong muốn. Khác với khi yêu, Đ.D. tỏ ra ham chơi, ỷ lại vào bố mẹ, ở nhà không bao giờ giúp vợ việc gì. D. sẵn sàng dành thời gian đi chơi với những cô gái khác ở chỗ làm hoặc đi nhậu với bạn bè nhưng không một lần đưa vợ đi khám trong suốt thai kỳ với đủ mọi lý do. Bố mẹ D. lại bênh con trai nên thường xuyên mắng chửi T. khi thấy T. góp ý với chồng và để mặc cô làm mọi việc dù bầu đã lớn.

'An xin tung dong' tien cap duong nuoi con tu nguoi chong vo trach nhiem
H.T. từng mong mỏi một cuộc hôn nhân hạnh phúc nhưng mọi chuyện diễn ra hoàn toàn trái ngược. 

Đỉnh điểm mâu thuẫn là một lần T. đi khám bị tai nạn giao thông, bản thân cô bị xây xát nhưng may mắn đứa con trong bụng không sao. Thế nhưng khi vào viện, cả nhà D. xúm vào chửi bới T. không biết đi lại cẩn thận. Cô tủi thân khóc thì D. hung hăng tát vợ để cảnh cáo tội "vừa ăn cắp vừa la làng" trong sự cổ vũ của mẹ chồng. Quá thất vọng, cô quyết định dọn ra ngoài ở trọ, sống ly thân những mong chồng thay đổi. Nhiều lần vì thương đứa con trong bụng, T. nhắn tin mong chồng suy nghĩ lại về tình cảm trước kia của hai người, nhưng cô không nhận được dù chỉ một dòng hồi đáp. 

T. phải tự lo chuyện sinh nở nhưng khi con trai cô vừa tròn tháng, bố mẹ chồng đến đòi bắt cháu trai về. Trong lúc giằng co, mẹ chồng cô bị ngã. Bà la lớn đổ cho con dâu tội hành hung mẹ chồng khiến bà lên cơn đau tim. Chồng cô hay tin, tìm đến tận nhà bố mẹ vợ chửi rủa. Sau biến cố đó, T. quyết định buông tay hẳn. Tòa xử cho cô nuôi con trong sự hằn học của nhà chồng. Và cũng từ lúc đó, hành trình gian nan đòi tiền cấp dưỡng của T. bắt đầu.

Khi ra tòa, D. tuyên bố chỉ chu cấp cho con nếu được quyền nuôi dưỡng. Nếu không, ai được tòa xử nuôi con người ấy phải tự lo toàn bộ. Tòa án không chấp nhận lý lẽ "cùn" của D. và căn cứ theo tình hình thu nhập thực tế cũng như mức sống của hai bên, phán quyết D. phải có trách nhiệm đóng góp 2,5 triệu mỗi tháng. Ra khỏi phòng xử, mẹ D. chỉ tay vào mặt T. nói đừng mong lấy được một xu của nhà bà. 

'An xin tung dong' tien cap duong nuoi con tu nguoi chong vo trach nhiem
Từng là cô dâu rạng ngời trong ngày cưới, T. lại trở thành người vợ bất hạnh trước cách đối xử đáng buồn của nhà chồng.

Hai tháng đầu tiên T. có gọi điện, nhắn tin nhắc D. chuyển tiền nhưng D. hoặc không nghe, hoặc nhắn lại chửi bới. Tháng thứ ba, T. nhắn tin nói nếu D. không chuyển tiền, cô sẽ nhờ bộ phận thi hành án đến thu giúp. D. chuyển được cho cô 1 triệu đồng. Trong suốt sáu tháng đầu sau ly hôn, tổng số tiền T. nhận được từ chồng là 3 triệu sau rất nhiều lần giục giã. Về phía T., cô luôn tạo điều kiện cho D. và gia đình thăm con cháu chứ không hề cấm cản, làm khó để lấy đó làm điều kiện đòi tiền. 

Tuy nhiên, sau sáu tháng, D. không chuyển thêm bất cứ đồng nào. Khi cô nhắn tin vào số của D., mẹ D. gọi lại mỉa mai, gọi cô là thứ "ăn xin từng đồng", khoe rằng con trai bà đã có người yêu mới là gái tân hẳn hoi, giỏi giang xinh đẹp gấp trăm lần T. Khi T. nhờ bà nhắc D. làm đúng phán quyết của tòa, bà bảo D. đã đi làm ở xa, có giỏi tìm được thì hãy lấy tòa án ra đe doạ. 

'An xin tung dong' tien cap duong nuoi con tu nguoi chong vo trach nhiem
T. quyết định từ nay sẽ một mình nuôi con, không còn trông chờ gì vào người cha vô trách nhiệm ấy.

Mấy tháng sau, qua bạn bè, T. biết D. đang làm việc ở Sài Gòn. Một người bạn cho T. số điện thoại mới của D. Lần này, T. dùng số điện thoại đồng nghiệp để gọi. D. nghe máy, nhưng hễ nghe giọng T. là cúp ngay. Khi T. nhờ được một nhân viên thi hành án gọi cho D., D. nói anh ta vẫn dành dụm tiền tiết kiệm cho con hàng tháng nhưng nhờ mẹ giữ hộ đợi khi nào con 18 tuổi mới đưa một cục, chứ đưa cho vợ cũ không yên tâm. Khi nhân viên thi hành án phân tích như vậy là không tuân thủ phán quyết của tòa, có thể bị khởi kiện hoặc cưỡng chế thi hành án, D. mới hứa hẹn sẽ gửi tiền đều đặn. 

Nhưng chỉ được đúng một tháng, tháng tiếp theo mẹ chồng cũ gọi cho T. thông báo bạn gái mới của D. đã mang bầu con trai, giờ gia đình bà không cần con cô nữa, thích thì viết giấy không nhận con cháu cũng được, để khỏi mất công bị "đòi tiền". Đến nước ấy, T. cũng quyết định sẽ tự mình lo cho con đến khi trưởng thành, khi chính người cha của nó còn chẳng coi trọng ruột rà máu mủ.

Thùy Nhiên (Ghi theo lời kể của M.H.T.)

Có người mẹ đơn thân, một nách nuôi hai con, nhiều ngày liền một mình đứng trước cửa nhà người chồng cũ để hỏi về tiền cấp dưỡng. Cửa vẫn đóng bặt, không thể liên lạc được, trong khi những chi phí từ việc nuôi con như hứa hẹn trước đó trước tòa hoàn toàn là một con số không tròn trĩnh.

Một người mẹ kể, "năm lần bảy lượt nhắn tin gọi điện, anh ta còn trả lời đầy thách thức: “Đã hiểu là không có tao thì mẹ con mày cạp đất mà ăn chưa?”

Những câu chuyện đau lòng chỉ người trong cuộc mới hiểu. Chúng tôi mở diễn đàn bàn luận về vấn đề này, mời bạn chia sẻ quan điểm, câu chuyện của mình, gởi bài qua email tinhyeuhonnhan@baophunu.org.vn. Những bài viết tiêu biểu sẽ đăng tải lên chuyên mục phần nào xoa dịu nỗi lòng những người đồng cảnh ngộ, phần nào hi vọng giúp các nhà làm luật có động lực có thể cải tiến các chế tài mạnh hơn trong việc thực thi nghĩa vụ này.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI