Thầy như thế, sao trò kính trọng được?

18/11/2014 - 09:50

PNO - PNO – Khi phát hiện con tôi học thêm ở trung tâm, thầy dạy toán liên tục gọi cháu lên kiểm tra vở và kiểm tra miệng; ngay sau bài giảng ở lớp, cháu bị gọi lên làm toán thực hành. Cháu chưa giải được, thầy liền tát tai nhiều cái,...

edf40wrjww2tblPage:Content

Nếu có thể nói lên những bức xúc trong lòng mình từ câu chuyện giáo dục, qua những trải nghiệm đã và đang xảy ra với con cháu của mình, tôi xin mạn phép được phát biểu qua trang giấy này một vài ý kiến và cũng mong những ý kiến này sẽ được ghi nhận, để nền giáo dục của mình được tốt hơn.

Thay nhu the, sao tro kinh trong duoc?

Nguồn ảnh minh họa: internet.

Thời tôi còn đi học, thầy cô và học trò cư xử với nhau thật lòng lắm, thầy trò đến với nhau bằng trái tim, trò tôn kính thầy và thầy cũng luôn sẵn sàng dang tay, bao la như lòng mẹ. Thầy giáo dục trò chỉ bằng những lời thương yêu ấm áp nhưng lại có tác dụng đến không ngờ, trò ngoan ngoãn lắng nghe.

Bài giảng của thầy gửi cả tấm lòng vào đó, mong các học trò mình có thể hiểu, có thể học tốt và trở thành nhân tài đất nước.

Bây giờ không phải vậy!

Có một thực tế khá phũ phàng, là sự thực dụng trong các mối quan hệ ngày càng nhiều, bao gồm cả quan hệ thầy trò, mà điển hình nhất là nó từng xảy ra nhiều lần với con tôi.

Năm cháu học lớp 1, thường bị bạn ngồi cùng bàn giấu cục tẩy, cây bút... rồi dần dần lấy mất. Cháu về xin tiền mua cái mới, tôi hỏi, cháu tường thuật, tôi bảo cháu hãy thưa lại với cô thì cháu mếu máo: “Không được đâu, lần nào con thưa, cô cũng không xử lý, méc hoài thì cô bảo “Không được nói nữa, cái thằng ba trợn”.

Tôi uất lắm, nhưng cũng không thể làm gì ngoài việc để ý xem đối tượng đó là ai, thì biết em ấy ở gần nhà cô giáo, lại học thêm tại nhà cô. Thế đấy! Tôi định gặp cô giáo góp ý thì con tôi khóc lóc, nài nỉ: “ Mẹ đừng nói, cô sẽ thêm ghét con”.

Lên cấp 2, mỗi khi có tiết kiểm tra hay thi học kỳ, con tôi không bao giờ dám uống nước nhiều. Tôi hỏi thì cháu bảo “Con sợ đang làm bài mà mắc tiểu, thì chết”. Tôi bảo cháu cứ xin phép đi vệ sinh, cháu nói quy định của nhà trường là không được phép đi vệ sinh khi đang làm bài kiểm tra hoặc bài thi. Quý vị nghĩ xem, quy định gì mà kỳ vậy? Lỡ như các em bị đau bụng, tiêu chảy thì phải làm sao đây? Thời tôi đi học, hễ có nhu cầu vệ sinh là học trò cứ đường hoàng lên xin phép thầy(cô) rồi đi giải quyết, chứ chuyện đó là ngoài ý muốn mà bắt phải nín nhịn thì biết làm sao?

Cấp 3 thì sao? Vẫn có nhiều tiêu cực.

Một giáo viên môn toán giảng bài, con tôi không hiểu, nhờ thầy giảng lại, cháu vẫn thấy khó hiểu, thầy thản nhiên phán một câu: “Muốn hiểu thì đến học nhà tôi”. Sau đó, cháu cũng chịu khó học thêm, nhưng không phải học thầy mà học ở trung tâm, nơi có một giáo viên giảng bài dễ hiểu, nên cháu dần lấy lại căn bản và rất thích học.

Khi giáo viên bộ môn phát hiện, cháu liên tục bị gọi lên kiểm tra vở và kiểm tra miệng, ngay sau bài giảng ở lớp, cháu bị gọi lên làm toán thực hành. Vì chưa hiểu kịp nên cháu không làm được, bị tát tai nhiều cái, kèm câu nói: “Học thêm thầy giáo giỏi lắm mà, sao làm không được? Tụi bây đừng có hòng qua mặt được tao”. Câu nói đó ngụ ý gì? Tôi tin chắc rằng ai cũng hiểu. Lần đó tôi giận lắm, đòi lên gặp giáo viên nhưng cháu và các bạn cháu khuyên tôi không nên, vì điều đó rất bất lợi cho cháu. Nghĩ là năm cuối cấp nên tôi đành nuốt giận.

Giờ tôi xin nói thật lòng, với mối quan hệ thầy trò như thế, thử hỏi có thể nhìn thấy sự công bằng trong giáo dục được không? Thầy như thế thì không thể đòi hỏi ở trò sự tôn trọng, kính nể. Giá như môi trường giáo dục ở nước mình lành mạnh và trong sạch, quan hệ thầy trò vô tư và công bằng thì sẽ tốt biết bao. Nói là nói vậy thôi, chứ tôi nghĩ đây là điều không thể...

UYÊN NHI (quận Gò Vấp, TP.HCM)

Thông qua những trải nghiệm, chứng kiến, suy tư của mình về trường lớp, mối quan hệ thầy - trò, quan hệ giữa các nhà giáo, chương trình dạy - học, chính sách giáo dục, công tác quản lý, sách giáo khoa, dịch vụ giáo dục, sản phẩm giáo dục… hãy viết và gửi bài cho diễn đàn “Giáo dục trong mắt tôi” của phunuonline.com.vn.

Kính mời các bạn gửi bài, ý kiến qua các địa chỉ:

- Mở trang chủ phunuonline.com.vn, vào mục Gửi bài ở cuối trang
- Hoặc theo địa chỉ email: xahoi.phunuonline@gmail.com
- Hoặc viết vào phần bình luận phía dưới mỗi bài viết của diễn đàn.

Cuối bài ghi rõ họ tên, địa chỉ, số điện thoại, số tài khoản (nếu ở ngoài TP.HCM - để tiện gửi nhuận bút).

Phụ Nữ Online trân trọng cảm ơn sự cộng tác của bạn đọc.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI