Sao Sở VH-TT-DL Tiền Giang chỉ xin lỗi gia đình nhạc sĩ Thuận Yến?

29/03/2017 - 19:03

PNO - Ngoài cố nhạc sĩ Thuận Yến, không một lời giải thích nào được đưa ra và cũng không có lời xin lỗi nào dành cho gia đình các nhạc sĩ quá cố lẫn những nhạc sĩ còn sống khác có ca khúc bị Sở VH-TT-DL Tiền Giang cấm.

Vụ ca khúc Màu hoa đỏ của cố nhạc sĩ Thuận Yến bị Sở VH-TT-DL Tiền Giang cấm đã được làm rõ. Ông Nguyễn Đức Đảm - GĐ Sở VH-TT-DL Tiền Giang đã thừa nhận, việc cấm lưu hành Màu hoa đỏ chỉ là sự hiểu lầm, “do chủ quan trong việc sử dụng từ ngữ”.

Đại diện sở này cũng đã nhanh chóng có lời xin lỗi gia đình cố nhạc sĩ Thuận Yến, ra công văn giải thích, khẳng định Màu hoa đỏ là tác phẩm cách mạng thì đương nhiên được phép lưu hành. Tuy nhiên, chuyện chưa dừng ở đó.

Xem lại trong danh sách 307 ca khúc mà Sở VH-TT-DL Tiền Giang xếp vào nhóm “không được phép lưu hành, cấm phổ biến”, còn thấy rất nhiều ca khúc sáng tác trước 1975 nhưng đã được Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) cấp phép phổ biến rộng rãi như: Giọt lệ đài trang (Châu Kỳ - Hoài Hưng Tử), Nhật ký hai đứa mình (Anh Bằng - Trúc Ly), Qua cơn mê (Trần Trịnh - Nhật Ngân), Ai nhớ chăng ai (Hoàng Thi Thơ), Vùng lá me bay (Trần Quang Lộc), Em về kẻo trời mưa (Ngân Giang), Mai lỡ mình xa nhau (Chế Linh, ký bút hiệu Lưu Trần Lê)...

Sao So VH-TT-DL Tien Giang chi xin loi gia dinh nhac si Thuan Yen?
NS Thuận Yến và con gái - ca sĩ Thanh Lam

Không một lời giải thích nào được đưa ra và cũng không có lời xin lỗi nào dành cho gia đình các nhạc sĩ đã quá cố lẫn những nhạc sĩ còn sống. Càng khó hiểu hơn, trong danh sách trên còn thấy cả những sáng tác mới, của các nhạc sĩ trẻ, đã phổ biến rộng rãi trên thị trường qua tiếng hát của rất nhiều ca sĩ hôm nay. Từ 18 vào đời của Phương Uyên, Dẫu có lỗi lầm của Hồ Hoài Anh, Phút bối rối (nhạc ngoại, lời Việt: Minh Châu), Rồi mai thức giấc (Tường Văn), Tình yêu nào phải trò chơi 2 (Thái Hùng)... khiến cả các nhạc sĩ, ca sĩ lẫn công chúng đều ngỡ ngàng.

Trong giải thích chung chung của mình, Sở VH-TT-DL Tiền Giang cho rằng, các ca khúc trong danh mục bị cấm là do những vi phạm khác nhau. Có tác phẩm mang nội dung phản động, lồng ghép hình ảnh ca ngợi người lính Việt Nam Cộng hòa; có tác phẩm vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ... Tuy nhiên, như lời Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Vương Duy Biên, nếu các cơ sở kinh doanh karaoke hay người biểu diễn vi phạm quy định nào thì xử lý việc đó chứ không thể cấm các ca khúc đã được cấp phép.

Sao So VH-TT-DL Tien Giang chi xin loi gia dinh nhac si Thuan Yen?
Nhạc sĩ Phương Uyên và nhạc sĩ Tường Văn

Tuy ông Đảm hứa sẽ kiểm điểm, xử lý đối với tập thể, cá nhân có liên quan trong vụ việc (có lẽ cũng phải xử lý chính ông Đảm vì ông là người ký ban hành văn bản “chấn động dư luận” này), nhưng đó không phải là điều quan trọng. Quan trọng là một khi đã thấy sai, đã biết sai thì Sở VH-TT-DL Tiền Giang cần phải nhanh chóng sửa sai.

Ngày nào công văn số 120/SVHTTDL-TTr ngày 7/2/2017 vẫn còn đó, thì lệnh cấm cứ còn nguyên hiệu lực pháp luật, tất cả những bài hát bị cấm oan uổng kia vẫn không thể được cất lên. Tính đến nay, Sở VH-TT-DL Tiền Giang chỉ mới “nói lại cho rõ” duy nhất trường hợp của Màu hoa đỏ mà không đá động gì đến những bài còn lại. 

Có thể các nhạc sĩ sẽ không yêu cầu một lời xin lỗi riêng như cách gia đình cố nhạc sĩ Thuận Yến đã nhận được, nhưng rõ ràng cả Phương Uyên lẫn Tường Văn đều đang yêu cầu Tiền Giang phải giải thích lý do cấm ca khúc của mình và đặt vấn đề về khả năng thẩm định cũng như cách làm việc của cơ quan chức năng.

Sao So VH-TT-DL Tien Giang chi xin loi gia dinh nhac si Thuan Yen?
 

Sự việc càng để lâu, uy tín của Sở VH-TT-DL Tiền Giang sẽ càng giảm sút. Cơ quan quản lý nhà nước là chỗ dựa của người dân trong việc hành xử đúng pháp luật; giải quyết các tranh chấp, xử lý vi phạm. Cách ban hành văn bản bất cập như vừa rồi của Tiền Giang đã bộc lộ một lỗ hổng báo động về năng lực quản lý của ngành chức năng.

Phạm Thành Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI