Mấy mươi năm qua, từ khi boléro hình thành trong nước, tôi chưa từng chứng kiến giai đoạn nào liên tục ồn ào như thời gian qua, thậm chí có thể nói là quá tai tiếng, nhưng mọi việc chỉ đều xuất phát từ phát ngôn cá nhân chứ dòng nhạc này không hề tội tình.
|
Dòng nhạc, thể loại nào cũng vậy, miễn chúng ta làm hay, tự ắt sẽ tồn tại, và ngược lại |
Đến hôm nay, boléro đã ăn sâu vào tâm khảm của người Việt Nam, không phân biệt miền Nam hay miền Bắc. Dòng nhạc, thể loại nào cũng vậy, miễn chúng ta làm hay, tự ắt sẽ tồn tại và ngược lại. Boléro đang trở lại, việc này không gây tổn hại cho bất kì ai, ngược lại chúng còn gợi nhớ đến một thời huy hoàng của âm nhạc Việt Nam.
Boléro cũng đã từng có lúc tưởng chừng như bị lãng quên khi nhạc trẻ lên ngôi, nhưng hiện thịnh hành trở lại, nghĩa là khán giả còn yêu, còn thương và còn cần. Thưởng thức boléro hay bất kỳ dòng nhạc nào là quyền tự do của khán giả, vì thế đừng mang cái tôi mà cho rằng đó là sự thụt lùi về âm nhạc hay văn hóa.
Nhiều người cũng bảo boléro mang màu sắc bi luỵ, tôi thấy không đúng. Nhạc trẻ hiện tại, tôi cũng có nghe qua và thấy có những bài giai điệu, ca từ thật thê thảm, mang cảm giác còn sầu luỵ hơn cả nhạc boléro. Những tình cảm trong nhạc boléro đều nhẹ nhàng, đằm thắm và êm đềm. Chuyện tình yêu và cả những nỗi đau đều được thể hiện một cách tinh tế, dễ đi vào lòng người. Tôi thấy lên sân khấu mà gào thét, hò hét, nhắm mắt, quằn quại thì chẳng phù hợp với tâm thức, tình cảm của người Việt Nam.
|
Nhạc sĩ Giao Tiên |
Vấn đề làm mới boléro cũng đã gây tranh cãi rất nhiều thời gian qua. Có ý kiến cho rằng boléro quá cố hữu khi chỉ giữ lấy những giai điệu từ thuở ban đầu. Nhưng trên quan điểm cá nhân, tôi cho rằng việc viết một bài nhạc boléro hay cũng là làm mới chúng đấy thôi. Nếu không mới về giai điệu thì hoàn toàn có thể mới về câu chuyện, cảm xúc. Chưa chắc những nhạc sĩ thời nay có thể viết nhạc hay bằng Trúc Phương hay những thế hệ đi trước. Một bài nhạc hay sẽ dễ đi vào lòng khán giả, còn nếu không có năng lực để viết thì đành hát nhạc cũ, đơn giản vậy thôi.
Boléro được yêu thích trở lại là tín hiệu đáng mừng, nhưng thật lòng tôi vẫn luôn khắc khoải một nỗi lo bởi món ăn nào cũng vậy, ăn nhiều chắc chắn sẽ ngán. Hiện tại, boléro được mang lên quá nhiều chương trình truyền hình, giải trí dễ khiến khán giả có phản ứng ngược hoặc thậm chí “xù lông” với chúng. Các nhà sản xuất lẫn đài truyền hình nên cân đối lại vấn đề này, đừng để đi đâu người ta cũng lắc đầu nguầy nguậy khi thấy chữ boléro. Chỉ cần 2, 3 chương trình chuyên về boléro nhưng phải đầu tư chỉn chu, bài bản và đúng tinh thần nguyên bản của chúng thì lo sợ gì chuyện khán giả không đón nhận.
|
Phát ngôn "gây bão" của Tùng Dương khi nói về nhạc Bolero |
Hiện tại, tôi vẫn thường xuyên theo dõi các chương trình về nhạc boléro, từ THVL, HTV cho đến VTV. Trong số đó, có những chương trình xem rất thích nhưng có những cái làm chẳng hay, không đúng tinh thần và cũng chẳng giúp boléro đến với khán giả một cách đúng đắn nhất. Boléro, cốt yếu nhất là phải hát sao cho hay, cho thật tình cảm chứ đừng gán ghép chúng vào kịch, tôi hoàn toàn không đồng ý. Thà lấy nhạc boléro như một chất xúc tác để đẩy cảm xúc cho vở diễn chứ đừng mang chúng lên mà gán ghép, nghe vào đã thấy hỗn loạn, kệch cỡm. Đừng làm theo kiểu chuyện gì cũng xướng tên boléro lên để lôi khán giả vào cuộc.
Âm nhạc Việt Nam chúng ta cơ bản cũng là sự thừa hưởng, tiếp thu những giá trị của thế giới hiện đại từ phía châu Âu, châu Mỹ. Nhưng khi vào phạm vi lãnh thổ nước ta, chúng đều mang màu sắc, âm hưởng Việt Nam. Tôi dám cam đoan nhiều ca sĩ không hát được boléro, và cũng không ít nhạc sĩ không viết được boléro. Cuộc đời mà chưa đi qua nhiều trúc trắc, chưa vài lần nếm cảm giác đau thương thì chắc chắn không bao giờ chạm đến được boléro. Chúng nhìn bên ngoài tuy dễ nhưng yếu tố tình cảm chi phối rất mãnh liệt. Với tôi, đừng mang âm nhạc bác học đưa vào nhạc boléro để tạo ra những bản phối thất bại tột cùng.
Video ca khúc Lại nhớ người yêu - một sáng tác nổi tiếng của Giao Tiên:
Ngày xưa, hát boléro mộc mạc, tự nhiên và chất chứa biết bao nhiêu là tình. Bây giờ, mọi thứ phát triển hiện đại nên ca sĩ hát cũng đầy kỹ thuật hơn, gằn giọng, nhấn nhá. Tùy từng bài, từng cảm xúc được đặt vào mà mỗi người, mỗi thế hệ sẽ có cách thể hiện riêng. Với riêng tôi, không ít lần các bài hát của tôi được những nhạc sĩ trẻ phối lại khiến tôi phiền lòng vô cùng. Họ học trường lớp ra nhưng phối nhạc thì lung tung, không còn quan tâm đến xúc cảm mà tác giả đặt vào từng lời ca, thanh âm. Không có tình cảm, không có sự gắn bó thì mọi thứ đều dở tệ và mất luôn cái hồn vốn có của boléro.
Nhạc sĩ Giao Tiên