Nói về boléro, về những ý kiến chê bai boléro thì với gần 30 năm làm trong ngành giải trí, tôi đã chứng kiến nhiều. Ai trong nghề cũng từng biết chuyện khán giả nghe nhạc “sang” chê người nghe nhạc “sến”; người làm “nhạc mới” cười nhạt mỗi khi nhắc đến loại nhạc mà có khi họ gọi là sến, có lúc lại là trữ tình để rồi bây giờ gọi là boléro. Sống giữa những ý kiến mâu thuẫn rất đời thường đó, tôi rút ra cho mình một nguyên tắc đối với đa số các dòng nhạc: “Hãy nghe để biết, để làm việc, để chơi với đồng nghiệp và nghe để thực sự sống với nghề”.
|
Giữa cơn bão boléro mang tên Mưa bụi, những người tâm huyết với nhạc trẻ đã tạo một lối đi riêng, hình thành một lớp nghệ sĩ như Lam Trường, Đan Trường, Thu Phương... và chinh phục khán giả
|
Tôi đang chia sẻ những suy nghĩ của một người không hâm mộ boléro, không chuyên làm nhạc boléro; chỉ đơn giản là những suy nghĩ khi đã sống bên cạnh dòng nhạc đặc biệt này từ khi sinh ra cho đến tận bây giờ.
Muốn giặt gì, hãy gieo nấy
Năm 17 tuổi, tôi được gia đình đầu tư cho một phòng thu âm khá hiện đại. Sau hơn một năm chuẩn bị với nhiều hoài bão, phòng thu khai trương và gặp ngay “cơn bão” boléro mang tên Mưa bụi. Ngày đó, cũng nhiều cơ quan báo chí, các nhà chuyên môn và thậm chí người làm công tác quản lý đã lên án xê-ri album Mưa bụi như thứ gì đó cần ngăn chặn; nhưng giới sản xuất băng đĩa thì tăng hết công suất phát hành hết album này đến video khác - toàn nhạc boléro.
Phòng thu của một người không biết làm boléro như tôi phải nghỉ ngơi từ hôm khai trương đến suốt một năm tiếp theo. Lúc đó, tôi ghét boléro lắm! Thử nghĩ, một “thằng nhóc” như tôi, đương nhiên là không thích nghe boléro mà còn bị cản trở đường làm ăn như vậy thì làm sao ưa cho nổi.
Một mình - ca khúc bolero nổi tiếng của nhạc sĩ Lam Phương - được Võ Hạ Trâm thể hiện:
Rồi tôi được Đài truyền hình TP.HCM mời, đề nghị hãy làm chương trình gì đó cho khán giả trẻ, yêu cầu là phải mới mẻ hơn những gì họ đang làm. Tôi cùng một số ca sĩ hát nhạc trẻ (lúc đó cũng đang bị giới boléro “lấn lướt”) làm những bài hát nhạc ngoại lời Việt và được đài chọn ghi hình, phát sóng. Chương trình được yêu thích đến mức các video thu lại được chuyền tay, các cửa hàng sao chép ra bán ở chợ đĩa lậu Huỳnh Thúc Kháng.
Làn sóng người nghe đã đánh động các hãng băng đĩa. Họ đã mời tôi làm những CD nhạc trẻ, mở ra một chặng đường mới cho tôi, cho khán giả nghe nhạc. Những Lemon tree với Lam Trường, Unbreak my heart cùng Thu Phương, Thì thầm mùa xuân, Trên đỉnh Phù Vân đầy thu hút của Mỹ Linh... lần lượt ra đời.
Vượt qua được thời kỳ “bị boléro gây khó” đó, tôi rút ra kinh nghiệm (chỉ cho bản thân chứ cũng không dám khuyên ai): hãy gieo những gì mình muốn mọi người nghe, để tìm kiếm và thu hút khán giả. Hãy tập trung vào những gì mình say mê, không cần cố gắng chê bai những gì người khác đang yêu thích. Nếu mình đủ giỏi và sản phẩm của mình đủ hay, công chúng sẽ đón nhận nó.
|
Nhạc sĩ Nguyễn Hà trong một lần đệm đàn cho ca sĩ Thanh Thảo |
Bolero như một di sản
Chúng ta hay nhận xét bài hát này nghe “rất Hồng Kông”, bài hát kia nghe là biết ngay của Hàn Quốc hay Pháp… thì dòng nhạc boléro mà chúng ta nghe cũng rất riêng biệt, không lẫn với bất cứ loại nhạc nào khác. Điểm này rất đáng trân trọng, vì đó là công trình, trí tuệ của các nhạc sĩ tiền bối. Nhạc boléro có những nguyên tắc để sáng tác, phối khí và hát khá đặc thù mà thực ra không phải ai cũng có thể thể hiện tốt. Chỉ là, do một bộ phận người làm chuyên môn cho rằng nó dễ và đơn giản (?!) nên có phần xem nhẹ. Nhưng, kể cả khi đó là dòng nhạc đơn giản mà đi được vào lòng người cũng là cả vấn đề.
Nhu cầu người nghe boléro ngày càng nhiều, thế hệ khán giả trẻ sau này cũng yêu thích. Vẫn có những sáng tác mới bùng nổ, vẫn có những đêm nhạc cháy vé, vẫn có những thế hệ ngôi sao tiếp nối.
Trước thực tế như vậy, chúng ta hoàn toàn có thể nghĩ đến bảo tàng về dòng nhạc boléro, sưu tầm và đúc kết lại quá trình hình thành, phát triển dòng nhạc này tại Việt Nam. Tôn vinh những nhạc sĩ, nhà sản xuất, ca sĩ đã tạo ra, lan tỏa sức sống cho dòng nhạc này qua từng thời kỳ. Tôi tin chắc rằng nhiều khán giả sẽ ủng hộ mạnh mẽ ý tưởng này chứ không phải ý tưởng nên triệt tiêu hay hạn chế nó.
Bạch Yến hát Cỏ úa (NS Lam Phương):
Với tôi, boléro bây giờ đã là một phần cuộc sống, vì tôi cũng đã làm những chương trình có boléro. Tôi còn có những người bạn thân mà mỗi khi hàn huyên thì chỉ thích nghe, thích hát boléro. Boléro đã là chất gắn kết giữa tôi với nghề, với bạn bè và quan trọng nhất là với nơi tôi đang sống.
Nhạc sĩ Nguyễn Hà