Hội đồng thẩm định: Có luật, không có chế tài

31/03/2018 - 07:48

PNO - Quyền hạn to như vậy, nhưng trách nhiệm pháp lý của bản thân hội đồng, một khi để xảy ra sai sót trong công việc, lại hầu như không có trong quy định của luật.

Luật Điện ảnh ra đời đến nay đã được 12 năm, cởi trói nhiều phần trong hoạt động sản xuất, phát hành phim tại Việt Nam, giúp thị trường điện ảnh tăng trưởng mạnh, trở thành một trong những thị trường mới nổi đáng chú ý nhất khu vực Đông Nam Á. Trong thành công đó, không thể không kể đến phần đóng góp của những thành viên Hội đồng thẩm định và phân loại phim quốc gia (gọi tắt là Hội đồng duyệt phim).

Hoi dong tham dinh: Co luat, khong co che tai
Sai sót không nhỏ trong việc thẩm định phim Điệp vụ biển đỏ, nhưng không có chế tài nào dành cho Hội đồng thẩm định

 Bài 1: Hội đồng thẩm định phim, anh là ai!?

 Bài 2: Hội đồng thẩm định ca nhạc ế việc

 Bài 3: Nên dẹp bỏ Hội đồng nghệ thuật?

Với nhiệm vụ tư vấn cho Cục Điện ảnh thẩm định, phân loại và cấp phép phổ biến phim, vai trò của những thành viên trong hội đồng là góp sức đưa những sản phẩm chất lượng đến với công chúng và ngăn chặn những sản phẩm xấu.

Theo luật, Hội đồng duyệt phim có quyền hạn rất lớn - có thể cho hoặc không cho một bộ phim phát hành. Nói cách khác, hội đồng nắm quyền “sinh sát”, nắm hầu bao kinh tế của các đơn vị sản xuất, phát hành phim. Quyền hạn to như vậy, nhưng trách nhiệm pháp lý của bản thân hội đồng, một khi để xảy ra sai sót trong công việc, lại hầu như không có trong quy định của luật.

Ngay cả những điều cấm trong Luật Điện ảnh cũng còn mơ hồ, không định lượng rõ ràng, nên không ai dám chắc không có trường hợp bên trọng bên khinh trong khâu kiểm duyệt. Khi đó, ai sẽ bồi thường cho đơn vị sản xuất, phát hành nếu phim bị xử “oan” trong khi hội đồng lại có thể vin vào những quy định còn mơ hồ để biện giải cho việc làm của mình? Vừa đá bóng vừa thổi còi như thế quả thực đáng lo, nhưng duyệt phim vẫn là việc cần làm.

Vấn đề là, để tránh những kẽ hở trong quá trình duyệt phim, nên chăng mở rộng thành phần Hội đồng duyệt phim, để các tổ chức xã hội khác tham gia vào công tác này chứ không chỉ những chuyên gia về phim ảnh.

Ở Mỹ, Hiệp hội Điện ảnh Mỹ lập Hội đồng thẩm định gồm những khán giả bình thường (đã được phỏng vấn để kiểm tra về tư duy điện ảnh trước đó), được lựa chọn ngẫu nhiên. Các thành viên hội đồng này cũng thường xuyên thay đổi. Bên cạnh đó, luật cũng nên có quy định chi tiết, cụ thể hơn, để công tác thẩm định phim tránh sự cảm tính.

Làm sao để luật đem lại lợi ích cho cả người làm phim lẫn cơ quan quản lý nhà nước, nhất là để người làm phim thấy “tâm phục khẩu phục” với quyết định của hội đồng duyệt. 

 H.Nhu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI