Nên dẹp bỏ Hội đồng nghệ thuật?

30/03/2018 - 20:11

PNO - Gần như ở lĩnh vực nào, Hội đồng nghệ thuật cũng đầy sai sót và không thiếu những sai sót 'chết người'.

Từ nhiều năm nay, Hội đồng nghệ thuật (HĐNT) hay Hội đồng thẩm định là phần không thể thiếu trong hoạt động văn nghệ. Tất cả các bộ phim, chương trình ca nhạc, tác phẩm sân khấu… chỉ được cấp phép sau khi đã được duyệt thông qua.

Gọi là HĐNT, nhưng hội đồng này không chỉ góp ý về nghệ thuật mà còn chịu trách nhiệm cả về tư tưởng, chủ đề, bảo đảm những tác phẩm được cấp phép không có những sai lệch về quan điểm chính trị hoặc vi phạm thuần phong mỹ tục, đặc biệt - như trong trường hợp Điệp vụ Biển Đỏ - là nội dung vi phạm chủ quyền quốc gia. Thế nhưng, qua thực tế hoạt động của các HĐNT các cấp, câu hỏi nghiêm túc cần được đặt ra là: có nên dẹp bỏ các hội đồng này?

Nen dep bo Hoi dong nghe thuat?

Chất lượng nghệ thuật của một vở diễn sân khấu tùy thuộc rất lớn vào tâm và tầm của người làm nghề, không do Hội đồng nghệ thuật quyết định

Khi chất lượng các vở diễn sân khấu tụt dốc không phanh, nhiều ý kiến cho rằng, HĐNT không thể vô can. Sự dễ dãi trong duyệt vở, cấp phép đã cho ra đời hàng loạt tác phẩm kém chất lượng, bị khán giả phản ứng vì phản cảm, dung tục. Trong lĩnh vực ca nhạc, vai trò của HĐNT nay chỉ như người đối soát xem có giống với cái được cấp phép không, phục trang nghệ sĩ có quá lố không… Gần như ở lĩnh vực nào, HĐNT cũng đầy sai sót và không thiếu những sai sót “chết người”.

NSƯT Trần Minh Ngọc: Nên giao trách nhiệm cho người đứng đầu đơn vị nghệ thuật

* Ông từng than phiền về chất lượng các tác phẩm sân khấu hiện nay. Nhưng phải chăng sự xuống cấp này có một phần lỗi của HĐNT - những người duyệt vở và đồng ý cấp phép?

 Bài 1: Hội đồng thẩm định phim, anh là ai!?

 Bài 2: Hội đồng thẩm định ca nhạc ế việc

- Cái khó nhất trong duyệt vở hiện nay không phải là chủ đề tư tưởng hay chuyện thuần phong mỹ tục mà là chất lượng nghệ thuật. Nhiều vở yếu về nghệ thuật, không chỉn chu nhiều mặt, dự báo sẽ khó có thể tồn tại lâu. Nhưng dựa trên quy định thì tác phẩm không có gì sai phạm, không có lý do gì để cấm. HĐNT, khi đó, chỉ góp ý cho đạo diễn và đơn vị nghệ thuật sửa chữa, nâng chất lượng vở diễn đến mức tốt nhất trong khả năng có thể và phải đồng ý để vở diễn được cấp phép.

* Nhưng một vở diễn quá yếu, ta có quyền yêu cầu không cấp phép?

- HĐNT có quyền yêu cầu tạm thời chưa cấp phép, chờ sửa chữa và phúc khảo lại. Tuy nhiên, trên một cái nền quá yếu, việc sửa chữa chỉ có thể nâng chất được phần nào chứ không thể thành một tác phẩm hay. Khi đã có sự chỉnh sửa, như tôi đã nói, nếu không vi phạm về tư tưởng, thuần phong mỹ tục thì cứ phải cho ra. Quyền thẩm định sau cùng thuộc về khán giả. Chính khán giả sẽ là người quyết định tuổi thọ của một tác phẩm sân khấu.

Nen dep bo Hoi dong nghe thuat?
NSƯT Trần Minh Ngọc

* Đây có phải là lý do khiến nhiều người cho rằng, HĐNT hiện nay quá dễ dãi?

- Là thành viên HĐNT, tôi phải thừa nhận đó là ý kiến đúng với thực tế hiện nay. Quả thực, HĐNT chỉ mới làm nhiệm vụ của người gác cổng - không để “lọt lưới” những vở có sai phạm về chính trị, tư tưởng, thuần phong mỹ tục… HĐNT chỉ có thể góp ý để tác phẩm mạch lạc hơn, rõ hơn về chủ đề tư tưởng… mà khó can thiệp sâu về mặt nghệ thuật.

Sân khấu có những đặc thù riêng - người làm nghề cần được trao quyền tự do sáng tạo. Sự can thiệp quá mức về nghệ thuật sẽ khiến người làm nghề cảm thấy bị áp đặt, mất tự do. Hơn nữa, với cơ chế thị trường hiện nay, tác phẩm sân khấu cũng là một loại hàng hóa. Một khi đã là hàng hóa thì công chúng là người quyết định chọn hay không chọn.

* Nói vậy, những đóng góp của HĐNT về nghệ thuật chỉ là… cho có?

- Sân khấu hiện có hai xu hướng. Một số sân khấu xin phúc khảo khi bản dựng còn thô, với ngổn ngang những điều chưa chỉn chu, phi lý. Vở diễn sẽ được chỉnh sửa theo góp ý của HĐNT và phúc khảo lại để được cấp phép. Có nơi xem lời góp ý là nguồn tham khảo và vẫn giữ quan điểm của mình. Đáng ngại nhất là một vài sân khấu lại làm ngược những nhận xét, góp ý của HĐNT. Những mảng miếng được hội đồng góp ý tiết chế vì là chiêu câu khách dễ dãi thì lúc công diễn họ lại “tô đậm”, thậm chí sáng tác thêm; những gì được đánh giá là nghệ thuật thì họ lược bỏ.

Trong khi đó, công tác hậu kiểm còn yếu. Không giống phim ảnh - bản được duyệt ra sao thì bản trình chiếu cũng như vậy, bản dựng để duyệt xin cấp giấy phép và bản công diễn của sân khấu có thể hoàn toàn khác nhau. Khi công diễn, diễn viên hoàn toàn chủ động, làm chủ sân khấu, có thể sáng tạo trong từng suất diễn dưới tác động của khán giả, bạn diễn, khả năng cảm thụ nhân vật thay đổi theo thời gian… Có những sự sáng tạo giúp nâng chất lượng vở diễn, cảm xúc của khán giả; nhưng cũng có những sáng tạo dẫn đến tác động xấu, có thể làm vở diễn lệch lạc về chủ đề tư tưởng, bị tầm thường hóa.

* Không chỉ các sân khấu tư nhân, một số vở của các đơn vị công lập hoặc tác phẩm được đánh giá cao từ trại sáng tác, được ngân sách đầu tư vẫn có chất lượng nghệ thuật chưa thuyết phục. Phải chăng do HĐNT không thể can thiệp?

- Không có sự phân biệt giữa duyệt vở của sân khấu tư nhân hay công lập; vở xã hội hóa hay được ngân sách đầu tư. Mọi sự can thiệp sâu chỉ liên quan đến các yếu tố về tư tưởng, chính trị và thuần phong mỹ tục. Về tiết tấu, logic… khó có thể can thiệp, bởi vở diễn có cả một ê-kíp đứng sau. Chất lượng của một tác phẩm tùy thuộc vào khả năng của ê-kíp này.

* Ông có giải pháp nào để HĐNT phát huy hết vai trò và trách nhiệm?

- Có lúc, tôi thấy vai trò của HĐNT rất hình thức, vì có những vở, xem xong, HĐNT cũng không đóng góp được thêm gì. Tôi nghĩ đã đến lúc không cần đến vai trò của HĐNT. Mọi trách nhiệm đối với tác phẩm nên đặt vào tay người đứng đầu đơn vị nghệ thuật. Việc xử phạt những sai phạm cần phải có quy định cụ thể, rõ ràng, dựa theo luật pháp. Tùy theo mức độ sai phạm mà người đứng đầu đơn vị nghệ thuật sẽ bị xử lý, thậm chí phải ra hầu tòa.

Với thực tế đời sống sân khấu đang nặng tính giải trí như hiện nay, Nhà nước cần có những kế hoạch đầu tư cụ thể cho các sân khấu tư nhân, tạo điều kiện để các sân khấu nâng tầm. Nếu chỉ biết đòi hỏi, yêu cầu và để các sân khấu tự bơi với gánh nặng cơm áo thì khó mà đòi hỏi chất lượng các vở diễn.

* Cảm ơn ông. 

Đạo diễn, NSƯT Hoa Hạ: Hậu kiểm bỏ ngỏ, hội đồng nghệ thuật không còn ý nghĩa

Khi tham gia phúc khảo một vở diễn kém cả về nội dung lẫn chất lượng nghệ thuật, tôi hỏi đạo diễn: “Với kịch bản, lối dàn dựng này, em nghĩ tác phẩm sẽ thuyết phục khán giả ở yếu tố nào?”. Câu trả lời là: “Đây chỉ là bản dựng để phúc khảo, khi công diễn sẽ phát triển thêm một số lớp hoặc chi tiết”. Với bản dựng đó, tôi đoán được những cảnh nóng sẽ được thêm vào để câu khách.

Nen dep bo Hoi dong nghe thuat?
Đạo diễn Hoa Hạ

Khi đó, tôi khẳng định chỉ đồng ý cho cấp phép với bản dựng này. Mọi thay đổi, sửa chữa phải được thông qua HĐNT hoặc phúc khảo lại. Chúng tôi không có lý do gì để không cấp phép cho vở diễn đó. Nhưng giữa bản phúc khảo và bản công diễn có khác nhau không, khác đến mức nào thì chịu, bởi khâu hậu kiểm hoàn toàn không có.

Ông Huỳnh Anh Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH Sân khấu - Nghệ thuật Thái Dương:

Tôi thấy HĐNT các cấp hiện giống như… bảo vệ cổng, làm công việc đơn giản nhất: ngăn chặn để đừng xảy ra vi phạm về tư tưởng, chính trị, văn hóa… Thực tế, sẽ không có bất kỳ vi phạm nào liên quan đến các yếu tố trên được HĐNT phát hiện. Những sai phạm chỉ bị khán giả “vạch mặt” trên mạng xã hội, sau đó các cấp quản lý mới biết. Do vậy, tốt nhất, nên giải tán HĐNT vì không còn phù hợp với đời sống sân khấu hiện nay, thay bằng những quy định cụ thể, rõ ràng về những điều được hoặc không được phép khi xây dựng vở diễn sân khấu. Cứ chiếu theo quy định đó, các nhà quản lý sân khấu sẽ tự biết tác phẩm có được phép công diễn không và nếu vi phạm sẽ bị xử lý ở mức độ nào.

Thảo Vân (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI