Hạnh phúc mật ngọt của cựu binh trở về từ trận hải chiến Gạc Ma

29/08/2015 - 07:55

PNO - Mới đây, cựu binh Lê Hữu Thảo, hiện trú tại Hà Tĩnh, đã rưng rưng đón nhận người con gái của cuộc đời mình sau bao năm chờ đợi.

Hạnh phúc ấy càng nhân lên hơn khi ngày hợp hôn có sự chứng kiến của khoảng 20 đồng đội cũ đã về chúc phúc.

Ngày 22/8, tại ngôi nhà riêng trị giá gần 400 triệu đồng, được xây dựng bằng chính những đồng tiền chung tay góp sức của các nhà hảo tâm, đồng đội cũ tại phường Thạch Linh, TP Hà Tĩnh, hơn 20 cựu binh tàu HQ604 tham gia trận đánh Gạc Ma lịch sử vào năm 1988 để thành lập “Ban liên lạc HQ604-Gạc Ma 88”, đồng thời chúc phúc cho cựu binh Lê Hữu Thảo có hạnh phúc mới sau 27 năm đơn chiếc kể từ sau trận hải chiến trở về.

Hanh phuc mat ngot cua cuu binh tro ve tu tran hai chien Gac Ma
Ảnh cưới của anh Lê Hữu Thảo và chị Nguyễn Thị Thanh Hải.

Cuộc sống lận đận của người trở về từ sau hải chiến Gạc Ma

Lê Hữu Thảo (47 tuổi), sinh ra ở xã Hương Thủy, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh). Tháng 12/1986, anh nhập ngũ, phiên chế tại Lữ đoàn 147 Quân chủng Hải quân.

Đầu năm 1988, anh cùng đơn vị nhận lệnh tăng cường cho Lữ đoàn 146 đóng quân tại cảng Cam Ranh (Khánh Hòa), sau đó bổ sung vào đơn vị mới, đêm 11/3/1988 lên tàu HQ604 ra đảo Trường Sa làm nhiệm vụ bảo vệ biển đảo quê hương.

Hai ngày sau, đơn vị cập bãi đá ngầm Gạc Ma và bắt đầu đối mặt với tàu chiến của Trung Quốc.

“Sáng sớm ngày 14/3/1988, chúng tôi dậy từ rất sớm lên xuồng công binh đi vào đảo Gạc Ma. Công việc đầu tiên là cắm một cây cọc cao chừng 3m để làm thân buộc cán cờ. Đúng lúc ấy, bất ngờ ngoài khơi xuất hiện 3 chiếc tàu chiến Trung Quốc. Chúng nhanh chóng hạ xuồng, một số chạy quanh bao vây tàu HQ 604.

Mặc dù bị lính Trung Quốc đứng cách mình chỉ 1m và chĩa súng vào người sẵn sàng bóp cò nhưng chúng tôi vẫn thản nhiên chuyền tay nhau lá Quốc kỳ. Và khi lá cờ đến tay người cuối cùng thì tên chỉ huy rút súng bắn chỉ thiên, ra lệnh cho quân lính nổ súng.

Những loạt đạn, loạt pháo xả vào quân ta. Nhiều người hy sinh tại chỗ, riêng tôi mà một số đồng đội nữa sau một hồi chống cự đành phải lặn sâu xuống nước để tránh được đạn.

Khi đã lặn ra phía xa, tôi ngoi lên thì thấy lửa đạn đỏ ối trên tàu HQ 604 và chỉ trong chốc lát tàu chìm hẳn rồi thấy lính Trung Quốc rút về tàu, không bắn nữa”. Người cựu binh năm xưa ngậm ngùi nhớ lại giây phút lịch sử đau thương trên đảo Gạc Ma của 27 năm về trước, 9 đồng đội trên tàu HQ 604 sống sót.

Trận chiến năm đó, 64 chiến sỹ của ta đã nằm lại.

Sau sự kiện Gạc Ma, Lê Hữu Thảo cùng những người sống sót được đón về đất liền và được ưu tiên đi xuất khẩu lao động tại Cộng hòa Dân chủ Đức. Tại xứ người, anh được bố trí vào làm việc ở một nhà máy bê tông nhưng chỉ được nửa năm, do không thích nghi được nên anh trở về quê hương quyết chí làm ăn.

Tuy nhiên, ngày trở về, anh Thảo đón nhận nỗi phụ rẫy khi người vợ bao năm gắn bó đã bỏ anh để đi theo người đàn ông khác. Đứa con nhỏ của anh cũng theo mẹ về quê ngoại ở một tỉnh xứ Bắc. Từ đó đến nay, anh Lê Hữu Thảo sống cuộc sống bần hàn, đơn chiếc và gần như bị lãng quên.  

Hạnh phúc mật ngọt muộn màng

Cựu binh Lê Hữu Thảo kể: Những ngày trở về sau cuộc chiến, anh làm đủ thứ nghề để kiếm sống nhưng không có nghề nghiệp nào phù hợp. Cuộc sống khốn khó, đến nỗi vết thương ở đầu trong trận chiến năm nào, cứ trở gió lại đau nhức nhối, nhưng cũng không có tiền để đi khám chữa.

Để mưu sinh, cách đây mấy năm anh rời quê nhà xuống thuê nhà trọ ở TP Hà Tĩnh, may mắn được một doanh nghiệp chuyên chở đất cát, san lấp mặt bằng nhận vào làm điều hành cho đội xe, được trả lương hằng tháng nên cũng có đồng ra đồng vào.

Đến năm 2014, thông qua chương trình tri ân cựu binh Gạc Ma và thân nhân các liệt sĩ, chương trình “Nhịp cầu Hoàng Sa” đã kêu gọi, giúp đỡ được 432 triệu đồng để xây dựng cho anh Lê Hữu Thảo căn nhà khang trang ở phường Thạch Linh, TP Hà Tĩnh và ngôi nhà đã được khánh thành vào ngày 5/2/2015 vừa qua.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI