Hàng loạt quốc gia tranh cãi về trách nhiệm trong tiêm chủng

15/03/2017 - 09:53

PNO - Đây là đề tài gây tranh cãi ở nhiều quốc gia, tạo tâm lý hoang mang cho người dân, buộc các nhà lãnh đạo phải có biện pháp mạnh mẽ vì lợi ích chung của cộng đồng.

Đây là đề tài gây tranh cãi ở nhiều quốc gia, tạo tâm lý hoang mang cho người dân, buộc các nhà lãnh đạo phải có biện pháp mạnh mẽ vì lợi ích chung của cộng đồng. Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull ngày 13/3 tuyên bố, các trung tâm nuôi dạy trẻ mẫu giáo sẽ “cấm cửa” những trường hợp trẻ em không tiêm chủng đầy đủ. 

Ông Turnbull nói: “Đây không phải là chuyện hình thức mà điều này liên quan đến sự sống và cái chết. Nếu phụ huynh nói rằng họ không chích ngừa vì muốn bảo vệ con họ thì không chỉ họ để con mình đối mặt với nhiều rủi ro hơn mà họ còn buộc những đứa trẻ khác phải gánh chung rủi ro này”. 

Hang loat quoc gia tranh cai ve trach nhiem trong tiem chung
Chị Toni McCaffery và con gái Dana đã mất - Ảnh: Herald Sun

Thủ tướng Malcolm Turnbull cho biết, sắp tới, sẽ có những phiên thảo luận, bước đi cụ thể tiến tới việc ban hành luật. Thông điệp của Thủ tướng Úc nhận sự ủng hộ mạnh mẽ của giới chuyên gia y tế. Họ đồng tình với quan điểm vắc-xin là yêu cầu không của riêng ai mà nó liên quan đến sức khỏe cộng đồng.  

Ở Úc, chuyện tiêm hay không tiêm vắc-xin đã trở thành vấn đề gây tranh cãi trên bàn nghị sự. Cuối tuần trước, bà Pauline Hanson - lãnh đạo đảng One Nation (Một quốc gia) - đã chỉ trích việc một số bang ở Úc thắt chặt quy định tiêm vắc-xin, cho rằng điều này vi phạm quyền chọn lựa của mỗi gia đình, cá nhân.

Bà còn kêu gọi các bậc phụ huynh hãy tự thực hiện nghiên cứu. Điều này chẳng khác nào cho phép phụ huynh có quyền quyết định có tiêm chủng cho con hay không.

Ông Brian Owler, cựu Chủ tịch Hiệp hội Y tế Úc cho rằng, tuyên bố của bà Hanson cho thấy sự ngây thơ vô cùng nguy hiểm, đi ngược lại những giá trị to lớn của nền y khoa thế giới. Ông chia sẻ trên trang Twitter: “Vắc-xin là biện pháp hữu hiệu nhất phòng bệnh cho cả cộng đồng, cho đến thời điểm này”.

Ngay sau đó, bà Pauline Hanson phải lên tiếng xin lỗi vì tuyên bố có thể gây hiểu nhầm. Theo nữ chính trị gia này, bà chỉ muốn kêu gọi phụ huynh nên kiểm tra cho con và tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi cho con tiêm phòng. 

Khảo sát mới nhất đối với 2.000 phụ huynh ở Úc cho kết quả có đến 5% số trẻ của những gia đình trên chưa được tiêm vắc-xin đầy đủ. Thủ tướng Úc Turnbull cũng đã dẫn chứng trường hợp bé Dana ở Sydney tử vong ở tuần tuổi thứ tư sau khi em bị lây ho gà.

Chị Toni McCaffery - mẹ của Dana - cho biết, con chị bị lây bệnh sau khi tiếp xúc với một số trẻ tại một trung tâm giữ trẻ. Vụ việc đáng tiếc xảy ra vào năm 2009. Giờ đây, chị Toni McCaffery nguyện dành ngày tháng còn lại thực hiện sứ mệnh của một người mẹ, đó là khuyến khích mọi người nhìn nhận tầm quan trọng của việc tiêm vắc-xin. 

Tại Úc, tỷ lệ tiêm chủng đã tăng lên từ khi chương trình tiêm chủng mở rộng được triển khai vào năm 1996. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, tỷ lệ cha mẹ từ chối tiêm chủng cho trẻ dưới bảy tuổi dần gia tăng do những nghi ngại không có có sở.

Ước tính, có khoảng hơn 39.000 trẻ em dưới bảy tuổi đã không được tiêm chủng do cha mẹ từ chối. Số lượng này tăng hơn gấp đôi trong vòng một thập niên qua.

Dưới thời Thủ tướng Tony Abott, Úc đã có chính sách “No jab, no pay” (Không tiêm chủng, không trả tiền). Theo đó, từ tháng 1/2016, nếu cha mẹ không đưa trẻ trong độ tuổi quy định đi tiêm chủng đầy đủ (ngoại trừ những trường hợp đặc biệt), chính phủ sẽ không chi trả các khoản tiền hỗ trợ chăm sóc trẻ em và cũng không giảm thuế thu nhập cuối năm cho họ. Nhờ chính sách này, trong năm 2016, đã có thêm 200.000 trẻ được chủng ngừa. 

Ông Barack Obama khi còn là tổng thống Mỹ cũng không ngừng lên tiếng ủng hộ các chương trình chủng ngừa. Cuối năm 2015, Ủy ban Thượng viện California đã bỏ phiếu ủng hộ quy định bắt buộc chích ngừa phòng bệnh ở tiểu bang này.

Sắc luật có tên Senate Bill 277 ra đời, chính thức được áp dụng từ ngày 1/7/2016 đề cập cụ thể: chỉ có trẻ em nào đã được chủng ngừa đầy đủ mới được quyền ghi danh đi học ở California. Những trường hợp ngoại lệ phải có lời ghi chú của bác sĩ trực tiếp theo dõi.

Tháng 2/2015, Mỹ bùng phát dịch sởi ở 20 bang với hơn 30 trường hợp nhiễm bệnh. Đây được cho là “bước lùi” của y tế cộng đồng vì Mỹ đã xóa sổ bệnh sởi từ năm 2000. Việc xuất hiện trở lại dịch bệnh trên chính là hậu quả tất yếu của việc nhiều phụ huynh tự ý không cho con tiêm ngừa nhiều loại vắc-xin.

Không ít người cho rằng vắc-xin “3 trong 1” ngừa sởi, quai bị và rubella có dẫn đến chứng… tự kỷ. Họ kiên quyết giữ quan điểm của mình dù các nhà khoa học và nhiều nghiên cứu độc lập chỉ ra rằng, không có mối liên hệ nào giữa tiêm vắc-xin với chứng tự kỷ ở trẻ. 

Singapore cũng rơi vào tình trạng tương tự. Chỉ trong năm tháng đầu năm ngoái, quốc gia này ghi nhận 50 trường hợp nhiễm sởi, tăng cao so với con số 17 ca trong năm tháng đầu năm 2015.

Dù Bộ Y tế Singapore đã đẩy mạnh công tác giáo dục cộng đồng về chính sách tiêm chủng, và Bộ Giáo dục Singapore yêu cầu phải có giấy chứng nhận tiêm chủng khi nộp hồ sơ đăng ký vào lớp 1, nhưng một số phụ huynh vẫn khăng khăng cho rằng tiêm vắc-xin không an toàn. 

Chị Tara Hills (người Canada) cùng chồng có bảy con nhỏ. Với ba đứa trẻ đầu, chị tiêm phòng đầy đủ nhưng đến đứa con thứ tư, chị nghe ngóng thông tin và nhiều người cho rằng tiêm phòng có thể khiến trẻ tử vong hoặc nguy hiểm đến tính mạng, nên chị quyết không cho con tiêm phòng.

Sau đó, các con chị lần lượt mắc bệnh sởi nặng, buộc chị phải suy nghĩ lại. Khi đó, chị mới nhận ra mình đã không tìm hiểu ngọn ngành sự việc. Có những trường hợp tử vong sau khi tiêm vắc-xin, ngoài nguyên nhân đến từ việc vắc-xin không đảm bảo chất lượng, còn  do nạn nhân có những bệnh lý nền (tim bẩm sinh hoặc nhiễm trùng máu) khiến cơ chế sốc thúc đẩy thêm, gây nặng và tử vong. Sau khi hiểu rõ, Tara Hills đã thay đổi cách nghĩ và cho các con tiêm phòng đẩy đủ, không chỉ vì sự an toàn của con mà còn vì sức khỏe cả cộng đồng. 

Trung tâm dự phòng và kiểm soát bệnh tật Mỹ (CDC) đã xếp tiêm chủng mở rộng đứng thứ tư trong 10 thành tựu lớn nhất về y tế công cộng của thế kỷ XX.

                              ANH THÔNG (Theo SMH, Washington Post, Guardian, CNA)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI