Gặp chủ nhân ngôi nhà xây từ 1 vạn món đồ cổ độc nhất miền Bắc

03/09/2015 - 07:34

PNO - Căn nhà cấp bốn có thể nói là độc nhất trên đất Bắc này vì được xây dựng nên từ hơn 1 vạn món đồ cổ và 260 kg tiền xu.

Vóc người cao, rắn rỏi, chòm râu dài bạc trắng và mái tóc dài buộc gọn phía sau, trong bộ rằn ri quân đội trông ông có vẻ rất giang hồ. Nhưng đằng sau cái vẻ giang hồ ấy, ông lại là một người nghệ sĩ thực thụ, một người đã yêu, đã say mê hết cuộc đời mình với từng món đồ cổ, từ chiếc bát vỡ, chiếc đĩa sứt đến những đồng tiền xu đã lên màu thời gian.

Căn nhà cấp bốn của ông có thể nói là độc nhất trên đất Bắc này vì được xây dựng nên từ hơn 1 vạn món đồ cổ và 260 kg tiền xu. Ông bảo, đó là cách trưng bày và giữ gìn những “báu vật của đời” một cách trọn vẹn nhất. Ông là Nguyễn Văn Trường ở làng Sơn Kiệu, xã Chấn Hưng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.

Gap chu nhan ngoi nha xay tu 1 van mon do co doc nhat mien Bac

Bén duyên với đồ cổ

Ông Trường năm nay đã 52 tuổi và đã có thâm niên chơi đồ cổ hơn 20 năm. Ở vùng này, giới cổ vật đều biết tiếng còn giới nghệ sĩ thì cực kì ái mộ ông. Họ thường lui đến căn nhà nhỏ của ông để trò chuyện về cổ vật dưới tán tre đằng.

Ông Trường cho biết nghề sưu tầm đồ cổ đến với ông cũng rất tình cờ. Năm 1985, sau khi giải ngũ, ông trở về làm nghề sơn bàn ghế ở quê để tìm kế mưu sinh. Một lần đi sơn cho một gia đình ở xã Bình Dương (huyện Vĩnh Tường), ông tình cờ nhìn thấy có rất nhiều bát đĩa cũ xếp ngay ngắn ở trong tủ của chủ nhà.

Ông thích thú, tò mò hỏi han và thế là từ đó hình ảnh những chiếc bát, đĩa cũ cứ vương vấn trong đầu, thôi thúc ông đi sưu tầm bằng được.

“Ngày ấy đói lắm, ăn còn chẳng có lấy đâu tiền mà chơi đồ cổ. Vợ con cũng cằn nhằn suốt, có lần vợ chồng còn cãi nhau to, nhưng vì đam mê, tôi vẫn cứ làm”, ông Trường chia sẻ.

Suốt nhiều năm ròng, bằng chiếc xe đạp cà tàng với vài đồng bạc ít ỏi, ông Trường lặn lội khắp nơi để tìm mua cổ vật. Bàn chân ông đã đi khắp vùng Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Yên Bái, Lào Cai…

Mỗi một cổ vật mua được, dù là chiếc bát vỡ hay chỉ là một mảnh gốm ông cũng đều gói ghém cẩn thận rồi cất vào trong tủ.

Giờ trong căn nhà của ông số lượng cổ vật đã lên tới hàng vạn, đủ các loại đồ vật như bát, đĩa, chum, vò, tượng… với nhiều niên đại lịch sử khác nhau, từ đời Lý, Trần, Lê, Nguyễn bên xứ ta tới đồ gốm sứ của Nam Tống, Minh, Thanh bên Trung Quốc hoặc tiền xu của các nước phương Tây hồi thế kỉ XVI, XVII…

Gap chu nhan ngoi nha xay tu 1 van mon do co doc nhat mien Bac

Do không có điều kiện kinh tế, ông Trường thường chỉ mua được những cổ vật rẻ có giá trị chỉ vài trăm nghìn đến vài triệu. Nhưng ông bảo, đồ đắt hay rẻ cũng đều có giá trị riêng của nó, không thể nói rẻ mà tầm thường.

Nói rồi ông chỉ tay vào chiếc đĩa màu da lươn đính trên tường bảo: “Chiếc đĩa này có từ đời Mạc, hoa văn hầu như không có, rất xấu, nhưng điều đặc biệt là đồ ăn đựng trên chiếc đĩa này không bao giờ bị ôi thiu.

Giá tôi mua chỉ mấy trăm nghìn thôi nhưng nếu vì rẻ mà tôi không lưu giữ thì mai sau, có ai biết được đã từng tồn tại một chiếc đĩa như thế”, ông Trường tâm sự.

Nhớ lại những lần đi săn tìm đồ cổ, ông Trường cho biết nhiều khi cũng gặp nhiều chuyện dở khóc dở cười. Có lần ông mua cổ vật của một gia đình, ông nội, bố, anh em của nhà đó đồng ý bán rồi nhưng cầm đồ ra đến ngõ, người con dâu lại đổi ý không chịu bán nữa, thế là toi công mấy ngày trời.

Có lần mang cổ vật đi đường núi gặp cướp, mở đồ ra chỉ toàn bát đĩa vỡ, ai cũng ngao ngán không buồn “cướp” nữa.

Có lần lại gặp công an kiểm soát, phải viện đủ lí do, nói đến gãy lưỡi họ mới cho đi. Nhưng có những lần may mắn, đi chơi cũng gặp được đồ quý.

Ông bảo: “Nghề săn đồ cổ tùy thuộc vào duyên, đúng như các cụ nói “quý vật tìm quý nhân” chứ quý nhân nhiều khi không thể tìm được quý vật. Có những anh lái xe hơi đi hàng trăm cây số, mang cả yến vàng trong xe nhưng không mua được món nào cả, trong khi mình chỉ có vài triệu lại mua được”.

Hơn 20 năm chơi cổ vật, điều làm ông Trường tiếc nuối nhất là những món đồ đắt giá mà ông cố công mới tìm được phải bán bớt đi để có thể giúp cảnh nhà những lúc túng quẫn.

Nhưng cái lòng đam mê nó buộc ông khi bán đi một chiếc lại phải mua về nhiều chiếc khác để “đền bù” cho chính mình. Vì thế, số lượng cổ vật trong nhà ông không có lúc nào giảm xuống. Giới chơi cổ vật bởi vậy ngưỡng mộ ông vì sự đam mê tột cùng và cái tâm trong sáng, không vụ lợi.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI