Đối thoại xung quanh… toa thuốc

27/10/2014 - 07:36

PNO - PNO - Sau khi đọc bài "Hiểu sai toa thuốc do thiếu đối thoại bác sĩ - bệnh nhân" (Phụ Nữ Online đăng lúc 9g39 ngày 26/10), tôi thấy cái tít thì ổn nhưng trong bài viết lại có những lập luận không ổn.

edf40wrjww2tblPage:Content

Không ổn là vì người viết ở gần cuối bài viết cho rằng "có những trường hợp đáng tiếc đã xảy ra do sự tắc trách thật sự của các nhân viên y tế nhưng sự hiểu lầm không đáng có của nhân vật trong bài viết nói trên đã gây ra làn sóng hoang mang trong dân chúng, khiến niềm tin vào y đức cũng như khả năng chuyên môn của ngành y một lần nữa bị lung lay sau hàng loạt bài viết của các báo về các sự cố tương tự".

Tại sao bạn cho rằng niềm tin vào y đức bị xói mòn do báo chí mà không nghĩ rằng sự xói mòn này do chính một số bác sĩ, nhân viên y tế gây ra? Với vụ việc trên, nếu chỉ dừng ở quy trình khám, kê toa thì bệnh nhân chưa bức xúc lắm. Nhưng khi người bệnh gọi điện tới bệnh viện thì người của bệnh viện lại trách lỗi bệnh nhân, mà lẽ ra nên hướng dẫn người bệnh tới kiểm tra lại để đổi hoặc cho trả lại thuốc.

Trong bài viết "Kê toa bạc triệu... bệnh nhân không dám uống", bệnh nhân này do đang có con nhỏ, bác sĩ kê toa nhưng không hướng dẫn gì thêm còn trên sản phẩm thuốc của nhà sản xuất thì hướng dẫn “thận trọng khi dùng, ngưng cho con bú”. Nên việc họ không dám dùng là đúng.

Một bác sĩ cho biết, thực ra, viêm họng thì không có gì cấp bách, hoặc đổi thuốc khác cho phù hơp, hoặc tạm thời không uống; nếu uống thì nên ngừng cho con bú.

Trong bài viết trên, tác giả đã mời người thứ 3 có chuyên môn nhưng không liên quan vụ việc nhận định, và BS này cũng khẳng định toa thuốc nếu nói về bệnh lý thì không sai. Chưa kể, trong bài viết, vẫn có cả ý kiến của BS Bệnh viện Tai Mũi Họng. Như vậy đã đủ khách quan.

Cũng rất vui là, sau khi báo Phụ Nữ đăng bài viết, lãnh đạo Bệnh viện Tai Mũi Họng và cả BS kê toa thuốc đó đã liên lạc với người bệnh hẹn gặp để đối thoại.

Vậy thì bạn Lê Thị Ngọc Vi nhìn nhận lỗi do báo chí gây ảnh hưởng cho ngành y, gây hoang mang dư luận là quy kết chưa ổn.

Lâu nay, cái gì báo chí đăng về ngành y thì người ta (phần đông là BS, BV) lại nói báo chí làm người trong ngành y lung lay niềm tin (hoặc làm người dân lung lay niềm tin vào ngành y), trong khi điều cần làm là ngành y cần nhìn lại chính mình.

Tôi nghĩ cách hành xử của chính Bệnh viện Tai Mũi Họng và BS như trên là cách làm thông minh và được lòng người hơn những lời ngụy biện.

VINH NGUYỄN (tác giả bài “Kê đơn thuốc bạc triệu, bệnh nhân... không dám uống”)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI