Áp lực tiệc tùng cuối năm

12/01/2019 - 06:00

PNO - Từ cuối năm dương lịch cho đến tết Nguyên đán, chúng ta cứ thế nhận “trát triệu tập” của các loại tiệc.

Có vẻ như nhịp sống những ngày cuối năm bỗng chốc trở nên nhiều màu sắc hơn bởi sự hiện diện của những buổi tiệc tất niên, mà hiếm khi thiếu phần ăn nhậu, hát hò. Bên cạnh những người háo hức đếm ngược đến bữa họp mặt, lễ lạt, có không ít kẻ “xanh mặt” bởi dồn dập tiệc tùng. 

Từ cuối năm dương lịch cho đến tết Nguyên đán, chúng ta cứ thế nhận “trát triệu tập” của các loại tiệc. Tính sơ sơ, một lao động đang tuổi hăng say phải cơ bản “hưởng” lần lượt nào là họp lớp, họp gia đình, tiệc cuối năm cơ quan… Từ “cơ bản” sẽ chia thành các “phân khúc” khác nhau. Họp lớp đại học sẽ khác họp lớp phổ thông; họp gia đình nội - ngoại có khi “mở rộng” họp mặt đồng hương; tiệc cuối năm cơ quan của mình và của các đối tác, kết hợp họp nhóm đồng nghiệp cũ - mới… Đó là chưa kể các hình thức tất niên nhỏ lẻ khác từ vô số những câu lạc bộ - hội - nhóm như nhóm bạn nhậu mày râu, nhóm bà tám chị em…

Ap luc tiec tung cuoi nam
Ảnh minh hoạ

Cao điểm, có ngày một người phải dự 2-3 “độ”. Bất luận trưa chiều, người ta phải tranh thủ “chạy sô” ngược xuôi. Ngán nhất tới bữa tiệc “trạm cuối” mà phân nửa khách đã say khướt. Rồi cứ thế “zô zô” để còn phải “chuồn lẹ”. Tội nghiệp nhất là những cháu bé. Mùa tiệc tùng của người lớn thì chúng vẫn còn đi học. Nhiều “cục cưng” còn nguyên đồng phục, khăn quàng, mặt mày mệt nhọc, bởi tan học về bị bố mẹ tranh thủ chở thẳng từ trường đến nhà hàng dự tiệc tất niên cùng cha mẹ, phải chứng kiến cảnh ăn nhậu, hò hét ồn ào của những người xa lạ.

Hiệu quả làm việc ở các công sở cũng sụt giảm trong mùa tiệc tùng cuối năm. Theo một thống kê của Anh quốc, vào dịp này, nhân viên văn phòng ở xứ sở sương mù khó tránh khỏi nguy cơ có giấc ngủ đêm tồi tệ nhất năm. Ai cũng phải cảm ơn trời Phật nếu ngủ được sau những bữa tiệc. Trong cuộc thăm dò gần đây, có đến 65% nhân viên tham dự tiệc cuối năm cho biết, họ ngủ ít hơn năm tiếng vào ban đêm so ngày thường và cảm thấy chất lượng giấc ngủ thấp. 4/5 số người đi làm vào ngày hôm sau cho biết, họ làm việc kém hiệu quả. Phần lớn thời gian trong ngày hôm đó, họ ước ao, mong muốn được trở lại giường để ngủ. Ấy là còn nhẹ. Nếu trót quá chén, ói mửa đêm trước, người ta còn phải mất thêm 24 giờ sau đó mới có thể phục hồi hoàn toàn.

Ngoài tùy thuộc lượng cồn đưa vào người, còn phải đặt vấn đề chất lượng thực phẩm, đặc biệt là bia rượu, có bảo đảm an toàn hay không dưới áp lực của thị trường tiêu thụ cuối năm. Uống phải rượu, bia kém chất lượng, nhẹ cũng đau nhức khắp người khi tỉnh dậy để rồi sự mệt mỏi kéo dài cả ngày. Nặng thì phải kể đến trường hợp ba người nhập viện trong tình trạng hôn mê do ngộ độc rượu nghi giả xảy ra ở Quảng Trị cuối tháng 12/2018.

Ap luc tiec tung cuoi nam
Ảnh minh hoạ

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã lập tức lên tiếng cảnh báo về rượu không rõ nguồn gốc, rượu giả trước nhu cầu số lượng tiêu thụ tăng vọt dịp gần tết. Theo thống kê của cơ quan này, 11 tháng đầu năm 2018, cả nước có 91 vụ ngộ độc khiến hơn 2.700 người phải nhập viện, trong đó có 15 ca tử vong. Phần lớn số người chết là do ngộ độc rượu và số này thường tăng cao vào dịp tết Nguyên đán và những ngày lễ hội mừng xuân.

Bên cạnh nguy cơ tử vong do ngộ độc, uống rượu bia quá nhiều dẫn tới say xỉn chính là nguyên nhân của 31% vụ ẩu đả, giết người; 33% vụ hiếp dâm; 18% tai nạn giao thông và 60 loại bệnh khác như gan, dạ dày, tim mạch, tâm thần… Điển hình gần đây nhất là vụ 2 người chết, 1 người bị thương trong tai nạn xảy ra trên đường Lê Thanh Nghị (P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng). Các nạn nhân đều vừa mới rời khỏi bàn tiệc cuối năm của công ty trước đó.

Tiệc tùng “tổng kết” khiến năm nào cũng vậy, cứ đến giáp tết là cơ quan chức năng lại lo sốt vó khi hàng loạt địa phương liên tục phát hiện và bắt giữ nhiều vụ vận chuyển thực phẩm bẩn, chưa kể vô số lượng hàng hóa đi theo những con đường lắt léo để qua mặt các lực lượng kiểm soát.

Quả thực, có quá nhiều áp lực!

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI