"Con tôi được 25,5 điểm và không cần phải đỗ ĐH ngành con không thích"

24/08/2015 - 06:42

PNO - Theo lời phụ huynh này, sức khỏe và đam mê của con quan trọng hơn hình thức "Đỗ Đại học".

Kỳ thi THPT Quốc gia 2015 vừa qua cùng với những khó khăn trong khâu rút-nộp hồ sơ trải dài 20 ngày, một số bậc phụ huynh đã phải "khăn gói" cùng con ra thủ đô để "chạy theo nguyện vọng" nhằm đỗ Đại học.

Nhiều người vì thương xót con cái nhưng không dám đối mặt với 3 chữ "Trượt Đại học" mà quên mất rằng tình yêu đam mê với khoa ngành mình thích và sức khỏe tâm lý con cái mới là điều quan trọng nhất.

Chia sẻ về điều này, PV báo Phunuonline thật bất ngờ với suy nghĩ một ông bố nông dân thấu đáo và nhiều lý lẽ "hợp tình hợp lý".

Phụ huynh V (Đông Hưng, Thái Bình) cùng con trai tại đại học Xây dựng Hà Nội.

Hoặc trượt ĐH, đăng ký nguyện vọng bổ sung, hoặc thi lại

Phụ huynh V. (44 tuổi, quê Đông Hưng, Thái Bình) đưa con trai ra Hà Nội vào đúng ngày 19/8/2015 để nộp hồ sơ cho con vào khoa Xây dựng dân dụng và Công nghiệp (Trường ĐH Xây dựng Hà Nội) với số điểm con trai ông đang có là 25,5.

Nộp hồ sơ xong ông và con ra về vào lúc gần 11h trưa (19/8/2015) thì gặp chúng tôi. Ông trao đổi rất thẳng thắn rằng muốn con được học một ngành con yêu thích dù cho có trượt phải đăng ký bổ sung hay phải thi lại.

"Việc cho con chọn đúng ngành con yêu thích để con kiên định với quyết định của mình, chấp nhận đánh đổi và nếu có trượt con sẽ phải quyết tâm thi lại để theo đuổi ước mơ. Có như vậy tôi mới tin con có được thành công sau này" - Ông V chia sẻ.

Trước khi ra Hà Nội đăng ký xét tuyển, phụ huynh đã cùng con trai bàn bạc kỹ lưỡng xem với khoa ngành đó con trai mình có thể đỗ không hoặc không đỗ. Nhưng phương án đăng ký bổ sung nhất nhất mà bố con ông đã quán triệt với nhau từ đầu vẫn là nộp hồ sơ đăng ký vào khoa ngành và trường con thích.

Tuy nhiên, người cha này vẫn để con bình tĩnh quyết định tất cả. Ông V không muốn dù sau này có đỗ hay trượt ĐH, con phải oán trách bố vì đã ép con phải nộp hồ sơ để đỗ ngành học con không thích.

Theo ông, sức khỏe và đam mê quan trọng hơn hình thức "Đỗ Đại học". Bởi theo ông, nếu con có đỗ ĐH mà không làm được việc mình thích sẽ là thất bại cả một đời người.

"Công việc sẽ theo con cả đời, vì vậy lùi một năm mà sau này có được ngành học, có được công việc như ý muốn thì hãy dũng cảm và chiến đấu đến cùng với con. Năm sau cũng được miễn là phải không ngừng cố gắng vì ước mơ của mình" - người bố nông dân có con trai được 25,5 điểm khối A trong kỳ thi THPT Quốc gia 2015 nói.

Con tôi không phải "trái bóng"

Khi hỏi tường tận phụ huynh này về lý do tại sao lại chỉ bỏ ra một ngày cho con đăng ký đúng ngành nghề con yêu thích, câu trả lời của ông V là "Con tôi đâu phải trái bóng".

Theo phụ huynh này cho biết, những ngày qua ông cũng có theo dõi đài và báo chí xung quanh việc rút nộp hồ sơ chọn ngành, chọn trường lớp đại học cho con. Bản thân ông cũng nhận thấy sự vất vả và có phần lúng túng, mỏi mệt trong khâu rút - nộp hồ sơ của các trường và các phụ huynh khác. Điều này không chỉ khiến con trai ông lo lắng mà chính ông cũng âu lo và suy nghĩ nhiều đêm.

Cuối cùng, phụ huynh này vẫn quyết định để con trai có một ý thức rõ ràng, tôn trọng đam mê và tôn trọng sức khỏe bằng việc dạy con một bài học cuộc sống từ câu chuyện thi cử và xét tuyển của con.

"Tôi không muốn con phải lăn lội vì rút - nộp để rồi đi chệch hướng đam mê. Tôi cũng không muốn tâm lý con bị xoáy vào cuộc đua nguyện vọng và không muốn sức khỏe con bị xâm hại. Nếu là cha mẹ hãy hiểu cho nỗi lòng của con, đừng thúc ép mà vô tình làm tổn thương con" - Phụ huynh này trả lời thẳng thắn và "thấu tình đạt lý".

Hiện, còn 1 ngày nữa (ngày 25/8) các trường sẽ công bố chính thức điểm đỗ vào Đại học nguyện vọng 1. Dù thí sinh này có đỗ hay trượt xong câu chuyện về ông bố nông dân và cách bảo vệ, dạy bảo con đã chạm đến suy nghĩ của nhiều phụ huynh khác.

Thanh Lam

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI