edf40wrjww2tblPage:Content
Sự gia tăng đặc biệt đáng buồn nằm ở số vụ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí - xuất bản, phát thanh - truyền hình. Hàng loạt cơ quan báo chí, phần lớn là báo mạng đã bị cơ quan chức năng xử phạt bằng nhiều hình thức: từ phạt tiền đến buộc cải chính, xin lỗi, thậm chí đình bản. Đáng kể là trong số những tòa báo bị phạt, có cả những tờ báo lớn.
Đăng bài miệt thị gái Hải Phòng, MegaFun bị phạt 60 triệu, đình bản 1 tháng
Những án phạt liên tiếp được đưa ra trong thời gian cực ngắn (có tuần gần chục quyết định xử phạt được ban hành), cho thấy sự quyết liệt của cơ quan chức năng trong việc chấn chỉnh hoạt động báo chí - xuất bản. Sự quyết liệt ấy (dự báo sẽ tiếp tục trong thời gian tới) cũng đồng nghĩa với việc những hành vi vi phạm đã diễn ra tràn lan, gây hại cho xã hội đến mức chính quyền phải mạnh tay xử lý. Vì “sự nghiệp” câu view, các tòa báo, đài truyền hình đã không ngần ngại cho đăng, phát thông tin giật gân, huyền bí, không có căn cứ khoa học hoặc sử dụng xảo thuật để gây sốc cộng đồng.
Các sân khấu vẫn sáng đèn mỗi cuối tuần. Nhiều vở diễn luôn kín khán giả đến mức người xem có khi phải đặt vé trước cả tuần. Có những vở đã cũ nhưng khi được dựng mới lại vẫn khiến khán giả phải nước mắt rưng rưng. Thậm chí có những người trẻ dám liều mình thử nghiệm thay đổi thói quen thưởng thức kịch nói của khán giả thành phố thông qua việc lên lịch diễn vào tối thứ Năm với vở Tình ca phố được đánh giá cao. Vậy mà, trên bình diện chung, sân khấu TP.HCM vẫn đang trong cảnh chật vật tìm khán giả, bởi trong cả một năm đâu chỉ có một vở diễn, một sân khấu, một đạo diễn hay vài diễn viên.
Liên hoan Múa đương đại quốc tế 2014
Ở một góc khác, Liên hoan Múa đương đại quốc tế 2014 khá thưa vắng người xem dù khi được hỏi, những khán giả tham dự liên hoan đều cho rằng các tác phẩm trong liên hoan đều quá hay, nếu so với số tiền vé vài trăm ngàn khán giả phải chi ra thì là quá rẻ. Thế mới biết, để tăng được quy mô của liên hoan (cả về thời gian lẫn số nghệ sĩ quốc tế), biên đạo múa Tấn Lộc đã phải vất vả thế nào.
Có đến dự những buổi tập của các nghệ sĩ Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM mới biết việc tăng thêm phục trang, ánh sáng, cảnh trí cho các vở vũ kịch tưởng chừng như nhỏ nhoi nhưng phải đánh đổi bằng biết bao nhiêu mồ hôi, nước mắt. Và, cũng buồn như liên hoan múa, số khán giả đến với các vở vũ kịch như Cô bé Lọ Lem, Kẹp hạt dẻ chưa bao giờ lấp đầy khán phòng Nhà hát Thành phố.
Ngay cả ở mảng thời trang, công chúng cũng tiếp nhận những thông tin đáng khích lệ về số lượng chương trình, quy mô, các bộ sưu tập. Đỗ Mạnh Cường, Võ Việt Chung, Chung Thanh Phong... đều có những buổi ra mắt hoành tráng cho những bộ trang phục mới của mình.
Bộ sưu tập Cats in the City của NTK Chung Thanh Phong bị tố bắt chước ý tưởng trình diễn đôi của NTK Đỗ Mạnh Cường
Các show này đều có lượng khán giả đông đảo đến xem. Nhưng, những bộ sưu tập ấy, công bằng mà nói, vẫn không tạo ra được xu hướng thời trang nào trong công chúng. Có chăng chúng chỉ giới thiệu đến với một số khách hàng hạn chế một số sản phẩm của các nhà thiết kế và để quảng bá thêm tên tuổi cho nhà thiết kế cộng... nhà tài trợ.
Nếu chỉ thuần túy nhìn trên bảng “báo cáo thành tích” ở mảng điện ảnh, chúng ta hoàn toàn có thể tin rằng điện ảnh Việt đang có bước khởi sắc đầy ngoạn mục với số lượng rạp chiếu phim tăng lên ở các tỉnh thành. Báo cáo doanh thu của những bộ phim “bom tấn Việt” cũng dễ khiến nhiều người đang lăm le làm phim “vác mai đi đào”, bởi chúng cứ liên tiếp phá kỷ lục doanh thu.
Tạm không bàn đến chuyện con số doanh thu gửi cho truyền thông (không liên quan đến chuyện đóng thuế) có xác thực hay không thì điều quan trọng hơn là chất lượng những bộ phim Việt đình đám lại có xu hướng... phim sau dở hơn phim trước.
Để Mai tính 2 ăn khách nhờ Thái Hòa, vui thì có, nhưng bảo rằng phim hay thì phải xem lại
Như trường hợp của Để Mai tính 2. Phim vui không? Vui. Xem giải trí được không? Được. Thái Hòa duyên không? Duyên. Nhưng có hay hơn Để Mai tính hay không thì phải xem lại. Tương tự, Quả tim máu cũng lập kỷ lục doanh thu phòng vé, cũng là một phim nên xem, cũng vui và... cũng là một bước lùi của Victor Vũ sau những gì anh đã từng làm được trong điện ảnh.
Như truyền thông, như âm nhạc, như truyền hình thực tế, điện ảnh Việt cũng đang hướng đến việc chiều chuộng và lôi kéo khán giả bằng những thủ thuật câu view. Nếu trên truyền thông là những vấn đề liên quan đến phần hạ thể, âm nhạc là xu hướng tô hồng hiện thực, truyền hình thực tế chọc cười dễ dãi thì điện ảnh cũng ngập tràn đồng tính (dù nếu không có thì cũng chẳng ảnh hưởng gì đến phim), cảnh nóng, hài hình thể...
Những con số tăng rạp phim, số lượng phim Việt, các vở cải lương, kịch, sách, sáng tác âm nhạc... luôn là điều tốt, bởi các nhà chuyên môn từng nhận định - khi có nhiều sản phẩm thì mới dễ có sản phẩm chất lượng.
Nhưng, nếu sự gia tăng ấy chỉ hướng vào một điểm - dễ “ăn công chúng” để thu lợi nhuận thì tin rằng sản phẩm chất lượng chỉ là mơ ước. Trong trường hợp đó, sự gia tăng về lượng có khi lại có hại cho nhà đầu tư nếu chẳng may không "bắt" được công chúng.
PHẠM THÀNH NHÂN