Giao lưu trực tuyến: 'Giãn tĩnh mạch chân có chữa được không?'

08/07/2019 - 07:00

PNO - Suy giãn tĩnh mạch chi dưới còn gọi là suy giãn tĩnh mạch chân. Đây là bệnh rất thường gặp, xảy ra ở khoảng 10 - 35 % người lớn.

Bệnh thường tiến triển chậm, không rầm rộ, ít nguy hiểm đến tính mạng, nhưng gây trở ngại nhiều cho sinh hoạt và công việc hàng ngày, điều trị lâu dài và tốn kém, nhất là khi có biến chứng.

Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về bệnh suy giãn tĩnh mạch chân, lúc 9g sáng nay, Báo điện tử Phụ Nữ TP.HCM - www.phunuonline.com.vn tổ chức buổi giao lưu trực tuyến: “Giãn tĩnh mạch chân có chữa được không?” với sự tư vấn của bác sĩ Nguyễn Kim Anh - Trưởng khoa Lồng ngực - Mạch máu, Bệnh viện Quận Thủ Đức TP.HCM.

Giao luu truc tuyen: 'Gian tinh mach chan co chua duoc khong?'
 

Mời bạn đọc tham gia đặt câu hỏi tại đây.

Hoặc qua email: giaoluutructuyen.baophunu@gmail.com 

Nội dung buổi giao lưu trực tuyến:

Giao luu truc tuyen: 'Gian tinh mach chan co chua duoc khong?'

Bà Tạ Thị Nam Hồng - Phó Tổng biên tập Báo Phụ nữ TP.HCM tặng hoa cho bác sĩ Nguyễn Kim Anh - Trưởng khoa Lồng ngực - Mạch máu, Bệnh viện Quận Thủ Đức.

 

* Có dấu hiệu nào để mình biết bị giãn tĩnh mạch chân không, thưa bác sĩ? (Nguyễn Lan Khuê, 43 tuổi, Quận 5, TP.HCM).

BS Nguyễn Kim Anh:

Chào bạn. Dấu hiệu dễ nhận thấy là những tĩnh mạch giãn ngoài da; triệu chứng thường gặp của bệnh suy tĩnh mạch là: mỏi, nặng chân, tê chân, chuột rút về đêm, phù về chiều.

Bạn nên đi khám ở bác sĩ chuyên khoa để được khám và siêu âm Doopler nhằm khảo sát mạch máu thì mới khẳng định mình có bị suy tĩnh mạch hay không.

Giao luu truc tuyen: 'Gian tinh mach chan co chua duoc khong?'
 

* Em bị giãn tĩnh mạch, mỗi khi ngủ em phải vắt chân lên ghế cao thật cao mới thấy dễ chịu. Tại sao vậy bác sĩ? (Trần Mai Phương Quỳnh, 29 tuổi, Bến Tre).

BS Nguyễn Kim Anh:

Bệnh suy tĩnh mạch được hiểu đơn giản là bệnh có tình trạng ứ máu ở chân. Làm cách nào để máu tĩnh mạch đi về tim được thì sẽ giảm triệu chứng của bệnh.

Trong trường hợp của bạn, mình kê cao chân sẽ giúp máu về tim được dễ dàng hơn, sẽ giảm ứ máu ở chân, dẫn đến giảm được triệu chứng của bệnh. Trong điều trị, để giúp máu về tim được dễ dàng hơn, ban ngày, bạn nên mang vớ áp lực tĩnh mạch và ban đêm thì ngủ kê cao chân. Lưu ý, không cần gác cao quá, chỉ cần 1 cái gối ôm để chân cao hơn tim là đủ.

* Em bị giãn tĩnh mạch chân, hôm rồi bác sĩ cho siêu âm Doppler gì đó, nói vừa bị giãn tĩnh mạch nông lẫn tĩnh mạch sâu, phải chích thuốc để xóa mạch máu, nhưng em sợ quá, theo bác sĩ thì sao ạ? (Nguyễn Phú Quý, SN 1978, Phú Yên).

BS Nguyễn Kim Anh:

Trong hệ tĩnh mạch chân, có 2 hệ tĩnh mạch: nông, sâu và tĩnh mạch xuyên. Các tĩnh mạch này điều trị khác nhau hoàn toàn.

Nếu bạn vừa bị tĩnh mạch nông và sâu thì trước tiên phải điều trị tĩnh mạch nông trước, sau đó mới tiếp tục điều trị tĩnh mạch sâu thì mới có kết quả điều trị.

Trong điều trị tĩnh mạch nông, chích thuốc để xóa mạch máu là một phương pháp điều trị gọi là chích xơ tĩnh mạch. Trong chích xơ tĩnh mạch sẽ có chích xơ điều trị để can thiệp vào những tĩnh mạch hiển lớn và hiển bé. Chích xơ thẩm mỹ là can thiệp vào những tĩnh mạch màng nhện và búi tĩnh mạch, chỉ giải quyết vấn đề về thẩm mỹ chứ không giải quyết vấn đề về bệnh học.

Theo bác sĩ, bạn cần phải giải quyết nguồn gốc của bệnh là tĩnh mạch nông và tĩnh mạch sâu trước. Sau đó mới can thiệp thẩm mỹ sau.

* Vì công việc nên tôi phải đi giày cao gót mỗi ngày, có cách nào để phòng ngừa triệu chứng suy giãn tĩnh mạch chân trong trường hợp này không thưa BS? (Trần Thị Bích Trà, Quận 5, TP.HCM)

BS Nguyễn Kim Anh:

Đứng lâu quá, ngồi lâu quá, mặc quần áo chật và mang giày cao gót là những yếu tố nguy cơ để gây ra bệnh suy tĩnh mạch. Bạn cần đi khám bác sĩ chuyên khoa để đánh giá mức độ bệnh và có thể mang vớ áp lực tĩnh mạch để dự phòng.

Giao luu truc tuyen: 'Gian tinh mach chan co chua duoc khong?'

Bác sĩ Nguyễn Kim Anh - Trưởng khoa Lồng ngực - Mạch máu, Bệnh viện Quận Thủ Đức trả lời giao lưu.

 

* Bệnh giãn tĩnh mạch có thể chữa khỏi hoàn toàn không hay phải đi vớ suốt đời, thưa bác sĩ? (Trần Thị Yến, Cà Mau)

BS Nguyễn Kim Anh:

Như bác sĩ đã nói ở trên. Hệ tĩnh mạch có 2 hệ: nông và sâu. 2 hệ này điều trị khác nhau hoàn toàn.

Đối với tĩnh mạch nông, mình có thể can thiệp triệt để bằng các phương pháp như: mổ hở, can thiệp bằng nhiệt (sóng cao tần, laser tĩnh mạch), chích xơ và keo sinh học để dán tĩnh mạch.

Đối với tĩnh mạch sâu, mình phải bảo vệ nó chứ không thể can thiệp triệt để bằng cách mang vớ áp lực tĩnh mạch, tập thể dục và uống thuốc. Sau đó tái khám và theo dõi.

Việc mang vớ áp lực có bỏ được hay không tùy thuộc vào sự tập thể dục của bạn vì đôi vớ chỉ giúp đưa máu về tim tốt hơn. Nếu bạn tập thể dục tốt, cơ bắp săn chắc hơn sẽ giúp máu về tim tốt, thì không cần phải mang vớ nữa.

* Chân tôi có nổi vài đường gân xanh trên bắp chuối, chưa có cảm giác đau nhức hay mỏi, như vậy có phải tôi đã bị suy giãn tĩnh mạch không, thưa BS? (Hoàng Kỳ, Đồng Nai)

BS Nguyễn Kim Anh:

Chào bạn. Bạn cần đi khám bác sĩ chuyên khoa và được siêu âm Doopler để được chẩn đoán chính xác, vì không phải tĩnh mạch nổi ngoài da mới bị suy tĩnh mạch. Người bị suy tĩnh mạch sâu không có nổi tĩnh mạch nông ngoài da nhưng những lá van đã bị suy. Việc nổi những đường gân xanh trên cẳng chân có thể bị suy tĩnh mạch, cũng có thể bất thường về giải phẫu.

* Tôi 50 tuổi, thường xuyên tập thể dục như đi bộ hàng ngày, nhưng tôi nghe nói đi bộ nhiều có khả năng làm suy giãn tĩnh mạch chân. Điều này đúng không thưa BS? Nếu đúng thì tôi có thể chuyển qua các môn thể thao nào để không bị bệnh này? (Lâm Nguyễn, TP.HCM)

BS Nguyễn Kim Anh:

Chào cô. Một số bác sĩ nói, suy tĩnh mạch không được tập thể dục; một số bác sĩ nói suy tĩnh mạch bắt buộc phải tập thể dục.

Nguyên nhân do tổn thương giải phẫu của hệ tĩnh mạch. Đối với tĩnh mạch nông, là những tĩnh mạch nổi ngoài da, không có lớp cơ bao bọc, nên khi mình tập thể dục, máu sẽ bị trào ngược ra hệ mạch nông, sẽ làm triệu chứng nặng hơn. Do đó, không nên tập thể dục.

Đối với tĩnh mạch sâu, được cơ bao bọc thì càng tập thể dục nhiều sẽ càng tốt cho hệ tĩnh mạch sâu.

Vậy, vừa bị hệ nông vừa bị hệ sâu thì có tập thể dục không? Trước tiên, mình sẽ can thiệp hệ tĩnh mạch nông trước, sau đó, sẽ tập trung điều trị tĩnh mạch sâu thì việc tập thể dục là quan trọng trong quá trình điều trị sau khi can thiệp tĩnh mạch nông.

* Xin chào bác sĩ. Tôi 45 tuổi. 2 chân tôi có những tia máu từng mảng giống như mạng nhện màu xanh tím, càng lúc xuất hiện càng nhiều, tôi có bôi thử kem varikosette nhưng không thấy thuyên giảm. Lâu lâu tôi bị nặng chân và có cảm giác như kim chích. Thưa bác sĩ, bệnh này có chữa khỏi không và chi phí điều trị như thế nào. Cảm ơn bác sĩ thật nhiều. (Thảo Nguyên, Trà Vinh)

Giao luu truc tuyen: 'Gian tinh mach chan co chua duoc khong?'
 

BS Nguyễn Kim Anh:

Chào chị. Những tĩnh mạch màng nhện thường xuất hiện vào 3 thời điểm của phụ nữ là lúc dậy thì, sau khi mang thai và tiền mãn kinh. Việc xuất hiện những tĩnh mạch này liên quan đến nội tiết tố thay đổi nhiều hơn là bệnh suy tĩnh mạch, nhưng người có bệnh suy tĩnh mạch sẽ làm nặng thêm triệu chứng này.

Để can thiệp, trước tiên cần phải được khám và điều trị tình trạng suy tĩnh mạch của mình, sau đó mới can thiệp thẩm mỹ những tĩnh mạch màng nhện này bằng phương pháp chích xơ hoặc laser.

* Bác sĩ cho tôi hỏi, nguyên nhân gây ra bệnh suy giãn tĩnh mạch ở người già là gì? (Nguyễn Thị Mai, SN 1963, Long Xuyên)

BS Nguyễn Kim Anh:

Chào cô. Để trả lời câu hỏi này, mình phải hiểu suy tĩnh mạch mãn tính chi dưới tức là suy giảm chức năng hệ tĩnh mạch chi dưới. Nguyên nhân do những lá van tĩnh mạch tổn thương và suy giảm chức năng. Máu tĩnh mạch là máu đi về tim khi mình đứng hoặc ngồi, máu phải đi ngược lên theo trọng lực sẽ trào ngược xuống nhưng tĩnh mạch có những lá van một chiều này để giúp máu chảy đi về tim và không trào ngược xuống.

Khi lá van này bị tổn thương, máu sẽ ứ lại dưới chân, sau đó sẽ gây ra những triệu chứng thường gặp của suy tĩnh mạch. Người lớn tuổi thì những lá van thường bị thoái hóa, do đó, thường bị suy giãn tĩnh mạch.

* Bệnh giãn tĩnh mạch chân có nguy hiểm không, thưa bác sĩ? (Đặng Lê Na, 27 tuổi, Quảng Nam)

BS Nguyễn Kim Anh:

Triệu chứng thường gặp của bệnh suy tĩnh mạch, bác sĩ đã nói ở trên, chủ yếu là gây khó chịu, suy giảm chức năng sống. Nhưng tình trạng nguy hiểm nhất của bệnh là biến chứng huyết khối tĩnh mạch sâu trên bệnh nhân suy tĩnh mạch. Nếu cục huyết khối còn bám ở chân sẽ gây viêm mô, sưng, nóng, đỏ, đau ngay tại vị trí huyết khối và phù từ vị trí đó trở xuống bàn chân. Nếu cục huyết khối bị bong ra, trôi về tim, trôi lên phổi sẽ gây ra bệnh thuyên tắc phổi, nếu không xử lý kịp thời sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng.

* Thưa bác sĩ, những ai dễ bị suy giãn tĩnh mạch, tại sao phụ nữ dễ bị hơn nam giới? (Đỗ Hồng Kông, SN 1956, Bắc Ninh)

BS Nguyễn Kim Anh:

Những yếu tố nguy cơ gây bệnh gồm: tuổi tác, béo phì, di truyền, lối sống, tĩnh tại nhiều, phụ nữ sau khi mang thai, mặc quần áo chật, mang giày cao gót... Do đó, phụ nữ thường có nhiều yếu tố nguy cơ hơn là nam giới. Tỷ lệ mắc bệnh của phụ nữ gấp 3 lần nam giới theo dịch tễ học.

Giao luu truc tuyen: 'Gian tinh mach chan co chua duoc khong?'

* Được biết phụ nữ mang thai dễ bị giãn tĩnh mạch nên ekhá lo lắng do đang mang thai tháng thứ 4. Nó có ảnh hưởng gì đến sức khỏe của thai nhi không thưa BS? Em cảm ơn. (Lâm Thị Thu, Đồng Tháp)

BS Nguyễn Kim Anh:

Như bác sĩ đã nói, bị suy giãn tĩnh mạch là do suy giảm chức năng hệ thống tĩnh  mạch. Trường hợp của bạn, đang mang thai thì bào thai phát triển lớn lên sẽ làm cản trở máu tĩnh mạch từ chân về tim, nên phụ nữ mang thai thường bị suy giãn tĩnh mạch.

Suy giãn tĩnh mạch không ảnh hưởng gì đến sức khỏe của thai nhi, điều trị chủ yếu cho mẹ là mang vớ áp lực tĩnh mạch và kê cao chân.

* Mẹ tôi bị bệnh giãn tĩnh mạch, tôi có khả năng mắc bệnh này không, hay là do yếu tố sinh hoạt của cá nhân, thưa BS? (Huỳnh Thị Thanh Tâm, Hà Nội)

BS Nguyễn Kim Anh:

Chào bạn. Di truyền cũng là một trong những yếu tố nguy cơ để gây ra bệnh, nhưng yếu tố sinh hoạt như mang giày cao gót, béo phì, đứng quá lâu, ngồi quá lâu... sẽ gây tổn thương những lá van là yếu tố nguy cơ cao hơn để gây ra bệnh suy giãn tĩnh mạch.

* Em là giáo viên cấp 2, công việc của em cần phải đi giày cao gót và đứng khá nhiều trên bục giảng. Xin BS tư vấn cho em cách phòng ngừa bệnh giãn tĩnh mạch do đứng lâu? (Hương Trà, Nghệ An)

BS Nguyễn Kim Anh:

Bệnh suy giãn tĩnh mạch liên quan đến lối sống rất nhiều. Để phòng ngừa, quan trọng nhất là làm sao để máu đi được về tim dễ dàng nhất; bạn cần mang vớ áp lực tĩnh mạch khi đứng hay ngồi quá lâu để giúp máu về tim tốt hơn.

Ngoài ra, bạn cần phải tập thể dục để cơ bắp săn chắc, sẽ giúp máu về tim tốt hơn. Những bài tập tốt nhất cho bệnh suy tĩnh mạch là bơi và đi xe đạp. Đối với các môn thể dục có dồn trọng lực xuống chân thì nên mang vớ áp lực tĩnh mạch khi tập.

* Tôi 43 tuổi, hay bị mỏi phần bắp chân, nổi gân ở 2 bàn chân, một phần là do 2 chi dưới của tôi di truyền từ ba, phần bắp chân khá nhỏ so với tổng hình thể. Tôi đi khám tổng quát, BS có cảnh báo nguy cơ lão hóa khớp gối (hay bị kêu cụp, cụp khớp gối). Hiện tôi có uống Glucosamin bổ sung. Xin hỏi trường hợp của tôi có bị suy giãn tĩnh mạch không? Tôi nên khám hay làm thêm các kiểm tra nào để xác định bệnh? Chân thành cảm ơn. (Tuyết Nhung, Long An)

BS Nguyễn Kim Anh:

Đây là 1 trong những trường hợp bệnh nhân hay gặp, vừa có tổn thương khớp gối vừa tổn thương van tĩnh mạch. Việc điều trị khác nhau hoàn toàn và phải phối hợp điều trị cùng lúc giữa bác sĩ mạch máu và bác sĩ cơ xương khớp.

Để xác định mức độ, chị cần phải đi khám và siêu âm Doopler màu mạch máu để xem tổn thương hệ tĩnh mạch nào và đưa ra hướng điều trị thích hợp.

* Chào bác sĩ. Tôi 54 tuổi, bị giãn tĩnh mạch nhẹ chân trái. Nghe nói nếu tập động tác nằm dựng chân sát tường sẽ giúp máu điều hòa tốt hơn, giúp chữa giãn tĩnh mạch chân nên hàng đêm tôi đều tập. Xin hỏi, bài tập này có tác dụng không? Cảm ơn bác sĩ. (Hoàng Thị Thúy, Kiên Giang)

BS Nguyễn Kim Anh:

Chào cô. Như bác sĩ đã nói ở trên. Bệnh suy tĩnh mạch do ứ trệ máu ở chân, việc nằm dựng chân sát tường giúp máu về tim tốt hơn. Tuy nhiên, với bác sĩ, không nhất thiết phải kê cao chân như vậy, chỉ cần gác chân lên gối, cao hơn tim để máu về tim là được.

Giao luu truc tuyen: 'Gian tinh mach chan co chua duoc khong?'

* Ba tôi có những dấu hiệu phù khi đứng lâu hoặc ngồi nhiều, buổi tối thì bị chuột rút khá thường xuyên. Chân có cảm giác đau nhức và nhiều gân xanh. Tôi muốn hỏi đó có phải là dấu hiệu của bệnh suy giãn tĩnh mạch chân ở người già không, nếu có thì nên điều trị theo phương pháp nào? Xin cám ơn bác sĩ. (Hoàng Thúy Diễm Phương, 32 tuổi, Buôn Ma Thuột)

BS Nguyễn Kim Anh:

Chào bạn. Đây là triệu chứng khá điển hình của bệnh suy tĩnh mạch. Bác cần phải được khám và siêu âm để xác định tổn thương như thế nào rồi đưa ra phương án điều trị thích hợp.

* Vớ y khoa được xem là một trong những giải pháp hỗ trợ điều trị bệnh suy giãn tĩnh mạch. Những lưu ý nào khi chọn mua vớ cho người giãn tĩnh mạch, làm sao biết mình đã chọn được đôi vớ phù hợp, thưa BS? Bác sĩ có thể hướng dẫn độc giả biết cách sử dụng vớ y khoa như thế nào là đúng? (Châu Thị Như Nguyện, 1958, Khánh Hòa)

BS Nguyễn Kim Anh:

Chào cô. Vớ áp lực tĩnh mạch có nhiều cấp độ khác nhau. Tùy vào tình trạng bệnh của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ đưa ra mức độ áp lực của vớ. Vớ độ 1 từ 10-15mHg chủ yếu để mang dự phòng; vớ độ 2 từ 20-25mHg dùng để điều trị suy tĩnh mạch nhẹ; vớ độ 3 từ 30-35mHg dùng để điều trị suy tĩnh mạch nặng, có phù chân, huyết khối tĩnh mạch.

Lưu ý khi chọn mua vớ là cần được đo size vớ chính xác, tùy thuộc vào vòng đùi, vòng cẳng chân và cổ chân của từng bệnh nhân. Mang rộng quá hoặc chật quá đều không tốt cho tĩnh mạch.

* Tại sao người bị giãn tĩnh mạch chân không nên tắm nước nóng hay ngâm chân bằng nước nóng, thưa bác sĩ? (Nguyễn Minh Long, SN 1968, Cần Đước , Long An)

BS Nguyễn Kim Anh:

Chào bạn. Khi tắm nước nóng hoặc ngâm chân bằng nước nóng, hệ động mạch và tĩnh mạch sẽ giãn ra. Trong bệnh suy tĩnh mạch, hệ thống tĩnh mạch đã giãn ra rồi, khi tắm nước nóng, tĩnh mạch sẽ giãn ra thêm, làm máu ứ trệ ở cẳng chân nhiều hơn và sẽ gây triệu chứng nặng hơn.

* Chào bác sĩ. Tôi 32 tuổi nhưng chân đã suy tĩnh mạch nặng, gân máu chằng chịt, tê cứng, phù vào buổi chiều, nhiều khi đau nhức rấm rứt khó chịu. Xin hỏi có bài tập cho căn bệnh này không? Tôi hơi thừa cân khi cao 1m52, nặng 67kg.

BS Nguyễn Kim Anh:

Chào bạn. Béo phì và lối sống tĩnh tại nhiều là một trong những yếu tố gây ra bệnh. Do đó, bạn cần phải tập thể dục để cơ ở vùng cẳng chân được săn chắc hơn và giảm cân hợp lý, triệu chứng sẽ giảm bớt. Bạn còn có thể mang vớ áp lực để hỗ trợ cho hệ thống tĩnh mạch.

Môn thể dục tốt nhất cho người bệnh suy tĩnh mạch là bơi và đi xe đạp. Ngoài ra, còn có những bài tập thể dục tại chỗ, bạn có thể lên internet tìm hiểu thêm.

* Chào bác sĩ. Tôi nghe nói bị giãn tĩnh mạch thì không nên đi bộ, nếu đi thì phải đi giật lùi, mang tất chật có cổ cao tới ngang gối để tránh tĩnh mạch giãn nở thêm. Điều đó có đúng không? Tôi bị giãn tĩnh mạch cả hai chân. Tôi nên tập môn thể thao nào để cải thiện bệnh này? Xin cảm ơn. (Lan Anh, Cà Mau)

BS Nguyễn Kim Anh:

Chào chị. Cơ thể có 2 hệ thống tĩnh mạch nông và sâu. Nếu chị bị suy tĩnh mạch sâu, thì khuyến khích tập thể dục, trong đó đi bộ cũng là một phương pháp nhưng cần phải mang vớ áp lực tĩnh mạch, đi bộ nhanh, đi bước dài, tập theo sức khỏe. Đối với suy tĩnh mạch nông, thì không nên tập thể dục.

* Chào bác sĩ. Bị giãn tĩnh mạch chân nặng thì có thể phẫu thuật phải không ạ? Liệu sau khi mổ, bệnh có tái phát không? Tôi dự định đi phẫu thuật vì chân đã có dấu hiệu giãn tĩnh mạch. Mong bác sĩ tư vấn. Cảm ơn. (Khánh Huyền, Bình Dương)

BS Nguyễn Kim Anh:

Chào chị. Nếu bị suy hệ tĩnh mạch nông thì cần phải can thiệp gồm phẫu thuật, can thiệp nội mạch. Phẫu thuật thì cần phải gây mê, gây tê và phải nằm viện, nên hiện tại, ít có bệnh viện can thiệp phẫu thuật nữa. Bây giờ, đa số đều can thiệp nội mạch bằng đốt sóng cao tần hoặc đốt sóng laser hoặc dán bằng keo sinh học. Đây là những hình thức can thiệp chỉ gây tê tại chỗ, bệnh nhân có thể về trong ngày, không phải nằm viện.

Sau khi can thiệp, nếu hệ tĩnh mạch sâu có bệnh kèm theo, phải tiếp tục điều trị phối hợp nếu không sẽ bị trào ngược những nhánh tĩnh mạch khác.

Giao luu truc tuyen: 'Gian tinh mach chan co chua duoc khong?'

Bác sĩ Nguyễn Kim Anh - Trưởng khoa Lồng ngực - Mạch máu, Bệnh viện Quận Thủ Đức trả lời giao lưu.

 

* Chào bác sĩ. Tôi 52 tuổi, làm nghề vận chuyển hàng hóa nên công việc khá cực nhọc. Do bị giãn tĩnh mạch chân nên tôi thường có cảm giác tê cứng, đau nhức chân. Mỗi lần như vậy, tôi xoa rượu thuốc, dầu nóng thì cảm thấy dễ chịu. Nhưng nhiều người lại bảo không nên vì làm bệnh nặng hơn. Điều đó có đúng không, thưa bác sĩ? (Lê Nguyễn Thanh Hằng, Trà Vinh)

BS Nguyễn Kim Anh:

Chào bác. Sau một ngày làm việc, nếu mình bị suy tĩnh mạch, máu sẽ bị ứ trệ ở 2 cẳng chân, xuất tiết tế bào viêm ra xung quanh, sẽ gây ra những triệu chứng mỏi, nặng chân, tê chân, đau nhức và có thể phù cổ chân.

Việc xoa rượu thuốc, dầu nóng sẽ làm giãn mạch cả hệ thống động mạch và tĩnh mạch. Việc giãn hệ thống động mạch sẽ cung cấp máu tới mô và cơ tốt hơn, giúp cho đỡ mỏi cơ bắp hơn. Tuy nhiên, sẽ làm hệ thống tĩnh mạch cũng giãn theo.

Nếu hệ thống tĩnh mạch trong cơ được massage, xoa bóp tốt, máu sẽ về tim tốt hơn, cũng đỡ cho mỏi nặng chân. Tuy nhiên, để phòng bệnh, bác nên đi bác sĩ khám để đưa ra chẩn đoán bệnh và có thể mang vớ áp lực ở mức độ phù hợp.

* Những sai lầm nào khiến bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch điều trị sai cách khi tự ý điều trị tại nhà? Xin BS tư vấn giúp. Cảm ơn. (Ngô Bảo, 1971, Đồng Nai)

BS Nguyễn Kim Anh:

Chào anh. Không biết anh bị tổn thương hệ tĩnh mạch nào? Trong hệ thống tĩnh mạch chân gồm hệ tĩnh mạch nông, tĩnh mạch sâu và tĩnh mạch xuyên. Các hệ này điều trị khác nhau hoàn toàn. Để xác định đúng bệnh thì phải được bác sĩ khám và siêu âm.

Với bệnh tĩnh mạch sâu, chỉ điều trị bảo vệ bằng mang vớ áp lực tĩnh mạch mỗi ngày từ sáng đến chiều (đứng lâu, ngồi lâu, đi tàu xe, đi máy bay, đi chơi xa, tập thể dục...) kết hợp tập thể dục và uống thuốc ít nhất 6 tháng.

Với bệnh tĩnh mạch nông và xuyên thì cần phải can thiệp là phẫu thuật hoặc can thiệp nội mạch.

Với người vừa bị hệ nông vừa bị hệ sâu, thì phải can thiệp hệ nông trước rồi mới điều trị hệ tĩnh mạch sâu. Như vậy, việc điều trị mới hiệu quả.

Do đó, việc điều trị suy tĩnh mạch tại nhà, bác sĩ không khuyến khích.

* Người bị suy giãn tĩnh mạch cần lưu ý những gì trong sinh hoạt thường ngày để giúp cải thiện tình trạng bệnh, thưa BS? (Hoàng Long, Đồng Nai)

BS Nguyễn Kim Anh:

Chào bạn. Quan trọng nhất là tránh những yếu tố nguy cơ như: béo phì, lối sống tĩnh tại, hạn chế ăn nhiều dầu mỡ, tăng cường chất xơ. Có thể mang vớ áp lực tĩnh mạch để dự phòng. Có những bài tập thể dục tại chỗ, bạn có thể nghiên cứu thêm các bài thể dục này trên internet.

* Theo bác sĩ, những ai nên đi tầm soát bệnh suy giãn tĩnh mạch? (Nguyễn Thị Xuyến, SN 1956, Tây Ninh)

BS Nguyễn Kim Anh:

Chào cô. Những người có những triệu chứng thường gặp như mỏi, nặng chân, tê chân, chuột rút về đêm, phù chân về chiều thì nên đi khám tầm soát. Ngoài ra, những người béo phì, có lối sống tĩnh tại, đứng lâu, ngồi lâu... như nhân viên văn phòng, giáo viên, thợ may, đầu bếp, bác sĩ, nhân viên y tế... đều có nguy cơ cao bị suy giãn tĩnh mạch.

Giao luu truc tuyen: 'Gian tinh mach chan co chua duoc khong?'
 

* Tôi đi khám, bác sĩ chẩn đoán tôi bị giãn tĩnh mạch chi dưới. Hiện tại cứ mỗi khi đứng và ngồi khoảng 1- 2 giờ là chân tôi bị sưng và luôn bị tê chân do máu lưu thông không đều, tê nhức ở mắt cá chân sau một ngày làm việc. Nếu bệnh này chia làm 6 mức độ thì bệnh tôi ở mức độ nào? Sau này khi lập gia đình thì có ảnh hưởng gì đến sức khoẻ của mẹ và con không? (Thanh Thúy, Vũng Tàu)

BS Nguyễn Kim Anh:

Chào bạn. Theo miêu tả, triệu chứng của bạn chỉ ở mức độ 1-2, nhưng cần phải đi gặp bác sĩ để được khám trực tiếp, siêu âm Doopler nhằm xác định chính xác và đưa ra hướng điều trị thích hợp.

Khi mang thai, triệu chứng của suy tĩnh mạch sẽ nặng lên. Do đó, bạn cần phải điều trị sớm và theo dõi kỹ trong quá trình thai kỳ. Bệnh chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe bà mẹ, không liên quan gì đến bào thai.

* Để chẩn đoán suy giãn tĩnh mạch chân, bệnh nhân được thăm khám như thế nào, xin BS tư vấn giúp. (Lê Thị Gái, 1981, Thanh Xuân, Hà Nội)

BS Nguyễn Kim Anh:

Chào bạn. Ngày xưa, khi hệ thống siêu âm chưa phát triển, bác sĩ phải thực hiện nhiều biện pháp thăm khám chân có can thiệp. Ngày nay, bác sĩ sẽ khảo sát trực tiếp dưới siêu âm để kiểm tra hoạt động của những lá van, của từng hệ tĩnh mạch nông, sâu, xuyên. Từ đó, bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán chính xác hơn và việc điều trị sẽ hiệu quả hơn.

Bên cạnh việc siêu âm, bác sĩ cũng phải thăm khám trực tiếp bệnh bằng nhìn, sờ, gõ để kiểm tra tình trạng của tĩnh mạch.

* Người bị giãn tĩnh mạch chân có nên kiêng ăn món gì không, thưa bác sĩ? (Nguyễn Thị Lài, 1988, Tiền Giang)

BS Nguyễn Kim Anh:

Chào bạn. Tĩnh mạch là hệ thống mạch máu nên cần tránh những thức ăn quá nhiều dầu mỡ, tăng cường chất xơ để phòng chống béo phì - một trong những nguyên nhân gây ra bệnh suy giãn tĩnh mạch.

* Bị bệnh giãn tĩnh mạch chân thì nên khám ở đâu? Xin bác sĩ cho em địa chỉ cụ thể ạ? Em cảm ơn. (Hồ Thị Bùi, 1982, Quảng Nam)

Chào bạn. Bệnh giãn tĩnh mạch chân cần được đi khám tại bác sĩ chuyên khoa mạch máu để xác định đúng bệnh. Do đó, bạn có thể đến các bệnh viện có chuyên khoa sâu về mạch máu, thường là khoa ngoại lồng ngực mạch máu.

Giao luu truc tuyen: 'Gian tinh mach chan co chua duoc khong?'
 

* Sau khi tôi đi khám bệnh suy giãn tĩnh mạch, bác sĩ cho tôi uống thuốc. Cho tôi hỏi thêm, cách trị giãn tĩnh mạch chân tại nhà như thế nào? (Đồng Thị Hoa Mơ, SN 1967, Thừa Thiên Huế)

BS Nguyễn Kim Anh:

Chào cô. Trong điều trị suy tĩnh mạch, nếu không bị suy hệ thống tĩnh mạch nông và xuyên, chỉ suy hệ tĩnh mạch sâu thì mình chỉ điều trị bảo vệ bằng cách uống thuốc, mang vớ áp lực tĩnh mạch và tập thể dục ít nhất 6 tháng. Trong đó, việc mang vớ và tập thể dục là quan trọng hơn cả chuyện uống thuốc. Uống thuốc chỉ hỗ trợ cho thành mạch cứng cáp và ít viêm hơn. Mang vớ và tập thể dục mới giúp dòng máu về tim theo sinh lý bình thường.

* Tôi có nghe nói đến việc bệnh suy giãn tĩnh mạch ẩn giấu khiến nhiều người không biết. Làm cách nào phát hiện ra bệnh? (Ngô Đình Chiến, 39 tuổi, Quãng Ngãi)

BS Nguyễn Kim Anh:

Chào anh. Không phải là suy giãn tĩnh mạch ẩn giấu mà là suy giãn tĩnh mạch sâu vì liên quan đến giải phẫu. Tĩnh mạch sâu được cơ bao bọc, không thấy được bằng mắt, nên dù có bị bệnh thì mình cũng không hay được. Cần phải được bác sĩ khám và siêu âm mới thấy được những lá van bị suy của tĩnh mạch sâu.

* Vì sao người không lao động nặng vẫn bị giãn tĩnh mạch? Tôi bị tai nạn, sau đó xuất hiện những đường gân máu như rễ cây dưới da vùng chân, có phải tôi đã bị giãn tĩnh mạch, làm sao để chữa hết? Xin BS tư vấn giúp. Cảm ơn. (32 tuổi, quận 9, TP.HCM)

BS Nguyễn Kim Anh:

Qua những điều anh cho biết, có thể anh bị suy tĩnh mạch thứ phát sau khi tổn thương do tai nạn lao động, làm đường về của hệ thống tĩnh mạch bị tắc nghẽn, làm ứ trệ hệ thống tĩnh mạch ở phía dưới tổn thương. Anh cần phải đi bác sĩ để được thăm khám, siêu âm xác định mức độ bệnh và có phương án điều trị thích hợp.

* Thưa bác sĩ. Bình thường da mặt em hơi mỏng, thấy rõ đường gân máu, em có nguy cơ giãn tĩnh mạch trên mặt không? (23 tuổi, Tam Hà, Thủ Đức)

BS Nguyễn Kim Anh:

Chào em. Theo em mô tả thì liên quan đến nội tiết tố hơn là suy tĩnh mạch. Em nên đi khám thêm về chuyên khoa da liễu để xác định thêm.

Giao luu truc tuyen: 'Gian tinh mach chan co chua duoc khong?'

* Tôi bị giãn tĩnh mạch ở chân rất nhiều như ở đùi, nhượng, cổ chân, tuy không đau nhức nhưng tôi có bị nguy cơ hoại tử chân không, có bị ảnh hưởng gì về sau này không? (45 tuổi, quận 3, TP.HCM)

BS Nguyễn Kim Anh:

Chào chị. Giãn tĩnh mạch chỉ có thể thấy được ở đùi, khuỷu chân, cổ chân là thuộc hệ tĩnh mạch nông, nếu không giãn nhiều gây huyết khối tĩnh mạch sẽ không gây hoại tử chân. Tuy nhiên, chị cần được thăm khám để xem có phải can thiệp hay không? Có thể phải phẫu thuật hoặc can thiệp nội mạch hoặc chích xơ.

* Tôi 28 tuổi và đang mang thai. Trước đây tôi thấy dọc bàn chân mình có nổi những gân máu giống triệu chứng giãn tĩnh mạch của mẹ tôi. Từ lúc đó tôi đã rất hay mỏi bàn chân. Bây giờ khi mang thai, triệu chứng mỏi đó càng nhiều, mạch máu lan lên phần trên của đôi chân. Đó có phải là triệu chứng giãn tĩnh mạch thai kỳ không? Tôi nên làm gì để giảm cảm giác mỏi, buồn chân vào mỗi tối? Sau khi sinh con xong triệu chứng này có tự giảm không ạ? (Hoàng Quyên, Đà Nẵng)

BS Nguyễn Kim Anh:

Chào bạn. Bạn nên đi khám bác sĩ chuyên khoa mạch máu để được chẩn đoán mức độ bệnh và đưa ra hướng điều trị phù hợp. Phương pháp điều trị thông thường là chỉ mang vớ áp lực tĩnh mạch và nằm kê cao chân cho đến khi con ngưng bú. Sau đó, bạn tái khám để xét nghiệm chỉ định can thiệp.

Một số trường hợp sau khi sinh con xong, lưu thông máu tĩnh mạch hồi phục, triệu chứng bệnh cũng sẽ thuyên giảm.

* Suy tĩnh mạch chân nếu không điều trị có thể dẫn đến những biến chứng gì, thưa BS? (Lê Thị Phương Chi, 1987, Dĩ An, Bình Dương)

BS Nguyễn Kim Anh:

Chào bạn. Triệu chứng thường gặp của suy giãn tĩnh mạch chân là mỏi, nặng chân, tê chân, chuột rút về đêm, phù chân về chiều gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Có những biến chứng thường gặp tăng theo mức độ của bệnh: hệ tĩnh mạch màng nhện hoặc tĩnh mạch lưới nổi ngoài da gây mất thẩm mỹ; phù về chiều; biến dưỡng da; chàm, loét; viêm mô tế bào; huyết khối tĩnh mạch.

Trường hợp huyết khối tĩnh mạch sâu, nếu không điều trị kịp thời sẽ gây nên biến chứng thuyên tắc phổi và có thể gây tử vong. Đây là biến chứng nặng nhất của bệnh suy giãn tĩnh mạch.

* Thưa bác sĩ. Em thấy 1 bạn gái gần nhà, sau khi tắm trắng, da mặt, tay, chân bạn ấy bị những vệt gân máu xanh nổi ra rất rõ. Đó có phải là suy giãn tĩnh mạch không ạ? (Hoàng Quyên, TP.HCM)

BS Nguyễn Kim Anh:

Chào bạn. Do việc tắm trắng làm da mỏng đi phối hợp thêm nếu lớp mỡ dưới da ít thì sẽ dễ thấy được hệ thống tĩnh mạch nông. Để khẳng định có bị suy giãn tĩnh mạch hay không, cần siêu âm Doopler để khảo sát hoạt động của các lá van.

* Giãn tĩnh mạch có giới hạn từ độ tuổi nào, có phân biệt nam hay nữ không? Phụ nữ mang thai thường bị giãn tĩnh mạch ở chân, có phòng ngừa được không? (Trần Dũng, Dĩ An, Bình Dương)

BS Nguyễn Kim Anh:

Nguyên nhân gây bệnh suy giãn tĩnh mạch có thể là tiên phát hoặc thứ phát. Một số trường hợp suy tĩnh mạch tiên phát liên quan đến vấn đề di truyền và giải phẫu của bệnh nhân thì không giới hạn độ tuổi và giới tính. Những trường hợp thứ phát là tổn thương lá van do nhiều nguyên nhân, nhưng đa phần là do lối sống hàng ngày thì phải có thời gian lâu ngày, thường ở độ tuổi lao động và người lớn tuổi.

Theo dịch tễ học, phụ nữ bị suy giãn tĩnh mạch nhiều gấp 3 lần nam giới  do có nhiều yếu tố nguy cơ hơn như đã trả lời ở các câu hỏi ở trên.

* Chào bác sĩ. Tôi làm việc văn phòng, phải ngồi nhiều. Đến chiều về là nguyên cẳng chân sưng phù, cứng nhắc. Có phải tôi mắc chứng suy giãn tĩnh mạch? Tôi phải đi thăm khám ở đâu để biết cụ thể về bệnh của mình? Tôi có cần kiêng ăn món gì không? Cảm ơn bác sĩ. (Hồng Anh, Khánh Hòa)

BS Nguyễn Kim Anh:

Việc phải ngồi nhiều là một trong những yếu tố gây bệnh. Phù về chiều là một triệu chứng điển hình của suy giãn tĩnh mạch ở giai đoạn 4. Tuy nhiên, có những nguyên nhân gây phù khác như suy thận, suy tim, suy dinh dưỡng. Mình cần phải loại trừ để xác định xem có bị suy giãn tĩnh mạch hay không? Cần phải được khám và siêu âm để có chẩn đoán xác định tổn thương hệ tĩnh mạch nào và đưa ra phương pháp điều trị thích hợp.

Trường hợp mình bị phù thì hạn chế ăn thức ăn quá mặn, đi khám ở chuyên khoa mạch máu ở các bệnh viện có chuyên khoa sâu.

Ảnh: Phùng Huy

 Báo Phụ Nữ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI