Cậu bé bị bắt cóc làm ăn xin và cuộc đoàn viên nhiệm màu sau 24 năm lang bạt

26/07/2017 - 06:00

PNO - Những cậu bé bị bắt cóc làm ăn xin, bị bán đi cho người lạ không ngờ một ngày, họ có thể về với bố mẹ ruột nhờ chút ký ức mong manh, và nỗ lực phi thường của mạng lưới "Con ơi hãy về".

Mạng “Con ơi hãy về” của Trung Quốc được Trương Bảo Diễm lập nên, chủ yếu giúp những gia đình tìm con cái đã thất lạc hoặc trẻ em lang thang cơ nhỡ tìm lại gia đình, tạo không gian lưu giữ thông tin cho những người này.

Công việc của họ không đơn giản là thu thập tư liệu. Các tình nguyện viên còn đóng vai trò khai thác, nắm bắt thông tin từ chi tiết tưởng như vô thưởng vô phạt. Nhờ manh mối mong manh đó, mà nhiều người con đã tìm về được với gia đình ruột thịt, trong những cuộc đoàn viên như thể có phép màu.

Cau be bi bat coc lam an xin va cuoc doan vien nhiem mau sau 24 nam lang bat
 

Tìm lại gia đình chỉ nhờ một tia ký ức

Năm 2009, một chàng trai 25 tuổi họ Tạ liên lạc với mạng “Con ơi hãy về”, nói cậu 20 năm trước bị bán đến Hồ Nam, Trung Quốc. Cậu rất hy vọng tìm được bố mẹ ruột.

Điên dại vì con bị bắt cóc, người mẹ vẫn tin con sẽ về, và kỳ tích đã xảy ra

Tuy nhiên, cậu hoàn toàn không nhớ gì về hình dáng, đặc điểm gia đình của mình khi còn nhỏ.  Trương Bảo Diễm, người sáng lập trang web “Con ơi hãy về” cùng các tình nguyện viên bắt đầu công việc từ con số 0.

Tiểu Tạ chỉ nhớ thời bé có một người anh và một người chị. Người chị hay được gọi là Nha Nha. Dựa trên cách phát âm từ Nha Nha mà Tiểu Tạ nhớ, nhóm tình nguyện viên nhận định có thể là tiếng địa phương tỉnh Thiểm Tây.

Dữ liệu như vậy vẫn quá ít ỏi. Sau nhiều lần trò chuyện, Tiểu Tạ nhớ ra khi nhỏ cậu cùng anh chị em hay chơi ở một chỗ có thể nhìn thấy máy bay, thậm chí có thể nhìn thấy cả người trong máy bay.

Bảo Diễm vui mừng vô cùng, vì với chi tiết đó có thể xác minh nơi Tiểu Tạ nhắc đến là vùng Hán Giang hoặc An Khang - mới có thể nhìn thấy máy bay gần như vậy. Bảo Diễm lập tức phát thông tin lên mạng “Con ơi hãy về”, tìm kiếm các trường hợp mất tích ở hai vùng này.

Vài ngày sau, một người ở An Khang gọi điện đến nói cạnh nhà ông ta có một gia đình 20 năm trước mất con, nhưng cậu bé mất tích lại là con một không có anh em gì, không giống ký ức Tiểu Tạ mô tả. Tuy nhiên, Bảo Diễm không từ bỏ hy vọng. Chị đến tận nhà có con mất tích kia hỏi chuyện.

Hai vợ chồng nọ đúng là lạc mất con từ 20 năm trước. Họ kể hồi bé con của họ hay chơi với lũ trẻ hàng xóm, gồm một bé trai bé gái. Bé gái này bị câm (trong tiếng Trung, từ câm phát âm gần giống với từ Nha).

Nghe xong Bảo Diễm giật mình, liền đưa ảnh Tiểu Tạ cho hai người kia xem. Thoạt nhìn ảnh, cả hai ông bà đều thấy đúng là người con của mình bị thất lạc. Kết quả ADN sau đó cũng xác nhận suy đoán của Bảo Diễm là chính xác.

Đại hỷ lâm môn sau 24 năm ly biệt

Một trường hợp khác cũng khá nổi tiếng là Lưu Tồn Trụ. Lưu Tồn Trụ đăng ký trên mạng “Con ơi hãy về” dưới cái tên Hoàng Khai Vĩ. Rất nhiều trường hợp để giữ bí mật cá nhân, thông tin đưa lên mạng lưới chỉ để đặc điểm, các chi tiết nhận dạng chứ không dùng tên thật, tránh ánh hưởng đến cuộc sống hiện tại. Bởi nhiều người là nạn nhân của việc bắt cóc, buôn người, công khai danh tính không an toàn.

Cau be bi bat coc lam an xin va cuoc doan vien nhiem mau sau 24 nam lang bat
Lưu Tồn Trụ ngày tìm được cha ruột của mình.

Dù để lại dữ liệu, có giai đoạn Lưu Tồn Trụ trốn tránh cả tình nguyện viên, đổi số điện thoại. Trong thông tin anh đưa ra chỉ có: anh sinh khoảng năm 1987, bị bắt cóc khoảng năm 1992, sau gáy anh có một vết sẹo, nhưng cũng không rõ là xuất hiện trước hay sau khi bị bắt cóc.

Anh nhớ bị lừa bắt cùng một người bạn nữa đến một gia đình ở Phúc Kiến. Lưu Tồn Trụ sống ở gia đình mới cùng một người bà và nhiều đứa trẻ nữa. Sau này những đứa trẻ đó lần lượt bị đưa đi, chỉ có anh ở lại, được họ nhận làm con nuôi, làm giấy khai sinh lại. Lưu cũng nhớ năm ấy trong gia đình có hai người hay đến, xưng là cậu. Một thời gian sau Lưu nghe hàng xóm kể hai cậu đã vào tù vì tội danh nào không rõ, còn anh là nạn nhân của ổ buôn người.

Tình nguyện viên Lục Âm khi đó nhận định với cách buôn người như vậy thì khả năng cao sẽ có người báo công an và hồ sơ của Lưu sẽ ở một sở công an nào đó. Nhưng khi biết ý định nhờ công an thì Lưu trốn mất. Mãi khi Lục Âm tìm lại được, thì mới biết Lưu vẫn sợ gia đình kia tìm đến mình trả thù.

Năm xưa tuy mang tiếng nhận làm con nuôi nhưng Lưu bị đối xử rất hà khắc. Ngoài bị bắt đi ăn xin, Lưu cũng không được cho ăn uống đầy đủ. Ký ức thường xuyên của Lưu là trẻ con trong gia đình được ăn mì còn anh chỉ được húp nước nấu mì. Đến bây giờ trong giấc ngủ Lưu vẫn bị ám ảnh bởi ảnh mắt trợn trừng của người bà mỗi sáng sớm đánh thức Lưu dậy đi ăn xin.

Mãi sau này khi Lưu đã lớn, anh mới tìm cách xin đi làm xa để tránh gia đình đó. Bởi vì anh rất sợ họ tìm ra mình. Phải mất khá nhiều công sức, Lục Âm mới đưa được Lưu đi lấy mẫu máu đưa vào kho dữ liệu ADN. Tìm đến “Con ơi hãy về”, Lưu nói khao khát cảm giác mái ấm gia đình, chỉ mơ có một ngày được ở một căn phòng có cha có mẹ, được có chăn ấm.

Cau be bi bat coc lam an xin va cuoc doan vien nhiem mau sau 24 nam lang bat
Ngày Lưu Tồn Trụ (Đường Khải) trở về cũng là ngày anh được cha tổ chức hôn lễ chính thức, ra mắt bà con lối xóm.

Nhờ ngân hàng ADN, việc tìm kiếm nhanh chóng hơn tưởng tượng. Những trường hợp mất tích năm 1992 ở Phúc Kiến được lọc ra đối chiếu. Không ngờ sau 2 tháng, Lưu đã tìm ra bố mẹ ruột.

Đó là một cặp vợ chồng người Sơn Đông đến Phúc Kiến làm thuê, năm 1992 họ có báo công an về việc con trai mất tích. Có điều từ đó đến nay, ADN của họ vẫn còn nhưng họ đã về quê, không rõ địa chỉ.

Lúc này mạng lưới “Con ơi hãy về” đã phát huy tác dụng. Các tình nguyện viên Sơn Đông liền vào cuộc tìm đến công an địa phương khắp tỉnh tìm hiểu. Cuối cùng họ xác nhận được bố của Lưu Tồn Trụ là ông Đường. Trước khi mất tích, Lưu Tồn Trụ vốn được đặt tên là Đường Khải.

Mất tích năm 4 tuổi, trở về khi đã gần 30, lại vợ con đề huề, nhưng Đường Khải (Lưu Tồn Trụ) lần đầu cảm nhận sự ấm áp của gia đình. Ngày 8/5/2016, Đường Khải mang vợ con cùng tình nguyện viên “Con ơi hãy về” trở về quê hương thôn Tam Đài Cúc, huyện Tảo Trang, tỉnh Sơn Đông, cách nơi anh đang ở hơn 300 cây số.

Ngày con trai mang gia đình về đoàn viên, ông Đường đã làm 40 mâm cơm mời cả thôn Tam Đài Cúc tới chung vui. Ông nói, hôm đó cũng là ngày ông tổ chức đám cưới cho cậu con Đường Khải.

Vì Đường Khải trước đó dù có vợ con nhưng vẫn chưa tổ chức được đám cưới cho mình. Ông lão 62 tuổi gặp con gặp cháu, uống chén rượu con trai con dâu mời mà không cầm được nước mắt. 24 năm chờ đợi mỏi mòn cuối cùng cũng có được cái kết viên mãn.

Mai Nguyên (tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI