Điên dại vì con bị bắt cóc, người mẹ vẫn tin con sẽ về, và kỳ tích đã xảy ra

24/07/2017 - 06:48

PNO - Suốt 22 năm, Trâu Kỳ Tú, người Thiệu Dương (Hồ Nam, Trung Quốc) đáng lẽ có thể nuôi con mình lớn khôn, tận hưởng cuộc sống vui vẻ bình thường. Thế nhưng con chị bị bắt cóc khi mới 4 tuổi.

Bắt cóc trẻ em là vấn đề nan giải ở Trung Quốc trong nhiều thập kỷ qua. Tình trạng trẻ em mất tích, thất lạc nhiều nhất ở Vân Nam, Quý Châu, Tứ Xuyên. Nhưng gần đây, nhờ có mạng lưới “Con ơi hãy về”, các kỳ tích đã được tạo ra cho các gia đình có con cái thất lạc, hoặc bị bắt cóc.

Dien dai vi con bi bat coc, nguoi me van tin con se ve, va ky tich da xay ra
Chị Trâu Kỳ Tú (áo trắng/xám) khóc lớn ngày gặp lại con Viên Đan.

Điên dại vì mất con

Năm 1994, vợ chồng Trâu Kỳ Tú mang con từ Hồ Nam đến Phúc Kiến mưu sinh. Khi ấy, Kỳ Tú vừa dắt con lớn 4 tuổi, vừa ôm bụng bầu ba tháng, vừa mang hàng đi bán rong.  Một ngày, khi chị đang bày hàng ven đường thì đội trật tự tới.

Mải lo chạy hàng, chị không chú ý đến cậu con trai. Đến khi nhìn lại thì cậu bé đã mất tích. Em chồng của Kỳ Tú kể, khi đó chị gào thét như kẻ điên loạn, đầu tóc rũ rượi, bụng mang dạ chửa chạy khắp nơi tìm con.

Toàn bộ khu chợ hai vợ chồng chị đều tìm qua nhưng con chị vẫn bặt vô âm tín.  Một vài nhân chứng ở khu chợ cho hay nhìn thấy có 2 người đi một chiếc xe máy đã nhân lúc hỗn loạn ôm con chị lên xe rồi phóng đi mất. 

Sáu tháng sau, vì nhà còn mẹ già, Kỳ Tú lại đến kỳ sinh nở nên cả nhà phải trở về quê Hồ Nam. Sau khi Kỳ Tú sinh đứa thứ 2, chồng chị liền trở lại Phúc Kiến tìm con. Suốt nhiều năm, chồng chị vừa bán hàng rong vừa lang thang tìm cậu con trai cả, còn Kỳ Tú ở nhà vừa làm ruộng vừa nuôi 3 đứa con sau ăn học.

Dien dai vi con bi bat coc, nguoi me van tin con se ve, va ky tich da xay ra
Chị Kỳ Tú ngày gặp lại con trai.

Nỗi nhớ con chưa bao giờ nguôi ngoai. Kỳ Tú giữ tất cả những bộ quần áo, đồ chơi ít ỏi của cậu con trai, ngày ngày lấy ra ngắm và khóc.

Cách đây vài năm, chồng Kỳ Tú cũng qua đời. Anh mất khi chưa kịp hoàn thành tâm nguyện tìm lại con. Gia đình đã nghèo càng nghèo hơn, căn nhà xây dở mười mấy năm vẫn không thể hoàn thiện vì thiếu tiền. Trong căn nhà đó, Kỳ Tú vẫn nhất định phải giành một phòng cho con. Linh cảm người mẹ mách bảo, con chị sẽ trở về, dù mọi người chung quanh đều nói không còn hy vọng.

Suốt 22 năm, Trâu Kỳ Tú sống trong day dứt, dằn vặt. Kỳ Tú không biết chữ, không có trình độ, ngoài thời gian ở Phúc Kiến bán hàng, chị chẳng thể đi đâu khỏi làng. Vì hạn chế ấy, chị không thể đi tìm con như chồng chị. 

Sứ mệnh của người em gái 

Nhưng chị luôn cố gắng làm việc, vay mượn để hai đứa con sau này được học hành đầy đủ. Ngoài việc mong con thành tài, chị còn một ước nguyện luôn nhắn nhủ: "Bố mẹ không có văn hoá, ít học, anh con mất tích mà chẳng làm được gì. Các con được đi học, có trình độ rồi, nhất định sẽ nghĩ ra cách tìm anh con".

Dien dai vi con bi bat coc, nguoi me van tin con se ve, va ky tich da xay ra
Viên Đan (áo hồng/xanh) - người con trai thất lạc của chị Kỳ Tú, ngày về gặp mẹ.

Năm 2014, cô con gái thứ 2 Huệ Huệ đỗ đại học. Lên thành phố nhập học xong, Huệ Huệ tìm ngay tới Con ơi hãy về - một trang web chuyên thu thập dữ liệu về các vụ trẻ em mất tích ở Trung Quốc. Thoạt tiên công việc này tưởng khá khó khăn vì Huệ Huệ không có manh mối nào của anh trai.

Năm xưa bố mẹ không có tiền chụp ảnh cho anh, những ký ức còn lại cũng không nhiều, ngoài thời gian và địa điểm mất tích. Các tình nguyện viên đưa ra đề xuất Trâu Kỳ Tú để ADN lại để họ so sánh với ngân hàng dữ liệu ADN đang có.

Điều kỳ diệu đã xảy ra, sau 2 năm tìm kiếm, mạng “Con ơi hãy về” đã tìm ra được một thanh niên 26 tuổi tên là Viên Đan có ADN trùng khớp.

Khi gửi ảnh và so sánh thông tin, thành viên “Con ơi hãy về” xác định đây chính là cậu bé thất lạc năm xưa. Trong hồ sơ, Viên Đan là con nuôi trong một gia đình người Phúc Kiến, cách khu chợ nơi Kỳ Tú báo mất con chỉ vài cây số. Ngay lập tức họ kết nối và đưa Viên Đan về Hồ Nam gặp gia đình.

Hoá ra năm xưa Viên Đan bị bắt cóc rồi mang đến bán cho một gia đình nông dân hiếm muộn gần đó. Anh may mắn được gia đình mới nuôi dưỡng và đối xử rất tốt. Có điều sau đó vài năm, anh cũng đi Quảng Châu làm thuê, nên cho dù trước khi mất, bố anh từng dò hỏi ở nơi anh sinh sống nhưng không có thông tin gì của con trai.

Dien dai vi con bi bat coc, nguoi me van tin con se ve, va ky tich da xay ra
Chị Kỳ Tú đoàn tụ với con trai Viên Đan.

Tuy không còn ký ức gì về bố mẹ ruột nhưng Viên Đan vẫn ý thức được mình có một gia đình khác. Cùng thời điểm em gái anh, Huệ Huệ, đăng thông tin tìm anh thì anh cũng đến mạng “Con ơi hãy về” đăng ký tìm người thân và để lại mẫu máu.

Lúc này Viên Đan đã lập gia đình và có một cậu con trai. Anh nghĩ đã đến lúc phải đưa vợ con về nhà nhận tổ tông. 

Tháng 9/2016, cuộc gặp gỡ cảm động giữa Trâu Kỳ Tú và con trai Viên Đan đã được rất nhiều phương tiện truyền thông chú ý. Nghe tin con về, Kỳ Tú mất 2 ngày chuẩn bị sắp xếp. Nhìn con cao lớn khoẻ mạnh trước mặt chị như quỵ ngã. Chị khóc tới mức phải có người đỡ.

Viên Đan cũng rưng rưng ôm lấy người mẹ đã xa cách 22 năm qua. Anh tâm sự: "Giờ tôi có hai gia đình, ở đây và ở Phúc Kiến. Tôi vẫn nghĩ mình là người Phúc Kiến, nhưng hoá ra gia đình tôi ở đây". Một năm sau ngày trở về, Viên Đan đã mang vợ con về gặp mặt mẹ, các em cùng họ hàng ở Hồ Nam.

Công đầu trong cuộc tìm kiếm này, chính là nhờ ngân hàng AND từ sáng kiến của mạng “Con ơi hãy về”. Thành lập năm 2006, đã có hàng nghìn trường hợp đoàn tụ thành công nhờ sự liên kết của mạng lưới.

Đoàn tụ nhờ công nghệ

Người thành lập trang mạng “Con ơi hãy về” là một phụ nữ tên là Trương Bảo Diễm - một phụ nữ sinh năm 1962, người Cát Lâm. Ý tưởng được hình thành từ năn 2002, vào một ngày con trai chị đi chơi với bà ngoại bị đi lạc. Dù chỉ vài tiếng đi tìm con, chị  bỗng cảm nhận rõ rệt nỗi đau đớn, hoảng sợ khi không nhìn thấy con mình.

Dien dai vi con bi bat coc, nguoi me van tin con se ve, va ky tich da xay ra
Ngày gặp mặt của Trâu Kỳ Tú và con Viên Đan sau 22 năm.

Thời điểm ấy mạng xã hội chưa phổ biến, chưa có 3G, 4G, Bảo Diễm cũng mới biết đến internet không lâu. Nhưng chị nhận thấy các gia đình mất con ngoài báo cảnh sát thường chỉ đăng tin lên báo giấy hoặc dán tờ rơi ở các cột điện, bảng tin.

Cách làm đó vừa không hiệu quả vừa tốn kém. Và trang web “Con ơi hay về” ra đời năm 2007. Để có được trang web, trước đó 1 năm Bảo Diễm đã nghỉ làm, toàn tâm toàn ý xây dựng “Con ơi hãy về”.

Mạng “Con ơi hãy về” chủ yếu giúp những gia đình tìm con cái đã thất lạc hoặc giúp những trẻ em lang thang cơ nhỡ tìm lại gia đình, tạo không gian lưu giữ thông tin cho những người này. Các trường hợp mất tích giới hạn ở độ tuổi 16 (tính đến thời điểm mất tích).

Trung Quốc có nhiều tổ chức, hội nhóm tham gia vào việc tìm kiếm các trường hợp con cái bị mất tích, tuy nhiên các tổ chức này không liên kết chặt chẽ với nhau, thông tin không được thông suốt. Bởi vậy, có một mạng lưới liên kết các dữ liệu này lại sẽ tiện cho công việc tìm kiếm, đối chiếu. Và “Con ơi hãy về” đã thực hiện được điều đó. 

Những ngày đầu tiên, chỉ có vợ chồng Bảo Diễm cùng 4 tình nguyện viên làm xử lý tài liệu. Họ tìm các trường hợp mất tích, thống kê lại, liên hệ với phía cảnh sát, với các gia đình xác nhận thông tin. Mấy năm liền không ai có ngày nghỉ hay cuối tuần, ngày nào cũng làm 14-15 tiếng.

Có lúc, Bảo Diễm thừa nhận chị khóc một mình vì nản: "Làm việc không lương, nhưng cái gì cũng cần đến tiền. Riêng tiền điện thoại mỗi tháng đã vài ngàn tệ. Nhiều người nghi ngờ chúng tôi có âm mưu, nửa đêm còn gọi điện mắng chửi".

Khi công nghệ ngày càng phát triển, công việc của “Con ơi hãy về” thuận lợi hơn. Đến nay mạng lưới đã có 264.976 tình nguyện viên, trải dài khắp Trung Quốc từ Bắc Kinh, Thượng Hải, Quế Lâm, Vân Nam...

Cách làm việc của “Con ơi hãy về” không chỉ tìm kiếm trong xã hội mà còn phối chặt chẽ với luật sư, công an, chính quyền địa phương. Năm 2010, Trương Bảo Diễm đề xuất lên Bộ công an thành lập một ngân hàng ADN những trường hợp con cái mất tích.

Đề nghị được phê duyệt, việc hỗ trợ tìm kiếm tiến thêm một bước dài. Nhiều trường hợp nhờ dữ liệu ADN trong ngân hàng mà tìm thấy nhau trước cả khi hai bên gặp nhau khớp tư liệu. Trường hợp của Trâu Kỳ Tú và Viên Đan là điển hình của việc nhờ ngân hàng dữ liệu ADN mà tìm kiếm thành công.

Mai Nguyên (tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI