"Bảo mẫu" khiến trẻ chấn thương sọ não có thể đối mặt với 2 năm tù

30/10/2015 - 11:17

PNO - Theo luật sư, nếu xác định được bà Trinh có tội, bà Trinh sẽ phải đối mặt với mức án từ hai tháng tới hai năm tù theo quy định pháp luật.

Như thông tin đã đưa, ngày 28/10, Công an huyện Vĩnh Cửu (tỉnh Đồng Nai) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bà Nguyễn Thị Lan Trinh (48 tuổi, ở ấp ông Hường, xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu) về hành vi vô ý gây thương tích cho một bé 18 tháng tuổi.

Vụ việc đã khiến cháu Nông Ngọc Minh Thư (18 tháng tuổi, ở khu phố 4, phường Trảng Dài, TP Biên Hòa) bị teo não và sống đời thực vật.

Cháu Nông Ngọc Minh Thư hiện đang phải sống cuộc đời thực vật. (Ảnh: Pháp Luật TP.HCM).

Theo kết luận của Trung tâm Pháp y Đồng Nai, cháu Thư bị chấn thương sọ não tụ máu dưới màng cứng bán cầu trái và dập não, di chứng gồng cứng tứ chi. Cơ quan chức năng cũng xác định, tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên tại thời điểm giám định là 93%.

PV đã có cuộc trao đổi với Luật sư Đặng Văn Cường - Văn phòng luật sư Chính Pháp để có góc nhìn dưới góc độ pháp luật về vụ việc.

Luật sư Đặng Văn Cường nhận định: "Theo thông tin trên báo Phunuonline phản ánh trong bài "Khởi tố vụ án bé gái sống thực vật sau khi ngã ở nhà trẻ tư", đăng tải ngày 29/10/2015 thì có thể thấy sự việc đã trở thành một vụ án hình sự mà bị can được xác định là bà Nguyễn Thị Lan Trinh".

"Để xử lý bà Trinh về tội vô ý gây thương tích thì cơ quan điều tra có trách nhiệm thu thập các tài liệu, chứng cứ để chứng minh bà Trinh đã có lỗi đối với thương tích của cháu Minh Thư. Với tỷ lệ thương tật 93% thì hậu quả như vậy là rất nghiêm trọng.

Hậu quả đó đã đẩy cháu bé đối mặt với tử thần, khó mà hồi phục được nguyên vẹn, có thể mang di chứng suốt đời, làm khổ người thân, gia đình cháu bé. Với hậu quả này thì chỉ cần xác định trông nom, chăm sóc cháu bé, nếu có lỗi thì có thể xử lý hình sự theo quy định tại Điều 108 BLHS", ông Cường cho hay.

Luật sư Đặng Văn Cường trao đổi về vụ việc.

Luật sư cũng cho rằng, lỗi trong trường hợp này được xác định là lỗi vô ý (do quá tự tin hoặc cẩu thả), lỗi ở đây xuất phát từ trách nhiệm trông giữ trẻ theo thỏa thuận giữa gia đình cháu Minh Thư với bà Trinh. Trong vụ việc này, bà Trinh sẽ không có tội nếu bà Trinh không liên quan đến thương tích của cháu Minh Tâm (thương tích xảy ra do sự kiện bất ngờ, tình huống bất khả kháng).

Vị luật sư cũng phân tích: "Ngoài ra, thông tin cho thấy bà Trinh thực hiện hoạt động trông giữ, chăm sóc trẻ em mà không có sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền, hoạt động nhà trẻ “chui” của bà Trinh là hoạt động trái pháp luật.

Nếu bà Trinh không đăng ký hoạt động theo quy định pháp luật này thì hoạt động nhà trẻ của Bà Trinh là hoạt động “chui”, nó không đáp ứng các điều kiện theo quy định pháp luật. Đây là hành vi vi phạm pháp luật về tổ chức và hoạt động trường mầm non tư thục. Hành vi này sẽ bị xử lý hành chính".

"Còn đối với hành vi trông giữ, chăm sóc trẻ gây thiệt hại nghiêm trọng tới sức khỏe hoặc thiệt hại tính mạng của trẻ mà có lỗi của người trông giữ, quản lý thì hành vi này sẽ bị xem xét xử lý bằng trách nhiệm hình sự", luật sư nói.

"Nếu Tòa án xác định bà Trinh có tội và căn cứ vào tội vô ý gây thương tích để xử lý thì bà Trinh sẽ phải đối mặt với mức án từ ba tháng tới hai năm tù theo quy định tại khoản 1, Điều 108 Bộ luật hình sự và có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là cấm thực hiện hoạt động trông giữ trẻ từ 1 đến 5 năm", ông Cường nhận định.

Hoàng Trang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI