edf40wrjww2tblPage:Content
Trước liveshow Khánh Ly tại Đà Nẵng, nhạc sĩ (NS) Phó Đức Phương - Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) cũng đã xông đến Trung tâm Hội nghị quốc gia - nơi tổ chức show Khánh Ly in Hà Nội để đòi tiền tác quyền các tác phẩm của Trịnh Công Sơn được sử dụng trong chương trình. Cả hai lần, ông Phương đều cho biết sẵn sàng chấp nhận xô xát, sẵn sàng lên sân khấu để nói rõ về hành vi vi phạm của đơn vị tổ chức. Tuy nhiên, khác với “chiến thắng” tại Hà Nội (đạt thỏa thuận trả tiền vào chiều 4/8, song sau đó đơn vị tổ chức show vẫn không chi trả), ở Đà Nẵng, ông bị mời ra ngoài mà không đạt được thỏa thuận nào.
Nhận định về hành động của ông Phương, nhiều người đã thẳng thừng gọi ông là kẻ “đòi nợ thuê”, rằng VCPMC và gia đình cố NS Trịnh Công Sơn quá tham tiền, thậm chí nhân danh quyền lợi khán giả để phỉ báng ông Phương và bà Trịnh Vĩnh Trinh (em gái NS Trịnh Công Sơn).
Nhạc sĩ Phó Đức Phương và đại diện nhà tổ chức show Khánh Ly in Đà Nẵng
tranh cãi gay gắt về việc chi trả tác quyền - Ảnh: ĐÌNH THỨC
LỖ HỔNG PHÁP LÝ
Show Khánh Ly không phải là lần đầu tiên NS Phó Đức Phương phải đi đòi tiền tác quyền. Trước đó, ông Phương từng phải đến tận nơi tổ chức show Chế Linh, show Tuấn Vũ yêu cầu trả phí và cũng từng thành sự kiện ồn ào trên truyền thông. Ông Phương phải đến tận nơi, phải “làm lớn chuyện” bởi ông gần như chẳng còn cách nào khác để thực thi nhiệm vụ mà các tác giả đã ủy thác cho trung tâm của ông.
Trong quy trình xin cấp phép biểu diễn hiện nay, đơn vị tổ chức biểu diễn phải cam kết sẽ thanh toán phí tác quyền cho tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm mới được duyệt hồ sơ. Thế nhưng, nếu sau khi show diễn xong và đơn vị tổ chức vẫn không trả tiền thì VCPMC chẳng có cách nào chế tài ngoài việc phải liên tục đi đòi, nhờ cậy cơ quan chức năng đối phó với sự chây lỳ của nhiều đơn vị.
Để đảm bảo quyền lợi cho tác giả, VCPMC từng đưa ra một đề xuất được nhiều người hoan nghênh là yêu cầu phải có giấy xác nhận đã thanh toán phí tác quyền trước khi cơ quan chức năng cấp phép biểu diễn. Bằng cách đó, cơ quan nhà nước không phải chịu tiếng cấp phép (hợp thức hóa) cho chương trình vi phạm pháp luật (vì tác phẩm bị mang ra sử dụng mà chưa được sự đồng ý của chủ sở hữu). Sở VH-TT-DL TP.HCM là đơn vị tiên phong triển khai phương án này và hiệu quả thực thi bản quyền tăng lên rõ rệt.
Tuy nhiên rất nhanh sau đó, nhiều đơn vị tổ chức biểu diễn đã kêu than, rằng nhà nước đang dùng quyền lực của mình làm công việc “thu tiền hộ”. Họ cũng nêu ra một thực tế không phải không có lý là trường hợp họ xin phép, trả phí cho một số tác phẩm, nhưng khi đưa hồ sơ đi duyệt lại chỉ được phép biểu diễn một số tác phẩm ít hơn thì họ sẽ gặp khó khăn vì phải đi đòi lại số tiền tác quyền đã trả.
VĂN MINH, ĐƯỢC KHÔNG?
Trong số những ý kiến ủng hộ NS Phó Đức Phương, nhiều người đã làm phép so sánh và đặt câu hỏi tại sao khi làm show, nhà tổ chức sẵn sàng trả tiền thuê âm thanh, ánh sáng, thuê ca sĩ mà lại không trả tiền thuê tác phẩm? Cả Khánh Ly lẫn đơn vị tổ chức chuỗi chương trình này đều đang làm thương mại - hát nhận thù lao, bán vé thu tiền (và thu giá cao) chứ không miễn phí. Thậm chí cho dù có là show miễn phí thì việc xin phép tác giả, chủ sở hữu trước khi sử dụng tác phẩm là hành động văn minh đương nhiên phải làm, luật cũng quy định điều đó.
Gia đình Trịnh Công Sơn có thể cho thuê (quyền sử dụng) tác phẩm của cố NS theo giá họ muốn theo đúng quy luật cung cầu của thị trường, thuận mua vừa bán. Không ai có thể ép những người thừa kế của Trịnh Công Sơn phải bán rẻ tác phẩm thuộc sở hữu của mình. Tương tự, ca sĩ có quyền đưa ra mức cát-sê của mình, không ai ép buộc được. Nếu không thể thỏa thuận, thương vụ sẽ không thành. Các doanh nhân có thể hẹn nhau dịp khác hoặc không hợp tác với nhau mà tìm đến những đối tác đưa giá rẻ hơn, tìm sản phẩm thay thế. Lối ứng xử văn minh này, liệu các bên có thể áp dụng cho nhau?
Để trám lỗ hổng pháp lý về bản quyền, liệu cơ quan chức năng có thể thực hiện động tác văn minh đã nêu mà Sở VH-TT-DL TP.HCM từng áp dụng - phải có xác nhận trả phí trước khi xem xét cấp phép?
PHẠM THÀNH NHÂN
"Tôi không chấp những người đã gọi tôi là kẻ đi đòi nợ thuê bởi hơn ai hết, chúng tôi hiểu được ý nghĩa công việc mình đang làm. Với tư cách là đơn vị đại diện cho hơn 3.000 tác giả tại Việt Nam, thành viên của CISAC (Liên minh quốc tế các hiệp hội nhà soạn nhạc và lời) và đã ký hơn 50 hợp đồng song phương với các đối tác quốc tế, chúng tôi phải có trách nhiệm thực thi bảo hộ quyền tác giả để không phụ sự tín nhiệm mà mọi người đã trao cho chúng tôi. Ai đó có thể gọi chúng tôi là đòi nợ thuê (dù đòi nợ thuê cũng là một dịch vụ được xã hội văn minh thừa nhận), nhưng với chúng tôi, chúng tôi đang bảo vệ sự nghiêm minh của luật pháp, bảo vệ lợi ích của cộng đồng". Nhạc sĩ Phó Đức Phương |