Tôi vẫn nhớ cái thời mình mới lớn, cùng đám bạn gái chập chững có người yêu, mỗi khi bẽn lẽn rì rầm kể khoe với nhau, câu hỏi đầu tiên thường sẽ là “Anh ấy bao nhiêu tuổi?”.
Hồi đó, đẹp nhất là anh lớn hơn mình hai hoặc ba tuổi. Nếu trên năm tuổi, sẽ bị kết luận là… già quá. Mà chỉ tròm trèm hơn bạn gái một tuổi, hoặc là bằng tuổi nhau, đương nhiên sẽ có phần ngại ngần vì mất giá: “Vậy trẻ quá à…”, như một lời chê ngấm ngầm. Còn nếu như anh ấy nhỏ tuổi hơn? Quên đi! Thuở đó, không có khái niệm chơi với… con nít đâu nhé, chẳng đứa con gái nào dám nghĩ tới, chứ đừng nói là chấp nhận nổi sự việc… kinh khủng ấy.
|
Ảnh mang tính minh họa |
Dù thật sự, chưa có cô bạn nào đủ tầm để có thể phân tích rạch ròi xem, bạn trai hơn mình bao nhiêu tuổi là chuẩn không cần chỉnh, và vì sao như thế lại càng mù tịt. Chỉ cảm tính cho rằng, nếu anh ấy lớn hơn mình vài ba tuổi, sẽ đủ lớn mà yêu thương nhường nhịn, lại cũng không quá xa cách “thế hệ” để không thể gần gũi, thấu hiểu…
Rồi vật đổi sao dời, bọn thiếu nữ chúng tôi lớn thêm, trải đời nhiều hơn, bắt đầu ngưỡng mộ các cô nàng “câu” được các “ông bồ” hơn mình nhiều tuổi, miễn sao đừng cố đấm ăn xôi kêu chú bằng anh là được. Còn lại, đàn ông lâu năm chút sẽ có sẵn sự nghiệp, nhà cửa và cả kinh nghiệm để có thể chinh phục trái tim của cô gái vốn đã bắt đầu có vết trầy xước…
Ngay cả tiêu chuẩn chọn chồng cũng đã rục rịch khác trước. Có lớn hơn chút đỉnh cũng đâu sao, ra đường mình lại được tự hào vì trẻ đẹp hơn người ta nữa kìa. Còn gì thú vị hơn khi một ai đó kêu mình bằng em hoặc chị, và bối rối xưng hô chú cháu với người thương của mình.
“Tui không chơi với… trẻ con nữa, oải lắm!”, đó là câu tuyên bố của chị Hà sau khi chia tay anh bồ bằng tuổi thời sinh viên của mình. Chịu đựng nhau như thế là nhiều lắm rồi, anh này tính cách chưa kịp lớn hết thì phải, nên còn quen thói nhõng nhẽo. Giận nhau với người yêu mà luôn chờ bạn gái xuống nước trước là sao nhỉ?
Đàn ông còn “bé” thế thì làm sao mà mình dám dựa. Dạng người chỉ ưa nói ngọt, một câu thẳng thắn chân tình thôi cũng đủ khiến hắn đùng đùng tự ái. Quả là cái đồ con nít, đụng chút thì kiếm chuyện giận hờn, mệt ơi là mệt. Mình đâu phải… mẹ hắn mà suốt ngày cứ phải chạy theo dỗ dành, năn nỉ. Tui có bồ là để được nâng niu chiều chuộng kia mà.
Chưa kể, bạn trai bằng tuổi, sau này kết hôn rồi sinh con, chả mấy chốc mình có giao diện tương đương với… chị Hai người ta, bởi vì đàn bà mau tàn lắm. Bạn bè tui ai cũng khuyên như vậy. Tui thề là từ rày về sau chỉ ngó nghiêng đám thanh niên ở cái hội “người cao tuổi” mà thôi.
Cầu được ước thấy. Ngoài ba mươi tuổi, chị Hà mới có được mối tình khắc cốt ghi tâm với một người đàn ông đã gần năm mươi, tóc lốm đốm bạc. Nhưng hình như trời không thương, nên chị lại gặp phải tay gia trưởng, ích kỷ, hay ghen tuông, thích kiểm soát. Ôi trời, đến khổ với cảnh đời ngang trái kiểu này.
Tuy kẻ Nam người Bắc, ở xa nhau hàng ngàn cây số, chủ yếu liên lạc qua chát chit và điện thoại, nhưng chị vẫn không yên với những dằn vặt, gây hấn của người yêu. Đến lúc hết chịu đựng nổi, chị đành buông tay, sau khi đã dành rất nhiều thời gian và tâm trí để chịu đựng một kẻ ẩm ương theo kiểu “trẻ chưa qua, già chưa tới”.
Tại sao ở độ tuổi ấy, trải đời nhiều lắm rồi, mà anh ta vẫn hành xử thiếu cân nhắc, hễ “lên cơn” là gọi đến năm bảy chục cuộc điện thoại đến… cháy pin như vậy? Tại sao mỗi lúc không vừa lòng là anh liền tuyên bố “nghỉ chơi”, bất chấp tình cảm hai người vốn đã quá sâu đậm? Lẽ nào lòng anh không biết trân trọng, phải đợi đến khi mất đi rồi mới bàng hoàng nhận ra là mình từng có?
Chị Hà băn khoăn với muôn vàn thắc mắc trong suốt quá trình yêu đương nhiều nước mắt của mình. Không ít lần, sau khi đã hả cơn tưng bừng, anh bồ U50 của chị thản nhiên nói, đàn ông thực ra cũng chỉ là một thằng nhóc lớn xác, thích mè nheo ăn vạ mà thôi, Hà còn lạ gì!
Đàn ông, người nào “lớn” là lớn, “thằng” nào nhỏ là nhỏ à, chứ tuổi tác không là cái đinh gì cả! Nga, một chị bạn khác sau khi đã trải qua dăm phen sóng gió với vài ba cuộc yêu đương khác độ tuổi, đã đưa ra kết luận có phần chí lý như thế.