edf40wrjww2tblPage:Content
Ngày 1/10/2014, Bộ văn hóa Thể thao và Du lịch ban hành thông tư số 10/2014/TT-BVHTTDL, hướng dẫn đặt tên doanh nghiệp phù hợp với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc. Thông tư này chính thức có hiệu lực từ ngày 25/11/2014.
Thông tư cũng chỉ áp dụng cho các trường hợp doanh nghiệp đặt tên từ mốc thời gian này trở đi, những doanh nghiệp đã đặt tên rồi không phải sửa đổi.
Trường hợp chủ doanh nghiệp lấy tên mình đặt tên cho doanh nghiệp, chẳng lẽ cũng không được vì trùng tên danh nhân (nếu đặt sau ngày 25/11/2014)? |
Theo thông tư trên, những trường hợp đặt tên doanh nghiệp sau đây là vi phạm truyền thống lịch sử của dân tộc: sử dụng trùng tên danh nhân; sử dụng tên đất nước, địa danh trong thời kỳ bị xâm lược và tên nhân vật trong lịch sử bị coi là phản chính nghĩa, kìm hãm sự tiến bộ; sử dụng tên nhân vật lịch sử là giặc ngoại xâm hoặc những người có tội với đất nước, dân tộc; các trường hợp khác về sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử theo quy định của pháp luật.
Thông tư cũng liệt kê những trường hợp đặt tên doanh nghiệp vi phạm văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Hiển nhiên, chúng ta thấy đặt tên doanh nghiệp với những cụm từ vi phạm văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của Việt Nam là không chấp nhận được.
Nhưng không cho phép doanh nghiệp lấy tên danh nhân đặt tên doanh nghiệp thì thật sự vô lý. Chúng ta lại đang quay về thời phong kiến nên tránh lỗi “phạm húy”?
Trường học, đường phố, bảo tàng được lấy tên danh nhân đặt tên, tại sao doanh nghiệp lại không? Ở đây có sự phân biệt đối xử với các doanh nghiệp?
Danh nhân là những ai? Hiện nay ở Việt Nam đã có văn bản nào nêu định nghĩa và thống kê đầy đủ, chính xác tất cả danh nhân Việt Nam, để các doanh nghiệp biết đường “né” đặt tên hay chưa?
Điều này chưa có, vậy căn cứ vào đâu để Bộ văn hóa Thể thao Du lịch biết hết những trường hợp doanh nghiệp vi phạm?
Cha mẹ được quyền tự do đặt tên cho con cái của mình, có thể vì ngưỡng mộ và mong muốn các con có được phẩm chất tốt đẹp của danh nhân. Có luật nào cấm cha mẹ đặt tên cho các con không, trong khi doanh nghiệp cũng có thể coi là “đứa con” của một hoặc nhiều doanh nhân.
Chúng ta sợ doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, phá sản, tai tiếng… ảnh hưởng xấu đến truyền thống lịch sử, chẳng nhẽ chúng ta cũng phải cấm việc các bậc phụ huynh đặt tên con đẻ của mình là Quang Trung, Nguyễn Huệ, Nguyễn Du… để tránh việc các con hư hỏng, giết người, cướp của sẽ làm truyền thống lịch sử Việt Nam xấu đi?
Theo thông tư 10/2014/TT-BVHTTDL, việc đặt tên doanh nghiệp cũng phải né tên đất nước, địa danh trong thời kỳ bị xâm lược và tên nhân vật trong lịch sử bị coi là phản chính nghĩa, kìm hãm sự tiến bộ.
Vậy từ “Sài Gòn” sẽ vắng bóng trong tất cả tên các doanh nghiệp? Dù trong tiềm thức của rất nhiều người Việt Nam, hai tiếng Sài Gòn thân thương, đầy ắp kỷ niệm, nó là lịch sử. Công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn may là thành lập từ rất lâu, nếu không cũng chẳng còn cái tên trở thành thương hiệu này, sau ngày 25/11/2014.
Theo Tổng cục Thống kê, ước tính năm 2013, tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 76.955 đơn vị, tăng 10,1 % so với năm 2012. Nhưng song song với đó, số doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể hoặc ngừng hoạt động là 60.737 doanh nghiệp, tăng 11,9% so với 2012.
Tình hình kinh tế càng ngày càng khó khăn, thay vì việc đưa ra những quyết sách tháo gỡ khó khăn, đỡ phiền nhiễu cho doanh nghiệp, các bộ đua nhau ra những thông tư rất “trên trời”, làm doanh nghiệp trở tay không kịp.
Hết cấm bán bia vỉa hè, cấm bán bia cho người cho con bú, nhiệt độ bán bia không quá 30 độ C lại đến chuyện tên danh nhân không đặt cho doanh nghiệp.
Cái áo không làm nên thầy tu, hiển nhiên việc đặt tên phản cảm và dung tục ví dụ như Massage Bà Triệu; Cầm đồ Triệu Việt Vương; Tẩm quất gia truyền Hai Bà Trưng… khó được chấp nhận và cần điều chỉnh. Nhưng áp đặt không cho phép doanh nghiệp đặt tên danh nhân vì lo sợ doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, phá sản, vi phạm pháp luật làm ảnh hưởng thuần phong mĩ tục của Việt Nam là một hành động “trời ơi”, máy móc, phiến diện, một ví dụ sinh động cho căn bệnh hình thức.
Nếu không đặt tên danh nhân cho doanh nghiệp mà doanh nghiệp ngày càng phát đạt, chẳng bao giờ lo phá sản thì chẳng cần thông tư, e là 100% doanh nghiệp có đặt tên danh nhân rồi cũng xin bỏ, dù chịu nhiều phí tổn.
Chỉ sợ, lúc đó Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và một số bộ khác lại nhàn rỗi mà ban hành thêm thông tư, hướng dẫn không đặt tên con, tên vật nuôi… trùng tên danh nhân, mở rộng ra cả tên của những quan chức từ cấp Bộ trở lên thì quá nguy hiểm!
NGUYỄN THÚY HẰNG