CÓ MỘT THẾ GIỚI NGẦM NHẠC VIỆT
Chester Bennington của Linkin Park treo cổ tự tử ở tuổi 41, ngày 20/7, ngày người Mỹ đặt chân lên mặt trăng bằng Apollo 11, ngày sinh của Chris Cornell nhóm Soundgarden cũng vừa treo cổ tự tử cách đây ít lâu.
Chris Cornell của Soundgarden, Audioslave, một công trình sư cùng thời với những Nirvana, Pearl Jam, Stone Temple Pilots có thể tương đối quen thuộc với một nhóm nghe nhạc lứa đầu 8x tại Việt Nam, dù ở Mỹ anh là một tượng đài chẳng thua kém về vai trò và vị trí so với Chester, nhưng với lứa đầu và giữa 9x đổ về trước, Chester là một tượng đài, đã thét thẳng vào cái cuộc sống tuổi teen ngày trước một sức sống gần như trường tồn, trớ trêu thay, từ ca từ bi quan và giọng hát chẳng mấy nội lực (nếu đem so với các giọng ca metal).
Kẹp giữa 10 năm, những ai sinh ra và lớn lên giữa 2 độ tuổi trên đang tạo ra những thay đổi căn bản nhất cho bối cảnh âm nhạc ngầm tại Việt Nam hiện tại, dù không thể phủ nhận những vai trò nhất định của những người tiên phong hay những "cảm tình viên" từ ngoài nước đến và chọn gọi Việt Nam là nhà.
Bài 1: Sóng ngầm Indie Việt
|
Ca khúc Trong veo của Cam:
Rất gần đây, trang tin âm nhạc DUNKARE chia sẻ về một người yêu Hip Hop ở Tây Ninh gửi lời nhắn nhủ, nhưng giống hơn một tuyên ngôn về đam mê bất diệt dành cho thứ âm nhạc này tại một vùng xa, ở đó anh phải chống chịu để duy trì một gia đình vừa, vừa có con nhỏ, và quán cà phê mà 95% người tới uống không nghe Hip Hop. Nhưng cũng cách không xa, lần lượt Hazard Clique, 95Gen và Ếch & Báo đã tung ra những show diễn cháy vé kín khán giả.
Tồn tại một mặc cảm người tiên phong, nếu có thể gọi như vậy, ở đó sự quán tính, hồn nhiên đến bản năng khi thực hành những gì mình yêu thích dễ dẫn đến những sai lầm đắt giá mà bản thân họ có thể không bao giờ học được mà chỉ những người đi sau, nhưng sự lấp lánh của vai trò đại diện không chỉ dành riêng cho kẻ điên và kẻ dại, không chỉ ở Rap Việt tính tới vài năm trước, mà cả người anh em Rock Việt. Thay vì tìm tòi, đào sâu tìm hiểu, trao đổi và kết nối, chặng đường lát gạch này có thể kéo dài 10, 15 năm của cục bộ phổ biến, sự bảo thủ không thể khỏa lấp được sự thiếu nội lực.
Cam thoạt nghe có vẻ là một cái tên hóm hình, bình dân, có vẻ không hợp lắm với một rapper ngầu, bắn ra những ca từ dữ tợn, bất cần.
Cho tới khi ta biết rằng cái tên Cam khởi nguồn từ ông trùm Trương Văn Cam, tức Năm Cam, theo cách rapper 50 cent dùng biệt danh một tay anh chị (Kelvin Martin) ở Brooklyn (New York) làm nghệ danh của mình. Nhưng “mọi người”, theo lời kể của Toàn (tên thật), không đọc được Five và Orange trơn tru, và cứ thế rụng dần và Việt hóa thành Cam.
Cam là minh chứng của một giới trẻ điển hình tiếp xúc với đa dạng của văn hóa, một cách lành mạnh và chủ động – đừng vội đánh giá nghệ thuật là xấu xa hay đạo đức, như Oscar Wilde đã nói trong Chân dung Dorian Gray. Là một kẻ đến muộn với Hip hop tại Việt Nam, vốn là kẻ đến quá muộn so với Hip hop khu vực, sở thích của anh ngoài văn hóa âm nhạc này cũng có nhiều sự đa dạng, và những hành trang âm nhạc của anh đã giúp ích rất nhiều cho sáng tác.
Anh thích nhạc rock thập niên 60 - 70 như Beatles, The Velvet Underground và cả David Bowie - ảnh hưởng không nhỏ đến nhạc tính lẫn thẩm mỹ sáng tác, nhưng ở anh, âm nhạc bắt đầu từ năm 2005 với Lương Bằng Quang, bởi tính “groove” mà về sau anh mới có từ ngữ đúng để mô tả. Nhưng anh cũng yêu thích antifolk, bởi sự ngẫu hứng và phá cách nghịch ngợm, khinh mạn về những gì chính thống, khuôn thức. Và không thiếu nét lãng mạn, lý tưởng như khi anh nhắc tới hoàn cảnh sáng tác của album For Emma, Forever Ago của Bon Iver, một căn phòng gỗ đơn độc giữa núi rừng mùa đông vùng Winconsin quê nhà, và nỗi buồn chất ngất sau một cuộc chia tay.
Ngày nay, nghệ sĩ yêu thích của anh không chỉ là một đại diện của old school Hip Hop như Wu Tang, mà còn là Uyênukulele, và những cấu tứ tự do tới quái gở của anti-folk (Mount Eerie là một ví dụ), nhưng sự háo hức của anh trong những âm thanh mới, “âm thanh khiến cho người ta phải đoán cái gì sẽ xảy ra tiếp” vẫn nguyên vẹn, không thay đổi – như khi lần đầu được giới thiệu Guns and Ships trong nhạc kịch Hip Hop Hamilton mà, ngạc nhiên thay, hầu như chỉ truyền miệng nội bộ trong cộng đồng nghe nhạc kịch tại Việt Nam hơn là cộng đồng nghe Hip Hop, trong khi bản thân vở diễn là cả một sự tri ân hậu hĩ đến từng nghệ sĩ ở từng track nhạc dành cho văn hóa Hip Hop của Lin Manuel Miranda, một nghệ sĩ nhập cư gốc Puerto Rico.
Bài hát Chết đi cho rồi (ft Quỳnh):
Anh thuộc một số ít ỏi tại Việt Nam tình cờ truyền bá văn hóa tự ghi âm bằng máy tính, chép ra băng cassette và chia sẻ cho bạn bè cùng lớp – trên youtube có thể thấy một thiếu niên choắt cầm đàn hát trước thềm bảng của lớp, tự tin và hóm hỉnh. Tài khoản soundcloud của anh (soundcloud.com/orangeakatoanlee) đã sáng đèn từ 05 năm trước, khi Cam học năm cuối phổ thông, ở đó cái tếu táu của cậu nhóc ghi âm cho xong kẻo trễ giờ đi học vẫn bắt gặp được. Cách đây 3 năm, anh bức bối muốn “sút vào mặt sếp”, cách 2 năm, anh viết về lần đầu ba mình sử dụng facebook, và 1 năm với người bạn tên quỳnh, anh muốn “chết đi cho rồi” trong nghệ danh chung potatoheads.
Trong môi trường tự do tương đối của Internet, trật tự và thứ tự tiếp xúc hầu như không có ý nghĩa. Những nghệ sĩ sáng tác sinh ra giữa thập niên 90 về sau, thế hệ mashup, có sự tích lũy tác phẩm của tất cả những nghê sĩ đi trước từ phổ biến đến ngóc ngách, miễn là có người nghe và chia sẻ. Chính thống không tự dưng được sinh ra: nó đi sau nghệ thuật, sau văn hóa, và chỉ đi trước tiền bạc, vì buộc phải sản sinh và duy trì nguồn thu nhập cho guồng máy.
Về văn hóa Hip Hop Việt, đã có một thời gian từ khi nó du nhập rộng rãi, quãng từ 2002,3 trở đi, sự hồn nhiên của nó gắn với một thời kỳ tăm tối, nhiều thù hận, những mâu thuẫn và bi kịch, chuyển tải hầu như chỉ qua ca từ sau bàn phím. Cam không nằm trong bức tranh đó, khi anh chỉ mải mê tự tìm tòi những thứ mình yêu thích, và chỉ được biết tới từ một sự tình cờ gửi bản thu tới một cuộc tranh tài của các rapper của cộng đồng underground – Rhymes Fes 2G12.
Người đứng nhất khi đó là Datmaniac của G-Family, về nhì là Cam. Đó là lúc một thành viên nổi bật của G-Family, Blacka, đã để mắt đến anh. Không lâu sau, Blacka trở thành đồng đội của anh trong bộ ba Hazard Clique cùng với Adrian Rodgers, nghệ danh Pain, một emcee sinh ra ở Scotland nhưng lớn lên trong môi trường Hip Hop Tây Ban Nha.
Hazard Clique cũng trải qua một thời gian không ngắn để định hình và trở thành một trong những nhóm Hip Hop đình đám nhất hiện nay, với mong muốn dùng Chất độc (Hazard) để “đầu độc” người nghe, nhất là người nghe trẻ, cần tìm hiểu và thấm nhuần cái văn hóa đã tạo ra Eminem, hơn là do Eminem, một đại diện khi văn hóa Hip Hop đã vào guồng, tạo ra.
Với Hazard Clique, anh cảm thấy màu sắc âm nhạc của mình được khẳng định trong sự dung hòa với 2 thành viên còn lại, và những khả năng phát triển chuyên nghiệp trong tư cách nghệ sĩ độc lập, như kỹ năng biểu diễn trên sân khấu, kỹ năng quảng bá và tổ chức show diễn cho mình. Nhưng cũng có một thời điểm, bộ ba này đã trình diễn tại nhiều venue khác nhau, thử mọi cơ hội bày ra – sự bão hòa của Rock Việt tận 1 2 năm nay vẫn còn - để có ngày hôm nay.
Theo Cam, ở một phỏng vấn video gần đây, khác biệt quan trọng giữa hành động đơn thuần sử dụng vocal theo lối rap của một “rapper” (hiểu đơn giản là người hát nhạc rap) bất kì và cách một người MC Hip-Hop thực thụ thể hiện cái chính kiến của mình trên mic một cách nghệ thuật là rất lớn. Cam cho rằng dường như ở Việt Nam mà anh biết, người biểu diễn và người xem vẫn còn nhiều bận tâm nhiều về những nhãn mác như underground, old-school, hơn thực chất của âm nhạc.
Với người nghệ sĩ trẻ này, cái quan trọng nhất vẫn là nhạc tính, và nhạc tính đi ra từ tâm hồn, từ những trải nghiệm có thực.
Nhạc Rap chỉ là một phần, một phương tiện của văn hóa Hip Hop đồ sộ và trù phú hơn rất nhiều. Cái gọi là Rap Việt có thể không tồn tại, hoặc vô nghĩa, nhưng Hip Hop Việt mới là cái sẽ tiếp tục phát triển và vươn xa.
Du Lê