Sóng ngầm Indie

28/10/2017 - 20:24

PNO - Một làn sóng nghệ sĩ và người nghe mới đã chính thức ra đời, từ những vết xe đổ thất bại, từ những đam mê tuổi trẻ hừng hực và cũng hời hợt.

NHẠC VIỆT NGẦM

Chester Bennington của Linkin Park treo cổ tự tử ở tuổi 41, ngày 20/7, ngày người Mỹ đặt chân lên mặt trăng bằng Apollo 11, ngày sinh của Chris Cornell nhóm Soundgarden cũng vừa treo cổ tự tử cách đây ít lâu.

Chris Cornell của Soundgarden, Audioslave, một công trình sư cùng thời với những Nirvana, Pearl Jam, Stone Temple Pilots có thể tương đối quen thuộc với một nhóm nghe nhạc lứa đầu 8x tại Việt Nam, dù ở Mỹ anh là một tượng đài chẳng thua kém về vai trò và vị trí so với Chester, nhưng với lứa đầu và giữa 9x đổ về trước, Chester là một tượng đài, đã thét thẳng vào cái cuộc sống tuổi teen ngày trước một sức sống gần như trường tồn, trớ trêu thay, từ ca từ bi quan và giọng hát chẳng mấy nội lực (nếu đem so với các giọng ca metal).

Kẹp giữa 10 năm, những ai sinh ra và lớn lên giữa 2 độ tuổi trên đang tạo ra những thay đổi căn bản nhất cho bối cảnh âm nhạc ngầm tại Việt Nam hiện tại, dù không thể phủ nhận những vai trò nhất định của những người tiên phong hay những "cảm tình viên" từ ngoài nước đến và chọn gọi Việt Nam là nhà.

Song ngam Indie
Hazard Clique tại Đà Nẵng

Ivy Phi, một Selecta nhạc, cho rằng căn bệnh của giới trẻ là cái gì họ yêu thích là cái cool nhất, ngầu nhất, hay nhất, dù là EDM, Rap, hay sâu sắc, trầm ngâm như nhạc Trịnh. Với mọi cái mới ở những người nghe mới, điều này đúng. Nghe đủ lâu, người nghe sẽ tự hình thành nhu cầu tìm hiểu và chia sẻ, các forum ra đời, nhu cầu sáng tác như thần tượng, các ban nhạc ra đời, và do đó nhà tổ chức cũng ra đời. Nhưng đòi hỏi về sự tinh tuyền, nguyên bản một văn hóa ở nơi nó không bắt đầu là một đòi hỏi …. trên trời, và không có Internet nào thay thế được những nhà truyền giáo người thật việc thật. Người ta không thể học được về văn hóa từ những ngọn nhánh.

Trong bối cảnh Rock tại Việt Nam, hầu như không có một nhân vật đáng kể nào thật sự sống trong cái văn hóa rock metal phương Tây - theo đúng nghĩa đen, và khi đó, họ cũng chỉ có thể sống ở một môi trường hữu hạn, không quá lâu, không quá vướng bận mưu sinh sự nghiệp ở đó - quay trở về và truyền thụ, như bố già Kaiser Kuo, phát ngôn viên hiện tại của Baidu. Kaiser là người đỡ đầu của văn hóa metal Trung Quốc, nơi anh chỉ trở về sau khi lớn lên tại Mỹ.

Trái lại, văn hóa Hip Hop tại Việt Nam thụ hưởng rất nhiều từ những du học sinh như Hà Lê, Việt Max (hơn là từ Thái Việt G, một rapper gốc Việt có sức ảnh hưởng).

Nhưng kể cả khi đã có, mọi thứ cũng chỉ mới bắt đầu. Một người Mỹ vừa đến thành phố 2 tháng nhận định, người Việt độc lập một cách kinh khiếp. Độc lập là một trạng thái thú vị, vừa cho thấy một sự thiếu kết dính giữa mỗi cá nhân, đến độ ai đó phải làm gì đó khác, liên tiếp, và sự bức bối hóa ra cần thiết cho sáng tạo. 

Song ngam Indie
Trần Hữu Tuấn Bách, hay B.A.X, người sáng tác nhạc phim Cô gái đến từ hôm qua, cũng là một thành viên đầu tiên của Saigon Heartbeat

Cho dù ở một nền văn hóa dù rộng dù hẹp, đôi khi sáng tạo không đủ, thậm chí không là gì cả khi nó chỉ đủ sức tạo ra một chớm ban đầu nhưng mất khả năng duy trì lâu dài. Không thể sử dụng một beat nhạc có sẵn, miễn phí trên Internet để tạo nên bản dạng cá nhân, cũng không thể tôn sùng thần tượng qua những riff quá đỗi quen thuộc diễn cho những đôi tai lớn lên cùng mình.

Thay đổi xảy ra ở thế hệ indie ở Hà Nội, và những cá nhân có khuynh hướng với nhạc điện tử nhịp điệu nhanh, đa văn hóa tại Sài Gòn, phản ánh sự khác biệt giữa 2 miền.

Ở Hà Nội, dòng nhạc indie thực sự trở thành một làn sóng có tính ảnh hưởng khi nhóm Ngọt - một trong bộ ba tự nhận đi đầu của indie rock Hà Nội được biết đến rộng rãi trong cộng đồng nghe nhạc độc lập ở đây. Ngọt khởi đầu vốn là một ban nhạc đánh ở các địa điểm nhỏ, ấm cúng và thân mật, như Hầm Hành (đã đóng cửa), Hanoi Social Club - nơi ca sĩ chính Vũ Đinh Trọng Thắng từng làm chủ trì cho những chương trình Xóm nhạc. Ngoài Xóm nhạc và Hanoi Social Club, có thể kể đến một số địa điểm văn hóa khác ở Hà Nội khuyến khích sự phát triển của âm nhạc độc lập qua các sinh hoạt định kì như HUB cafe, Tranquil, Bản Cafe, Salon Văn hóa Cà phê Thứ Bảy.

Dần dần, các nghệ sĩ và ca sĩ indie tự sáng tác ở Hà Nội theo bước, chọn những setup nhỏ, ấm cúng, linh hoạt và giản tiện cho các show diễn đều đặn, đề cao sự tương tác, gần gũi hơn những lên gân cá nhân. 

Song ngam Indie
Cá Hồi Hoang tại Nhạc hội Chồm Hổm

Bối cảnh open mic, một văn hóa nền tiền thân và khuyến khích sáng tạo ở phương Tây, hình thành từ đây và thôi thúc hơn nữa những sáng tạo, trước hết từ những phòng thu và phòng tập dã chiến chỉ với smartphone và nhạc cụ trong tay, dẫu không khác mấy bối cảnh trình diễn nhưng tại gia, đã cho ra đời lứa nghệ sĩ solo và nhóm nhạc bình đẳng có cơ hội nuôi dưỡng và trau dồi chuyên môn của mình, như HUB Band, The Veranda, The Children , marzuz, Mademoiselle, Thái Vũ (với số lần diễn live rất hạn chế), hay những nghệ sĩ gắn bó hơn với văn hóa open mic như Hải Sâm, Kiên ra đời. 

Cả hai nhóm up thẳng tác phẩm của mình lên mạng xã hội, góp phần mạnh mẽ tạo ra một cộng đồng thưởng thức phong phú, gần gũi không giới hạn về vùng miền: miền Nam có Đỗ Tấn Sĩ, một nghệ danh khác là Jung Buffalo, và tập thể Rắn Cạp Đuôi cũng do anh thành lập, Cá Hồi Hoang tiền thân là Dép tổ ong, Uyên Pím & Bệt Band. Dù cơ hội biểu diễn cho các nghệ sĩ trẻ ở Hà Nội luôn nhiều hơn.

Ở miền Nam, sự đa văn hóa thâm nhập từ những cá thể và lan ra những cộng đồng đơn lẻ, bao quanh những thánh địa âm nhạc gần Tây cách Ta như Saigon Outcast (Q.2), deciBel (Q.1, nay đã đóng cửa), Observatory (Q.1, nay về Q.4) với những sở thích cô biệt, và công bằng mà nói chưa phải là những đại diện tiêu biểu, đặc sắc nhất của bối cảnh âm nhạc ngầm thế giới - nhưng có hề gì, ở Việt Nam, cái gì mới cũng được ủng hộ, không mấy hoài nghi từ người nghe.

Song ngam Indie
Xóm Nhạc tại Hà Nội

Trong chuyển tiếp này, không thể phủ nhận vai trò của các promoter đúng nghĩa (chẳng phải những agency quảng cáo do nhãn hàng thuê tổ chức sự kiện, đứng sau những buổi diễn miễn phí, đông kín nhưng sai hoàn toàn đối tượng) nước ngoài như Cargo/Q4 (Rod Quinton), Loud Minority (Damian Kilroy), Heart Beat (nhạc techno với Paul Tonkes & Chris Wolter), Saigon Dub Station, District X (Morgan, Mara), hay CAMA và venue ATK (đã tạm đóng cửa), Hanoi Rock City, và gần đây hơn là Far East Agency và School of Mosh (Koremoto Todaka) chỉ mới đây thôi còn thường trú ở Hanoi Creative City, Rec Room, đều ở Hà Nội.

Các điểm chung và hợp tác giữa các tổ chức, nhóm diễn ra nhiều hơn khi người trẻ Việt đã nhận thức rõ hơn về vai trò, hướng đi của mình, như nhà tổ chức Hardcore United, tiền thân là Corerior, của cộng đồng hardcore, X Metal, phái sinh thành Out The Run và Legacy Co. của cộng đồng metal đã năng động, chủ động tham gia mời những nghệ sĩ quốc tế đến Việt Nam. Quãng đường từ The Ghost Inside, Chelsea Grin tới Defeated Sanity, Whitechapel là một bước tiến rất dài, rất xa, thừa mồ hôi và nước mắt.

Cho dù đã từng có lúc, rõ ràng giữa hai nhận thức về văn hóa âm nhạc giữa ta và “họ” khác nhau rất xa, và cá biệt trường hợp của nhà tổ chức Onion Cellar với một thẩm mỹ, kể cả khách quan mà nói, tinh tế, khắc khe chọn lọc hơn những scene cục bộ, đơn tẻ của giới trẻ phương Tây tại ta khá nhiều. Sự phân biệt đến nay dẫu vẫn tồn tại, nhưng đã ít hơn sự cô lập, do nhiều hơn đối thoại đã xảy ra.

Song ngam Indie
Cargo Space - một không gian của Indie Việt

Thậm chí, cộng đồng Hip Hop Việt đã đủ lực để có một thủ phủ cho riêng mình tại La Cannalla, và sự nhiệt thành ủng hộ của nhân vật Karma Cudi từ truyền thông đến phương tiện vật chất, và nhà sản xuất Nguyễn Hồng Giang đang thi triển những cơ bắp sáng tạo ở nhiều thể loại nhưng thân tình với nhạc Rap. Về sáng tạo, cứ 2 đến 3 ngày sẽ lại có một lyric video mới trên kênh Youtube Underground V-Rap, nay đã có ngoài 400, và các freestyle và cypher diễn ra như nấm mọc.

Không như hiện tượng Youtube ăn may như Linh Cáo và phong cách phượt chu du, càng nằm ngoài những bài viết đa phần hời hợt trên mặt báo chính thống, thật may mắn, underground tại Việt Nam đã đi vào giai đoạn sung mãn nhất trong nhiều năm trở lại đây về khán giả, sự theo dõi và ủng hộ, và cả những trang tin độc lập chuyên biệt như DUNKARE, Vietnam’s Next Top Bitches, và gần đây Technovn chuyên trị về dòng nhạc techno, pha một chút house do chính các nghệ sĩ Việt sáng tác và trình diễn.

Người chơi và người nghe ngày nay, là người Việt, có lẽ đã có đủ thế và lực để sòng phẳng thỏa thuận với một địa điểm tổ chức show diễn cá nhân, và có thể tự hoạt động không cần can thiệp “bảo bọc” của nhà tài trợ. Chưa khi nào sự xê dịch của các nhóm nhạc từ Bắc xuống Nam và ngược lại diễn ra đều và dày như hiện tại, hậu thuẫn bằng những triệu view và nghe trên các trang nhạc trực tiếp từ người sáng tác đến khán giả như soundcloud.

Ca khúc "hiện tượng YouTube" Đưa nhau đi trốn (Linh Cáo ft Đen):

 

Show diễn, địa điểm tổ chức, Facebook và Soundcloud đang chính là những rường cột văn hóa khi kéo căng đã tạo sức bật rất tốt cho những sáng tạo của nghệ sĩ Việt, và quan trọng nhất nó đến từ thực chất: từ người thật sự nghe và ủng hộ, sẵn sàng góp sức, tiền của vào cuộc chơi chung, và cuộc chơi riêng. Những nhà tổ chức không gọi là thức thời khi mời những nghệ sĩ của làn sóng mới biểu diễn, mà họ đang bị làn sóng này cuốn và buộc phải trôi theo.

Đời sống âm nhạc của Việt Nam chưa bao giờ sôi động hơn, xóa dần, và nhanh, những bi quan của 5 năm trước hoặc xa hơn. Một làn sóng nghệ sĩ và người nghe mới đã chính thức ra đời, từ những vết xe đổ thất bại, từ những đam mê tuổi trẻ hừng hực và cũng hời hợt.

Nhung Nguyễn - Du Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI