Trẻ vô hồn khi nghiện smartphone
Chị Phan Thị Quỳnh (Hoàng Mai, Hà Nội) tâm sự, con gái đầu của chị học lớp 2, mỗi ngày có khi xem ti vi đến 4-5 giờ. Ti vi để ở phòng khách, bà nội rất hay mở xem và thế là cháu sà vào xem cùng. Hết xem ti vi, con gái lại mở điện thoại ra xem và bé “rành” điện thoại hơn cả mẹ.
Còn với con trai 4 tuổi, ngày trước “chàng ta” cũng “sờ” điện thoại cả ngày nhưng nay chị đã hạn chế được phần nào, giờ chỉ cho xem những chương trình như trò chơi ô chữ, xem Xuân Mai hát hoặc nghe nhạc thiếu nhi và một vài trò khác.
Chị Mai cho biết, nhiều khi chị tắt điện thoại, ti vi hoặc các loại thiết bị điện tử ngay lúc con đang dùng, thậm chí dùng roi, phạt... nhưng rồi lại đâu vào đó.
Tuy nhiên, không phải lúc nào chị cũng có thời gian để ý đến từng đứa. Thậm chí, có khi chị còn chủ động “quăng” cho con các thiết bị này. Như lúc để dỗ đứa nhỏ ngủ, đành phải cho đứa lớn chơi điện thoại; có việc phải ra ngoài mà muốn con không đòi theo, không phá phách... vì không còn trò nào khác có thể “dụ” trẻ đỡ mè nheo nhanh hơn các loại thiết bị điện tử.
Kết quả cuộc khảo sát xã hội “Thực trạng sử dụng thiết bị thông minh của trẻ em Việt Nam và nhận thức của phụ huynh” do Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa - Giáo dục và Đời sống xã hội và Công ty Nghiên cứu Thị trường Epinion cho thấy 78% trẻ em Việt Nam dưới 6 tuổi ở thành thị đã tiếp cận thiết bị số (điện thoại, máy tính bảng, laptop...).
Đa số trẻ được dùng từ 30 phút đến 2 giờ đồng hồ mỗi ngày. Số trẻ sử dụng trên 4 giờ mỗi ngày cũng chiếm tỷ lệ rất đáng lưu ý và có dấu hiệu gia tăng... Đại đa số phụ huynh Việt Nam đang bị động trong việc cho trẻ sử dụng các thiết bị này. Nhiều người còn có khuynh hướng dùng thiết bị số như “cứu cánh” để dỗ trẻ, “giữ trẻ” thay mình.
Họ hoàn toàn không có thông tin, kiến thức rõ ràng về lợi ích và tác hại của sản phẩm này đến trẻ, không có cách kiểm soát, định hướng về thời lượng, nội dung...
Do vậy, bên cạnh những lợi ích to lớn mà thiết bị số mang lại như giúp trẻ có kiến thức rộng hơn, học tập và vui chơi hiệu quả hơn, tiếp cận được những xu hướng mang tính thời đại..., khi sử dụng thiết bị số thường xuyên một cách thiếu kiểm soát, trẻ có nguy cơ xao nhãng học tập, dễ bị ảnh hưởng bởi những xu hướng không lành mạnh, có khuynh hướng ít giao tiếp với người thân, dễ rơi vào trạng thái phụ thuộc và nghiện.
|
Trẻ em có xu hướng nghiện smartphone |
Cha mẹ làm gì khi con nghiện smartphone?Theo Thạc sĩ Vũ Thu Hương, khoa Giáo dục Tiểu học ĐH Sư phạm Hà Nội, bố mẹ hãy làm gương trước cho con. Chính vì thế, muốn con từ bỏ thói quen lạm dụng smartphone thì cha mẹ phải làm gương đầu tiên.
Hãy thực sự chăm sóc cho con, chỉ dùng smartphone hay tablet khi ngồi vào bàn làm việc. Khi cả gia đình sinh hoạt cùng nhau như ăn cơm hay xem ti vi, hãy tham gia vào những cuộc trò chuyện, bàn luận và hỏi han đến con. Hạn chế sử dụng thiết bị trước mặt con, không cổ súy cho việc con biết sử dụng thiết bị thông minh quá sớm là giỏi, là tiếp thu nhanh.
Thực sự nghiêm khắc trong vấn đề thưởng, phạt. Bởi nhiều gia đình lấy điện thoại, máy tính bảng làm phần thưởng cho con khi đạt được kết quả tốt trong học tập…
Thắt chặt quản lý giờ giấc sử dụng điện thoại thông minh của con. Duy trì việc quản lý giờ giấc của con thật sự cần sự kiên trì. Vì đôi lúc bận bịu công việc, các bậc cha mẹ thường “quên” đi một vài ngày và thế là mọi việc lại bắt đầu lại.
Hãy dành cho con thời gian nhất định để sử dụng thiết bị và giữ lại khi đã hết thời gian. Đối với các gia đình cho con sử dụng phòng ngủ riêng thì không nên để con mang thiết bị vào phòng ngủ. Hãy giữ điện thoại/máy tính bảng và trao trả vào sáng hôm sau.
Một cách khác đó là tắt thiết bị phát sóng wifi nếu không thể quản lý được giờ giấc sử dụng thiết bị điện tử vào ban đêm của con. Như vậy sẽ buộc trẻ phải đi ngủ và tránh được tình trạng trẻ online muộn hoặc thức suốt đêm để chơi.
Cho trẻ tham gia nhiều các hoạt động ngoại khóa cùng bạn bè. Bố mẹ nên đưa con đi chơi ngoài trời vào mỗi dịp cuối tuần, hoặc cho con tham gia các hoạt động ngoại khóa ở trường, lớp cùng bạn bè. Việc cho trẻ giao tiếp nhiều khiến chúng quên dần những chiếc điện thoại và máy tính bảng.
Cho trẻ chơi những trò chơi kích thích sự sáng tạo và khả năng tưởng tượng, chăm chơi cùng con, không để con “rảnh rỗi” để có thời gian chơi các trò chơi trên điện thoại và máy tính bảng.
Hà Anh