Cha con nhà Saxophone

16/09/2015 - 07:38

PNO - Từ khi An Trần tìm đến chiếc kèn Saxophone, nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn đã có thêm một đồng nghiệp, một người bạn ngoài tình cha con.

Cha con nha Saxophone
Nghệ sĩ Trần Mạh Tuấn và con gái An Trần như hai người bạn - đồng nghiệp

* Hẳn anh không thể quên lần đầu tiên hai bố con biểu diễn cùng nhau?

- Một hôm, tôi đi công tác ở châu Âu về thấy con gái chơi bài Bèo dạt mây trôi bằng kèn saxophone, tôi hỏi “Ai dạy con?”, cháu bảo “Anh dạy”. Hai tháng sau, tôi và con gái chơi bài này trong chương trình Dấu ấn, đêm diễn của tôi vào tháng 9/2013.

 Đêm đó, con không run nhưng bố run vì truyền hình trực tiếp trên nhiều kênh, nếu có gì trục trặc thì khổ. Cô nàng ôm kèn từ trong bước ra sân khấu tỉnh bơ bắt đầu trước, mặc kệ bố run (cười). Đó là một kỷ niệm, một “dấu ấn” của hai bố con.

* Hình ảnh cô bé An Trần lúc đó có giống anh ngày xưa?

- Con bé làm tôi nhớ lại lần biểu diễn chuyên nghiệp đầu tiên của tôi lúc 11 tuổi cùng với dàn nhạc của đoàn cải lương Chuông Vàng. Đó là một chiều mùa hè, tôi mặc bộ pyjama màu beige cũng tỉnh bơ đứng trên bục, mặc kệ vẻ mặt đầy lo lắng của các chú, các bác.

* Trên sân khấu, dường như anh thường “nhường nhịn” con gái?

 - Thật ra chúng tôi chơi có sự tương tác, y như những người đồng nghiệp, đương nhiên tôi cho cháu nhiều cơ hội hơn. Ở thời điểm này, khán giả và đồng nghiệp đã biết tôi chơi như thế nào nên tôi không cần phải chứng tỏ với ai nữa, có chăng là chứng tỏ với chính mình.

Khi biểu diễn với những bạn trẻ hay học trò, tôi luôn để họ có nhiều cơ hội hơn. Được cọ xát thực tế từ các buổi trình diễn sẽ giúp họ rút ra được những bài học quan trọng cho nghề nghiệp.

* Với con mắt nhà nghề, anh có nghĩ rằng con gái mình sẽ chọn chiếc kèn saxophone cho sự nghiệp sau này?

- Tôi nghĩ là cháu sẽ theo nghiệp này. Tuy nhiên, bây giờ cháu còn nhỏ quá nên bố mẹ hướng thế nào thì làm theo thôi. Tôi thấy đượ c sự thích thú và hứng khởi của con bé trong những lúc tập và biểu diễn.

* Là con nhà nòi thì con gái anh có quá nhiều điều kiện thuận lợi để thành công?

- “Con nhà nòi” mà bạn nói chính là điều kiện được tiếp xúc với âm nhạc từ rất sớm và hàng ngày. Nhà tôi lúc nào cũng ngập tràn âm nhạc, sáu cây piano để khắp nơi mà bất cứ lúc nào các con cũng thuận tiện ngồi vào đàn và có phòng tập nhạc rộng với nhiều thiết bị, nhạc cụ hiện đại.

Điều kiện tập luyện như hiện nay là khó có thể tốt hơn. Khi bố con nói chuyện với nhau chủ yếu cũng là về âm nhạc và ngôn ngữ.

Cha con nha Saxophone

* Âm nhạc lan tỏa trong nhà anh một cách tự nhiên; và vố n dĩ là như thế . Nhưng anh có bao giờ tự hỏi nếu con mình không theo âm nhạc thì sao?

- Nếu con tôi không có tố chất tốt thì tôi chẳng thúc ép làm gì, vì với người làm âm nhạc, yếu tố bản năng chiếm 70%, việc học chỉ chiếm 30%, là để đúc kết lại những điều đã học. Sự sáng tạo và trí tưởng tượng của một nghệ sĩ rất quan trọng, nếu cháu không có điều đó thì tôi không cố thúc đẩy.

Tôi không thích làm nghệ thuật làng nhàng, kiểu chơi tàm tạm mỗi tối kiếm một vài trăm nghìn cũng được rồi. Tôi thấy sự thích thú và tiềm năng của con gái trong lúc chơi kèn saxophone thì tôi ủng hộ. Con trai tôi chơi kèn tốt lắm nhưng lại thích máy móc và thu âm, tôi cũng chẳng ép con làm khác.

* Kỹ thuật thì anh có thể dễ dàng dạy cho con nhưng thần thái khi biểu diễn thì anh truyền đạt đến con bằng cách nào?

- Cháu được xem các chú chuyên nghiệp biểu diễn và nhất là được xem bố thường xuyên nên phong thái cũng gần giống bố, sau đó thì cháu sẽ tự nhiên có chất riêng của mình thôi. Nói chung, hiện giờ con gái tôi có ảnh hưởng lớn từ bố, từ cách sống, cách sinh hoạt, giao tiếp cho đến cách biểu diễn…

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI