Bà là nữ chính trị gia đã dành trọn đời cho nỗ lực xóa bỏ ranh giới nam - nữ trong lòng xã hội Nhật.
Trong cuộc đua vào ghế thị trưởng Tokyo, oái oăm là bà Yuriko đã không nhận được sự ủng hộ của đảng LDP. Đảng này chọn cựu Bộ trưởng Nội vụ và truyền thông Nhật Bản Hiroya Masuda. Không nản lòng, bà Yuriko vẫn đi theo con đường riêng của mình, thuyết phục được người dân, giành chiến thắng vẻ vang. Khẩu hiệu tranh cử của bà Yuriko là: “Kiểm tra - Thách thức - Thay đổi - Sáng tạo - Kết nối”.
Cử tri hiểu rõ với cương lĩnh này bà đã nhận lãnh về mình những hệ quả từ hai thị trưởng tiền nhiệm, với cam kết “làm sạch” bộ máy công quyền Tokyo. Trước tiên, đó là tạo lập lại bộ mặt Tokyo, đáp ứng yêu cầu cấp bách nhất hiện nay là kiểm soát các vấn đề tài chính liên quan đến việc chuẩn bị Olympic 2020. Chính những bê bối tài chính đã buộc hai thị trưởng tiền nhiệm phải từ chức. Cử tri Tokyo khát khao “thay máu” nhưng không hề dễ dãi trong việc chọn người đứng đầu.
|
Bà Yuriko Koike vui mừng trước chiến thắng thuyết phục - Ảnh: GETTY IMAGES |
Nhật Bản là quốc gia châu Á nổi tiếng với việc phân chia trật tự xã hội dựa vào giới tính. Phụ nữ thường chỉ được đóng “vai phụ” trên thương trường cũng như chính trường; phải gắn với thiên chức chăm sóc gia đình, nuôi dạy con cái. Một trong những khó khăn lớn nhất phụ nữ Nhật Bản phải đối diện là làm sao dung hòa được công việc và gia đình. Nhiều thế hệ phụ nữ Nhật Bản luôn ngầm hiểu là phải lui về “hậu trường” khi lập gia đình, sinh con. Ở Nhật Bản, chỉ 8% lao động nữ làm lãnh đạo và tỷ lệ này càng thấp hơn trong chính trị vì sự trói buộc của định kiến xã hội và sự bất bình đẳng giới.
Bà Yuriko Koike xuất thân từ một gia đình khá giả, cha là doanh nhân trong lĩnh vực dầu mỏ. Chính ông nhìn thấy tầm quan trọng của sự kết nối giữa kinh tế và chính trị nên khuyến khích con gái theo học chuyên sâu về xã hội học tại Ai Cập, mở cánh cửa sự nghiệp của bà Yuriko bằng vị trí thông dịch viên. Đây là giai đoạn bà tích lũy những kiến thức quý báu về chính trị, ngoại giao để đến một ngày chuyển sang vai trò nữ chính trị gia, bắt đầu bằng “đường vòng” làm người dẫn chương trình tại Đài truyền hình Nhật Bản và Đài truyền hình Tokyo.
Sau gần 20 năm nhẫn nại phấn đấu, đến tuổi 40, bà Yuriko mới chính thức ghi dấu ấn khi được bầu vào đảng Mới Nhật Bản. Thời điểm đó, một gương mặt nữ xuất hiện trên chính trường là rất hiếm hoi. Bà dần khẳng định năng lực trên con đường đơn độc và đầy chông gai, tiến lên từng bước, làm cho tên tuổi của mình dần quen thuộc với giới chính khách và cử tri. Rồi bà được tín nhiệm để tham gia hạ viện, trở thành ứng cử viên của đảng Bảo thủ Mới trong cuộc bầu cử năm 2000, gia nhập đảng Dân chủ Tự do (LDP) năm 2002.
Dưới thời Thủ tướng Koizumi, tháng 9/2003, bà Yuriko nhận chức Bộ trưởng Môi trường. Trong ba năm tại vị, bà được công nhận là một lãnh đạo thực tài, có trách nhiệm, không ngừng đưa ra những sáng kiến thiết thực trong việc bảo vệ môi trường. Sáng kiến đánh thuế khí thải, hạn chế dùng túi ni lông, sản xuất năng lượng sinh học… đều là những “đứa con tinh thần” của nữ Bộ trưởng Môi trường Yuriko.
Tuy nhiên, đời tư của bà lại là một tấm màn bí mật, chưa bao giờ bà chứng minh hay cải chính những lời đồn thổi của dư luận. Khi còn học ở Ai Cập, bà kết hôn với một du học sinh người Nhật, nhưng sau đó đã lặng lẽ chia tay. Tất cả những gì hiện tại của bà chỉ là công việc. Truyền thông Nhật Bản từng khai thác nhiều về mối quan hệ của bà và cựu Thủ tướng Koizumi. Thậm chí, còn có lời đồn việc bà nhập viện cấp cứu năm 2006 là do quẫn trí, tự tử vì tình. Dù không tránh khỏi “miệng lưỡi thế gian”, bà vẫn luôn là một nữ chính trị gia có chủ kiến trong mắt cử tri cũng như các đối thủ.
Đến thời Thủ tướng Shinzo Abe, tuy không đứng trong nội các chính phủ, nhưng bà Yuriko vẫn đảm nhiệm vị trí Cố vấn an ninh quốc gia vì được đánh giá rất cao về kiến thức ở các lĩnh vực trọng yếu. Tháng 7/2007, bà trở thành người phụ nữ đầu tiên giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng - điều tưởng như không thể nào xảy ra ở Nhật Bản. Thế nhưng, chưa đầy một tháng sau, bà buộc phải từ chức vì thông tin liên quan đến tên lửa Aegis (một trong những dự án quốc phòng quan trọng của Nhật) bị rò rỉ. Sau này, bà Yuriko chia sẻ: “Tôi lấy đó làm bài học lớn cho mình. Tôi không nói về việc vì sao có sự cố ấy nhưng tôi hiểu, trong xã hội Nhật Bản, lãnh đạo nữ gây lỗi là chuyện tày trời và phải chịu sức ép lớn hơn nam giới rất nhiều. Tôi sẽ không vì rào cản đó mà bỏ cuộc. Nếu tôi dừng lại, ai sẽ tiếp tục tạo thay đổi?”
Không hề phô trương, bà Yuriko Koike chạm đến trái tim của cử tri vì họ nhìn thấy ở người phụ nữ này rất nhiều ước mơ về những cải cách để hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn. Bà hiểu mối quan tâm lớn nhất của những phụ nữ có con là chất lượng giáo dục, ngay từ cấp học mầm non. Ở Nhật Bản, chính sách giáo dục dành cho trẻ mầm non còn khá thấp, chỉ chiếm hơn 8% tổng ngân sách giáo dục. Cải cách của bà Yuriko sẽ tạo điều kiện cho các bà mẹ trẻ yên tâm làm việc.
Tầm nhìn của bà Yuriko luôn hướng đến việc giải quyết gốc rễ bình đẳng giới ở Nhật Bản, là tạo điều kiện cho phụ nữ vừa tham gia xã hội, vừa hoàn thành thiên chức nuôi dạy con. Hơn nữa, trong chương trình giáo dục mầm non, bà Yuriko còn thúc đẩy giáo dục quyền trẻ em, trong đó có cả kiến thức về giới.
Thiên Như (Theo WSJ, The Star, Telegraph, Education Commission, Project Syndicate)