YouTube xoá kênh của Hưng Vlog: Có đủ sức răn đe?

09/10/2020 - 20:08

PNO - Sau án phạt 10 triệu đồng, kênh YouTube đăng tải clip “lấy trộm tiền” của Hưng Vlog đã “bốc hơi”. Án phạt này liệu có đủ sức răn đe?

Sau khi bị phạt 7,5 triệu đồng vì đăng tải clip nấu cháo gà còn nguyên lông cách đây 1 tháng, mới đây, Nguyễn Văn Hưng (sinh năm 1992, là chủ của kênh YouTube Hưng Vlog, Hưng Troll) tiếp tục bị Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Bắc Giang xử phạt 10 triệu đồng.

Trong lần phạt thứ 2, Sở TT-TT cho biết Hưng Vlog đã đăng tải video phạm pháp lên mạng xã hội. Cụ thể, video Troll lấy cắp tiền, đập bể heo đất của em gái, em trai đi ăn chơi và cái kết đăng tải vào ngày 3/10 chứa nội dung phản cảm. Vì video được đăng tải không lâu sau quyết định xử phạt vào tháng 9, cho nên, Sở TT-TT Bắc Giang quyết định tăng mức phạt hành chính với Hưng Vlog lên 10 triệu đồng.

Cho đến hiện tại, kênh Hưng Troll với hàng trăm ngàn người theo dõi đã bị YouTube xoá khỏi nền tảng. Hưng Vlog cho biết trước khi xoá, YouTube không có bất kỳ thông báo nào với chủ sở hữu. Sau 2 lần phạt, Nguyễn Văn Hưng khẳng định sẽ nghiêm túc hơn trong việc thực hiện các video, tránh đăng tải những nội dung phản cảm.

Ngoài ra, Hưng khẳng định sẽ quay các video để khuyên những YouTuber khác không khai thác đề tài giật gân, câu view. Trong 2 năm kể từ khi mở kênh YouTube, Hưng nói đây là thời điểm khó khăn nhất.

Hình ảnh trong video trộm tiền do Hưng Vlog đăng tải.
Hình ảnh trong video trộm tiền do Hưng Vlog đăng tải.

Sự ăn năn của Hưng Vlog đáng lẽ phải được cụ thể hoá bằng hành động kể từ sau án phạt thứ nhất, không phải đến lần thứ 2 bị Sở TT-TT phạt, YouTube xoá kênh, những lời hối lỗi này mới được cất lên. Rất có thể, trong thời gian tới, chủ tài khoản này lại “ngựa quen đường cũ” hoặc biết đâu, Hưng Vlog sẽ thay đổi “nội dung thế mạnh” mà kênh đã khai thác trong thời gian dài vừa qua là việc không ai có thể khẳng định. Tuy nhiên, mức xử phạt hành chính của Sở TT-TT Bắc Giang có thể xem là quá nhỏ so với thu nhập “khủng” từ YouTube của Hưng Vlog, khó đủ sức răn đe.

Hiện video phản cảm do Hưng đăng tải đã bị gỡ nhưng trên mạng vẫn còn nhiều nội dung liên quan đến clip này được re-up (đăng tải lại) dưới nhiều hình thức. Một số kênh khác muốn kiếm view đã cắt ghép, thay đổi âm thanh để “đánh lừa” bộ lọc của YouTube, sau đó đăng tải lên kênh cá nhân. Lượng video này nhận được lượt xem khá lớn và dường như là lời thách thức với bộ phận kiểm duyệt của YouTube, cũng như các cơ quan chức năng.

Tương tự như nhiều trường hợp bị xử phạt, xoá kênh trước đây, khi một chủ tài khoản bị YouTube “đánh gậy” vi phạm, hoặc buộc phải “khai tử” kênh, nhiều kênh khác tiếp tục re-up nhằm thu hút view từ những người xem tò mò. Để xử lý trường hợp này, cách hiệu quả hơn là phải thực hiện việc tiền kiểm, tránh khi sự đã rồi, các cơ quan mới chạy theo xử lý.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã phối hợp với các nền tảng xuyên quốc gia xử lý những nội dung vi phạm. YouTube đã xoá 1.163 video clip đăng tải nội dung không phù hợp, gỡ 2 kênh có nội dung xấu trên nền tảng.

Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử vẫn đang tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan để kiểm soát nội dung một cách chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, nỗ lực này hiện vẫn chưa cho thấy tín hiệu khả quan nào trong việc kiểm soát nội dung, cụ thể từ vụ việc của Hưng Vlog, bản chất không khác so với trường hợp kênh YouTube của Khá Bảnh nhưng cách xử lý vẫn chỉ có 1.

Kênh YouTube Hưng Troll thuộc quản lý của Điền Quân Network - 1 trong 4 mạng đa kênh lớn nhất tại Việt Nam. Sau khi kênh Hưng Troll bị xoá, nhiều video thuộc hệ thống Điền Quân Network có nội dung tương tự kênh Hưng Troll cũng bị ẩn. 

Luật sư Nguyễn Quốc Cường, Đoàn Luật sư TPHCM cho biết, nếu kênh YouTube cá nhân thuộc quản lý của một đơn vị network thì khi xử phạt, phải tuỳ vào chức năng, quyền hạn trong hợp đồng giữa các bên để phân định, truy trách nhiệm.

Cụ thể, nếu đơn vị network là người chịu trách nhiệm sau cùng đối với clip được đăng tải thì khi xử phạt, đơn vị này phải chịu trách nhiệm liên đới. Còn nếu tài khoản YouTube với đơn vị network chỉ hợp tác về mặt thủ tục làm việc, truyền thông trên mạng xã hội hoặc tư vấn nội dung thì khi cơ quan chức năng xử phạt, chủ tài khoản mới là người chịu trách nhiệm trực tiếp. "Cần xem xét hợp đồng ký kết cụ thể để xét trách nhiệm các bên, còn nếu chủ kênh là người quyết định nội dung đăng tải thì khi bị xử phạt, người này chịu trách nhiệm", luật sư Nguyễn Quốc Cường cho biết.  

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI