YouTube khuấy động làng giải trí Việt 2018

29/12/2018 - 19:13

PNO - Với không ít nguồn lợi, YouTube trở thành mảnh đất màu mỡ được nghệ sĩ Việt khai thác theo nhiều cách. Tuy nhiên, môi trường này còn tồn tại nhiều bất cập.

Sự phát triển mạnh của phim phát hành online

Năm 2018 chứng kiến sự bùng nổ của các sản phẩm phim ảnh phát hành online trên YouTube. Cuộc chơi này không là sân riêng của những người trẻ mà còn thu hút cả những nghệ sĩ kỳ cựu, đã có thành tựu.                                                                           

Những tác phẩm đáng chú ý có thể kể đến như: Thập tam muội (Thu Trang), Nam Phi liên hoàn kế (Nam Thư), Tui là Tư Hậu (Trấn Thành), Ai chết giơ tay (Huỳnh Lập), Tiệm nail của Linda (Khả Như), Tay buôn buông tay (Võ Đăng Khoa), Bầu trời của Khánh, Cương thi biến (Duy Khánh), Vi cá tiền truyện (Quách Ngọc Tuyên), Chết thì chịu (Việt Hương), Sài Gòn, anh yêu kem (Việt Hương, Hồng Thanh)...

YouTube khuay dong lang giai tri Viet 2018
Thập tam muội của Thu Trang là một trong những phim phát hành YouTube thành công trong năm 2018.

Sự phát triển của các sản phẩm YouTube được xem là tất yếu trong thị trường công nghệ số. Chúng giúp người trẻ dễ dàng lấn sân, tìm cơ hội để khẳng định mình, cũng là bước chuyển mình với những gương mặt đã có thâm niên nhưng chưa vụt sáng hoặc giúp nghệ sĩ tên tuổi tiếp tục khẳng định vị thế, kéo thêm khán giả. 

Việc sáng tạo trên môi trường YouTube cũng mang đến không gian mở cho nghệ sĩ, với việc đa dạng về đề tài, thể loại và thời lượng cũng linh hoạt, có thể ngắn gọn từ 15-20 phút/tập hoặc đến 45-50 phút như một tập phim truyền hình. 

Môi trường YouTube cũng tạo lối thoát cho những đề tài nhạy cảm trước nay, vốn bị kiểm duyệt gắt gao trên truyền hình, điện ảnh như về giới giang hồ, tâm linh, ma quỷ... Dù rằng, như Thu Trang cho biết, tự nghệ sĩ cũng cần văn minh và biết điểm dừng hợp lý cho sản phẩm.

YouTube khuay dong lang giai tri Viet 2018
Ai chết giơ tay của Huỳnh Lập nói về chuyện tâm linh, ma quỷ trong cuộc sống, từ những trải nghiệm thực tế của nam diễn viên. Yếu tố này sẽ khó được chấp nhận khi mang lên truyền hình hay màn ảnh rộng.

Sản phẩm từ YouTube mang lại nguồn lợi lớn về kinh tế cho nghệ sĩ. Tỉ lệ thuận với lượt xem, lượt theo dõi kênh và hiệu ứng viral của sản phẩm là những cơ hội “vàng”: nhiều show hơn, cát-sê tăng vọt... 

Những năm gần đây, các nhãn hàng có xu hướng đổ quảng cáo vào môi trường mạng thông qua những đoạn video clip ngắn, phim ngắn. Đây cũng là cơ hội để nghệ sĩ giải quyết bài toán vốn đầu tư một cách hiệu quả cũng như có được những hợp đồng hợp tác béo bở. Thành công nổi bật về yếu tố này phải kể đến Huỳnh Lập, Trấn Thành, BB Trần, Hải Triều.

YouTube khuay dong lang giai tri Viet 2018
BB Trần, Hải Triều - 2 trong những cái tên ăn nên làm ra từ các sản phẩm YouTube

Nhưng, tuy đây là mảnh đất vàng nhưng cũng lắm gian nan bởi “tuổi thọ” của sản phẩm ở môi trường này rất ngắn, thời gian trụ lâu nhất chưa quá nửa tháng, nếu sản phẩm thực sự “hot”. Ngược lại, nếu không thu hút ngay từ đầu, sản phẩm sẽ lập tức bị lãng quên bởi lượng video xuất hiện hằng ngày trên YouTube rất lớn.

Nếu YouTuber có thể sản xuất hàng trăm video mỗi năm, bất chấp nội dung để duy trì độ hot thì nghệ sĩ lại chịu sự ràng buộc về tính nghệ thuật, đạo đức nghề, mỗi năm cũng chỉ có thể sản xuất từ 2 đến 3 sản phẩm. Nếu sản phẩm không thu hút như mong đợi, nghệ sĩ cũng dễ dàng nhận “trái đắng”.

“Ở vai trò NSX, tôi nghĩ nghệ sĩ đừng quá áp lực về số lượng, hãy chú trọng vào chất lượng. Số lượng sản phẩm thấp mà chất lượng cao để khán giả còn nhớ đến, còn có cơ hội được gọi show. Số lượng nhiều mà chất lượng thấp thì khán giả còn bỏ theo dõi nhanh hơn”, NSX Hồng Tú, đại diện phía Huỳnh Lập đưa ra nhận định.

Ngoài ra, việc sản xuất ồ ạt các sản phẩm lên YouTube cũng góp phần “vun đắp” thêm cho thói quen nghe, xem miễn phí của khán giả, ảnh hưởng ít nhiều đến các sân khấu trực tiếp.

Parody: Ca sĩ, diễn viên hài cùng chia lợi ích

Khoảng 2 năm trước, parody (còn gọi là spoof, lampoon - clip nhại lại với mục đích vui là chính) chỉ xuất hiện nhỏ lẻ với một vài sản phẩm trong năm của Huỳnh Lập, BB Trần. Tuy nhiên năm 2018, parody phát triển khá mạnh, trở thành một trong những món ăn tinh thần được khán giả ưa chuộng, kéo theo một số gương mặt mới như: Hải Triều, Quang Trung, Nguyễn Anh Tú...

Nhiều MV parody nổi bật trong năm có thể kể đến như: Duyên mình lỡ (Huỳnh Lập, bản gốc của Hương Tràm), Talk to me (BB Trần, bản gốc của Chi Pu), Bùa yêu (Quang Trung, bản gốc của Bích Phương)… Chúng đều đạt được hàng triệu đến hàng chục triệu lượt xem trên YouTube. Nội dung bám sát theo MV gốc của ca sĩ nhưng sẽ được chỉnh sửa đôi phần để tăng các yếu tố hài hước, dễ hút khán giả.

YouTube khuay dong lang giai tri Viet 2018
Quang Trung (phải) giả gái để làm MV parody Bùa yêu

Nếu như thời gian trước, parody chỉ mang đến lợi ích cho diễn viên hài thì nay loại hình này đang cho thấy sự ảnh hưởng lên cả ca sĩ. Thông thường, các MV parody luôn nhanh chóng vượt lên những vị trí đầu trên bảng xếp hạng YouTube, độ hot còn hơn cả MV gốc của ca sĩ. 

Mỗi lượt xem MV parody cũng là một lần ca khúc của ca sĩ được nhắc lại, giúp chúng tiếp cận khán giả dễ dàng hơn. MV parody càng tồn tại lâu, tuổi thọ của ca khúc càng tăng. Nếu những bản cover giúp một bài hát được tồn tại dưới hình thức mới thì parody đang đảm nhận vai trò này khá tốt.

Parody và sản phảm chính thống, từ hai khái niệm gần như tách rời nay đang chịu ảnh hưởng lẫn nhau. Chúng cũng tạo nên những cú “bắt tay ngầm” giữa ca sĩ và diễn viên hài. Nếu diễn viên có thêm nguồn tư liệu để sáng tạo, ca sĩ cũng phải thay đổi để MV dễ được chuyển thành parody. Rõ nét nhất là việc thời gian qua các MV ca nhạc được xây dựng theo hướng câu chuyện nhỏ hoặc có nội dung như một phim ngắn, dễ tạo cảm hứng.

YouTube khuay dong lang giai tri Viet 2018
BB Trần và Hải Triều trong Mv parody Anh đang ở đâu đấy anh mới ra mắt gần đây

Trong các buổi ra mắt MV của ca sĩ cũng thường có mặt các diễn viên hài, được xem như động thái thăm dò. Từ việc phải đi xin bản quyền, nay lực lượng làm MV parody lại đang được chào đón nồng nhiệt. Các ca sĩ cũng có sự hỗ trợ nhiệt tình để diễn viên hài thực hiện các MV trên nhiều mặt: trang phục, bối cảnh…

Tuy nhiên, việc thực hiện parody cũng không mấy dễ dàng. Nội dung, hình ảnh phải bám sát MV gốc khoảng 70% trở lên. Vì thế, nghệ sĩ ít có sự linh hoạt để tiết kiệm chi phí như các kịch bản tự sáng tạo. Bên cạnh đó, những sản phẩm parody chỉ có thể tồn tại trên môi trường mạng trong thời gian ngắn, khó được mang trình diễn ở sân khấu thực tế.

Trending YouTube, thước đo mới của sản phẩm giải trí

Trước nay, để đánh giá chất lượng của sản phẩm của nghệ sĩ, khán giả thường dựa vào lượt xem, kịch bản, nội dung, giai điệu bài hát, diễn viên... Tuy nhiên, nay các sản phẩm này đã được gán thêm một tiêu chí mới - trending YouTube (bảng xếp hạng YouTube).

Trending YouTube được cập nhật vào cuối năm 2015. Tuy nhiên, hơn 1 năm qua, tính năng này mới thực sự sôi động tại Việt Nam. Trending YouTube được tính theo từng quốc gia, là bảng xếp hạng những video mới, nổi bật, được nhiều người tìm kiếm trong thời gian ngắn. Danh sách này được YouTube cập nhật thường xuyên.

YouTube khuay dong lang giai tri Viet 2018
Trending YouTube trở thành thước đo mới cho sản phẩm của nghệ sĩ

Nếu nằm ở top đầu, nghĩa là sản phẩm đang được quan tâm. Nghệ sĩ cũng sẽ đo lường được gu thưởng thức của công chúng để có những định hướng ra sản phẩm phù hợp.

Thu Trang, Hương Tràm, Sơn Tùng, Bích Phương, Hoà Minzy, Huỳnh Lập, BB Trần, Nam Thư... là những cái tên nổi bật trong bảng xếp hạng trending YouTube tại Việt Nam trong năm qua với những sản phẩm Chạy ngay đi, Bùa yêu...

Sản phẩm độc hại trên môi trường YouTube: Vẫn “bó tay” ngồi chờ

YouTube đang là một trong những môi trường cung cấp sản phẩm văn hoá, giải trí được người Việt  ưa chuộng, là mảnh đất nhiều tiềm năng cho nghệ sĩ khai thác, phát triển. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại nhất định, nổi cộm là việc các sản phẩm “độc hại” được lan truyền rộng rãi.

Mới đây, MV Mời anh vào team em của Chi Pu khiến người xem phản ứng với nhiều cảnh quay ngụ ý dung tục. Trước đó, MV Màu nước mắt của Nguyễn Trần Trung Quân cũng gây xôn xao với những cảnh quay “nóng”. Tuy nhiên, 2 sản phẩm này còn phải chịu thua trước sự dung tục, phản văn hoá của chương trình Dare Pong hay Date and kiss

YouTube khuay dong lang giai tri Viet 2018
Một cảnh quay trong chương trình Date and kiss bị dư luận phản ứng dữ dội hồi tháng 8/2018

Hiện vẫn chưa có biện pháp giải quyết triệt để với tình trạng này. Trái bóng trách nhiệm được đá qua lại giữa Cục NTBD (Bộ VH-TT&DL) và Bộ TT-TT. Cục NTBD cho rằng văn bản luật hiện hành khiến đơn vị này không thể can thiệp vào sản phẩm văn hoá, giải trí online, trong khi đó, trách nhiệm tháo gỡ sản phẩm trên mạng thuộc về Bộ TT-TT. 

Hơn thế, sự tác động của cơ quan chức năng tại Việt Nam với các sản phẩm trên YouTube hiện chỉ dừng ở mức hậu kiểm, cảnh báo sau khi sản phẩm đã được phát tán. Trong khi đó, để hiệu quả sàng lọc tốt nhất, phải bắt đầu từ khâu tiền kiểm. Vì thế, sản phẩm văn hoá độc hại vô tư xuất hiện trên YouTube mà cơ quan chức năng chỉ có thể “bó gối” hoặc xử phạt hành chính khi chuyện đã rồi. 

Theo quy ước hiện nay, YouTube sẽ chi trả 0,3 USD cho mỗi CPM (cost per 1000 impressions - giá cho mỗi 1.000 lần hiển thị). Đồng nghĩa nếu sản phẩm đạt 1 triệu lượt xem sẽ thu về khoảng 300 USD (khoảng 6,9 triệu đồng). Sản phẩm càng hot, lượt xem càng cao thì số tiền thu được sẽ tăng theo cấp số nhân. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn phụ thuộc vào sự ăn chia giữa nghệ sĩ và các đối tác phân phối cũng như YouTube. Con số % cụ thể cho việc này hiện chưa được công bố rõ. Hơn nữa, số lượt xem hiển thị chưa chắc được YouTube tính tiền hoàn toàn do một số quy định ràng buộc.

Tuy nhiên, theo tiết lộ của một vài đơn vị hợp tác với nghệ sĩ tại Việt Nam, họ có thể kiếm trăm triệu đến tiền tỉ là có thật. Trong năm qua, ở mảng phim phát YouTube có những sản phẩm sau: Thập tam muội (Thu Trang, hơn 107 triệu lượt xem/3 tập), Ai chết giơ tay (Huỳnh Lập, hơn 54 triệu lượt xem/8 tập), Nam phi liên hoàn kế (37,7 triệu lượt xem/6 tập)…

Với mảng âm nhạc, con số này còn ấn tượng hơn nhiều: Người lạ ơi (Karik, Orange, 168 triệu lượt xem), Chạm đáy nỗi đau (Erik, 127 triệu lượt xem), Mình cưới nhau đi (pjnboys, Huỳnh James, 154 triệu lượt xem), Chạy ngay đi (Sơn Tùng, 103 triệu lượt xem), Bùa yêu (Bích Phương, 94 triệu lượt xem), Đừng như thói quen (Jaykii, Sara Lưu, 87 triệu lượt xem)… Việc có sản phẩm hot còn giúp kênh của nghệ sĩ tăng lượng người theo dõi, cũng tạo điều kiện để hút thêm quảng cáo.

Thuỵ Khuê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI