Có lẽ chưa nghệ sĩ nào khi chuyển thể truyện Kiều sang một loại hình nghệ thuật khác lại mang nặng tâm tư như bà.
Đợt công diễn đầu tiên vũ kịch Múa Kiều đã diễn ra vào tối 10 và 11/3 vừa qua tại Nhà hát TP.HCM. Điều bất ngờ lớn nhất chính là khán phòng hai đêm diễn đều kín. Những tràng pháo tay không dừng sau khi vở diễn khép lại là sự ghi nhận rất lớn cho ê kíp thực hiện. Bởi đây là lần đầu Truyện Kiều bước lên sàn múa và hơn cả, sự kết hợp giữa Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP.HCM (HBSO) cùng Công ty Múa Y.O Saigon Dance Ensemble (YOSDE) đã mang lại một màu sắc Kiều hoàn toàn khác biệt.
|
Biên đạo múa Yoo Oh Chun cùng các diễn viên múa trẻ trên sàn tập vở Múa Kiều
|
Dùng ngôn ngữ cơ thể để chuyển tải tính cách của từng nhân vật, Múa Kiều đã tập trung vào việc miêu tả những mâu thuẫn nội tâm cùng các cung bậc tình yêu của một số nhân vật quan trọng trong Truyện Kiều. Điều gây bất ngờ cho người xem chính là thay vì chỉ có một diễn viên múa hóa thân vào nhân vật nàng Kiều thì Múa Kiều đã chọn ba diễn viên cùng vào vai Kiều. Mỗi diễn viên lần lượt là: Linh hồn, đời thực và tương lai của Kiều.
Ngay sau buổi diễn, Báo Phụ nữ TP.HCM đã trò chuyện cùng nữ biên đạo múa Yoo Oh Chun, người dày công chuyển thể Truyện Kiều sang vũ kịch, để người xem hiểu rõ hơn tấm lòng của một phụ nữ Hàn dành cho nàng Kiều trong văn học Việt.
Thấm từng câu thơ Kiều
* Xin chào bà! Cảm giác của bà sau khi vở Múa Kiều công diễn lần đầu tiên như thế nào?
- Tôi vô cùng hạnh phúc. Đến giờ tôi vẫn còn ngạc nhiên vì nhiều người đến xem vở diễn. Khi tiếp cận tác phẩm rồi thực hiện chuyển thể Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du, dù biết đây là tác phẩm văn học rất nổi tiếng của Việt Nam, tôi vẫn không nghĩ Kiều là hình tượng được nhiều người yêu mến như vậy, nhất là khi người ta gần như bội thực với nhiều loại hình giải trí hiện đại. Tôi hy vọng khán giả đến xem vì họ cũng yêu thích nàng Kiều như tôi cùng toàn bộ ê-kíp, chứ không phải vì hiếu kỳ - muốn đến xem một người ngoại quốc bày trò trên sân khấu.
* Từng dựng những vở múa với hình ảnh phụ nữ Việt như Mỵ Nương, Hồ Xuân Hương… bà đã bắt gặp truyện Kiều như thế nào?
- Từ khi biết về Việt Nam, về văn hóa Việt, tôi đã mong muốn được làm một vở múa về Truyện Kiều. Mỗi khi đọc tác phẩm này tôi luôn đau đáu trong lòng, thấy mình như mắc nợ. Thế nhưng, vốn tiếng Việt của tôi chưa đủ để có thể thấu hiểu Kiều, cho đến khi Truyện Kiều được dịch sang tiếng Hàn. Tôi có bản sách song ngữ Hàn - Việt, mỗi ngày đều đọc 50 câu trong truyện, trong hơn một năm qua kể từ ngày bắt tay thực hiện chuyển thể.
Tôi mang trong mình nhiều cảm nhận rõ ràng về Thúy Kiều. Tôi cảm thương cho số phận truân chuyên của Kiều bởi cô là một người cao thượng, sẵn sàng hy sinh bản thân vì người khác, luôn nhận thiệt thòi về mình. Trong câu chữ của Nguyễn Du, tôi thấy Kiều rất đẹp, một người không chỉ đẹp bề ngoài mà còn đẹp cả trong tâm hồn, đẹp từ lời ăn tiếng nói trong giao tiếp đến cả tâm thức. Với cảm nhận của tôi, Kiều còn như là người tự nhìn thấu được quá khứ, tương lai của mình nhưng vẫn chấp nhận hy sinh.
* Phải chăng từ cảm nhận cá nhân rằng, Kiều là người có những thấu cảm về cuộc đời mình mà bà chọn xây dựng Múa Kiều thành ba giai đoạn quá khứ - hiện tại - tương lai đan xen?
- Việc Kiều nhìn thấy tương lai hay quá khứ của mình không chỉ riêng tôi cảm nhận được. Ngay từ khi ấp ủ kế hoạch đưa Kiều lên sàn múa, trong đầu tôi đã hiện lên bố cục vở múa như vậy, chặt chẽ, chi tiết như những gì bạn vừa xem và nó cần phải thế. Suy cho cùng, cuộc đời mỗi người cũng là sự đan cài của cả quá khứ - hiện tại và tương lai đó thôi.
* Trong sáu chương của Múa Kiều gồm: Mơ, báo mệnh; Mối tình đầu; Trâm gãy, hy sinh; Bước đường phong trần; Cứu rỗi và Đoàn tụ, hình ảnh xuất hiện nhiều nhất bên cạnh Kiều là Đạm Tiên - nhiều hơn cả Kim Trọng, Từ Hải. Vì sao bà chọn Đạm Tiên?
- Không chỉ trong vở múa của tôi mà trong Truyện Kiều, Đạm Tiên là nhân vật quan trọng. Xuyên suốt cuộc đời Kiều, những lúc biến cố đều có sự xuất hiện của Đạm Tiên. Một cách nào đó, Nguyễn Du xây dựng Kiều và Đạm Tiên là hai nhân vật có những mối dây liên hệ vô hình; họ đều là những người đẹp, truân chuyên, sớm qua đời… giống như câu Nguyễn Du mô tả: “Đau đớn thay phận đàn bà/ Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”. Tôi nhớ rõ những cảnh từ bên nấm mộ cho đến lúc Kiều tự vẫn sau mối duyên cùng Từ Hải đều có Đạm Tiên như “Nhớ lời thần mộng rõ ràng/ Này thôi hết kiếp đoạn trường là đây!/ Đạm Tiên nàng hỡi có hay/ Hẹn ta thì đợi dưới này rước ta”.
* Theo bà, trong Truyện Kiều, đâu là những câu quan trọng nhất có thể vẽ nên hình ảnh Kiều?
- Đó là các câu: “Thiện căn ở tại lòng ta/ Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài/ Lời quê chắp nhặt dông dài/ Mua vui cũng được một vài trống canh” và “Ngẫm hay muôn sự tại trời/ Trời kia đã bắt làm người có thân/ Bắt phong trần phải phong trần/ Cho thanh cao mới được phần thanh cao”, vẽ nên chuyện Kiều phải chết đi sống lại cuộc đời của mình. Những câu ấy rất quan trọng trong toàn bộ tác phẩm. Truyện Kiều vốn đã hay ở cốt truyện nhưng hình ảnh trong từng câu thơ cũng rất tuyệt vời.
Khi nào đọc Truyện Kiều tôi cũng phải suy nghĩ nên chọn cảnh gì, tìm câu nào… để đưa vào những phân đoạn vocal trong vở múa. Tôi không muốn dùng điệu múa để diễn tả câu thơ mà múa để thể hiện hình tượng từng nhân vật, nó vừa khó vừa thú vị. Những lúc đó tôi vừa làm vừa tưởng tượng mình đang nói chuyện với Đại thi hào Nguyễn Du để hiểu ông gửi gắm gì qua đó.
* Ở Việt Nam đã 10 năm nhưng dù sao bà vẫn là một người ngoại quốc với những khác biệt nhất định về văn hóa. Trở ngại lớn nhất của bà khi dựng Múa Kiều là gì?
- Khó nhất là làm sao chuyển tinh thần tác phẩm từ thơ, truyện sang một loại hình khác mà khán giả vẫn hiểu. Và tôi - một người ngoại quốc với những khác biệt về văn hóa - còn đòi hỏi bản thân phải đưa Kiều vào một vở múa trong hình ảnh xã hội ngày nay.
* Trong buổi gặp gỡ báo chí trước khi công diễn bà có nói, mong muốn của mình là thổi vào vở múa tinh thần hiện đại, không khai thác quá nhiều nỗi đau phụ nữ mà hướng tới tương lai tươi đẹp. Khi dàn dựng bà có thấy điều này khó thể hiện không, bởi nó ngược với tinh thần Truyện Kiều là chịu đựng?
- Cho đến giờ, sau khi công diễn, tôi nghĩ mình đã phần nào xây dựng được hình ảnh Kiều không sai với những gì Nguyễn Du gửi gắm. Với danh nghĩa người biên đạo Múa Kiều, tôi cũng muốn gửi đến người xem câu hỏi trên, muốn nghe họ cảm nhận như thế nào về vở diễn. Phần biên đạo, tôi cố gắng bám sát bản gốc, tìm hiểu cảm nhận của đồng nghiệp về Kiều…
Ngay với diễn viên múa, tôi không áp đặt sẵn phần biên đạo của mình mà để họ tự chọn thoát ra những hình dung sẵn về nhân vật, họ được tự do hiểu về nhân vật để trình diễn.
Sẽ không dừng lại ở Kiều
* Với Kiều, bà chỉ mới tiếp cận một góc nào đó, vẫn còn nhiều tuyến nhân vật chưa được khai thác. Bà có dự định tiếp tục thực hiện một phiên bản nào khác của Truyện Kiều hay viết tiếp Kiều ngoại truyện cho một vở múa khác?
- Thật ra không chỉ khi dàn dựng Múa Kiều tôi mới thắc mắc mà khi đọc Truyện Kiều trong tôi đã rất nhiều suy tư. Ví dụ giữa hai chị em Thúy Kiều và Thúy Vân tại sao Nguyễn Du chỉ chọn Thúy Kiều đứng ra gánh mọi đau khổ của gia đình, còn cuộc sống của Thúy Vân cứ nhẹ nhàng trôi qua? Hay nếu như giữa chặng đường hy sinh đó, Kiều không muốn hy sinh nữa, tự vẫn và chết, Kiều lỡ mang thai… thì Truyện Kiều sẽ viết tiếp như thế nào, thân phận Kiều sẽ đi về đâu?
Tuy nhiên, đó chỉ là những suy nghĩ của tôi với chính mình chứ không có ý định thực hiện thêm phiên bản ngoại truyện cho Kiều. Tôi chỉ giữ Kiều thật đẹp, cảm nhận một câu chuyện nhân văn với từ ngữ rất thơ, nếu có cơ hội, tôi chỉ muốn bổ sung vào vở Múa Kiều này thêm một ít kỹ thuật múa hoặc chất liệu nào đó cho đầy đặn hơn.
* Sau Truyện Kiều, bà còn ấp ủ kế hoạch đưa tác phẩm văn học Việt Nam nào khác lên sàn múa không?
- Có và sẽ là bí mật.
* Là một người Hàn Quốc nhưng trừ vở múa Saigon Arirang, hầu như các tác phẩm bà dàn dựng đều là những điển cố, điển tích văn học, văn hóa Việt Nam. Bà không thích dàn dựng về những gì thời sự, hiện đại hay sao?
- Là người Hàn Quốc sống ở Việt Nam hơn 10 năm nay, tôi luôn tìm hiểu văn hóa Việt thông qua văn học, lịch sử Việt Nam. Bản thân tôi vốn rất yêu văn học, nên vẫn thấy mình bị cuốn hút bởi những tác phẩm đó. Tâm tính người Việt nằm rất nhiều trong văn học chứ không chỉ ở vẻ bên ngoài. Tôi luôn mong từ tác phẩm của mình, không chỉ người Việt mà nhiều người Hàn Quốc sẽ hiểu hơn những nét đẹp tâm hồn của người Việt.
* Cảm ơn bà đã chia sẻ.
Vở Múa Kiều lần này có sự kết hợp giữa diễn viên múa chính của HBSO - Trần Hoàng Yến - cùng các diễn viên múa trẻ khác của nhóm múa. Bên cạnh đó là phần âm nhạc của các nghệ sĩ: NSND Thanh Hoài (ca trù), Lê Hoài Phương (đàn đá), Cao Hồ Nga (Tơ-rưng), Trần Khánh Tường (sáo trúc), Nghiêm Thu (đàn tỳ bà), nghệ sĩ nhạc dân tộc Kwon-Soon Kang (Hàn Quốc), dàn dựng sân khấu Sun-Young Hwang (Hàn Quốc). Phụ trách dàn dựng cùng biên đạo Yoo Oh Chun là biên đạo múa Nguyễn Phúc Hùng.
Biên đạo Hàn Quốc Yoo Oh Chun từng nghiên cứu Ký hiệu phân tích chuyển động trong nghệ thuật múa - Labanotation tại Viện Li. Bà nhận học vị tiến sĩ tại Đại học Surrey, Anh.
Từ năm 1991-2004, bà làm việc tại Đại học Seowon (Hàn Quốc) với vai trò giáo sư về lĩnh vực phân tích chuyển động trong nghệ thuật múa. Hơn 10 năm nay, bà chuyển đến sinh sống tại TP.HCM cùng chồng. Đó cũng là quãng thời gian bà tìm hiểu, chuyển thể rất nhiều tác phẩm văn học, lịch sử Việt Nam thành các vở múa: Saigon Arirang (2014), Cây nỏ thần (2015), 800 năm hẹn ước (2015 - 2017), Huyền thoại nữ nhân (2016)... Hiện bà là biên đạo múa của nhóm Y.O Saigon Dance Ensemble (YOSDE).
|
Giang Trương (thực hiện)