Yoga “chữa lành” cho nữ bệnh nhân ung thư

11/10/2024 - 06:23

PNO - Cứ 17g chiều thứ Ba, Năm, tầng 8 Trung tâm Ung Bướu (Bệnh viện Trung ương Huế) lại rộn ràng tiếng nói cười. Bệnh nhân trải thảm, khởi động tập yoga, từ đó vơi bớt căng thẳng lo âu, tạo năng lượng tích cực trong quá trình điều trị.

Tạo sự lạc quan cho người bệnh

Là bệnh nhân có mặt sớm nhất, bà N.T.H. - 54 tuổi, quê ở phường Xuân Phú, TP Huế - nhanh chóng chọn vị trí tập đầu hàng. Vừa đặt người xuống thảm, bà H. nhiều lần hỏi nhân viên điều dưỡng: “Cô giáo dạy yoga đến chưa?”. Sau 8 buổi tập, bà H. dần thực hiện được các động tác giãn cơ, vặn người và cảm thấy khỏe hơn.

Bà Lê Thị L. - 58 tuổi, quê ở Hồ Xá, tỉnh Quảng Trị - mắc ung thư buồng trứng giai đoạn 3, điều trị tại bệnh viện từ tháng Tám. Cơ thể không đáp ứng thuốc khiến bà thường xuyên đau đớn, mất ngủ. Bà cho biết, ngoài việc tuân thủ điều trị bà còn luôn cố gắng đi bộ, tập yoga, kết hợp chế độ dinh dưỡng.

Cách 20 ngày, bà L. lại vào bệnh viện kiểm tra 1 lần. Mỗi lần nằm lại viện, nếu đúng dịp lớp yoga mở, bà đều tham gia tập luyện. “Nằm nhiều lại mệt, tôi ráng vận động để máu huyết lưu thông, cơ thể dẻo dai hơn” - bà nói.

Các nữ bệnh nhân ung thư tập ở câu lạc bộ yoga tại Trung tâm Ung Bướu (Bệnh viện Trung ương Huế)
Các nữ bệnh nhân ung thư tập ở câu lạc bộ yoga tại Trung tâm Ung Bướu (Bệnh viện Trung ương Huế)

Bà Hồ Thị H. - 44 tuổi, quê ở phường Hương Sơ, TP Huế - thì lần đầu tham gia lớp yoga tại bệnh viện. Bà chia sẻ: “Tập ở bệnh viện đông vui, có cô giáo hướng dẫn động tác rõ ràng”. Mắc bệnh ung thư buồng trứng, các con thì đi làm xa nên với bà, những hoạt động như tập yoga tại bệnh viện đã tiếp thêm niềm vui, nguồn động viên tinh thần.

Được bệnh nhân cùng phòng rủ rê và vì tò mò, bà Phạm T.K.T. - 62 tuổi, ở huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế - quyết định tham gia câu lạc bộ (CLB) yoga. Ở cái tuổi được nghỉ ngơi thì bà lại phát bệnh, gia đình đưa đến bệnh viện và sau đó, bà nhận được tin mình bị ung thư vú.

Tham gia tập buổi đầu tiên, bà cảm nhận: “Cũng không khó như tôi nghĩ. Vào đây thấy các em nhỏ hơn mình, hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn tươi vui, lạc quan, tôi lấy đó làm động lực để nỗ lực điều trị”.

Trong 1 tiếng đồng hồ luyện tập, gương mặt ai cũng tươi vui. Có người dù chưa từng tiếp cận với môn này nhưng cũng nhanh chóng bắt nhịp, tập luyện chăm chỉ. Nhiều bệnh nhân cho biết họ tìm đến yoga bởi thấy vui, khỏe hơn. Nhờ đó, họ có thể đối mặt và vượt qua các liệu trình điều trị, hóa trị.

CLB yoga tạo ra môi trường thân thiện, động viên, giúp các nữ bệnh nhân mạnh mẽ hơn. Do đó, các chị đều trông ngóng đến ngày tập, có người xin thêm buổi, thêm giờ tập…

Chia sẻ yêu thương cùng bệnh nhân

Hiện Trung tâm Ung Bướu (Bệnh viện Trung ương Huế) tiếp nhận và điều trị hơn 500 bệnh nhân, trong đó bệnh nhân nữ chiếm gần 50%.

Tháng 3/2024, CLB yoga dành cho nữ bệnh nhân ung thư do Chi hội Nữ trí thức Bệnh viện Trung ương Huế phụ trách chính thức đi vào hoạt động. Mỗi buổi tập, đội công tác xã hội bệnh viện đến trước 30 phút rà soát công tác hậu cần, chuẩn bị quà tặng cho bệnh nhân sau buổi tập để các chị bồi dưỡng sức khỏe.

Huấn luyện viên Ngô Bích Uyên - Trung tâm Yoga Âu Cơ, TP Huế - là người trực tiếp dạy miễn phí cho các bệnh nhân. Cô chia sẻ: “15 năm tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng, nhưng với bệnh nhân ung thư thì đây là hoạt động đầu tiên của chúng tôi.

Với lớp này, các bài tập sẽ được chắt lọc, chủ yếu tập trung liệu pháp tinh thần để mỗi buổi tập, bệnh nhân luôn thoải mái, vui vẻ và nạp lại năng lượng. Các động tác tập trung vào kéo giãn cơ xương khớp, giúp người tập giảm stress, ngủ ngon”.

Để thích hợp với người bệnh, đa số là người lớn tuổi và chưa từng tập luyện, huấn luyện viên tập trung hướng dẫn những động tác đơn giản như khởi động cổ, vai, gáy và chân tay. Đây là những tư thế tác động đến hệ cơ và xương, giúp cơ thể được làm nóng, mềm mại hơn.

“Người bệnh ở đây đa phần phải nằm nhiều, thường hay đau cơ và khớp xương, tôi phải thiết kế riêng những bài tập thiên về trị liệu phục hồi phù hợp với thể trạng của họ” - cô Bích Uyên nói.

Phương pháp tập ở CLB này chậm hơn so với bình thường. Qua nét mặt từng người, huấn luyện viên có thể biết tình hình sức khỏe của họ để điều chỉnh cường độ, thời gian tập. Điều quan trọng là luôn luôn lắng nghe, chia sẻ, bởi sau những đợt truyền thuốc, bệnh nhân sẽ rất mệt mỏi, đau đớn.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Hoàng Thị Lan Hương - Phó giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, Chủ tịch Chi hội Nữ trí thức bệnh viện - thông tin: “Ngoài đẩy mạnh các kỹ thuật cao, kỹ thuật chuyên sâu đem đến chất lượng điều trị tốt nhất, chúng tôi còn chú trọng hoạt động chăm sóc toàn diện, nâng cao thể chất, tinh thần giúp bệnh nhân dễ chịu. Yoga nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần cho bệnh nhân ung thư, tiếp thêm sức mạnh, nguồn năng lượng tích cực để chị em chiến đấu với bệnh tật, sớm trở về bên gia đình”.

Thuận Hóa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI