Có vẻ như việc sống xa nhau khiến các cặp vợ chồng sẵn sàng “lý tưởng hóa” hành vi của bạn đời, làm tăng thêm tính thân mật. Cảm giác lưu luyến, mong nhớ là một trong những yếu tố rất hiệu quả để thêm “lửa” cho mối quan hệ.
Tuy hiệu quả, nhưng việc gìn giữ một mối quan hệ từ xa không phải dễ. Thực tế, ngay cả đối với các cặp đôi đã có nền móng vững chắc cũng có thể rạn nứt mối quan hệ khi ở xa nhau; trong khi lại có những cặp đôi thành công và tận dụng được lợi ích của mối quan hệ từ xa.
Sẵn sàng bỏ gấp đôi công sức
“Tôi và bạn trai của mình đã phải sống xa nhau trong suốt thời gian học đại học. Điều chúng tôi học được là bạn phải gầy dựng một nền móng cực kỳ bền chắc thì mối quan hệ của bạn mới có thể sống sót qua không gian cách trở. Nhờ thế mà chúng tôi đã ở bên nhau được 12 năm nay, cưới cũng đã được bảy năm rồi” - chị Ngọc Tâm (giáo viên) cho biết.
Đúng vậy, một mối quan hệ cách biệt cần được chăm sóc với nỗ lực nhiều hơn so với một mối quan hệ thông thường. Bạn cần phải trung thực, cởi mở và tin tưởng nhau. Hãy bỏ thêm nhiều thời gian để tìm ra giải pháp liên lạc tốt nhất. Và bạn cần bỏ công sức làm cho nhau cảm thấy được trân trọng, dù rằng không ở bên nhau.
Đặt ra lịch hẹn gặp nhau
Dù tình huống của bạn có là gì đi nữa, thì khó khăn lớn nhất của một mối quan hệ từ xa vẫn là việc không thể luôn hiện diện bên nhau trong cuộc sống. Nhưng yếu tố này không thể thiếu trong một mối quan hệ tình cảm.
Không được gặp gỡ nhau quá lâu sẽ đẩy hai bạn rời xa nhau, không phải ở khoảng cách vật chất mà là khoảng cách tinh thần. Giải pháp cho việc này là luôn tạo cơ hội để gặp nhau. Chị Bình Hương (làm trong ngành truyền thông) mách nhỏ: “Chúng tôi đặt ra một giới hạn là phải gặp nhau ít nhất một lần trong vòng hai tháng; dù bận đến mấy cũng phải sắp xếp một ngày để gặp mặt nhau. Nhờ vậy mà tôi và hôn phu mới chịu đựng nổi thời gian sống cách biệt ở hai thành phố khác nhau, cho đến khi chúng tôi có thể dọn về ở chung”.
Mỗi cặp đôi có giới hạn của riêng họ, bạn nên tìm ra giới hạn của riêng mình. Hãy tự hỏi: “Chúng ta có thể không gặp nhau trong bao lâu?”. Nơi gặp gỡ và điều kiện có thể tùy theo tình huống, sao cho tiện lợi, điều quan trọng là bạn cần tạo cơ hội để có thể gặp nhau.
Giữ liên lạc hàng ngày
Việc giữ liên lạc là một hoạt động rất thường tình giữa các cặp đôi, nhưng đối với những cặp đang phải sống xa nhau thì nó có tầm quan trọng “nặng cân” hơn rất nhiều, nó không còn là một hoạt động “có thì tốt, không có cũng chẳng chết ai”, mà trở thành một “nghĩa vụ” buộc phải có.
Nói về vấn đề này, anh Duy Cường (Giám đốc Công ty TNHH Duy Cường) cho biết: “Tôi và vợ đã phải trải qua hai giai đoạn sống xa nhau. Ba năm khi còn tìm hiểu nhau, chúng tôi sống giữa hai miền Bắc, Nam xa cách. Cưới nhau xong, cô ấy và tôi lại phải sống xa nhau thêm một năm nữa vì lý do công việc.
Chúng tôi mau chóng học được cách nhắn tin và gọi cho nhau thường xuyên trong suốt một ngày làm việc và sinh sống, tạo được cảm giác cả hai luôn ở bên cạnh nhau. Những lời nhắn đầu ngày như “Chào em yêu. Ngày mới an lành nhé. Anh nhớ em”; hay đến trưa, cô ấy nhắn “Anh yêu đã bớt việc chưa? Nghỉ tay ăn cơm ngon miệng và tranh thủ nghỉ trưa nhé. Em yêu anh!” luôn khiến chúng tôi biết về nhau từng khoảnh khắc và thấy gần gũi hơn”.
Đừng chờ đến cuối ngày rồi mới làm một cuộc điện thoại dài tâm sự với nhau. Hãy để cho bạn đời của bạn trở thành một phần của cuộc sống thường nhật.
Tận dụng công nghệ và mạng internet
Để hỗ trợ cho lời khuyên ở trên, các cặp đôi sống xa nhau nên tận dụng tối đa các phương tiện công nghệ để giữ liên lạc với nhau. Ngày nay, việc liên lạc qua mạng bằng các hình thức chat, hội thoại qua video hay mạng xã hội là rất dễ dàng, đặc biệt là phương thức hội thoại bằng video.
Không nhất thiết bằng dịch vụ nào, chỉ cần tìm cách gọi điện video cho nhau bất kỳ khi nào có thể. Nói chuyện với nhau mặt đối mặt cho phép bạn có được cảm giác thân mật tự nhiên hơn rất nhiều so với tin nhắn và gọi điện thoại.
Mọi dịp đều đặc biệt
Một cặp đôi thân thiết luôn trân trọng bất kỳ thời gian nào bên nhau. Khi bạn ở xa nhau, tất cả những tương tác với nhau đều phải được trân trọng hơn nữa. Cô Khanh có chồng làm kỹ sư giàn khoan trên biển kể: “Khi chồng tôi được điều ra một giàn khoan mới trong nhiều tháng, tôi và anh ấy đã sợ mình sẽ mất đi các kỷ niệm khi ở bên nhau.
Thế là chúng tôi tranh thủ ăn mừng gần như mọi thứ, khi nào có thể, phóng đại một tí cũng chả sao. Vợ ở nhà chế biến thành công một món ăn mới, khó làm: ăn mừng; thằng cu thắng được một trận bóng ở trường: ăn mừng; anh ấy được nghỉ sớm để gọi điện về nhà: đại ăn mừng”.
Sắp xếp cuộc sống xung quanh mối quan hệ từ xa
Việc sống xa nhau đã là một trở ngại cho mối quan hệ đôi lứa, nhưng chắc chắn những trở ngại vật chất sẽ còn là gánh nặng đáng sợ. Đó có thể đến từ chi phí đi lại gặp nhau hàng tháng, tiền gọi điện, nhắn tin, thậm chí cả việc chăm sóc cho bản thân trong thời gian xa cách.
Hãy lên kế hoạch chuẩn bị cho tất cả mọi thứ mà bạn xem là cần thiết; tham gia các chương trình khuyến mãi cho vé máy bay, tàu xe, tìm đến các phương thức giảm chi phí đi lại; trang bị cho nhau các thiết bị cần thiết như máy tính, webcam, tai nghe để có thể liên lạc với nhau dễ dàng; đăng ký các dịch vụ chuyển phát nhanh, hộp thư bưu điện để có thể gửi quà cho nhau; đừng để các gánh nặng này gây ảnh hưởng đến mối quan hệ vốn dĩ đang ở trong thời kỳ thử thách.
Nhận thức được hoàn cảnh thực tế
Dĩ nhiên, đến một lúc nào đó, bạn và bạn đời sẽ phải đặt ra câu hỏi cho chính mình: "Liệu công sức của mình bỏ ra cho mối quan hệ từ xa này có đáng hay không?".
“Việc nhận thức được viễn cảnh tương lai rất quan trọng với chúng tôi” - chị Quỳnh, một bà nội trợ, chia sẻ. “Tôi và chồng đã phải liên tục nhắc nhở nhau rằng thời gian ở xa nhau chỉ là tạm thời, và rồi chúng tôi cũng sẽ gặp lại nhau, cùng chung sống và gầy dựng gia đình. Anh ấy sẽ chỉ đi công tác xa vài tháng, để rồi được thăng chức, củng cố tài chính cho gia đình; rằng mái ấm của chúng tôi là một điều vô cùng quý báu, và chúng tôi yêu nhau hơn bất kỳ điều gì. Nhờ thế mà chúng tôi mới chịu đựng được thời gian xa cách”.
Thạc sĩ tâm lý
Trần Nguyên Hùng