Chị Hồng và anh Quang vốn là đôi bạn học thời phổ thông. Tình yêu của họ lớn dần theo mỗi mùa phượng thắm đỏ sân trường, với những lá thư học trò câu từ vụng về mà mộc mạc và kết thúc bằng một đám cưới miền quê trong sự vui mừng, chúc tụng của bà con, bạn bè.
|
Niềm tin vụn vỡ khi chị phát hiện anh có con ngoài giá thú. Hình minh họa |
Ai cũng bảo chị Hồng có số hưởng, bởi gia đình chồng chỉ có ba người con, cô em chồng đã kết hôn và định cư ở nước ngoài, thằng út ở cùng ba mẹ với cái nhà từ đường to. Còn anh Quang, sau khi cưới vợ tròn một năm, được ba mẹ cho căn nhà ở ngay thị xã sầm uất. Anh mở cửa hàng vải cho chị buôn bán, còn mình làm thầu xây dựng.
Nhưng tạo hóa trêu ngươi. Nếu tình yêu tuổi học trò suôn sẻ bao nhiêu thì hôn nhân của chị Hồng lại không trọn vẹn. Mười năm chung sống, anh chị có thêm một căn nhà nhưng vẫn không có con.
Đi khám hết các bệnh viện, bác sĩ kết luận nguyên nhân hiếm muộn là do chị, còn anh thì bình thường. Sau những ngày buồn bã, theo đề nghị và đồng thuận của gia đình, họ đến cơ quan có thẩm quyền làm thủ tục nhận đứa cháu gái - con người em trai, làm con nuôi.
Mọi việc êm xuôi cho đến khi đứa con nuôi ba tuổi, anh Quang có dấu hiệu “chán cơm, thèm phở”. Là người vô tư nhưng khoảng sáu tháng gần đây, chị phát hiện chồng có dấu hiệu kỳ lạ như: tiền đem về cho chị hằng tháng ít hơn, mật độ “trả bài” lơi ra và thái độ thì miễn cưỡng.
Quan trọng hơn, chị thường xuyên bị mất tiền, lúc thì 2-3 triệu đồng, khi 5-7 triệu đồng, với tần suất 2-3 lần/tháng. Âm thầm tìm hiểu, chị phát hiện chuyện động trời. Số là hơn năm trước, khi xây nhà cho bà chủ góa chồng ở huyện kế bên, anh lại muốn có thêm tổ ấm mới. Mối tình lén lút này cho ra đời một bé trai, giống anh như đúc.
Tra hỏi lý do thì anh phân bua: anh vẫn yêu vợ nhưng muốn “có thằng đốt nhang”, cho ông bà nội có đích tôn nối dõi tông đường. Anh còn lý sự: giờ sự đã lỡ rồi, anh không muốn chúng ta ly hôn nhưng không thể từ chối trách nhiệm làm cha đứa bé nên sẽ thường xuyên qua lại thăm nó.
Chị Hồng vừa uất ức vừa bẽ bàng cho phận mình, oán trách chồng: “Thăm con, thăm mẹ hay cả hai? Đã vậy số tiền anh đưa tôi hằng tháng thì tìm cách lấy lại hết và còn lấy thêm, anh thật quá đáng, không có trách nhiệm với vợ con”.
Đến lúc này thì Quang phơi hết các sự thật chua chát: “Con nào của em? Bé Đào là con thằng út, là cháu tui. Còn nhà đang ở là của ba mẹ cho tui. Nhờ căn nhà này, em mới có mặt bằng kinh doanh, có tiền…”.
|
Chị không ngờ anh bạc bẽo và trở mặt như thế. Hình minh họa |
Tức tưởi, cay đắng, mấy ngày nay chị đóng cửa hàng, không thiết ăn uống. Chị nghĩ, sao anh bạc bẽo quá, mười mấy năm chung sống chị vẫn trọn vẹn trách nhiệm với bên chồng. Tuy là nhà chồng nhưng công sức chị đâu nhỏ, từ trong ra ngoài chị đều chu toàn… Không lẽ gái có công mà chồng vẫn phụ?
Kiểm điểm lại bản thân, nước mắt chị chảy vào trong, bởi cái lỗi duy nhất của chị là không có con. Chị cũng tự hỏi: nếu không cải thiện được tình hình mà dẫn đến ly hôn thì chị có giành được quyền nuôi bé Đào không? Còn căn nhà vợ chồng tạo dựng thì chia thế nào? Càng nghĩ, lòng chị càng rối bời...
Hồng Duyên
Chia tài sản khi ly hôn: Ai gây lỗi phải chịu thiệt|
Với tình huống này, nếu có trách nhiệm, đạo đức, bản lĩnh, anh Quang nên xin lỗi chị Hồng để duy trì hôn nhân; tiến hành thủ tục công nhận cha cho đứa con ngoài hôn nhân, cấp dưỡng đứa bé đến khi trưởng thành và chấm dứt mối quan hệ “ngoài luồng” với mẹ đứa bé. Nếu anh Quang cư xử thiếu trách nhiệm, cố chấp không nhận mình sai thì giải pháp ly hôn là lựa chọn tốt nhất cho chị Hồng.
Theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về tài sản chung vợ chồng và quyền nuôi con thì: “Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh; hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân… (khoản 1, điều 33).
Mặt khác, tại khoản 4, điều 7, Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC ngày 6/1/2016 hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì: “… Khi ly hôn thì tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây để xác định tỷ lệ tài sản mà vợ chồng được chia: hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng; công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung; bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập; lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng”…
Như vậy, với tình huống này, việc ly hôn là do lỗi ngoại tình của anh Quang nên đối với căn nhà tài sản chung hai vợ chồng, phần anh Quang không thể đạt mức 50%.
Đối với quyền nuôi con, cho phép vợ chồng thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì tòa án sẽ quyết định. Theo đó, con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con; con dưới bảy tuổi ưu tiên cho mẹ nuôi và trên bảy tuổi sẽ xem xét nguyện vọng đứa trẻ (điều 81). Trong trường hợp cha mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng (khoản 2, điều 82, Luật Hôn nhân và gia đình).
|
Khi chia tài sản, người vi phạm luật hôn nhân sẽ bị thiệt. Hình minh họa |
Cuối cùng, theo quy định tại khoản 1, điều 48, Nghị định 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 và Nghị định số 67/2015/NĐ-CP ngày 14/8/2015 (sửa đổi, bổ sung Nghị định 110) thì: phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác; chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ. Nếu mức độ nặng hơn, người vi phạm có thể bị chế tài hình sự về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng (điều 182 Bộ luật Hình sự 2015) với mức chế tài cao nhất là ba năm tù.
Luật sư Trần Hoài Nhân (Đoàn Luật sư TP.HCM)