Yếu tố bản địa lên ngôi ở giải Emmy 2024

21/09/2024 - 07:13

PNO - Tại giải Emmy lần thứ 76 dành cho phim truyền hình, bộ phim Shogun (Tướng quân) đã chính thức nối dài hào quang 3 năm liên tiếp của truyền hình châu Á với kỷ lục giành 18 chiến thắng trong tổng số 25 đề cử.

Dấu ấn châu Á

Trong các năm qua, không chỉ ở mảng điện ảnh mà yếu tố châu Á cũng liên tục bùng nổ tại lễ trao giải danh giá nhất hành tinh dành cho lĩnh vực truyền hình. Năm 2022 có Squid Game (Trò chơi con mực), 1 năm sau đó là Beef (Bất hòa) và mới đây nhất là Shogun.

Khác với 2 tác phẩm trên, Shogun chủ yếu khai thác khía cạnh quá khứ của một trong những giai đoạn biến động nhất Nhật Bản vào thế kỷ XVII, xoay quanh nhân vật lãnh chúa Toranaga và người hoa tiêu John Blackthorne vô tình đến đây trong một cơn bão. Bộ phim được chuyển thể từ bộ tiểu thuyết gốc cùng tên của nhà văn Mỹ James Clavell từng rất quen thuộc với độc giả Việt Nam nhiều thập niên trước.

Đoàn làm phim Shogun chia sẻ chiến thắng lịch sử của mình trên sân khấu Emmy - Nguồn ảnh: The Rolling Stone
Đoàn làm phim Shogun chia sẻ chiến thắng lịch sử của mình trên sân khấu Emmy - Nguồn ảnh: The Rolling Stone

Với chiến thắng ở hàng loạt hạng mục quan trọng dành cho tác phẩm chính kịch như Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất, tác phẩm cũng được gọi tên ở mảng diễn xuất, kịch bản, thiết kế sản xuất, nhạc phim, đóng thế, biên tập âm thanh, casting… Với 70% lời thoại là tiếng Nhật, đây là tác phẩm nói tiếng nước ngoài đầu tiên được gọi tên ở hạng mục Phim chính kịch hay nhất trong lịch sử Emmy. Trước đó Squid Game cũng được đề cử ở hạng mục này, nhưng không may vụt mất giải thưởng. Dù vậy, cả 2 vẫn là 2 tác phẩm nói tiếng nước ngoài đầu tiên được đề cử, tạo được tiếng vang rất lớn vượt khỏi biên giới.

Mùa giải 2024 cũng tương đối đặc biệt khi diễn ra chỉ sau 8 tháng kể từ đêm trao giải cho năm 2023 vào tháng Một năm nay, bởi các ảnh hưởng của cuộc đình công kép trong lĩnh vực phim ảnh.

Năm nay, Shogun đã vượt qua nhiều đối thủ mạnh. Chẳng hạn như mùa cuối cùng của loạt phim The Crown (Hoàng gia) xoay quanh Vương thất Anh hay phần đầu của 3 Body Problem (Tam thể) được chuyển thể từ bộ sách cùng tên của nhà văn Trung Quốc Lưu Từ Hân. Với chiến thắng trên, Anna Sawai đã trở thành nữ diễn viên châu Á đầu tiên nhận giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất của phim chính kịch với vai Mariko. Cô đã vượt qua 2 nữ minh tinh nổi tiếng khác là Jennifer Aniston và Reese Witherspoon để giành được vinh quang này. Nam tài tử nổi tiếng Nhật Bản Hiroyuki Sanada cũng giành chiến thắng tương tự, trở thành diễn viên Nhật Bản đầu tiên được gọi tên ở hạng mục này.

Yếu tố bản địa khác biệt

Nói về chiến thắng của Shogun, dễ thấy sức hấp dẫn của tác phẩm nằm ở việc kết hợp một cách tài tình giữa việc nắm bắt được thị hiếu của khán giả toàn cầu và những yếu tố bản địa được cài cắm tinh tế. Không khó nhận ra cốt truyện của tác phẩm này được xây dựng từ những sự kiện lịch sử có thật vào thế kỷ XVII của Nhật Bản khi chưa có người thống nhất đất nước. Mô típ nói trên tương đối quen thuộc, đã được áp dụng ở các tác phẩm ăn khách trong thời gian qua, từ Games of Thrones (Trò chơi vương quyền) cho đến Dune (Xứ cát)…

Việc xoay chuyển góc nhìn theo các nhân vật bản địa là một thành công lớn của Shogun. Ảnh IMDb
Việc xoay chuyển góc nhìn theo các nhân vật bản địa là một thành công lớn của Shogun. Ảnh IMDb

Tuy nhiên, nếu chỉ có vậy thì tác phẩm này có lẽ cũng không thu hút được nhiều khán giả như thế. Trước đó, vào năm 1980, một loạt phim truyền hình do Mỹ sản xuất cũng tập trung hơn vào góc nhìn của nhân vật Blackthorne - nhân vật chính trong tiêu thuyết Shogun của James Clavell. Nhưng ở bản ra mắt hồi tháng Hai năm nay, các nhà làm phim đã rất mạnh dạn xoay chuyển hoàn toàn góc nhìn để khai thác cận hơn vào câu chuyện của người bản địa, chẳng hạn như lãnh chúa Toranaga hay nữ cận thần Mariko. Chính việc khai thác góc nhìn địa phương đã thổi một làn gió mới với những nhận thức, tâm tư tình cảm cũng như hành động dựa trên thế giới quan Đông phương khác biệt của các nhân vật, từ đó tăng thêm sức hút cho toàn tác phẩm.

Không dừng ở đó, bộ phim nói trên cũng tạo được sức hấp dẫn bởi những yếu tố Nhật Bản đã được chắt lọc và truyền tải một cách tinh tế, tính toán tỉ mỉ. Xuyên suốt tác phẩm, những vườn thiền Nhật Bản, võ thuật, lối sống, tập tục, thói quen và lối suy nghĩ của tầng lớp samurai… đã được tái hiện đầy chân thực. Được biết, rất nhiều chuyên gia và nhà nghiên cứu văn hóa Nhật Bản đã được mời sang bối cảnh quay chính ở Canada để chỉ đạo diễn xuất cho các diễn viên, nhằm tái hiện chân thật và chính xác nhất các nét văn hóa của “xứ sở mặt trời mọc”. Do đó, xem phim không chỉ là xem, mà còn là thấy, là biết và được cảm nhận những đặc trưng ấy qua từng khung hình và các câu chuyện.

Kết hợp với quyết tâm để phần lớn bộ phim sử dụng tiếng Nhật, có thể thấy các nhà sản xuất đã rất mạo hiểm khi quyết định tôn vinh tính chất bản địa, bởi việc khán giả toàn cầu phải đọc phụ đề không phải là điều thường thấy từ trước đến nay ở các tác phẩm ăn khách. Tuy vậy, với phản ứng yêu thích từ cả khán giả lẫn giới phê bình, có thể thấy yếu tố gốc thú vị đã vượt qua được bất tiện cố hữu.

Ngoài châu Á, các vùng đất khác cũng đang được rất quan tâm sát sao chẳng hạn châu Mỹ Latin. Trong năm nay, Netflix đã bật đèn xanh cho ra mắt 2 tác phẩm hoành tráng được chuyển thể từ các tác phẩm nổi bật của vùng đất này là tiểu thuyết Pedro Páramo của Juan Rulfo và Trăm năm cô đơn của Marquéz. Điều này đòi hỏi các nhà làm phim châu Á phải thật nhanh và nhạy bén hơn để khai thác cơ hội trước khi sự yêu thích chuyển sang những khu vực khác.

Thuận Phát

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI