Yêu thương, nói thật chẳng lúc nào thừa!

15/06/2024 - 15:18

PNO - Đời sống ngoài kia đã quá nhiều áp lực, tại sao với những người yêu thương, ta không nhẹ nhàng một chút, ngọt ngào một chút, cởi mở một chút?

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Đời sống ngoài kia đã quá nhiều áp lực, đủ cả căng thẳng, phũ phàng, tại sao về đến nhà, với những người yêu thương, ta không nhẹ nhàng một chút, ngọt ngào một chút, cởi mở một chút?

Cảm ơn, chỉ nên nói với người dưng?

Trong bệnh viện phụ sản, khi chứng kiến một ông bố trẻ to cao vụng về luống cuống ôm cậu con trai bé xíu ngủ yên bình, rơm rớm nghẹn ngào nói với bà mẹ - sản phụ còn tái nhợt sau ca sinh mổ, rằng cảm ơn em đã chịu đau vì cha con anh, tôi tin rằng gia đình ấy sẽ hạnh phúc lâu bền. Một người biết ơn, nói lời cảm ơn thật chân thành với người đầu gối tay ấp đã chịu đau đớn, nặng nhọc suốt thai kỳ, sẵn sàng chịu hiểm nguy sẽ biết trân trọng, nâng niu và giữ gìn cuộc sống gia đình.

Nhưng những trường hợp nói lời cảm ơn xúc động như anh chồng kia không nhiều. Thực tế, có những cặp đôi coi nhau như bạn thân, điều gì cũng chia sẻ cởi mở, rất tin cậy và yêu thương nhau nhưng nếu ta hỏi có cảm ơn/xin lỗi nhau bao giờ không, có thể họ sẽ trả lời ngay là không, bởi “vợ chồng sao phải khách sáo màu mè như với người dưng thế”.

Có cô vợ còn nói vui: “Biết ơn hay biết lỗi thì cứ hành động cụ thể, cứ ting ting với con số thật lớn vào, không cần nhiều lời cảm ơn chồng yêu, vợ yêu, nghe chỉ vui tai trên tiểu phẩm hài thôi. Chồng hay vợ cứ không giữ riêng đồng nào, không quỹ đen quỹ đỏ, tất tật minh bạch nộp cho ngân sách gia đình là thể hiện sự chân thành, là yêu nhau nhất”.

Những cặp đôi này đề cao sự chăm sóc ân cần, quan tâm đến nhau bằng hành động. Họ cũng sẵn sàng bỏ qua, không chấp nhất nhau lời ăn tiếng nói, không “ghim” những lỗi tỉ mẩn của người kia (lỗi nhỏ không chấp nhưng lỗi to như ngoại tình, dối trá thì tuyệt nhiên đừng mắc, vì mắc là thôi xong - ngay và luôn!).

Thoạt nhìn, tưởng chừng họ không ngọt ngào nhưng thực tế thì cuộc sống của những gia đình ấy rất gắn bó và hạnh phúc, không giận hờn kịch tính, luôn vui vẻ, thoải mái vì họ có nguyên tắc riêng: đã yêu thì cần gì phải nói, quan trọng là hiểu nhau, nhường nhịn và biết nghĩ cho nhau.

Nhớ trong một truyện vừa của nhà văn Ma Văn Kháng, có nhân vật mô tả về tình yêu của cha mẹ mình, rằng mẹ anh luôn là người ủi những chiếc áo sơ mi thẳng thớm cho chồng và cắt móng tay cho ông. Bà không coi đó là việc nhà hay chăm sóc cá nhân, cứ làm giúp khiến chồng ỷ lại mà đó chính là cách thể hiện sự chăm sóc, yêu thương, âu yếm chỉ mình bà được phép làm. Cả cuộc đời thật dài, ông bà chưa bao giờ nói yêu nhau nhưng sau khi bà mất, ông ngơ ngác rất lâu và không thể sống tiếp. Tình yêu, sự gắn bó khiến họ trở thành một phần của nhau, không thể tách rời mà không cần xác tín bằng lời.

Nói yêu nhau mỗi ngày, có... bị hâm không?

Trong chuyến du lịch, khi tôi chỉ tấm poster To do list trong nhà sách, trên đó liệt kê mười mấy điều phải làm và bảo người đồng hành: “Đấy, việc đầu tiên là Say I love you everyday (tạm dịch: Nói yêu nhau mỗi ngày), sao các anh không thực hiện được nhỉ? Có gì khó khăn đâu, chỉ là nói thôi mà!” thì nhận được ngay câu trả lời: “Đọc cho hết đi kìa, Dance in the rain (tạm dịch: Nhảy múa trong mưa) được xếp thứ 10 - tự nhiên thấy một người nhảy múa trong mưa, em thấy họ có bình thường không? Thế là đủ hiểu tính triết lý và khái quát của những việc này thế nào rồi. Ngôn ngữ đơn giản dễ hiểu là: Nói yêu nhau mỗi ngày nếu xét theo cấp độ hâm thì trên Nhảy múa trong mưa đến 10 bậc đấy em ạ!”.

Đàn ông (và cả phụ nữ) khôn ngoan còn dùng câu “Anh yêu em” (hoặc “Em yêu anh”) thay cho lời xin lỗi. Tuy hiệu quả tùy thuộc mức độ chân thành được đánh giá bởi người kia nhưng nói chung cứ như thần chú, khi nói câu này thật chân thành, chắc chắn như một kiểu ám thị, cuối cùng thế nào cả hai cũng sẽ tin hoặc cố mà tin.

Thực tế phổ biến: những lời yêu thương có cánh còn bị nghi ngờ “chót lưỡi đầu môi”, yêu thương thật lòng chẳng ai nói ra miệng, gần gũi quá rồi thì mọi giao tiếp sẽ lược bỏ bớt kính ngữ, không cần nhắc yêu, thương. Quan niệm ấy tồn tại ở rất nhiều người. Với nhiều gia đình, sự bỗ bã, đơn giản còn được đánh đồng với sự thân mật, gần gũi.

Dễ hơn “Anh yêu em” là những lời âu yếm, dịu dàng. Ngại nói hay gửi tin nhắn thoại thì có thể nhắn tin nhưng kiểu ghi vài cái giấy note yêu yêu hài hước vẽ thêm trái tim, ngoáy thêm cái mặt cười hạnh phúc thì đa phần là tác phẩm các cô cậu thế hệ Z hay gửi cho nhau, chứ phụ huynh của các cô cậu cũng ngại vì “đã là vợ chồng đâu cần sến vậy”. Hài hước hơn nữa, có người nhận tin nhắn âu yếm thì còn lo lắng: hay điện thoại - Facebook của chồng/vợ mình đã bị hack rồi!

Thậm chí, đa số các cặp vợ chồng (nhất là đã có với nhau vài mặt con) đều không có thời gian, không gian để nói với nhau câu này. Năm tháng trôi qua, sẽ không ít anh, chị tán đồng với câu trả lời “Hâm à” khi được hỏi có nói yêu nhau mỗi ngày không, hệt như anh bạn tôi!

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tỉ tê với bạn đời

Khi còn đang ở thời gian trồng cây si, thấy bạn gái buồn, bạn trai sẽ cố gắng an ủi, nhắn tin, gặng hỏi “Em có ổn không?”. Anh nào tin câu trả lời “Dạ không sao” là không sao thật, rất có thể bị quay vào ô mất lượt.

Ở một diễn biến khác thường gặp, sau khi kết hôn, một ngày xấu trời thấy mặt vợ yêu đột nhiên nặng ra như cái bánh bao chiều, các ông chồng một là tặc lưỡi “sáng nắng chiều mưa, hai là sẽ hỏi “Sao thế” rồi thản nhiên xỏ giày đi thể thao, đi uống bia với bạn.

Hiếm có ông chồng quốc dân may mắn nào thuộc dạng thứ ba, tỉ tê kiên nhẫn gặng hỏi cho đến khi khuôn miệng xinh đẹp của vợ chịu xả ra biết bao là ấm ức: “Sếp không cho giải trình, đồng nghiệp không thông cảm, khách hàng chèn ép, công việc đã căng thẳng như thế lại còn thấy tin nhắn của cô giáo nhắc nhở con chưa đóng học phí, lên lớp toàn ngủ gật, đúng lúc đó thì lại thấy anh chở cô nào mặc váy chạy vèo qua ngã tư, hỏi sao không uất ức muốn điên lên”.

Ta nói anh chồng này thật may mắn bởi vì khi cô vợ đã thổ lộ hết những tâm tư nặng trĩu trong lòng, pha thêm nước mắt thì hầu hết mọi chuyện sẽ được xử lý êm thấm, hòa bình lại được thiết lập. Nhưng suy cho cùng, kết thúc có hậu là bởi anh đã “hỏi thăm tình hình” của vợ bằng những lời yêu thương, an ủi chân thành. Nếu hỏi mà không nói, không hỏi càng không nói, “hãy tự biết”, thì biết đến khi nào uẩn khúc mới được sáng tỏ, nút thắt mới được gỡ rối để ấm áp hòa thuận yêu thương lại quay về?

Đời sống ngoài kia đã quá nhiều áp lực, đủ cả căng thẳng, phũ phàng, tại sao về đến nhà, với những người yêu thương, ta không nhẹ nhàng một chút, ngọt ngào một chút, cởi mở một chút?

Dù văn hóa của mỗi gia đình có khác nhau (có gia đình mọi thành viên đều muốn độc lập, bình đẳng; ngược lại, nhiều gia đình có khuynh hướng luôn bảo bọc, gắn kết chặt chẽ nhiều thế hệ, mua nhà cũng ở gần), bản tính người này cởi mở hay khép kín, người kia khô khan lạnh lùng hay mẫn cảm, yếu đuối… thì vẫn có thể hòa hợp nếu bạn muốn kết nối với nửa còn lại bằng những cảm xúc chân thành xuất phát từ trái tim.

Lời yêu thương, nói thật, chẳng khi nào thừa.

Lê Lan Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI