Yêu thương nối dài

20/02/2015 - 06:13

PNO - PN - Mẹ chị có một giấc mơ kỳ lạ, luôn trở đi trở lại. Đó là mơ thấy ngày bà vẫn còn xuân trẻ, dắt chị và Bí Ngô (đứa cháu ngoại của bà sau này) đi lang thang ở một vùng đất không tồn tại trong hiện thực. Rồi họ lạc nhau...

edf40wrjww2tblPage:Content

“Đó là kiếp trước! Rồi Trời Phật thương xót chúng ta, lại cho mẹ con bà cháu sum họp kiếp này dưới một mái nhà”. Mẹ luôn lấy chữ Duyên và chuyện nhân quả của nhà Phật ra để lý giải cho giấc mơ mà bà nghĩ rằng “tiền kiếp quay về”. Chị không dám chắc lắm, nhưng cũng đinh ninh niềm tin là một sợi dây nối dài, không thể có nút buộc khác, khăng khít như cùng một thân thể chia ra. Chị cảm tạ số phận biết bao, vì đã cho chị một cuộc đời được làm con của mẹ, và được sinh ra đứa bé mà chị yêu đến thắt lòng từng sợi tóc, từng mẩu móng tay của nó.

Bà ngoại

Bà ngoại năm nay gần 70, hàng tối vẫn hỏi ông ngoại: “Thế ông đã rửa mặt, rửa chân chưa mà đi ngủ?”. Ông hấm hứ ra chừng khó chịu “Bà không tin tôi à”, nhưng trốn rửa chân được bữa nào là ông đắc ý lắm. Sáng nào bà cũng lằn nhằn, “Lại quên uống thuốc bổ rồi, ông tự nhớ giùm tôi với”. Và ông bèn đi uống thuốc, vẫn vẻ lừng khừng khó chịu “nói nhiều quá!”. Bọn con cái cười mệt nghỉ vì kiểu quan tâm và xích mích vụn của người già, nhưng chúng biết chẳng thể thay đổi được gì. Việc của bà hàng chục năm nay là chăm chút để ý chồng con, và ông dường như cố tình tỏ ra biếng lười, để bà có cớ mà nhắc mà phiền. Điều phiền nhắc ấy làm bà bận rộn và hoạt bát, nếu không có nó bà hẳn sẽ buồn lắm.

Bà ngoại hẳn được cụ ngoại dạy kỹ về lề lối của đàn bà con gái. Chăm chỉ lam làm, tận tụy kỹ lưỡng trong từng việc, vun vén cửa nhà, hy sinh vì chồng vì con đến mức chẳng còn nhìn đến mình - công thức của phụ nữ truyền thống chẳng ở đâu xa, cứ nhìn bà ngoại là thấy hết. Chặng đường học hành 12 năm phổ thông của mỗi đứa con, là từng ấy năm bà ngoại thức khuya dậy sớm. Nhà ở xóm núi heo hút, bà tìm thầy giỏi cho con ngoài thành phố. Cây đèn bão leo lét trên tay, bà đứng dựa bên cái xe đạp cũ đợi đón con ở đầu đường vắng dẫn về xóm nhỏ, hình ảnh đó quen thuộc suốt chục năm trời với người trong vùng. Nhờ giời thế nào mà bọn con cũng tới được những kỳ thi học sinh giỏi của quốc gia. Những đêm dài đợi con học, bà bỏ quần áo ra giặt hoặc tẩn mẩn dọn nhà.

Yeu thuong noi dai
 

Bà ngoại dắt con gái bước vào thế giới lung linh và kỳ diệu của cổ tích qua những câu chuyện kể hàng đêm. Bà ngoại thích trồng cây xanh, nuôi chó mèo chim chóc - “Cây cối và con vật là bạn của chúng ta, con nhé. Tất cả đều chung một bà mẹ Tự Nhiên, con đừng bao giờ hủy hoại hay làm đau chúng chỉ vì mình buồn tay, hoặc không vì mục đích nào chính đáng”. Đi trên đường gặp cành cây rơi, viên đá chắn, cái hố sâu… bà ngoại luôn dừng xe thu xếp quang quẻ rồi mới đi tiếp, “Mình không vấp, nhưng lỡ người đi sau không nhìn thấy, họ bị ngã thì tội nghiệp”.

Trong ký ức của đám con khi nhớ về bà ngoại, có rất nhiều xót xa khi láng máng nhận ra rằng: hình như bà ngay cả ốm cũng không dám, chưa từng một ngày hưởng thụ, chưa từng một ngày sống vì bản thân. Nhiều khi con gái tức giận trong bất lực. “Sao mẹ không sống cho mình nhiều hơn? Con biết làm sao khi tình yêu hay lòng biết ơn của chúng con đều không thể trả lại cho mẹ thời xuân trẻ…”.

Con gái

18 tuổi chị xa nhà để học đại học. Lần đầu tiên dứt mẹ, như một hài nhi bất an và bơ vơ khi bị cai sữa - chị rấm rứt khóc hàng đêm, trong suốt hai tháng. Xa mẹ, chị vừa lớn vừa ngơ ngác vấp ngã, vỡ mộng khi cuộc sống thật ít ngọt ngào và hiếm tin yêu. Có lúc chị quay về trách móc, “Tại mẹ bảo bọc con trong tủ kính lâu quá, để giờ con khó thích nghi với ngoài kia!”. Rồi vòng tay mẹ không với tới thế giới của chị nữa. Chị loay hoay giữa yêu thương và đổ vỡ, tin cậy và hoài nghi, kiêu hãnh và mặc cảm, là mình và biến màu… Có lúc chị đau khổ và làm tan nát người khác. Cũng có lúc chị đầy tràn biết ơn và làm sáng bừng một đoạn đời của ai đó. Thỉnh thoảng, chị kiệt sức và thấy thù địch con người. Chị lê về nhà để nằm im như một con sâu cuốn trong kén ấm, dưỡng thương trong sự vỗ về dịu dàng của mẹ. Để rồi khi tươi tỉnh trở lại chị sẽ ra đi.

Yeu thuong noi dai
 

Chị không muốn giống mẹ, để được làm một người đàn bà biết yêu mình. Nhưng như thể hai nút buộc giống nhau trên một sợi dây, chị vô thức cặm cụi bước chân vào con đường mẹ đã đi. Từ khi có con, chị không có một đêm tròn giấc, ngay cả khi ngủ cũng canh cánh lo con ướt mồ hôi lưng hay tốc áo lạnh bụng. Con sốt ho quấy khóc hàng đêm như lá héo trên vai, chị không nỡ rời cái bíu tay non nớt mong manh ấy sang ai khác trong gia đình. Trẻ con khoanh vùng sở thích và sở hữu rất nhanh, sáu tháng tuổi con bé kiên quyết tuyệt thực không bú bình cho đến khi mẹ về đến nhà, chín tháng tuổi nó ngậm chặt miệng trước mọi bát bột không phải là mẹ nấu, hai tuổi nó ngọng nghịu khẳng định với uy lực của kẻ ban phát yêu thương: “Chỉ mẹ mới được quyền lấy bô cho em thôi!”. Chị láng máng vỡ ra trong đầu, hình như ngày xưa bà ngoại đã tự nguyện trói mình trong các chức phận - cũng vì những ràng buộc âu yếm đến rụng tim “chỉ mẹ mới được quyền…” như thế chăng?

Hạnh phúc là gì? Gần 40 tuổi chị vẫn không tìm được công thức của nó, chị chỉ tìm được cảm giác về sự ấm áp và hài lòng. Hình như, những gì vừa vặn với mình - thì điều ấy sẽ là hạnh phúc. Nó có thể chỉ là mỗi sáng mai thức dậy, một vòng tay bé nhỏ quấn quanh cổ chị và nụ cười ngọt lịm như kẹo dâu chào ngày mới: “Mẹ, đêm qua con mơ thấy bọn ta nuôi một con khủng long và một chú voi. Cả hai con ấy đều đi lại thật nhẹ nhàng để không làm vỡ ngôi nhà chúng mình”.

Chị khám phá lại thế giới cùng con. Ở không gian vô ngần trong trẻo ấy, chị đã biết việc cứu chú kiến nhỏ hoàn toàn là một điều nghiêm túc, con mèo cũng biết đau buồn nếu không được vuốt ve, và những khóm cây kia tươi lên không hẳn vì nước mà vì có người ngày ngày nhớ đến và chăm sóc chúng… Đôi khi, chị thấy ẩn hiện trong hình hài ngây thơ bé bỏng ấy có bóng dáng bà ngoại ở sự tận tụy hết lòng, cái dễ khóc dễ tủi thân, cái sẵn sàng rủ lòng thương dù là cụm cỏ; và chị soi thấy cả những nồng nhiệt và thất thường, đãng trí và viển vông, điên khùng và kì dị của chính mình… Chị cứ nhoi nhói một niềm âu yếm xen lẫn xót xa mơ hồ, chẳng lẽ đó là định dạng của chuỗi ADN?

Cháu ngoại

“Mẹ có yêu mùi thối của con không?”. Nó ngồi bô, tần ngần hỏi. Rồi nó nói thêm, chắc chắn: “Mùi thối CỦA CON, mẹ ạ! Nó trong bụng con, chứ không phải ở bụng khác!”. Bí Ngô bé bỏng ơi, mẹ thương cả nốt muỗi đốt, cả bắp chân lấm bụi buổi chiều về, cả bê bết mồ hôi chua khét, cả vết đái dầm khai khai trong chăn, cả nước miếng loang buổi sáng trên cái gối nhỏ, cả những nức nở ban đêm khi mớ ngủ... nữa chứ!

Ngày Bí Ngô bốn tuổi, nó ngọng nghịu tỏ bày: “Con yêu mẹ bằng kiến!”. Chị hơi thất vọng, “Ồ lạ thế. Tưởng con yêu mẹ bằng trái đất?”. “Trái đất ít lắm, con vừa đếm một cái đã hết. Con đếm mãi đếm mãi vẫn chưa hết kiến, đếm mãi vẫn còn yêu mẹ!”. Chỉ có trái tim trong veo và thơ ngây của trẻ thơ mới có thể diễn tả tình yêu theo cách phong phú và cụ thể, cận gần và ấm áp như thế.

Bí Ngô được nghe kể rằng mỗi người đều mang một trái tim, người tốt trái tim sẽ tốt, kẻ độc ác có trái tim xấu. Nó rất thích áp đầu vào ngực bố mẹ, sau đó hài lòng khẳng định: “Con nghe thấy tiếng trái tim bố mẹ đập tốt lắm đấy”. Một hôm, Bí Ngô rất hư. Hư đến nỗi nó bị trừng phạt là tạm thời mẹ không muốn ở cạnh nó, nó phải nằm một mình và suy nghĩ về lỗi của mình. Tuyên bố xong, chị bỏ sang phòng khác. Bí Ngô khóc lóc van nài mẹ quay lại yêu nó, nhưng không ăn thua. Nó cứ thổn thức mãi không thôi, cho đến lúc những cơn thổn thức của nó tới mức không thể dừng lại được nữa, nó tự vòng tay ôm lấy ngực mình và run lẩy bẩy.

Yeu thuong noi dai

Chị không cầm lòng được, đã quay lại ôm nó vào lòng mà dỗ dành. Nó chúi đầu vào ngực mẹ, ư ử hức hức như con chó con. Rồi nó xin: “Cho con sờ em bú tí để con hết nước mắt”, là nó muốn được chạm vào ngực mẹ để bình tĩnh lại mà nín khóc - nhưng nó chẳng biết diễn đạt thế nào hơn. Sau khi được dùng một liều “thuốc an thần”, Bí Ngô lại cười hớn hở. Nó thỏ thẻ: “Mẹ có biết không, lúc nãy trái tim con khóc đấy. Trái tim con bị đau vì mẹ không yêu con nữa. Nhưng bây giờ trái tim con cười vui rồi, mẹ nghe này…”. Rồi nó căng người, áp lồng ngực bé xíu vào tai mẹ.

Ôi chị nghe thấy tiếng trái tim nó đập thình thịch rộn rã như tiếng vó của một chú ngựa non. Nó có biết rằng từ khi có nó, trái tim chị không còn đau buồn nữa, chỉ cần được ôm hình hài bé bỏng của nó trong tay, là chị hết sạch nước mắt. Nhìn Bí Ngô khôn lớn từng ngày, chị âm thầm thấm thía. Bà ngoại có thể chưa từng thư thả an nhàn, chưa từng một ngày sống cho bản thân, nhưng bà ngoại đã không cay đắng gì về đời mình như chị từng áy náy mặc cảm. Làm sao có thể cay đắng khi được thấy thương yêu nối dài, và cái mầm cây của đời mình vươn xanh biết bao đẹp đẽ… Trong ký ức của đám con khi nhớ về bà ngoại, có rất nhiều xót xa khi láng máng nhận ra rằng: hình như bà ngay cả ốm cũng không dám, chưa từng một ngày hưởng thụ, chưa từng một ngày sống vì bản thân.

Chị không muốn giống mẹ, để được làm một người đàn bà biết yêu mình. Nhưng như thể hai nút buộc giống nhau trên một sợi dây, chị vô thức cặm cụi bước chân vào con đường mẹ đã đi. Từ khi có con, chị không có một đêm tròn giấc, ngay cả khi ngủ cũng canh cánh lo con ướt mồ hôi lưng hay tốc áo lạnh bụng. Con sốt ho quấy khóc hàng đêm như lá héo trên vai, chị không nỡ rời cái bíu tay non nớt mong manh ấy sang ai khác trong gia đình.

AN KHÁNH

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI